Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Bắc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật

Thứ Ba 15:29 15-08-2006

Kính thưa Đoàn Chủ tọa. Thưa các vị đại biểu.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, tôi xin được tham gia hai vấn đề.
Vấn đề thứ nhất, tôi xin tham gia Điều 18, đại lý thuế. Về chế định đại lý thuế ở Điều 18, tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên cả Dự thảo Luật này mà chỉ quy định ở Điều 18 không ở phần chung thì tôi thấy còn băn khoăn. Bởi vì Điều 18 này có những vấn đề mà nó chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như nó chưa cụ thể và tôi xin phân tích những vấn đề mà nó chưa đảm bảo tính thống nhất.
Thứ nhất, ở Khoản 1, Điều 18, ở đây có quy định đại lý thuế là tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật và thay mặt người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế. Riêng quy định là họ có được phép tư vấn pháp luật, thì ở đây tôi rất băn khoăn. Vì tư vấn pháp luật có liên quan đến Luật Luật sư. Nếu mà mình quy định như thế này nó sẽ không đảm bảo tính thống nhất đối với Luật Luật sư. Vì trong Luật Luật sư đã có quy định riêng về tư vấn pháp luật phải là luật sư và một loạt những điều quy định theo, là anh phải mua bảo hiểm, phải bồi thường nghĩa vụ của tư vấn pháp luật. Cho nên, nếu như quy định cho tổ chức này họ làm dich dụ tư vấn pháp luật, thì ở đây tôi nghĩ phải thể hiện đảm bảo làm sao cho nó thống nhất với Luật luật sư, nếu chỉ quy định như thế này, tôi e rằng nó sẽ không đảm bảo tính thống nhất với Luật luật sư. Cho nên, tôi đề nghị Ban soạn thảo có chỉnh lý để làm sao nó đảm bảo thống nhất với Luật luật sư. Đấy là ý thứ nhất của Điều 18.
Vấn đề thứ hai ở Điều 18 này, tôi thấy ở Khoản 4, Khoản 5, Điểm b chỉ quy định là Bộ Tài chính quy định việc cấp thu hồi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và quản lý hoạt động đại lý thuế, ở đây nó mới là cấp chứng chỉ thôi, còn thủ tục, điều kiện để có được thành lập và hoạt động của tổ chức này như thế nào, thì tôi thấy vẫn rất là ít. Tôi tán thành với rất nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi, tôi đề nghị cần thiết phải bổ sung thêm một số những điều ở phần cụ thể về đại lý thuế này và quy định rất chặt về việc cấp phép thành lập hoặc cấp phép hoạt động. Rồi thủ tục cấp như thế nào, điều kiện để được hoạt động như thế nào.v.v..hoạt động theo mô hình gì, công ty trách nhiệm hữu hạn hay là công ty hợp danh.v.v...Theo Luật Doanh nghiệp thì chúng tôi đề nghị cần phải quy định rất cụ thể đối với đại lý thuế này và không chỉ ở Điều 18, mà ở phần chung, tôi đề nghị cần phải quy định ở một số điều ở phần cụ thể. Đấy là vấn đề thứ nhất tôi xin tham gia.
Vấn đề thứ hai, vấn đề điều tra trốn thuế và gian lận thuế từ Điều 84 đến Điều 92. Vấn đề này nhiều đại biểu đã phát biểu. Quan điểm của tôi ủng hộ việc điều tra trốn thuế và gian lận thuế. Ở chương này tôi thấy Ban soạn thảo, cơ quan hữu quan đã cố gắng tiếp thu ý kiến của đại biểu và đã có chỉnh lý khá cụ thể về phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục. Tuy nhiên, tôi thấy cần tiếp tục hoàn thiện, nếu chỉ quy định như thế này thì có những vấn đề không đảm bảo thống nhất và nó chưa mạch lạc với các pháp luật hiện hành.
Ví dụ, Điều 84, nếu quy định như thế này nó sẽ không phân biệt được giữa cơ quan điều tra hình sự, kể cả điều tra của hải quan trong vấn đề thuế, thuế xuất khẩu, nhập khẩu chẳng hạn. Cho nên tôi đề nghị trong Điều 84, chỉnh sửa để làm sao nó phân biệt được và nó không chồng chéo giữa 3 cơ quan, cơ quan điều tra hình sự về thuế, hải quan điều tra, trong đó có thuế hải quan, rồi cơ quan điều tra trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan thuế này. Với tinh thần đó, tôi đề nghị phải chỉnh sửa Điều 84 là phạm vi chỉ điều tra những hành vi vi phạm thôi. Tức là những hành vi vi phạm về trốn thuế và gian lận thuế thôi, những hành vi vi phạm này nó thể hiện chưa đến mức là tội phạm, còn nếu khi đến mức tội phạm rồi thì theo tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự là phải là cơ quan điều tra chuyên trách, chứ không thể điều tra này mà do cơ quan thuế điều tra được. Cũng phải có những quy định ở đây để phân biệt giữa phạm vi của cơ quan điều tra của cơ quan hải quan, trong đó đã có thuế và cơ quan điều tra này. Tôi đề nghị Điều 84 phải chỉnh sửa làm sao cho nó rõ như vậy.
Vấn đề thứ hai, ở Điều 84 này cũng đã có phạm vi là việc trốn thuế và gian lý thuế có tổ chức liên quan đến cá nhân trong và ngoài nước, nói đến cá nhân trong nước và ngoài nước này, cũng cần phải cân nhắc để nó làm sao phân biệt với điều tra của hải quan. Tôi đề nghị Điều 84 cần phân biệt, tôi thống nhất với ý kiến đây không phải là điều tra hình sự, mà điều tra mang tính hành chính thôi nhưng mà điều tra mang tính hành chính thì cũng phải phân biệt với phạm vi ở mức hành chính chứ không phải đến mức hình sự là anh không được điều tra nữa, mặc dù nó liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Hoặc như nếu là phạm vi của hải quan thì cơ quan này cũng không được điều tra. Đấy là Điều 84 tôi đề nghị chỉnh lý như vậy.
Tôi xin tranh luận với một số đại biểu nói rằng, đây đã quy định rất là rõ rồi vì đây nó là hành chính, nhưng xin báo cáo với Hội nghị là trong Bộ luật hình sự cũng quy định rất rõ là có tội phạm về trốn thuế. Nếu mình phải quy định rằng là điều tra trốn thuế, gian lận thuế, ở đây là hình sự hay hành chính? nói quy định như thế này đã đủ rồi và đã phân biệt được với hình sự thì tôi e là cũng chưa hẳn như vậy. Vấn đề thứ hai trong mục này, tôi đề nghị cần chỉnh lý tiếp để làm sao cho nó phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự. Ví dụ như Điều 93 xử lý kết quả, ở Khoản 2 của Điều 93 tức là đối tượng điều tra không chấp hành các quyết định v.v... thì cưỡng chế hoặc chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền như quy định của pháp luật. Ở đây báo cáo với Hội nghị trong Điều 26 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì quy định rất rõ là các cơ quan khi phát hiện các hành vi mà có dấu hiệu tội phạm, thì phải thông báo cho cơ quan điều tra, hình sự. Còn nếu phát hiện người có hành vi tội phạm thì phải có kiến nghị khởi tố và chuyển toàn bộ tài liệu cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát. Cho nên tôi đề nghị Khoản 2, Điều 93 cần phải bổ sung cho phù hợp với Điều 26 của Bộ luật tố tụng hình sự. Có nghĩa là trong quá trình anh làm khi mà anh phát hiện được tội phạm thì anh phải ngừng ngay để chuyển cho cơ quan điều tra kể cả hành vi đó có dấu hiệu tội phạm, kể cả người có hành vi tội phạm, thì phải chuyển ngay chứ không được tiếp tục điều tra. Vấn đề về xử lý kết quả điều tra ở Điều 93 tôi cũng đề nghị cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự và cụ thể là Điều 26 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Các văn bản liên quan