Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Sáu 15:43 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí, về dự án Luật công chứng qua nghe báo cáo giải trình và tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin phát biểu 2 nội dung. Đây là những ý kiến mà qua nghiên cứu bước đầu chúng tôi thấy cần phải trao đổi thêm trong dự thảo luật này.
Trước hết, về phạm vi điều chỉnh hiện nay của luật, qua giải trình tôi thấy còn 2 loại ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu dự thảo luật này, chúng tôi thấy rằng cần phải trao đổi cho kỹ, vì hiện nay nếu loại ý kiến thứ nhất là chỉ đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là chỉ điều chỉnh hoạt động công chứng. Vì cho rằng khái niệm công chứng và chứng thực là 2 hoạt động khác nhau về tính chất cũng như nội dung. Đây là một vấn đề tôi thấy trong thực tiễn đang đặt ra với chúng ta, không phải dân đang kêu về vấn đề công chứng, mà trước hết là vấn đề chứng thực.
Cũng qua nghiên cứu một số tài liệu và những thông tin mà chúng tôi có được thì thấy rõ ràng trong thời gian vừa qua, qua tổng kết 15 năm về hoạt động công chứng có thể nói rằng, hoạt động công chứng của ta rất ít chỉ chiếm khoảng 3% thôi. Còn lại các vụ việc trong toàn bộ quá trình của ta vừa qua chủ yếu là chứng thực. Cảnh dân phải xếp hàng chen chúc nhau ở các phòng công chứng chủ yếu là công việc chứng thực. Từ thực tiễn và qua tổng kết 15 năm hoạt động công chứng, bây giờ chúng ta phải giải quyết như thế nào để đáp ứng được yêu cầu mà dân đang đòi hỏi. Đó là phải giải quyết được việc phải chen chúc nhau, xếp hàng chờ đợi rất dài thời gian ở các Phòng công chứng vì một số bản sao chứng thực thôi. Đây là một vấn đề cần xem xét một cách cụ thể.
Trong luật này nếu loại trừ nội dung chứng thực ra thì tôi nghĩ hoạt động công chứng trong thời gian sắp tới sẽ rất nhàn, không cần đặt thêm một mô hình mới của công chứng là Văn phòng công chứng để xã hội hóa thêm cho hoạt động công chứng. Tôi nghĩ đó là vấn đề cần bàn thêm trong luật này. Tôi thiên về loại ý kiến thứ hai, tức là nếu không đặt ra vấn đề chứng thực, thì sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay đang đặt ra. Đó là một điểm tôi thấy cần nghiên cứu kỹ. Mặc dù chúng ta có Nghị định điều chỉnh nhiều lĩnh vực rồi, đó là thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, nhưng hiện nay dân vẫn đến các cơ quan, các Phòng công chứng của Nhà nước. Đây là vấn đề bất cập hiện nay. Rõ ràng nếu đồng chí nào có dịp đến Phòng công chứng thì thấy rất khó khăn cho người dân, người ta phải chờ đợi rất lâu ở Phòng công chứng, trong khi đó các Phòng công chứng quá tải.
Cho nên lần này Quốc hội đặt ra là Luật công chứng, nhưng tôi nghĩ phạm vi của nó phải liên quan đến vấn đề chứng thực thì nó mới toàn diện hơn, và cũng là cơ sở để giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay của công dân trong vấn đề sao các giấy tờ cần có chữ ký của các cấp Nhà nước. Đó là vấn đề tôi thấy cần xem xét một cách toàn diện hơn, không nghiêng phần nói về công chứng. Tất nhiên các đồng chí nói rằng phải đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội hoặc phải xây dựng thêm một luật riêng về chứng thực. Tôi nghĩ hiện nay vấn đề bức xúc là vấn đề chứng thực, cho nên về phạm vi điều chỉnh không chỉ là hoạt động công chứng. Tôi đề nghị phải đưa vào trong luật này một số chương nói về hoạt động chứng thực để điều chỉnh, không riêng gì công chứng. Đó là vấn đề thứ nhất tôi thấy cần xem xét nó cụ thể xuất phát từ thực tiễn và để đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Vấn đề thứ hai, tôi thấy giữa vấn đề mô hình tổ chức Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tất nhiên Phòng công chứng do Nhà nước lập ra và có sự quản lý và ngân sách của Nhà nước sẽ đáp ứng cho hoạt động này, còn Văn phòng công chứng là mô hình xã hội hóa, cho phép những người có những điều kiện về hành nghề công chứng sẽ được tham gia vào đây để giải quyết những vấn đề bức xúc cho nhân dân về vấn đề công chứng. Tôi rất đồng tình với quan điểm này và cách chúng ta sẽ tổ chức theo hình thức này. Tuy nhiên, ở đây có 1 vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta loại bỏ vấn đề chứng thực thì các Phòng công chứng Nhà nước sẽ rất ít việc. Vậy Văn phòng công chứng mà Nhà nước cho phép các tổ chức hành nghề công chứng thế này, thì sẽ như thế nào? Sự cạnh tranh giữa Phòng công chứng Nhà nước và Văn phòng công chứng tư này diễn ra như thế nào trong thời gian sắp tới. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần bàn thêm, tôi rất ủng hộ vấn đề xã hội hóa công chứng, nhưng phải đặt trong tổng thể chung của Nhà nước hiện nay của chúng ta. Hiện nay chúng ta rất kêu là biên chế của Phòng công chứng không được mở rộng, công việc quá tải như thế mà không được mở rộng, cho nên buộc phải có Văn phòng công chứng tư để đưa ra mô hình xã hội hóa, để các thành phần đủ điều kiện người ta sẽ hoạt động công chứng tư. Chỗ này sẽ giải quyết như thế nào? Nếu các phòng công chứng Nhà nước không còn việc làm và sẽ rơi qua tập trung phần của Văn phòng công chứng tư, bởi vì nơi đó sẽ có những cạnh tranh về mặt thù lao, chi phí trong quá trình hoạt động công chứng. Tôi thấy rằng trong luật này cũng chưa phân định rõ vấn đề lệ phí hay là thù lao công chứng, cho nên nếu trường hợp nó tự đặt ra những lệ phí, những thù lao mà sẽ ít tốn kém cho người dân thì phòng công chứng Nhà nước sẽ thất nghiệp. Trong khi đó Văn phòng công chứng tư sẽ nhộn nhịp hơn, do những điều quy định ở đây không rõ ranh giới giữa công và tư chỗ này. Đó là vấn đề tôi thấy cần có quy định cụ thể.

Các văn bản liên quan