Ông Vũ Duy Thái, HH Công thương góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Thứ Hai 10:29 10-07-2006


Góp ý kiến về chủ đề
“Các quy định về thẩm tra đầu tư”
(Dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn thi hành luật đầu tư)


     Vũ Duy Thái
Hiệp hội công thương TP Hà Nội


     Dự thảo 14 đã chỉnh sửa một số chi tiết và sắp đặt lại một số điều hợp lý hơn so với dự thảo trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung điều khoản rườm rà chưa thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

     Trong phạm vi được giao, tôi xin thay mặt nhóm nêu ra một số nhận xét liên quan đến “vấn đề thẩm tra đầu tư” bao gồm cả vấn đề thẩm quyền, nội dung, biểu mẫu, quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm tra, điều chỉnh dự án đầu tư .v.v. nhìn từ góc độ chuyên gia.

1. Về thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư (điều 52)

     Dự thảo quy định 4 cấp: Dự án do Chính phủ, Dự án do Bộ Kế hoạch - đầu tư ; Dự án do UBND cấp tỉnh và Dự án do Ban Quản lý KCN – KCX, Khu Công nghệ cao… thực hiện việc đăng ký, chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đầu tư …

     Theo chúng tôi chỉ giao cho cơ quan có thẩm quyền được quy định tại các điều 53, 54, 55, không giao cho Ban quản lý Khu Công nghiệp – Khu chế xuất thực hiện việc đăng ký đầu tư, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án vào các khu này, vì lực lượng các Ban quản lý mỏng cả về nhân sự và kinh nghiệm.

Đề nghị Dự án đầu tư vào khu Công nghiệp … ở tỉnh nào sẽ do UBND tỉnh ấy thực hiện việc đăng ký… (Cụ thể là Sở Kế hoạch - Đầu tư, như quy định tại Điều 55) Ban quản lý các khu công nghiệp chỉ làm công tác quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp …Nếu đề xuất này được chấp thuận, thì việc tiếp nhận hồ sơ và “quy trình thẩm tra các dự án” của BQL Khu Công nghiệp quy định tại điều 60 và 70 của Nghị định này cũng phải được chỉnh sửa.

2. Về nội dung đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư (điều 58)

     Mẫu chứng nhận đầu tư chỉ gồm 6 nội dung. Nhưng,

     + Bản đăng ký đầu tư (mẫu HS1) lại gồm 99 khoản mục 3 biểu mẫu và 5 loại văn bản chứng minh khác, (không khác gì biểu hướng dẫn lập báo cáo đầu tư hiện hành…) là dài dòng với nhiều chi tiết không cần thiết. Ví dụ, kê khai về danh mục sản phẩm chủ yếu và thị trường dự kiến? Tính năng thiết bị, máy móc, đơn giá hay nhu cầu về nguyên liệu cho những năm sau là không thực tế, vì dự án mới đăng ký chưa hoạt động đâu, nên không thể dự kiến năm sau? Nếu bắt ghi cũng chỉ là ước lượng, hình thức, không có ý nghĩa thực tiễn.

     + Bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư (mẫu HS2) - để thẩm định trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư - cũng khá dài, (37 khoản mục, và 5 loại văn bản gồm hợp đồng liên doanh hoặc điều lệ doanh nghiệp; xác nhận về tư cách pháp lý; danh sách thành viên; xác định vốn pháp định (nếu là ngành nghề phải có vốn pháp định) và chứng chỉ hành nghề, trong số những người quản lý công ty.

     Có thể nói 2 loại biểu mẫu (HS1 và HS2) được “gia công” quá ít, có nhiều chi tiết chẳng để làm gì, nhưng sẽ “vất vả” cho các nhà đầu tư, và “quá tải” cho các nhà thẩm tra dự án!

     Đề nghị Ban soạn thảo đầu tư thêm thời gian thiết kế lại biểu mẫu HS1, HS2 theo hướng đơn giản, thiết thực thuận tiện cho người khai (nhà đầu tư) và người thẩm tra (cơ quan quản lý đầu tư).

3. Về thủ tục thẩm tra các dự án trên 300 tỷ và dự án đầu tư có điều kiện (điều 63- 64)

     Dự thảo yêu cầu nhà đầu tư (trong nước) phải nộp cho cơ quan thẩm tra 1 bộ hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư, văn bản xác định tư cách pháp nhân; báo cáo năng lực tài chính, giải trình kinh tế – kỹ thuật..v.v. là quá dài, và nội dung thẩm tra gồm: sự phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ sử dụng đất, bản vẽ quy hoạch phương án đền bù giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư..v.v..là không tương thích với Luật đất đai vì Luật này quy định nhà đầu tư được thuê đất “sạch” tại các KCN hay Trung tâm phát triển quỹ đất hoặc tự thoả thuận với người có quyền SDĐ…, thì đất đó đã nằm trong quy hoạch và đã có hạ tầng do bên cho thuê đảm nhiệm, còn trường hợp đất do nhà đầu tư thoả thuận với người có quyền sử dụng đất, thì đương nhiên phải là đất năm trong quy hoạch phát triển các ngành sản xuất phi nông nghiệp ; và nhà đầu tư phải có quyết định chấp thuận (cho phép) đầu tư của cấp tỉnh rồi mới được tiến hành các thủ tục khác (thoả thuận, đền bù, thu hồi đất, cho thuê đất.v.v.) quy định này phiền hà cho các trường hợp đã đầu tư nay muốn có giấy chứng nhận đầu tư và không tương thích đối với những trường hợp đầu tư lần đầu hay đầu tư mở rộng như phân tích ở phần trên.

      Đối với dự án có điều kiện nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện tại các văn bản pháp luật có liên quan. Cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào điều kiện mà dự án phải đáp ứng… để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, hồ sơ thẩm tra đầu tư không khác gì Báo cáo dự án khả thi hiện hành, rất khó thực hiện, vì dự thảo mới đưa ra Danh mục các ngành và lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chưa cụ thể hoá các điều kiện kinh doanh là gì, thì dựa vào đâu để nhà đầu tư đáp ứng và nhà quản lý căn cứ vào tiêu chí nào để cấp (hay không cấp) giấy chứng nhận đầu tư…

Đề nghị ban hành các (tiêu chí) - điều kiện kinh doanh cụ thể mà nhà đầu tư phải đáp ứng mới được kinh doanh tương ứng với các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đồng thời với (phụ lục D); Có như vậy mới không dẫn đến phân biệt đối xử, hoặc tuỳ tiện ứng xử theo mối quan hệ giữa nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền.

     Khoản 4 của điều 64 còn quy định đối với dự án trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, ngân hàng … nhà đầu tư phải mua bảo hiểm khách hàng. Quy định này không khả thi vì dự án còn trong giai đoạn “trình duyệt” “xin phép” chưa hoạt động thì làm sao đã phải mua bảo hiểm cho khách hàng. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại.

4. Thời gian thẩm tra các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và của cấp tỉnh  (điều 67- 68)

Điều 47 – Luật đầu tư quy định: 30 ngày trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Nhưng theo Dự thảo: cơ quan quản lý cần 3 ngày để kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, 15 ngày hỏi ý kiến các Bộ ngành liên quan, 25 ngày tổng hợp trình Thủ tướng; 10 ngày văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng, 5 ngày để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị giấy chứng nhận đầu tư. Tổng cộng hết 58 ngày vượt so với quy định cao nhất của Luật đầu tư 13 ngày (chưa kể ngày nghỉ lễ, nghỉ chủ nhật và thời gian chuyển hồ sơ…) từ cơ quan này sang cơ quan khác. ấy là chưa kể đến trường hợp có ý kiến khác nhau, phải tổ chức họp tư vấn để lấy ý kiến và nghe chủ đầu tư giải trình.

     Thời gian thẩm tra ở cấp tỉnh ngắn hơn, nhưng cũng phải mất 43 ngày chưa kể thời gian phải tổ chức họp tư vấn và chờ quyết định của UBND?

Đề nghị đơn giản biểu mẫu thủ tục, và quy trình thẩm tra, bảo đảm thời gian như luật quy định (không quá 45 ngày).
 
 
5. Việc điều chỉnh dự án đầu tư theo quy trình thẩm tra đầu tư (điều 74)

    Dự thảo quy định những dự án đầu tư, sau khi điều chỉnh có quy mô vốn trên 300 tỷ, dự án thuộc danh mục có điều kiện, hoặc sau điều chỉnh thuộc danh mục đầu tư có điều kiện, chủ đầu tư phải làm hồ sơ gồm đơn giải trình lý do và các văn bản khác tương ứng với hồ sơ thẩm tra lần đầu; đồng thời nhà đầu tư phải xin giấy xác nhận chấp thuận của từng Bộ Kinh tế - kỹ thuật đối với nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và địa phương về địa điểm dự án. Cơ quan quản lý đầu tư thẩm tra theo quy định tại điều 63,64,65,66 của Nghị định này. Nghĩa là việc điều chỉnh cũng thực hiện quy trình thẩm tra y như dự án mới!

      Khác chăng là sự không nhất quán, vì dự án mới do cơ quan thẩm tra lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan (trong vòng 15 ngày, các Bộ ngành không có ý kiến bằng văn bản coi như chấp thuận (điều 67)). Nhưng đối với dự án điều chỉnh thì chủ đầu tư phải xin ý kiến từng Bộ, ngành, giả sử có 1 Bộ, ngành nào đó không trả lời thì có thể “coi như chấp thuận” được không?

Đề nghị việc thẩm tra điều chỉnh dự án cũng do cơ quan quản lý đầu tư tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương qúa 15 ngày Bộ ngành nào không có ý kiến bằng văn bản coi như chấp thuận như quy định tại điều 67.

    Tóm lại: Những băn khoăn về thủ tục đầu tư, thẩm tra đầu tư khi ban hành luật đầu tư vẫn chưa được Nghị định giải toả.

     Dự thảo còn bỏ qua chưa hướng dẫn nhiều nội dung luật giao cho “Chính phủ quy định cụ thể” như điều 66 (Luật Đầu tư) “Chính phủ quy định các dự án đầu tư quan trọng và quyết định việc bảo lãnh; Điều 69 (Luật Đầu tư) Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hoạt động công ích, khoản 2 điều 70 Chính phủ quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và toàn bộ nội dung đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (chương VII), và đầu tư ra nước ngoài (chương VIII). Trong khi Nghị định lại quy định quá chi tiết việc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (điều 21 khoản 3) mà đơn giản việc này chỉ quy định thực hiện theo Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh là đủ…

     Trên đây là tổng hợp ý kiến của nhóm nghiên cứu về chủ đề 4. Xin báo cáo cơ quan chủ trì nghiên cứu (PMRC) xem xét.



        Ngày 21-6 –2006
   TM nhóm
 
 
                                                                                                                       Vũ Duy Thái
 
    
 
 
 
 

Các văn bản liên quan