Trích ý kiến của ĐBQH Đỗ Ngọc Quang – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Ba 15:13 15-08-2006
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có mấy ý kiến sau đây:
Trước tiên, ý kiến của riêng tôi, tôi không đồng ý với những ý kiến nào cho rằng không cần thiết phải tổ chức lực lượng điều tra ở trong cơ quan quản lý thuế và ở đây ngay trong bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu: Việc tổ chức cơ quan điều tra thuế này chỉ đối với những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế có tổ chức, móc ngoặc nhiều đơn vị với nhau, có nghĩa rằng việc này đã rõ rồi, trong trường hợp này chuyển ngay sang cơ quan điều tra mà cũng không cần phải điều tra ở cơ quan thuế để làm gì. Trong trường hợp chúng ta tổ chức lực lượng điều tra ở cơ quan quản lý thuế này vô cùng quan trọng, vì chúng ta biết rằng thuế là nguồn chủ yếu của ngân sách Nhà nước, Nhà nước muốn tồn tại được thì phải có ngân sách, mà ngân sách thì phụ thuộc vào hiệu quả về thu thuế. Chúng ta đã nhiều lần nói rằng thuế là nguồn chủ yếu bổ sung vào ngân sách Nhà nước ở đây. Cho nên, tầm quan trọng thứ nhất nó thể hiện ở chỗ thuế là như thế.
Thứ hai, việc trốn thuế, gian lận thuế xảy ra ở nước ta hàng năm là rất nhiều, mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Tôi nhớ năm 2004 cả năm chúng ta cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án nào về trốn thuế cả, mà trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tôi nhớ rằng cũng hơn 4.000 tỷ đồng rồi. Cho nên trong trường hợp này chúng ta thấy rằng nếu chúng ta mà không có tổ chức cưỡng chế một cách toàn diện thì tình trạng trốn thuế cũng liên tục xảy ra và đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Việc trốn thuế ở đây không chỉ là doanh nghiệp tư nhân, cả doanh nghiệp Nhà nước cũng trốn thuế, cho nên việc tiến hành điều tra ở đây là vô cùng quan trọng để đảm bảo cho việc truy tố và xét xử những tội phạm này.
Về nguyên nhân cơ bản thì có rất nhiều nguyên nhân, cũng có thể do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, nhất là cơ quan điều tra có thẩm quyền thì quá bận rất nhiều tội phạm mà không có đủ thời gian để tiến hành điều tra những tội phạm trốn thuế. Đồng thời chúng ta cũng thấy rằng cơ quan thuế là không có cơ quan điều tra, không có bộ phận nào điều tra, không có quyền, không có nghiệp vụ, không có thẩm quyền điều tra, cho nên cũng phát hiện một số vụ trốn thuế nhưng chuyển sang cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra lại không chấp nhận, cho nên cũng không điều tra được vụ nào cả. Vì vậy cần thiết có cơ quan có quyền tiến hành một số vụ điều tra ở đây và chúng ta cũng phải học tập các nước có nền kinh tế thị trường. Ngay trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cũng nêu rõ nước nào cũng có cơ quan điều tra về thuế, cả điều tra trinh sát, cả điều tra tố tụng, thậm chí họ có cả Tòa án để xét xử tội trốn thuế riêng. Chính vì điều này cho nên nghiên cứu toàn bộ Mục 4 của Chương X tôi thấy việc quy định cơ quan có thẩm quyền điều tra trong trốn thuế là cần thiết. Tuy nhiên khi nghiên cứu ở Mục 4, Chương X, tôi thấy có một số vấn đề mà quy định điều tra cũng không rõ điều tra gì cả, ở đây có phải điều tra tố tụng không? Hay đây chỉ là thanh tra một cách bình thường. Bởi vì giữa Mục 3 và Mục 4 thì tương tự nhau. Ví dụ ở Điều 81, Điều 90 cũng có điểm rất giống nhau về hành vi. Tôi lấy ví dụ như trưng cầu giám định, tạm đình chỉ, kiến nghị, ban hành xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo... Cả Điều 81, Điều 89 giống nhau.
Mặt khác ở trong Mục 4 có quy định không biết như thế nào, ở Điểm đ, Khoản 1, Điều 89 có quy định: "Được quyền áp dụng các phương án ngăn chặn". Ngăn chặn này là ngăn chặn nào? Ở đây có phải là ngăn chặn tố tụng hình sự hay không? Có quy định là Điểm đ, Khoản 1 ấy mà có quyền áp dụng các phương án ngăn chặn. Vậy phương án ngăn chặn này là ngăn chặn nào? Mà chỉ có biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự thôi.
Thứ hai ở đây là có giao cho mục này, ở trong Điều 86 có giao cho Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan có quyền. Một số hành vi này thì những quyền này theo tôi nghĩ rằng quy định ở đây nó không đầy đủ bằng những đối tượng này được điều chỉnh trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự , Điều 20 của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Trong Pháp lệnh này quy định đối với những người này có thẩm quyền rất rộng. Tôi lấy ví dụ có quyền khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai tạm giữ, bảo quản vật chứng, rất nhiều quyền rộng hơn.
Tại sao chúng ta theo Luật thuế này hay theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ở đây. Cho nên quy định ở trong này không rõ, không rõ phần quyền ở trong đối với cán bộ Hải quan những người có thẩm quyền ở trong cơ quan Hải quan này. Nếu so với Pháp lệnh thì Pháp lệnh rộng hơn nhiều, nhưng so với Luật này thì rất bó hẹp. Vì vậy ở đây theo ý kiến của tôi đề nghị nên xây dựng, trong luật này quy định trong cơ quan quản lý thuế được quyền xây dựng một lực lượng mà điều tra thuế tương tự như cơ quan được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, tương tự như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển. Đây là những cơ quan điều tra ban đầu, những cơ quan này là những cơ quan của quản lý, nhưng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước này thường xảy ra tội phạm cho nên phải có bộ phận để phản ứng ngay nếu phạm tội xảy ra, chỉ điều tra trong một thời gian rất ngắn thôi, sau đó chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền. Vì vậy, chúng ta nên giao cho cơ quan này là cơ quan được quyền tiến hành điều tra tương tự như Điều 20 của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đối với hải quan.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới sửa Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự liên quan đến việc bổ sung lực lượng mà điều tra chống tham nhũng, nhân cơ hội này, chúng ta bổ sung Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự các bộ phận điều tra của quản lý thuế vào là rất hợp lý.
Thứ ba, chúng ta xây dựng lực lượng điều tra quản lý thuế này có đủ sức mạnh, có đủ quyền để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất trong việc trốn thuế như tình trạng hiện nay. Chỉ khi như vậy, chúng ta mới có thể thu đảm bảo ngân sách Nhà nước. Tôi có một số kiến nghị như trên liên quan đến cơ quan điều tra trong lực lượng quản lý thuế

Các văn bản liên quan