Ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về Đăng ký kinh doanh và cơ quan Đăng ký kinh doanh

Thứ Hai 14:27 19-06-2006


Sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia về Dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có ý kiến như sau:

Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn kỳ vọng Nghị định này phải tiếp tục thể hiện được tinh thần cải cách và đổi mới của Luật Doanh nghiệp, tinh thần cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng đây là Dự thảo được soạn tương đối công phu, cơ bản thể hiện được các tinh thần nêu trên. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tiễn gần 6 năm thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, trước yêu cầu phải kiện toàn, đổi mới hệ thống đăng ký kinh doanh, chúng tôi xin có một số ý kiến khác như sau:

1. Về tổ chức, bộ máy của cơ quan đăng ký kinh doanh: Chúng tôi chưa thấy được sự thống nhất, liền mạch và độc lập của bộ máy cơ quan đăng ký kinh doanh. Địa vị của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo Dự thảo Nghị định này rất "lửng lơ", chưa rõ quan hệ với UBND cấp tỉnh như thế nào khi quy định là "trong Sở Kế hoạch và Đầu tư"? "Trong" Sở Kế hoạch và Đầu tư được hiểu là quan hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư như thế nào? UBND cấp tỉnh có quyền can thiệp đến tổ chức, hoạt động của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đến mức độ nào? Sau gần 6 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999, bộ máy cơ quan đăng ký kinh doanh nhìn chung chưa đạt được các mong muốn, vậy nguyên nhân chính là gì? Nghị định lần này liệu có nên đưa ra các giải pháp đột phá và căn bản hơn, đặc biệt về tổ chức, bộ máy so với hai Nghị định 02/2000/NĐ-CP và 109/2004/NĐ-CP để bảo đảm việc cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh cho thị trường một cách chính xác, công khai, kịp thời và chi phí thấp.

2. Về nhiệm vụ, chức năng quyền hạn của UBND cấp tỉnh. Dự thảo Nghị định không có điều khoản nào quy định về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong khi hai cơ quan này trên thực tế có tác động và ảnh hưởng quan trọng đến tổ chức và hoạt động của cơ quan đăng ký kinh doanh và hoạt động đăng ký kinh doanh. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy UBND cấp tỉnh một số nơi tự ban hành các quy định riêng hay có những chỉ đạo không chính thức hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trái với Luật Doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị trong Nghị định về đăng ký kinh doanh lần này cần quy định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

3. Điều 3, khoản 3: Đề nghị thêm "như điều kiện kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh riêng dưới mọi hình thức" để làm rõ thêm. "Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký kinh doanh như điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh riêng… dưới mọi hình thức áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình".

4. Cân nhắc lại quy định tại Điều 5, khoản 4 về việc phải thông báo cho cơ quan ĐKKD xóa ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn một năm nếu không kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký. Trước hết, quy định này có cần thiết hay không? Nếu có thì thời hạn một năm liệu có quá dài? Quy định này sẽ phát sinh một số tình huống: 
   o  Thế nào được gọi là "kinh doanh ngành nghề đã đăng ký", doanh nghiệp phải giải trình, chứng minh như thế nào? Có quy trình, thủ tục cho vấn đề này không? Quy định này có được áp dụng (sẽ có tính chất "hồi tố") đối với các doanh nghiệp đã đăng ký trước đây hay không? Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì hình thức xử lý như thế nào? Tránh tình trạng quy định ban hành nhưng không thực hiện được, việc không thực hiện diễn ra phổ biến. Giải quyết như thế nào đối với trường hợp doanh nghiệp bảo có kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh lại bảo không? Cơ chế nào để bảo vệ doanh nghiệp đang hoạt động khỏi sự phiền hà, phiền nhiễu không đáng có từ cơ quan Nhà nước? 
   o Điều quan trọng nhất là quy định này nhằm mục đích gì? Các doanh nghiệp luôn luôn chờ cơ hội kinh doanh vì vậy việc đăng ký kinh doanh trước các ngành nghề sẽ kinh doanh khi có cơ hội là hoàn toàn hợp lý, khi có cơ hội thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực đó mà không phải đăng ký. Nhà nước ta đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực hoạt động đầu tư, do vậy không nên hạn chế các doanh nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

5. Quy định như tại Điều 7 khoản 8 chưa rõ về cơ chế tổ chức, hoạt động của "Tờ thông tin doanh nghiệp". Nên bổ sung các nội dung về đăng ký thay đổi, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài các nội dung về giải thể, phá sản và các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp trên toàn quốc. Với chi phí hợp lý, việc đăng tải các thông tin trên tờ thông tin doanh nghiệp này có thể thay thế cho việc đăng tải tại các báo vừa không hiệp quả, vừa tốn kém. Tờ tin này có thể duy trì ở dạng online để các doanh nghiệp các tỉnh chỉ cần gửi thông tin qua e-mail.

6. Quy định tại Điều 10 khoản 3 về việc "tên riêng của doanh nghiệp sử dụng các thành tố có tính chất mô tả xuất xứ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì phải được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận" là không hợp pháp và không hợp lý. Luật Doanh nghiệp không quy định điều này, ngoài ra, quy định này không rõ về các tiêu chí: 
   o Cơ quan cụ thể nào có thẩm quyền xác nhận? 
   o Căn cứ nào để xác nhận? 
   o Thủ tục xác nhận? 
   o Xác nhận dưới hình thức nào? 
   o Nếu có tranh chấp thì cơ quan xác nhận phải chịu trách nhiệm đến đâu?

7. Điều 11 khoản 4 quy định "trừ các trường hợp có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ" không phù hợp với tinh thần chỉ có cấp Chính phủ trở lên mới có quyền ban hành các quy định về đăng ký kinh doanh. Đó là chưa kể đến trường hợp trong các dự án đầu tư của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ thực ra cũng thay mặt nhà đầu tư.

8. Cần quy định rõ lộ trình cụ thể (như 2 năm hay 3 năm) để các bộ, ngành và UBND các cấp phải hoàn thành xây dựng Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia. Việc quy định như tại Điều 11, khoản 1 Dự thảo không có thời hạn là không hợp lý. Chúng tôi cho rằng, lộ trình này là cần thiết phải đặt ra để thực hiện như lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước trong 4 năm quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.

9. Quy định tại Điều 12, khoản 2 điểm h về tên riêng của doanh nghiệp không trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký là không hợp lý. Điều 34 Luật Doanh nghiệp không quy định, đây là quy định thêm của Dự thảo Nghị định. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 khoản 1 của Dự thảo Nghị định thì tên riêng của doanh nghiệp chỉ là một thành tố cấu thành tên của doanh nghiệp. Quy định này có thể gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, có thể mất nhiều thời gian để tìm tên phù hợp.

10.  Điều 13, khoản 4 cần quy định rõ hơn về tiêu chí, thời gian bởi trên thực tế đây có thể là cái cớ để kéo dài thời hạn đăng ký kinh doanh.

11.  Bổ sung tại Điều 20 khoản 2 địa chỉ cụ thể là "Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nộp đơn khiếu nại, mà không nhận được trả lời của cơ quan đăng ký kinh doanh nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND tỉnh, thành phố hoặc khởi kiện ra Toà hành chính cấp tỉnh, nơi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, theo quy định của pháp luật"

12.  Điều 23 Dự thảo quy định "lệ phí kinh doanh được xác định theo số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh" là không hợp lý, hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, gây mất thời gian cho cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh vì khi doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh có thể gây nhầm lẫn cho cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh khi xác định số lượng ngành nghề để thu lệ phí của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phía cơ quan Hải quan có thể yêu cầu ghi rất chi tiết các mặt hàng kinh doanh trong đăng ký, để thuận tiện trong việc kê khai thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải đăng ký rất nhiều ngành nghề, mặt hàng khác nhau, do vậy sẽ dẫn tới việc chi phí của doanh nghiệp sẽ rất cao khi đăng ký kinh doanh.

13.  Quy định tại Điều 25, 26 Dự thảo Nghị định về việc khi bổ sung ngành nghề hoặc chuyển địa chỉ trụ sở công ty đối với công ty cổ phần phải bổ sung Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông sẽ dẫn tới việc gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thay đổi này có cần lấy ý kiến cổ đông hay theo quyết định của Hội đồng quản trị điều này phụ thuộc vào Điều lệ công ty quy định.

Có thể quy định một tổ chức hành nghề luật sư sẽ xác nhận sự phù hợp với Điều lệ khi doanh nghiệp yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty phải chỉ rõ căn cứ vào điều khoản nào của Điều lệ họ được quyền thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh có điều kiện kiểm tra. Không nên quy định mỗi lần thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì Người đại diện theo pháp luật của công ty phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

14.  Quy định tại Điều 36 khoản 2 về việc "UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập áp dụng trên phạm vi địa phương, theo đó hộ gia đình kinh doanh hoặc làm dịch vụ có thu nhập thấp hơn mức quy định không phải đăng ký kinh doanh" là không hợp lý. Điều này không phù hợp với tinh thần chỉ có cấp Chính phủ trở lên mới có quyền ban hành các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh tại Điều 3, khoản 3.

15.  Điều 47 khoản 5 không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định này là chỉ cấp Chính phủ trở lên mới có quyền ban hành các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh.

16.  Quy định tại Điều 43, khoản 1, điểm b về thời hạn 30 ngày sau thông báo mất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mới đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại là không hợp lý. Quy định này sẽ gây khó khăn, phiền hà và có thể làm mất thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính nhưng không ngăn chặn được trường hợp cố tình lừa đảo. Nên có điều khoản quy định quy chế sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trường hợp vi phạm quy chế này thì xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

17.  Quy định tại Điều 45 điểm i và điểm l là không phù hợp. Đây là quy định thêm vì Luật Doanh nghiệp (Điều 165 khoản 2) chỉ quy định đến điểm h. Về tính hợp lý, điểm i (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp được cấp không theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này) là lỗi của cơ quan đăng ký kinh doanh, chứ không phải lỗi của doanh nghiệp, sao lại thu hồi? Đáng lẽ cơ quan đăng ký kinh doanh phải có nghĩa vụ đổi lại, phải chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp có khiếu nại. Quy định tại Điểm l (các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) không phù hợp với nguyên tắc chỉ có cấp Nghị định trở lên mới quy định các vấn đề liên quan đến đăng ký kinh doanh. Đề nghị bỏ điểm i và điểm l của Điều 45 Dự thảo. 

18.  Điều 46, khoản  8: đề nghị thêm từ “dân sự”  sau từ “chịu trách nhiệm”.

19.  Điều 49 khoản 2 quy định "Việc tạm ngừng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với một hoặc một số ngành, nghề kinh doanh để đảm bảo thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch định hướng phát triển kinh tế xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của UBND cấp tỉnh" là không phù hợp với tinh thần chỉ có cấp Chính phủ trở lên mới được quyền quy định các vấn đề liên quan đến đăng ký kinh doanh.

20.  Điều 50 quy định hộ kinh doanh cá thể sau một năm phải đăng ký lại là không hợp lý. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân hay các loại hình công ty trong Luật Doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ này. Hàng năm, hộ kinh doanh cá thể đã nộp thuế môn bài và chính cơ quan thuế là nơi nắm rõ tình hình hoạt động của hộ. Do vậy, nếu muốn nắm thông tin về hoạt động của hộ kinh doanh, hệ thống đăng ký kinh doanh cần có sự phối hợp với hệ thống cơ quan thuế, không nên bắt các hộ kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ này, vừa phiền hà cho hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay vừa tạo cơ hội tốt để bộ máy chính quyền cấp dưới nhũng nhiễu, làm phiền hà cho người kinh doanh.

21.  Chúng tôi cho rằng, trong Dự thảo Nghị định lần này chưa thiết lập được thiết chế đăng ký viên cũng như chưa kết hợp được ba thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp dấu và mã số thuế làm một, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định yêu cầu về việc này.

22.  Ngoài ra, một số ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc thành lập thêm một số cơ quan đăng ký kinh doanh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình thực tế hiện nay là không phù hợp với xu hướng cải cách bộ máy hành chính, sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý khác chưa rõ ràng, có thể dẫn tới gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp như giao dịch của doanh nghiệp khi thay đổi địa chỉ trụ sở sẽ phải sang cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới để đăng ký…

Ý kiến khác lo ngại việc Dự thảo quy định cấp huyện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân thì xử lý về mặt kỹ thuật, đánh số sẽ phức tạp.

Các văn bản liên quan