Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Lợi – Tỉnh Bắc Giang

Thứ Sáu 15:45 01-09-2006

Kính thưa Hội nghị,
Về Dự án Luật Công chứng, chúng tôi thấy so với các kỳ thảo luận trước, lần này các cơ quan có trách nhiệm đã tiếp thu rất nhiều các ý kiến của các đại biểu thảo luận. Đặc biệt luật này, cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban pháp luật, cho nên tất cả những điều, những vấn đề nêu trong luật, tôi thấy rất chặt chẽ. Cho nên vấn đề tham gia cũng không nhiều, chúng tôi cơ bản là tán thành với dự thảo lần này đặt ra và xin phát biểu một số ý kiến của mình:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, đồng chí Bạch Mai ở Tây Ninh cũng đã nêu, chúng tôi thấy thực ra trong công chứng của chúng ta mà qua theo dõi cũng như thực tế thì thấy bức xúc nhất của chúng ta dẫn đến sự quá tải trong các phòng công chứng ở cơ quan tư pháp các địa phương vừa rồi. Có thể nói chủ yếu là vấn đề chứng thực, nhất là trong những dịp tuyển sinh, chuẩn bị đi học, đi lao động ở nước ngoài và các dịch vụ khác khi nó phát sinh ngoài xã hội, dẫn đến việc nhu cầu chứng thực của các công dân rất là lớn, tất nhiên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay một số các thành phố khác các nhu cầu giao lưu về dân sự, các hợp đồng, các khế ước rất nhiều. Nhưng vấn đề đó chúng tôi thấy nó không phổ biến bằng nhu cầu chứng thực của công dân.
Ngay trong báo cáo của ngành Tư pháp thấy tỷ lệ chứng thực của chúng ta có thể chiếm tới 8% trở lên. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng qua giải trình báo cáo này đúng là chúng ta chỉ có làm công chứng, còn chứng thực chúng ta phân cho các cơ quan khác. Ví dụ Uỷ ban nhân dân từ cấp xã trở xuống nó cũng giải quyết được nhu cầu tức giảm phiền hà cho người dân đi lại. Nhưng nó cũng có vấn đề chúng tôi thấy rằng nếu tính bức xúc như trong giải trình nêu cần phải có luật, chúng tôi nghĩ nếu có một luật thì có lẽ phải có một luật về chứng thực trước, còn chúng ta tách ra như thế này tôi nghĩ nếu cần phải có một luật thì có lẽ luật chứng thực nó bức xúc hơn.
Chính vì vậy ý chúng tôi muốn đặt vấn đề tức đề nghị các đồng chí trong Ban soạn thảo nghiên cứu xem chúng ta có thể thiết kế một chương hay một phần, chúng ta đưa chế định chứng thực vào đây thì nó cũng tốt, còn thẩm quyền ta giao cho ai đấy cũng là việc của chúng ta. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy nó cũng có cái tốt.
Trước đây khi làm về Luật Thanh tra chúng ta cũng biết rằng có một thanh tra gọi là thanh tra nhân dân nó chỉ có một chương với vài điều thôi, nhưng rất nhiều ý kiến của đại biểu đưa ra, nhưng rồi chúng ta cũng đưa vào thành một chương mặc dù chúng ta quy định lấy ở mức độ. Nên chăng cách làm chúng tôi đề nghị nghiên cứu, nếu cần tôi nghĩ chúng ta nên điều chỉnh trong phạm vi này, luật này cả công chứng và chứng thực.
Trước đây chúng ta có Nghị định cũng đã gom tất cả vấn đề này thành một, chúng tôi thấy trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng được tham gia quản lý công tác tại địa phương một số thời gian chúng tôi thấy không có gì chồng chéo cả, nó chỉ có quá tải thì các đơn vị nào quá tải thành lập thêm các phòng công chứng, số 2, số 3, thậm chí số 4, số 5, nếu như các địa phương nhiều. Chúng tôi nghĩ như vậy chúng ta vẫn giải quyết được và sau này chúng ta có phân cấp thêm, phân cho Ủy ban các cấp làm chứng thực nữa, như vậy nó cũng giảm tải rất nhiều cho các phòng công chứng. Nhưng vấn đề quan trọng chúng tôi nghĩ trong luật này chúng ta nên điều chỉnh kể cả chứng thực, còn phân trách nhiệm thẩm quyền làm việc này cho ai thì đó là vấn đề khác, tôi nghĩ về phạm vi điều chỉnh như vậy. Nếu bây giờ nói riêng các phòng công chứng, ví dụ một số các tỉnh mà kinh tế chưa phát triển nhiều, cũng như đồng chí Mai nói thực ra nếu bây giờ chúng ta chuyển các phòng công chứng chỉ có làm công chứng thì công việc của các đơn vị nó sẽ rất ít và một số phòng thành lập thêm.
Ví dụ: Phòng số 2, số 3 ở các địa phương chúng tôi nghĩ sẽ không có việc. Chưa đến nói việc chúng ta thành lập thêm các Văn phòng công chứng ở bên ngoài. Đây là một vấn đề thực tiễn đặt ra mà có điều kiện các đồng chí đi khảo sát ở các địa phương nhất là những địa phương kinh tế nó chưa phát triển lắm, các đồng chí sẽ thấy thực trạng tình hình này. Đấy là một vấn đề mà phạm vi điều chỉnh chúng tôi muốn báo cáo các đồng chí nghiên cứu thêm về phạm vi điều chỉnh, theo tôi nên bao gồm cả công chứng và chứng thực, nó sẽ phù hợp hơn.
Đi vào cụ thể trong luật này, chúng tôi thấy có vấn đề nêu ra các công chứng viên tại các Văn phòng công chứng. Trong Dự thảo trước chúng ta quy định cần phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cũng như là phải ký quỹ, lần này bỏ bớt ký quỹ đi theo ý kiến của đại biểu. Nhưng chúng tôi chưa có dịp thảo luận vấn đề này, chúng tôi thấy đối với các công chứng viên tại Văn phòng công chứng thì chúng ta vừa phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời cũng vừa phải làm việc ký quỹ. Bởi vì như vậy chúng ta đã nêu công chứng là một công tác đặc thù, các tiêu chuẩn, các thứ để bổ nhiệm cho một công chứng viên thì rất cao và cũng phải có một quy trình rất chặt chẽ. Nhưng khi thực hiện việc này cũng phải ràng buộc trách nhiệm, tức là chúng ta vừa phải quy định công chứng viên ở các phòng công chứng không những phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà cũng phải ký quỹ nữa. Bởi vì nó bảo đảm cho hai việc:
Một là khi gặp rủi ro trong nghề nghiệp thì chúng ta có cái để chúng ta thực hiện trách nhiệm của họ.
Hai là khi có những bản án mà Tòa án tuyên chống lại công chứng viên thì rõ ràng công chứng viên phải có trách nhiệm ký quỹ để bảo đảm việc thi hành án sau này. Tôi nghĩ như vậy nó mới chặt chẽ và nó nâng cao được trách nhiệm của anh công chứng này, bởi vì nó rất đặc thù nghề nghiệp. Cho nên Điều 27 chúng tôi nghĩ cũng nên quy định như vậy thì nó đầy đủ hơn.
Về bố cục, chúng tôi thấy trong dự thảo cũng nên có một điều sau phạm vi điều chỉnh là một điều về đối tượng áp dụng. Không biết ý các đồng chí như thế nào? Nhưng không thấy nêu việc này, chúng ta nên bổ sung thêm một điều về đối tượng áp dụng, trong đó có thể thu hút Điều 11 thành một khoản của điều đối tượng áp dụng thì nó sẽ phù hợp hơn.
Điều 3 nói về nguyên tắc hành nghề công chứng, tôi thấy nguyên tắc thứ nhất và nguyên tắc thứ ba chúng ta nghiên cứu có thể sắp xếp nó thành một cũng được. Bởi vì chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện công chứng suy đến cùng nó cũng là việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật thôi, chứ không có gì khác cả. Cho nên đề nghị nghiên cứu thêm điều này và chúng ta ghép nó lại.
Điều 9 về người làm chứng, người làm chứng trong Khoản 2 có nêu những người làm chứng phải có đủ điều kiện, 2 điều kiện A và B tức:
A là người đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
B là không có quyền lợi ích hoặc nghĩa vụ tài sản liên quan đến công chứng.
Nhưng chúng tôi thấy trong thực tế nó còn có loại ngoài nữa có thể chúng ta phải loại ra, trường hợp không được làm công chứng, tức là những trường hợp khi họ có những cái việc họ bị lợi dụng vào việc làm công chứng. Ví dụ như trong trường hợp 2 bên người ta làm một di chúc, trong khi đó có thể di chúc đó không trong sáng lắm, người ta có thể lợi dụng vào người thứ 3 làm chứng cho việc làm di chúc này, rõ ràng chúng ta phải loại trừ trường hợp này ra. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu để chúng ta bổ sung vào đây hoặc bổ sung vào điều tức loại trừ những người không được làm chứng trong các trường hợp như vậy. Cuối cùng trong Điều 64 nói về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, trong Đoạn 2 của Điều 64 có ghi tức là trong các trường hợp Trưởng phòng công chứng và Trưởng Văn phòng công chứng đã giải quyết rồi, mà người khiếu nại chưa đồng ý thì có thể họ yêu cầu tiếp và cấp giải quyết tiếp theo là Giám đốc tư pháp của tỉnh, thành phố. Ở đây ghi như thế này cũng đúng rồi, đúng theo trình tự của giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên cũng phải nói rõ xem trường hợp chúng ta giải quyết trong giao dịch, giám đốc Sở Tư pháp giải quyết như thế này đã là cuối cùng chưa. Khi Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết người ta vẫn chưa đồng ý thì việc giải quyết tiếp theo sẽ như thế nào? Bởi vì trong này chúng ta không nêu là giải quyết theo trình tự của pháp luật khiếu nại, tố cáo. Nếu theo các trình tự giải quyết của Luật khiếu nại, tố cáo thì đây là khâu cuối cùng rồi, nhưng ở đây chúng ta quy định ra một lộ trình giải quyết riêng. Như vậy sau khi Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết rồi mà đương sự người ta vẫn chưa thỏa mãn hoặc người ta chưa đồng ý với cách giải quyết của cơ quan tư pháp như vậy có được giải quyết tiếp theo không, và cấp giải quyết tiếp theo là cấp nào? Chúng ta phải đặt ra cho cặn kẽ, nếu không nói như thế này, thì sau việc giải quyết của chúng ta vừa không dứt điểm, mà cũng tạo nên sự không dứt khoát trong việc giải quyết của chúng ta. Tôi xin tham gia một số ý kiến bước đầu như vậy.

Các văn bản liên quan