Trích ý kiến ĐBQH Vũ Ngọc Cừ – Tỉnh Lào Cai

Thứ Ba 15:05 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Thưa toàn thể các đồng chí.
Tôi xin phép được tham gia một số ý kiến về Dự thảo Luật.
Thứ nhất về bố cục, tôi xin có 3 ý kiến như thế này. Một là Điều 1, về mục đích quản lý thuế, theo ý kiến của cá nhân tôi thấy cũng không cần thiết nêu vào trong luật này. Bởi vì nó không có chứa quy phạm pháp luật. Hai nữa là theo thông lệ chúng ta thấy Quốc hội cũng thông qua rất nhiều dự án luật, trong thời kỳ gần đây không đề cập đến việc nêu mục đích của luật, tôi thấy vấn đề thứ nhất như vậy.
Vấn đề thứ hai, ở Điều 4 về nội dung quản lý thuế, trong này nêu rất nhiều nhưng tôi thấy còn một nội dung nữa là nội dung thu thuế. Trong dự án luật cũng đã điều chỉnh nhưng trong nội dung quản lý thuế tại Điều 4 trong này có thống kê là đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế v.v.... Tôi nghĩ rằng cũng cần thiết phải ghi một nội dung là thu thuế, đây là trách nhiệm của các công chức thuế và các tổ chức, cơ quan thuế. Đề nghị nên thêm một nội dung nữa là vấn đề thu thuế để điều chỉnh trong Điều 4.
Vấn đề thứ ba là về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường tại Điều 10, trong này có quy định là giao cho Chính phủ quy định. Qua thực tế ở địa phương tôi thấy hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường nếu tốt thì góp phần rất tốt trong việc đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong việc xác định mức thuế cho các đối tượng phải nộp thuế, thực sự cũng có tác dụng giám sát công chức, cán bộ thuế và cơ quan thuế rất tốt. Ngược lại nếu như Hội đồng tư vấn thuế này mà hoạt động không tốt thì lại trở thành bình phong để bao che cho những tiêu cực của cán bộ thuế và của cơ quan thuế. Lần trước tại Hội trường tôi cũng đã phát biểu ý kiến, rất mong muốn Ban soạn thảo không nên giao cho Chính phủ quy định. Đề nghị có một số điều quy định về thành phần, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường là như thế nào được quy định ngay trong luật, không nên giao cho Chính phủ. Tôi nghĩ Chính phủ, Bộ Tài chính dự thảo để thông qua, nếu Bộ Tài chính dự thảo để thông qua mà có được hơn 400 ý kiến đại biểu tôi cho rằng có thể nó chính xác hơn so với các thành viên của Chính phủ. Về bố cục tôi xin tham gia 3 ý kiến như vậy.
Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia về Chương XII, khen thưởng và kỷ luật, đặc biệt là Mục 2, Mục 2 tôi thấy quy định như thế này rất chi tiết. Tôi thấy những chi tiết này vẫn nghiêng về quy định chi tiết xử phạt cho người phải nộp thuế là nhiều hơn, còn đối với công chức thuế và các cơ quan thuế chưa rõ lắm, vẫn còn chung chung. Tôi xin nêu mấy ví dụ như thế này:
Ví dụ chúng ta có Điều 106 là hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế, nhưng không có điều nào quy định về hành vi vi phạm pháp luật thuế của cán bộ công chức thuế một cách rất cụ thể, mà quy định rải rác và rất chung chung. Tôi nghĩ đã có điều quy định về hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế thì cũng nên có một điều hoặc một số điều quy định về những hành vi vi phạm pháp luật thuế của cán bộ, công chức thuế và của cơ quan thuế.
Đi vào chi tiết, ví dụ trong này có ghi các cơ quan thuế được quy định tại Điều 8, bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật, tức là tại Điều 8, Khoản 9. Vậy theo quy định của pháp luật là pháp luật nào, hay Điều 116, tức là quy định về xử lý vi phạm pháp luật đối với công chức, cán bộ thuế cũng có 4 khoản, nhưng đa phần Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 đều theo quy định của pháp luật cả, không biết là pháp luật nào. Tôi thấy như thế này rất chung chung và rất dễ dẫn đến việc chúng ta tuỳ tiện xử lý.
Báo cáo thật với các đồng chí tiêu cực hiện nay của cán bộ công chức thuế, công chức hải quan không phải là ít. Chúng ta có đi sâu vào tâm tư tình cảm, nắm bắt, người nộp thuế thì người ta vẫn nộp đầy đủ, nhưng tiền thuế lại chia năm xẻ bảy, nó không vào ngân sách Nhà nước. Đấy là xử lý đối với cán bộ công chức thuế. Ngược lại, tôi rất hoan nghênh việc quy định xử phạt đối với các hành vi của người vi phạm thì trong này quy định rất cụ thể. Ví dụ tại Điều 109, Khoản 1 quy định người nộp thuế có hành vi chậm nộp thuế so với thời hạn quy định v.v... thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Hay Điều 110 quy định rất cụ thể, tức là phải nộp đủ số thuế khai thiếu, số thuế được hoàn cao hơn so với số thuế quy định và bị xử phạt 10% số thuế khai thiếu, lại còn thêm "Chính phủ quy định chi tiết". Hay Điều 111 quy định người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số thuế theo quy định bị phạt từ 1-3 lần số trốn thuế, tôi cho là quy định chi tiết như thế này rất tốt, rất rõ ràng, rành mạch và để đảm bảo các đối tượng phải nộp thuế người ta cũng có sự giám sát lẫn nhau và kiểm tra lẫn nhau, đồng thời công chức thuế không thể tuỳ tiện được. Nhưng đối với cán bộ công chức thuế, tôi thấy nên quy định cụ thể như vậy. Ví dụ trong này có quy định anh phải nộp thuế sau 8 giờ, sau 8 giờ anh phải nộp tiền thuế vào kho bạc Nhà nước. Nhưng bây giờ sau 8 giờ không nộp thuế, chậm đấy thì anh nộp đủ hay như thế nào, có phạt thêm không? Hay ví dụ anh cưỡng chế thuế sai, anh ấn định mức thuế sai v.v... Những cái đó theo tôi thấy nên cụ thể hóa mà càng chi tiết thì càng rành mạch, càng rõ ràng, tránh tình trạng tùy tiện mà chúng ta xử lý thì có thể theo ý kiến cá nhân của những người có thẩm quyền, có thể như thế nó không công bằng hợp lý. Ý kiến cá nhân của tôi, tôi xin tham gia một số ý kiến như vậy

Các văn bản liên quan