Góp ý của ông Cao Bá Khoát – Công ty ALTYS

Thứ Hai 14:38 19-06-2006

Dự thảo Nghị định tương đối tốt, đã đề cập toàn diện vấn đề về đăng ký kinh doanh, nhìn chung là đã xác lập được địa vị pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng mặt tồn tại thì nó là chưa có bước đột phá mới về mặt tổ chức cơ quan đăng ký kinh doanh mà vẫn theo quy định cũ của những Nghị định trước đây.

Tại sao cơ quan đăng ký kinh doanh lại không thực hiện nhiệm vụ một cách đầy đủ trong suốt 6 năm vừa qua thực hiện Luật Doanh nghiệp? Vấn đề là phải đúc rút kinh nghiệm, nguyên nhân tại đâu để tìm cách khắc phục. Tôi cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ, tại sao? Vì lý do gì, thiếu quy định nào mà mặc dù có rất nhiều chỉ thị của Chính phủ, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn “nữa dơi, nữa chuột” như vậy? Mặc dù bây giờ đã có cố gắng thực hiện một số nhiệm vụ từ Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư đến cấp huyện, đã có đúc rút kinh nghiệm. Nhưng vấn đề ở đây phải có đánh giá đầy đủ tại sao 6 năm qua thực hiện Luật Doanh nghiệp mà cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn không giống ai cả. Không mang tính thị trường, rất nhiều vấn đề tồn tại mà chúng ta cần tìm ra để đưa vào Nghị định này.

Dự thảo Luật quy định đưa cơ quan đăng ký kinh doanh về Bộ Kế hoạch Đầu tư, rất nhiều chuyên gia, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại nhiều lần có ý kiến đưa về Bộ nào cho phù hợp hơn, cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc văn phòng Chính phủ hay là Bộ nào thì se quyết định địa vị pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh, tạo sức mạnh hoạt động tốt, quy định chỉ có Bộ Kế hoạch Đầu tư như vậy là chưa thoả đáng. Về cơ quan soạn thảo Nghị định không thấy có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Thương mại đây là những cơ quan rất nhiều lần lên tiếng về cơ quan đăng ký kinh doanh. Bây giờ đặt ở Toà án, Văn Phòng Chính phủ hay ở Bộ Thương mại, Bộ Tài Chính hay Bộ Kế hoạch Đầu tư. Phải lập luận tại sao lại đặt ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Cần giải trình rõ. Bộ Kế hoạch Đầu tư lâu nay không quan tâm đầy đủ đến cơ quan đăng ký kinh doanh, coi đây vấn đề không được chú ý, không có tiếng nói, cán bộ đăng ký kinh doanh họ thực thi thực thi Luật Doanh nghiệp nhưng lại không có cơ chế bảo vệ và họ thường xuyên bị lép vế, là người đứng mũi chịu sào, tiên phong trong thực thi Luật Doanh nghiệp nhưng họ luôn bị sức ép từ rất nhiều Sở, Bộ, Ban ngành khác. Như vậy tổng quan cần xem xét đặt cơ quan đăng ký kinh doanh ở đâu?

Thứ hai, cần có quy định dứt khoát về địa vị pháp lý của cơ quan này để nó hoạt động độc lập chứ không chịu sự chị đạo của “lệnh miệng” của các cơ quan. Cần có cơ chế để ngăn chặn “lệnh miệng” của cơ quan. Ví dụ Điều 3 Khoản 3 cần phải làm rõ vị trí pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh độc lập thực hiện Luật doanh nghiệp chứ không phải ai chỉ đạo. Trong nghị định này quy định cơ quan đăng ký kinh doanh chiụ sự chỉ đạo của UBND tỉnh như vậy dễ tạo sự can thiệp ngang trái, nếu vẫn còn tình trạng can thiệp như vậy thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn yếu ớt như hiện nay. Tại Khoản 3 Điều 3 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không ban hành quy định đăng ký kinh doanh nhưng ban hành các “lệnh miệng” thì cơ quan đăng ký kinh doanh có phải thực hiện theo không? Không làm thì chết. Cơ chế cơ quan đăng ký kinh doanh nên thuộc hệ thống dọc, là cơ quan độc lập, hành chính công thực hiện quyền nghĩa vụ đăng ký của công dân nhưng điều này rất khó vì Luật đã quy định cơ quan đăng ký kinh doanh không thuộc hệ thống dọc.

Điều 6. Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Điểm b: “Để đáp ứng nhu cầu…theo thứ tự” đây là một việc làm không đơn giản về mặt kỹ thuật. Vấn đề đặt ra là cơ quan đăng ký kinh doanh lại chuyển cho cơ quan cấp huyện đăng ký cho doanh nghiệp tư nhân, như vậy nảy sinh vấn đề kỹ thuật là hệ thống số về đăng ký kinh doanh thế nào? đóng dấu cơ quan cấp huyện mà có giá trị toàn quốc sẽ gây hiểu lầm, số giấy đăng ký kinh doanh là khó thực hiện. Cần nghiên cứu kỹ vấn đề này..

Tại điểm c khoản 3 có mâu thuẫn với khoản 4 Điều 6: Tại điểm c khoản 3 Điều 6 quy định: Khoản 3 quy định tất cả các huyện nhưng khoản 4 thì lại quy định “đối với những huyện không thành lập Phòng đăng ký kinh doanh”.

Tại khoản 5 Điều 6: Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh trực thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì vai trò của UBND tỉnh sẽ khác, mâu thuẫn với tỉnh thành lập, tỉnh thành lập thì phải có ý kiến hai Bộ, ở đây có sự lộn xộn giữa tư duy hệ thống dọc và tư duy hệ thống ngang. Vấn đề đặt ra là tổ chức đăng ký kinh doanh ở địa phương cho họ quyền tự chủ, tự động nhưng ở đây đều chịu sự chỉ huy của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nhưng nếu Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đặt ở Sở kế hoạch và Đầu tư thì nó sẽ rất thấp kém, nếu nó thành chi cục đăng ký kinh doanh thì khác, có thể uỷ ban nhân dân tỉnh vẫn chỉ đạo nhưng nếu nó nằm trong sở kế hoạch thì lại rất yếu, vấn đề đặt ra là cơ quan đăng ký kinh doanh có khả năng không thực hiện đúng theo Luật được vì bản thân nó chịu sự chỉ đạo ngang của các cơ quan ban ngành khác mà không có cách gì để tách bạch được.

Khoản 7 Điều 7: Khoản 3 Điều 13: Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm cuối cùng, vậy thì phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện, tỉnh hay ở Bộ, cần phải nói rõ đó là cơ quan nào?

Khoản 8 Điều 7: Cần quy định thêm trên tờ tin về đăng ký thay đổi, chi nhánh, văn phòng đại diện… chứ không chỉ quy định thành lập, giải thể,  phá sản và các trường hợp vi phạm.

Điều 8: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký cơ quan cấp tỉnh: nên bỏ khoản 2, trong tờ trình có nói nên bỏ điều này nhưng dự thảo Luật vẫn đưa vào? Điều 163 Luật Doanh nghiệp cũng yêu cầu điều này vì sẽ rất khó khăn cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Điều 9: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện: trong Dự thảo quy định giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp huyện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cấp cho doanh nghiệp tư nhân như vậy là không nên mà chỉ cần đưa doanh nghiệp tư nhân về chi nhánh của TP Hồ Chí Minh hoặc chi nhánh Hà Nội là có thể cấp cùng cấp, cùng tỉnh, cùng sêri số không lẫn lộn, đưa về nhiều huyện, huyện này đến huyện kia có được không? Rất phức tạp, chỉ cần cơ quan đăng ký kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội quy định thêm một chi nhánh nữa đăng ký thêm cho doanh nghiệp tư nhân, không cần đưa vào cấp huyện sẽ rất khó thực hiện.

Khoản 4 Điều 11: Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
Quy định không công bằng: “…trừ các trường hợp có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Chính Phủ trong trường hợp này cũng là một nhà đầu tư, một tư nhân, không thể quy định riêng cho Chính phủ được.

Khoản 3 Điều 11: Cần làm rõ khái niệm “…vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục…”Khái niệm này trừu tượng, Nghị định này cần giải thích để tránh áp dụng tuỳ tiện. Cần làm rõ quy định của Luật, cần phải giải thích chứ không phải nhắc lại Luật.

Điểm h Điều 12: Không được trùng tên riêng của doanh nghiệp. Quy định này rất nguy hiểm: Nếu một công ty TNHH Hoà Bình và Công ty CP Hoà Bình không được đặt? Như vậy rất khó cho doanh nghiệp, cần làm rõ tên riêng cần phân biệt loại hình và tên riêng. Quy định như vậy là chặt hơn Luật.

Khoản 4 Điều 13: Là một cái cớ để kéo dài thời hạn đăng ký kinh doanh, phải chờ ý kiến, không cần phải hỏi nếu quy định rõ các khái niệm “vi phạm thuần phong mỹ tục…”

Chương IV.
Thiếu hẳn phần đầu tư nước ngoài, phần đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp lần đầu và lần sau vướng với Luật Đầu tư, hướng dẫn theo trình tự Luật Đầu tư, mối quan hệ hai cơ quan này như thế nào? Giấy chứng nhận đầu tư lại đồng thời tác động như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời có nghĩa là như thế nào? Và hệ thống con số, cấp phép chuyển từ giấy chứng nhận đầu tư sang giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vấn đề chuyển đổi hai hệ thống này như thế nào? Nghị định này chưa đề cập đến. Trường hợp 100% vốn trong nước mà bán 1% vốn nước ngoài thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vậy ai quản lý, câu chuyện này rất lộn xộn, cần có thêm quy định trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Điều 16: Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với công ty TNHH một thành viên: nên chia thành hai phần: chủ sở hữu là tổ chức và chủ sở hữu là cá nhân vì quan trọng nhất với hình thức công ty TNHH một cá nhân, điều quan trọng nhất là phải tách bạch tài sản cá nhân và tài sản đưa ra kinh doanh. Đây là điều quan trọng nhất nhưng hồ sơ đăng ký kinh doanh theo Điều 16 chưa quy định, nên sẽ lúng túng trong thực hiện.

Điều 24: Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Dự thảo nên quy định thêm: đăng ký địa điểm kinh doanh là có thể đăng ký ngay trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có mấy trung tâm, cửa hàng ở đâu thông báo rõ, nên quy định “Trong trường hợp có địa điểm đăng ký kinh doanh ngoài trụ sở đăng ký kinh doanh thì có thể đăng ký ngay vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu”. Không cần phải có hồ sơ đăng ký địa điểm theo trình tự như Dự thảo Nghị định này để tránh phức tạp cho doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 33: Về người thừa kế: cần có văn bản xác nhận ai là người thừa kế của ai? Đây là văn bản dân sự, phải xuất trình văn bản xác nhận về thừa kế, để tránh phiền phức cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Phải nói rõ tranh chấp người thừa kế không liên quan đến cơ quan đăng ký kinh doanh, phải ghi rõ trong Dự thảo Nghị định này.

Điều 37: Quyền đăng ký kinh doanh.
Tại sao chỉ là công dân Việt Nam? Tại sao không cho người nước ngoài kinh doanh cá thể? Tất cả người trong và ngoài nước đều có thể đăng ký bình thường, cần bổ sung Điều này.

Điều 50: Đối với Hộ Kinh doanh cá thể 1 năm phải đổi lại giấy đăng ký kinh doanh là không nên. Tại sao Hộ Kinh doanh cá thể lại làm như vậy mà Doanh nghiệp tư nhận lại không? Vấn đề không nhất quán trong hệ thống, hàng năm đã nộp thuế môn bài rồi thì chỉ cần liên lạc với cơ quan thuế là biết rõ Hộ kinh doanh này như thế nào? Và nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan thuế, thu thuế môn bài cho cơ quan thuế và có trách nhiệm nộp cho cơ quan thuế (ở Mỹ và một số nước khác). Như vậy là sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước để nắm tình hình chứ không phải là vấn đề không nắm được thì lại bắt Hộ kinh doanh phải đổi lại.  Quy định như vậy không cần thiết, không đồng nhất và gây khó khăn cho hộ kinh doanh cá thể. Nên bỏ Điều này.

Điểm b khoản 1 Điều 43: Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Quy định 30 ngày làm mất cơ hội kinh doanh,  doanh nghiệp cần thì phải cấp, nếu họ tìm thấy thì thu lại giấy cũ. Chúng ta nên quy định việc sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: không được cho mượn, tẩy xoá…đồng thời nên quản lý trường hợp mà người ta còn giấy mà báo là mất? Quy định như Dự thảo là gây khó khăn, mất thời cơ của doanh nghiệp, đồng thời cũng không thể quản lý được nếu họ cố tình muốn xin thêm giấy chứng nhận mà không phải do mất. Quy định như vậy là không cần thiết và phiền hà cho doanh nghiệp.

Điểm i, k Điều 45: phát triển, mở rộng thêm điều Luật, Luật chỉ quy định đến điểm h, vấn đề là tại điểm i là lỗi của cơ quan đăng ký kinh doanh chứ không phải là lỗi của doanh nghiệp sao lại thu hồi? Nếu thế thì phải có nghĩa vụ đổi lại, xin lỗi, thậm chí bồi thường, chứ không thể lỗi của mình mà người khác phải chịu. Nên bỏ  điểm i Điều 45 và Khoản 6 Điều 46 của Dự thảo này.
Khoản  8 Điều 46: nên thêm từ “dân sự”  sau từ “chịu trách nhiệm”.

Các văn bản liên quan