Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 14:03 08-06-2006

Tôi xin có một số ý kiến về Dự án Luật công chứng như sau:
Từ khi chế định công chứng ra đời, khác với một vài hoạt động khác, hoạt động công chứng được sự tin cậy của xã hội và sự tin cậy của xã hội đấy thể hiện ở 2 mặt, bản thân người dân muốn chứng thực, muốn công chứng những văn kiện của mình, nhưng các cơ quan Nhà nước thường khi tiếp cận giấy tờ của dân cũng đòi hỏi phải có sự công chứng, nếu công chứng, chứng thực của phòng công chứng đấy thì độ tin cậy đối với các cơ quan Nhà nước cao hơn.

Cho nên không phải ngẫu nhiên người dân phải xếp hàng nhiều như thế ở các phòng công chứng, đây là điều đáng mừng, tính công khai hóa của hoạt động pháp luật của chúng ta nó dần dần bắt đầu nhập vào người dân và khi cần thiết người dân rất ủng hộ việc này. Cho nên chúng tôi đề nghị cần phải quy định nó toàn diện, nên đưa các chứng thực vào đây. Còn việc chứng thực, thực hiện như thế nào thì hiện nay cũng đang có, trên thực tế đang có một số nơi như Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa chứng thực xuống đến tận phường, quận. Nhưng ở nhiều địa phương khác thì tình hình này nó cũng khó khăn. Vì đi lại ở các địa phương thì nó khó khăn hơn cho nên cũng phải cân nhắc kỹ chuyện này.

Mặt khác trong Dự án luật này chúng ta đưa ra Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, tôi cũng rất hoan nghênh. Nhưng hình như chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm, cho nên quy định ở đây cũng chưa đầy đủ lắm và nhiều chỗ cũng chưa rõ.

Chúng tôi cũng chưa hiểu hết được ý đồ của các nhà lãnh đạo xây dựng Dự án luật này ở chỗ là chúng ta đưa Văn phòng công chứng ra đây thì địa vị pháp lý của nó không chỉ thể hiện ở giá trị pháp lý của những văn bản được công chứng của hai bên, mà cả địa vị pháp lý nói chung của hai loại hình này như thế nào? Nhà nước và không Nhà nước này như thế nào? Chúng tôi thấy ở đây có cái gì nó hơi đặc thù, đối với Phòng công chứng là của cơ quan Nhà nước lập ra thì lâu nay chúng ta đã quen rồi. Nhưng Văn phòng công chứng thì thấy còn hơi lúng túng Văn phòng công chứng là tổ chức phi Nhà nước thì điều kiện tồn tại của nó như thế nào? sự ra đời của nó có một số việc mà thấy là nó không bình thường. Chẳng hạn như điều kiện thành lập Văn phòng công chứng thì chúng ta đòi hỏi là đã thực hiện việc ký quỹ, đồng thời lại quy định đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, không biết tại sao cùng một lúc lại hai thứ đó? Vì ký quỹ để làm gì, là hình thức để bảo đảm trách nhiệm, mà mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cũng là vậy. Thế thì tại sao cùng một lúc lại làm hai việc này? Đó là điều khó hiểu.

Hơn nữa, khi nói đến ký quỹ thì phải nói đến khả năng tài chính của công chứng viên, mà không rõ rằng khi nói đến khả năng như thế này thì không phải công chứng viên nào cũng có khả năng tài chính giống nhau. Thế thì có thể có những mức ký quỹ khác nhau không. Nếu tôi ký quỹ được 5 triệu thì tôi chỉ hoạt động trong lĩnh vực trong khuôn khổ 5 triệu thôi. Còn nếu như tôi ký quỹ 100 triệu thì tôi hoạt động rộng hơn chăng? Chỗ này là chưa rõ. Cho nên chữ kỹ quỹ này là rất khó hiểu. Nó lại song song tồn tại với trách nhiệm nghề nghiệp thì lại càng khó hiểu hơn. Vì chỉ là 1 trong 2 cái thôi chứ. Ở đây thì chúng ta thì 1 cũng đã và 2 cũng đã. Có nghĩa là muốn lập Văn phòng công chứng thì phải làm 2 việc đó, không những nó quá nặng với Văn phòng công chứng mà còn hơi khó hiểu là sao cùng một lúc lại làm 2 việc đó để bảo đảm nhiệm vụ của mình. Đó là ý mà chúng tôi muốn nêu.

Hai, Văn phòng công chứng do một hoặc một số công chứng viên thành lập, vấn đề ở đây nếu là một Văn phòng công chứng viên thì địa vị pháp lý của nó khác, nhưng một văn phòng pháp lý, văn phòng công chứng lại hai công chứng viên trở lên thì khác, mối quan hệ giữa các công chứng viên đó là quan hệ như thế nào, chưa rõ, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của sáng lập viên. Nhưng như thế có nghĩa là một Văn phòng công chứng có hai sáng lập viên, sau đó có được kết nạp thêm những công chứng viên khác nữa không, chúng ta chỉ nói đến trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp của những sáng lập viên, công chứng viên, vậy những người vào sau có phải bảo hiểm xã hội không, bảo hiểm nghề nghiệp không, có phải ký quỹ gì không, càng không rõ, đó cũng là điều chúng tôi nghĩ rằng tính chất pháp lý của Văn phòng công chứng này phải đi vào rất chi tiết, vì không phải ngẫu nhiên trong Luật Công ty, có công ty trách nhiệm hữu hạn, lại có công ty hợp danh, hợp danh có nghĩa là chịu trách nhiệm toàn bộ, chia nhau chịu trách nhiệm toàn bộ, hữu hạn thì nó khác, đó là ý chúng tôi phát biểu.

Một điểm nữa, chúng tôi rất quan tâm, đó là trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật có đề cập đến tổ chức tự quản của những công chứng viên, ở các nước, vì nó là phi Nhà nước, cho nên tổ chức tự quản của công chứng viên rất mạnh, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp rất mạnh, giống như bên Đoàn Luật sư, có khi mạnh hơn bên Đoàn Luật sư, vì cơ sở tài chính của nó mạnh hơn. Ta đã cho ra đời Văn phòng công chứng, tính rằng rồi đây chúng ta sẽ có hàng ngàn công chứng viên và tỉnh nào cũng có, mỗi tỉnh, mỗi thành phố có thể có nhiều Văn phòng công chứng, Phòng công chứng anh nào biết anh ấy hay cho phép họ tập hợp lại thành một tổ chức toàn quốc, họ tự quản với nhau và nhà nước đương nhiên phải quản lý, nhưng trong chừng mực cần thiết chứ không phải đi vào cụ thể hoạt động của từng công chứng viên.

Trong Luật về luật sư chúng ta có Liên đoàn Luật sư toàn quốc hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thì tại sao ở đây không đặt vấn đề có Liên đoàn hay Liên hiệp gì đấy, của các công chứng viên trong cả nước mà họ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp để tự quản với nhau, nhất là trong vấn đề trách nhiệm đối với người dân. Không phải một hình thức kỷ luật nào cũng bắt buộc nhà nước phải vào cuộc mà chính để họ xử lý với nhau, họ giáo dục nhau, họ giúp đỡ nhau về chuyên môn.

Các văn bản liên quan