Trích ý kiến của ĐBQH Trần Văn Tấn – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Tư 15:44 01-11-2006

Kính thưa Chủ toạ kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật quản lý Thuế của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi còn quan tâm ở những điều cụ thể như sau:

Một, về nội dung quản lý thuế được quy định tại Điều 3. Tôi đề nghị bổ sung đối tượng không thể thiếu trong quản lý thuế là cán bộ công chức thuế. Vì dự án luật chỉ nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Cũng cần đề cập đến cán bộ công chức quản lý thuế như đại biểu Hữu Hậu đã có ý kiến.

Thứ hai, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia quản lý thuế được quy định tại Điều 13. Tôi cho rằng việc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia quản lý thuế như tiêu đề này là chưa rõ chức năng của các tổ chức này. Vì các tổ chức này chỉ có thể vận động, giám sát trong việc thu, nộp thuế. Do đó tôi đề nghị thiết kế lại tiêu đề và kết hợp Khoản 1, Khoản 2, Điều 13 với nội dung cụ thể như sau: Điều 13: "Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia vận động và giám sát quản lý thuế" và Khoản 1 "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức, động viên nhân dân, giáo dục hội viên, nghiêm chỉnh thi hành và giám sát việc thực hiện pháp luật thuế".

Ý kiến thứ ba, về hồ sơ đăng ký thuế được quy định tại Điều 22. Tại Điểm b Khoản 2 Điều 22 về Hồ sơ đăng ký thuế đối với tổ chức, cá nhân không kinh doanh, bao gồm: bản sao quyết định thành lập hoặc quyết định đầu tư đối với tổ chức, bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân", nhưng tại Điểm d Khoản 2 Điều 25 về giấy chứng nhận đăng ký thuế chỉ có quy định quyết định thành lập đối với tổ chức không kinh doanh hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu đối với cá nhân không kinh doanh. Như vậy, quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 25 là chưa chính xác, thiếu quyết định đầu tư đối với tổ chức và không có số chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân không kinh doanh. Vì vậy, để chính xác các quy định tôi đề nghị chỉnh sửa Điểm d, Khoản 2, Điều 25 như sau: "Số quyết định thành lập hoặc số quyết định đầu tư đối với toàn tổ chức không kinh doanh, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu hoặc số chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân không kinh doanh, để đảm bảo tính thống nhất giữa quy định ở các điều trong cùng một dự án luật"

Ý kiến thứ tư, về nộp hồ sơ khai thuế được quy định tại Điều 58, nộp hồ sơ hoàn thuế tại Điều 54, nộp và tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được quy định tại Khoản 3, Điều 62. Tôi đồng ý dự án luật quy định theo hướng có sự phân biệt đối với người nộp hồ sơ trực tiếp và người nộp hồ sơ qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử. Nhưng tôi không đồng ý quy định theo hướng 3 hình thức nộp hồ sơ chưa đầy đủ đều xử lý giống nhau là trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.

Tôi đề nghị các điều nêu trên cần có phân biệt cách xử lý để tạo thuận lợi, tránh phiền hà cho người dân như sau: Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp hồ sơ, kể cả khai thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế. Trong này đối với trường hợp trực tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, hoặc thông qua giao dịch điện tử.

Ý kiến thứ năm, về xử lý tiền thuế nộp thừa được quy định tại Điều 46. Dự thảo luật quy định: người nộp thuế có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp đối với từng loại thuế thì được trừ vào tiền thuế phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo, hoặc được hoàn số thuế chênh lệch đã nộp, quy định như vậy là chưa đảm bảo sự công bằng, vì dự án luật có quy định thời hạn nộp thuế, nhưng không quy định rõ thời gian hoàn thuế. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ thời gian thực hiện hoàn thuế tại Điều 46, cụ thể như sau: trường hợp người nộp thuế yêu cầu hoàn thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện hoàn lại số thuế chênh lệch trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có đơn yêu cầu.

Thứ sáu, về các trường hợp thanh tra thuế được quy định tại Điều 49, tôi đề nghị thiết kế điều này thành hai khoản như sau:

Khoản 1, thanh tra đột xuất gồm 3 điểm.

a. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.

b. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo.

c. Có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 2, thanh tra định kỳ như Dự thảo.

Bảy, về trưng cầu giám định tại các Điều 86, 89, 90 có quy định trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, điều tra và quy định các biện pháp áp dụng trong điều tra, trốn thuế gian lận thuế được phép trưng cầu giám định. Đề nghị Dự án luật cần quy định cụ thể ai chịu chi phí giám định cơ sở pháp lý kết quả giám định.

Tám, biện pháp cưỡng chế, thi hành quyết định hành chính thuế được quy định tại Điều 94, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1 điều này một điểm quy định điều chỉnh sử dụng hoá đơn do Bộ tài chính phát hành và hoá đơn do đơn vị tự in.

Chín, kỹ thuật văn bản, tôi đề nghị tên chương trong Dự án luật sử dụng số La mã để phù hợp với các luật mà Quốc hội đã thông qua. Nếu ý kiến này được chấp nhận, tôi đề nghị xem xét lại Điều 62, Điều 99 chỉnh sửa cho phù hợp.

Các văn bản liên quan