MỘT SỐ GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Thứ Sáu 10:27 01-09-2006

            I.      NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG :

So với dự thảo Luật CGCN ngày 06/02/2006, trong dự thảo ngày 28/07/2006, Ban soạn thảo đã có nhiều chỉnh sửa công phu, thể hiện tinh thần cầu thị và làm việc nghiêm túc của Ban soạn thảo. Ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đã mạnh dạn cắt bỏ hoặc gộp lại những khoản, điều; đưa ra các khoản, điều mới trong Dự thảo. Các ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ đã cụ thể hơn như ưu đãi thuế tại  Điều 52

Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn một số điểm mà Ban soạn thảo cần phải lưu ý, chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Chẳng hạn :

-         Có quá nhiều điều quy định trong Dự thảo giao cho Thủ tướng quyết định, như các Điều 9, 11, 12, 55 của Dự thảo. Thủ tướng đã phải lo giải quyết, hoạch định các sách lược…có tính chất vĩ mô, thì nay trong Dự thảo lại đưa ra các công việc sự vụ cho Thủ tướng quyết định, có nhất thiết phải Thủ tướng quyết định không. Ban soạn thảo có thể xem xét, cân nhắc, chỉnh sửa, không thể mọi cái đều quy về cho Thủ tướng quyết định.

-         Trong dự thảo chỉ thấy đề cập các quyền của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoọat động chuyển giao công nghệ, không thấy đề cập nhiều đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan này, nếu có chỉ có một cách chung chung không cụ thể. Chẳng hạn, trong quá trình xem xét các công nghệ được chuyển giao có điều kiện hay trong quá trình thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ có điều kiện mà cơ quan quản lý Nhà nước vô tình (hay cố tình) tiết lộ các bí mật công nghệ hay các nội dung của hợp đồng thì sẽ bị xử lý như thế nào, bồi thường như thế nào không thấy đề cập. Ban soạn thảo có thể thêm một chương hay điều khoản nói về quyền và nghĩa vụ của các cơ quản lý  Nhà nước có thẩm quyền liên quan.

Các góp ý cụ thể chúng tôi sẽ góp ý ở phần sau.

         II.      MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG DỰ THẢO LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Trong phần này, chúng tôi có một số ý kiến như sau :

Điều 1 :   trong Dự thảo đã ghi “…. thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước;…”, theo câu viết này này thì cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có quyền chứ không có nghĩa vụ, trách nhiệm gì trong hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Cơ quan quản lý Nhà nước có quyền ban phát chứ không có nghĩa vụ, có phải đây là cơ chế xin – cho?. Cơ quan quản lý Nhà nước ở đây là c ơ quan nào, có phải bất cứ c ơ quan Nhà nước có quan tâm về lĩnh vực này thì có quyền quản lý?. Nếu có thể, Ban soạn thảo xem xét chỉnh sửa thành “Luật này quy định về hoạt chuyển giao công nghệ…..; quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ;…”.

Điều 2 : có đoạn “ Trường hợp điều ước quốc tế…”, chúng tôi đề nghi nên đưa vào phần điều khoản thi hành, tức Chương VI của Dự thảo sẽ phù hợp hơn.

Khoản 4, Điều 3 , Dự thảo nêu khái niệm về "tác giả công nghệ", song trong nội dung của Luật lại không có thuật ngữ này. Tại điểm a, khoản 2, Điều 49 (tr.21) chỉ có thuật ngữ: "tác giả của sáng chế, kiểu dáng CN, thiết kế ...". Trên thực tế, đây chính là "tác giả công nghệ" theo khái niệm ghi tại khoản 4, Điều 3 này. Vì vậy, dự thảo luật cần được sửa lại cho thống nhất

Ngoài ra, trong khoản này có đề cập “tác giả công nghệ là người hoặc nhóm người…”, nên chỉnh sửa thành “tác giả công nghệ là một (01) người hoặc nhóm người…” cho chính xác hơn.

Khoản 17, Điều 3 nêu khái niệm về "ươm tạo doanh nghiệp công nghệ" nhưng lại không đưa ra khái niệm thế nào là "doanh nghiệp công nghệ". Đề nghị nên bổ sung thêm thuật ngữ.

Nên đưa thêm khái niệm bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ.

Trong Luật thấy có đề cập đến bên thứ ba, Điều 19, Điều 20 của Dự thảo, vậy bên thứ ba là ai nhưng trong phần giải thích từ ngữ không thấy giải thích?. Bên thứ ba là cá nhân hay tổ chức, là bên bị ảnh hưởng hay được thụ hưởng từ việc chuyển giao công nghệ? Bên thứ ba như thế nào? Trong luật cần phải giải thích rõ để tránh những sự việc khó khăn không lường trước được trong tương lai.

Khoản 3, Điều 4 có nêu “ Có các biện pháp thích hợp…”, các biện pháp thích hợp ở đây là gì? Yêu cầu Ban soạn thảo nêu rõ luôn biện pháp thích hợp là gì. Có như thế mới khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia vào CGCN, bởi vì họ biết rõ khi họ tham gia thì họ được lợi ích gì, những ưu đãi gì để họ cân nhắc đầu tư. Nếu như cứ nêu như trong Dự thảo, chúng tôi cảm thấy kêu gọi một cách chung chung, lại dẫn đến quy trinh “Luật – Nghị định – Thông tư hướng dẫn” thì Luật bao giờ mới đi vào cuộc sống.

Điểm b, Khoản 1, Điều 9 có nêu “Công nghệ sạch, công nghệ thân môi trường”, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại “Công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường

Điều 11 : chúng tôi ủng hộ việc qui định một danh mục công nghệ chuyển giao có điều kiện là đúng và rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh những điều khoản qui định chung chung kiểu "có nguy cơ" vì điều này sẽ làm cho việc vận dụng luật khó thống nhất, gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cần giải thích rõ hơn về quy định này.

Điểm c, Khoản 1, Điều 11, cần cân nhắc kỹ khi đưa vào Luật. Trong tiến trình hội nhập và Việt nam sắp trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì Điểm c này có thể hiện sự phân biệt đối xử và rơi vào điều cấm trong các Hiệp định mà Việt nam đã ký kết. Nếu muốn giữ Điểm c, Khoản 1 này thì Ban soạn thảo phải viết lại và thể hiện bằng cách khác.

Điều 15 , quy định các nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ, Dự thảo không nên can thiệp sâu vào việc ký kết hợp đồng của các bên. Nếu giữ lại thì chỉ nên mang tính gợi ý thôi chứ không bắt buộc.

Điều 22, 23, 24, 25, 26 , những điều khoản này của dự thảo luật qui định đối với các hoạt động chuyển giao CN có điều kiện. Tuy nhiên, qui trình xét chấp thuận và đăng ký chuyển giao công nghệ còn có phần phức tạp và rối rắm. Dường như DN sẽ phải 2 lần “xin làm việc” cơ quan quản lí Nhà nước để : 1, nộp đơn xin được chấp thuận chuyển giao CN có điều kiện; 2, được đăng kí hợp đồng chuyển giao và cơ quan quản lý Nhà nước lại thẩm định công nghệ được chuyển giao một lần nữa vừa tốn thời gian và tiền bạc. Đề nghị nên giảm bớt các thủ tục cho DN.

Trong trường hợp này, chỉ nên giữ lại thủ tục thứ nhất, sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì DN mới được kí hợp đồng chuyển giao. Sau đó, sẽ tùy thuộc DN có muốn đăng kí hợp đồng chuyển giao hay không. Sở dĩ như vậy vì mục đích của việc đăng kí là để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi (mà trong trường hợp này thì có lẽ khó có ưu đãi gì) và để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.  Nếu như đúng như vậy thì hãy để chính bản thân DN tự quyết định xem có cần đăng kí hợp đồng chuyển giao hay không. Nếu bắt buộc DN phải đăng kí hợp đồng chuyển giao thì dường như sẽ tạo thêm một loại giấy phép con trong hoạt động kinh doanh.

Điều 24 , nêu “Thẩm quyền cho phép thực hiện chuyển giao công nghệ có điều kiện” do “Bộ KH&CN chủ trì … xem xét, cấp giấy chứng nhận…”, theo suy nghĩ của chúng tôi Bộ không nên ôm đồm quá nhiều vừa tốn thời gian, nhân lực và tiền bạc mà nên phân loại công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt nam hoặc từ Việt nam ra nước ngoài từ đó phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, TP xem xét cấp giấy chứng nhận và Uỷ ban cấp tỉnh,TP tự chịu trách nhiệm của việc ra quyết định đó.

Điều 37 , nói về chứng thư giám định, chứng thư giám định sẽ có giá trị pháp lý đối với một hoặc hai bên trong Hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng chứng thư giám định này có giá trị pháp lý như thế nào trong quá trình đăng ký hợp đồng, thẩm định nội dung hợp đồng của Bộ?, trong Luật cũng nên nêu rõ.

Trong Khoản 2, Điều 37 nên sửa lỗi chính tả “kỹ” thành “

Khoản 2, Điều 39 , có nêu chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên có yêu cầu giám định nhưng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bên yêu cầu có quyền trưng giám thư này như bằng chứng trong giải quyết tranh chấp hay không? Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Trong Khoản 2 nay có sử dụng từ “Bên kia trong hợp đồng…” nên đổi thành “Bên không yêu cầu giám định trong hợp đồng…” cho chính xác.

Điểm b, Khoản 3, Điều 39 nên quy định thêm kết quả giám định lần nào là lần cuối cùng, cơ quan giám định nào được đưa ra kết quả cuối cùng, chi phí ai chịu. Thêm quy định này nhằm để tránh các trường hợp tranh chấp không đáng có.

Điều 41 : trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giám định bắt buộc thì việc giám định bắt buộc này do ai chịu chi phí, Nhà nước hay các chủ thể trong hợp đồng, chịu phí và giai đoạn nào?. Theo ý kiến của chúng tôi, khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghi ngờ có sự vi phạm trong việc chuyển giao công nghệ thì cơ quan này phải chịu phí giám định. Sau khi đã xác định rõ sự vi phạm của các chủ thể thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có quyền buộc các bên vi phạm hoàn trả chi phí giám định.

Điểm b, Khoản 3, Điều 46 , phương án 1, Ban soạn thảo nên chỉnh sửa từ “Lãi của vốn vay” cho chuẩn, nên sửa thành “Lãi từ nguồn vốn cho vay của Quỹ”.

Các văn bản liên quan