THƯ GÓP Ý VỀ BẢN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Thứ Hai 14:21 19-06-2006

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi được nghiên cứu và bình luận Bản dự thảo Nghị định mới về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh, bản dự thảo này đang được giới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, theo dõi. Sau khi nghiên cứu, tôi xin góp ý bản dự thảo Nghị định này như sau:
 
Thứ nhất: Việc ban hành Nghị định này trước hết phải đảm bảo các mục tiêu sau đây:
1. Nghị định này không trái Luật Doanh nghiệp;
2. Nghị định này không được phép làm tăng thêm thủ tục, chi phí, thời gian cho Doanh nghiệp so với hiện nay;
3. Nghị định này phải đảm bảo khắc phục được những tồn tại của Nghị định cũ và đơn giản hoá thủ tục đăng ký kinh doanh, sáp nhập thủ tục đăng ký Mã số thuế, đăng ký dấu theo yêu cầu của Thủ tướng.
 
Thứ hai: Nội dung Dự thảo Nghị định này có những đổi mới, tuy nhiên việc đổi mới chưa phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể như sau:
 
1.      Quy định mới về hệ thống tổ chức cơ quan ĐKKD:
 
Nghị định quy định: Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp được thành lập mới và lượng nghiệp vụ đăng ký kinh doanh lớn nên có thể được thành lập thêm một số cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để giảm bớt tình trạng quá tải.
 
Trong tình hình thực tế hiện nay việc thực hiện quy định này là chưa cần thiết vì một số lý do sau:
- Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế và khoán chi phí hành chính đối với các cơ quan quản lý Nhà nước;
- Việc phối hợp công tác giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý khác chưa thật rõ ràng, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể;
- Chưa có quy định về tiêu chuẩn cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh và các chức danh quản lý quan trọng trong hệ thống đăng ký kinh doanh.
 
Việc thành lập thêm một số cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ dẫn đến việc gây khó khăn, tăng chi phí cho Doanh nghiệp như việc giao dịch của doanh nghiệp khi thay đổi địa chỉ trụ sở sẽ phải sang cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới để đăng ký, ...
 
Việc chuyển nhiệm vụ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không chỉ ở hai thành phố Hà nội và TP. Hồ Chí Minh mà nên mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký vì vị trí địa lý của các tỉnh rất rộng lớn, trụ sở cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh lại thường đặt xa khu dân cư không thuận tiện cho việc đi lại nên việc đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân tại cơ quan đăng ký cấp huyện là hợp lý, mặt khác, tạo điều kiện cho việc quản lý các đơn vị kinh doanh tại địa bàn của các cơ quan quản lý được dễ dàng hơn.
 
2. Về ngành nghề kinh doanh:
 
Dự thảo bổ sung quy định về việc xoá, bỏ ngành nghề kinh doanh đã đăng ký nhưng không hoạt động kinh doanh gì trong lĩnh vực, ngành nghề đó trong thời hạn một năm là hoàn toàn không hợp lý vì:
- Các doanh nghiệp luôn luôn chờ cơ hội kinh doanh vì vậy việc đăng ký kinh doanh trước các ngành nghề sẽ kinh doanh khi có cơ hội là hoàn toàn hợp lý, khi có cơ hội thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực đó mà không phải đăng ký lại;
- Nhà nước ta đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực hoạt động đầu tư, do vậy không nên hạn chế các doanh nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
 
3. Về hồ sơ đăng ký kinh doanh:
 
Dự thảo bổ sung các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kinh doanh như: Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân và bản sao chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của  đại  diện uỷ quyền và quyết định uỷ quyền tương ứng đối với thành viên hoặc cổ đông sáng lập là pháp nhân  theo điều 18,19 Luật Doanh nghiệp 2005 là không hợp lý. Theo chúng tôi, việc bổ sung các giấy tờ trên được coi là hợp lệ khi:
- Các giấy tờ trên được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật của công chứng, chứng thực, hoặc:
- Các giấy tờ trên được chính đơn vị, tổ chức đó xác nhận hoặc được các tổ chức hành nghề luật sư xác nhận và chịu trách nhiệm; hoặc
- Các giấy tờ trên được người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo uỷ quyền trình bản chính để cán bộ cơ quan đăng ký trực tiếp đối chiếu giữa bản sao và bản chính khi xét duyệt hồ sơ đăng ký kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trực tiếp vào các bản sao và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các bản sao này.
 
Không có quy định nào của Pháp luật cho rằng bản sao hợp lệ phải là bản được công chứng, chứng thực nên không thể áp đặt bản sao được công chứng, chứng thực mới được coi là bản sao hợp lệ.
 
4. Về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh:
 
Dự thảo Nghị định quy định: đối với việc bổ sung ngành nghề hoặc chuyển địa chỉ trụ sở công ty đối với công ty cổ phần phải bổ sung Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông sẽ dẫn tới việc gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thay đổi này có cần lấy ý kiến cổ đông hay theo quyết định của Hội đồng quản trị phụ thuộc vào Điều lệ công ty quy định thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị.
 
Có thể quy định một tổ chức hành nghề luật sư sẽ xác nhận sự phù hợp với Điều lệ khi doanh nghiệp yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty phải chỉ rõ căn cứ vào điều khoản nào của Điều lệ họ được quyền thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh có điều kiện kiểm tra. Không nên quy định mỗi lần thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì Người đại diện theo pháp luật của công ty phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổ chức hành nghề luật sư có thể xác nhận bằng văn bản và chịu trách nhiệm rằng Người đại diện theo pháp luật của công ty đã ký vào các văn bản liên quan đến cơ quan đăng ký kinh doanh (trước khi Luật doanh nghiệp 2000 được ban hành, đại diện doanh nghiệp cũng không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh).
 
5. Về lệ phí đăng ký kinh doanh:
 
Dự thảo Nghị định quy định việc xác định lệ phí đăng ký kinh doanh căn cứ theo số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh là không hợp lý, hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, gây mất thời gian cho cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh vì khi doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có thể gây nhầm lẫn cho cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh khi xác định số lượng ngành nghề để thu lệ phí của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phía cơ quan Hải quan yêu cầu ghi rất chi tiết các mặt hàng kinh doanh trong đăng ký, để thuận tiện trong việc kê khai thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải đăng ký rất nhiều ngành nghề, mặt hàng khác nhau do vậy sẽ dẫn tới việc chi phí của doanh nghiệp sẽ rất cao khi đăng ký kinh doanh. 
 
6. Hiện chưa thấy Nghị định này có nhiều tiến bộ so với văn bản trước, cụ thể:
 
a. Chưa lập thiết chế Đăng ký viên;
b. Chưa sáp nhập ba thủ tục ĐKKD, Dấu, Mã số thuế làm một;
 
Chúng tôi nhận thấy, về cơ bản Nghị định này chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn và không đáp ứng việc đơn giản hoá các thủ tục cho doanh nghiệp. Những đóng góp của chúng tôi dựa trên thực tế và pháp luật đều không được lắng nghe, đề nghị Chính phủ cần bố trí đại diện của doanh nghiệp và giới luật sư tham gia soạn thảo Nghị định này. Nếu Bộ kế hoạch Đầu tư không tiếp thu ý kiến của đại diện doanh nghiệp và giới luật sư Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi có những vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thi hành Luật Doanh nghiệp.
 
Chúng tôi đề nghị Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam nhanh chóng tổ chức một cuộc hội thảo về Nghị định này. 
  

  
  
  
 

Các văn bản liên quan