Không nên giao quyền cho Ban quản lý

Thứ Ba 11:57 20-06-2006

BẢN GÓP Ý DỰ THẢO 11 NĐ-CP QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN
THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ 
 

Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký-HHBHVN
 
Dự thảo NĐ cơ bản đã hướng dẫn chi tiết một số vấn đề được quy định tại Luật Đầu tư thể hiện được tinh thần không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước, thể hiện chính sách khuyến khích thúc đẩy và đảm bảo cho các nhà đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên còn một số điểm chúng tôi xin góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung thêm như sau:

1. Toàn bộ chương VII Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và chương VIII Đầu tư ra nước ngoài chưa được Dự thảo NĐ hướng dẫn.

2. Một số vấn đề Luật quy định “Chính phủ quy định Luật cụ thể” chưa được hướng dẫn trong NĐ này có thể làm phát sinh NĐ hướng dẫn khác như:

Điều 23 (Đầu tư theo hợp đồng) khoản 2. Các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quy định. Chính phủ quy định lĩnh vực đầu tư, điều kiện, trình tự, thủ tục, phương thức…

Điều 43 Khoản 2: “Nhà nước hỗ trợ phần vốn…. theo quy định của Chính phủ”,

Điều 52: “Chính phủ quy định thời hạn dài hạn đối với dự án nhưng không quá 70 năm”,

Điều 66: “Chính phủ quy định các dự án đầu tư quan trọng và quyết định việc bảo lãnh…”,

Điều 69 “Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hoạt động công ích…”.

Điều 70: “Chính phủ quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn tín dụng đầu tư”.

3.  Ngay trong Dự thảo NĐ cũng còn một số vấn đề “theo quy định của Chính phủ” mà có thể hướng dẫn chi tiết ngay tại Dự thảo NĐ này.

Điều 1 khoản 2 “Hoạt động…. theo quy định riêng của Chính phủ” có nghĩa là phải có những NĐ khác ban hành sau này,

Điều 24: “Thủ tướng Chính phủ quy định các chính sách đặc thù áp dụng đối với người Việt Nam…”

Điều 26 khoản 2: “Nhà nước khuyến khích việc chuyển giao…” việc khuyến khích như thế nào cần nói rõ trong NĐ.

Điều 26 khoản 3 “Chính phủ có những chương trình hỗ trợ về nghiên cứu…” nếu nói rõ hơn về mực độ cách thức hỗ trợ trong NĐ thì tốt hơn,

Điều 29 khoản 2 mục B: “Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi…” nhưng chưa nói rõ biện pháp khuyến khích, những ưu đãi.

Điều 30: “Thủ tướng Chính phủ quy định các điều kiện, nguyên tắc, hạn mức…” nếu nêu được chi tiết vấn đề này trong NĐ hoặc nêu được nguyên tắc thì tốt hơn,

Điều 31 khoản 2: “Đối với những địa bàn…” vấn đề này có thể chỉ rõ ngay địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 32 khoản 4 “Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi…” cần nêu rõ luôn khuyến khích và ưu đãi như thế nào trong NĐ,

Điều 42 khoản 3: “Chính phủ có quy định riêng về việc hỗ trợ quyền lợi…” tại sao chúng ta chưa đưa được ngay những quy định này vào NĐ.

4. Tài sản đầu tư 

Điều 2 khoản f nên có định nghĩa như Điều 2 khoản 1 nhưng  không cần liệt kê chi tiết vì sau này sẽ phát sinh thêm nhất là các sản phẩm dịch vụ tài chính kinh tế phát sinh. Cần bổ sung thêm nguyên tắc định giá tài sản này (theo thoả thuận hoặc theo tổ chức định giá độc lập) vì có liên quan đến khấu hao, chi phí trước thuế sau này.

5. Việc áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia

Điều 3 khoản 3: Nhà đầu tư có quyền lựa chọn sao cho có lợi cho mình.

6. Việc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được hợp tác với nhau hoặc với nhà đầu tư nước ngoài khác để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Điều 7 khoản 2) cần quy định rõ tuân thủ theo Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh để không trở thành nhà độc quyền hay nhà chi phối thị trường.

7. Việc sáp nhập mua lại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Điều 11 khoản 3) không cần quy định chi tiết mà chỉ nên tuân thủ theo Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh.

8. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 12) cần có những quy định đặc thù chi tiết rõ ràng hơn để:

-         Kiểm soát được các nhà cổ đông sáng lập nước ngoài,
-         Bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư Việt Nam khi mua cổ phiếu của công ty này trên thị trường sơ cấp (không niêm yết)

9. Chi nhánh văn phòng đại diện (Điều 13) cần tách chi nhánh riêng và văn phòng đại diện riêng vì:

-         Chi nhánh được quyền kinh doanh như giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp,
-         Văn phòng đại diện chỉ được giao dịch không được quyền kinh doanh

10. Lĩnh vực ưu đãi đầu tư (Điều 15) cần nêu nguyên tắc và tiêu chí xác định vì danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi (Phụ lục A) sẽ thay đổi theo từng thời kỳ (có thể là một vài năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ cấu kinh tế ngày nghề thay đổi),

11. Địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 16) cần nêu nguyên tắc và tiêu chí xác định vì địa bàn hôm nay có thể được ưu đãi nhưng vài ba năm sau (nhất là sau khi VIệt Nam vào WTO) đã là vùng kinh tế lớn mạnh, ví dụ như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Dương gần đây,

12. Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư (Điều 22 khoản 1) cần chỉ rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định và làm thủ tục ưu đãi đầu tư.

13. Đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Điều 24) cần quy định rõ các chính sách đặc thù của Chính phủ với đối tượng này.

14.  Hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Điều 26) khoản 2 cần chỉ rõ nhà nước khuyến khích như thế nào (đất đai, thuế…) khoản 3 Cần chỉ rõ một số chương trình hỗ trợ trước mắt (có thể nêu trong một phụ lục đính kèm) vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội Việt Nam chúng ta đã xác định được đến 2010, 2015 và 2020.

15. Mức vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo quy định của Chính phủ (Điều 28 khoản 2) Điều này có thể chi tiết hơn vì tỷ lệ được vay so với tổng dự án và tỉ lệ phần trăm lãi suất được hỗ trợ để tránh hiểu lầm, Chính phủ dùng Ngân hàng thương mại quốc doanh làm công cụ thực hiện chính sách trên.

16. Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế, kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và công trình kết cấu hạ tầng (Điều 29 khoản 2b) cần chỉ ra biện pháp khuyến khích và chính sách ưu đãi: như thuế, đất đai, lãi suất tín dụng…

17. Hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào (Điều 30 khoản 1) nên đưa ra nguyên tắc, điều kiện, hạn mức, hạng mục được hỗ trợ theo từng đặc thù địa phương đặc biệt khó khăn, khó khăn…

18. Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao: (Điều 23 khoản 4) “Chính phủ khuyến khích và có ưu đãi cho doanh nghiệp…” cần chỉ rõ biện pháp khuyến khích và chính sách ưu đãi như thuế, đất đai, lãi suất, tín dụng…

19. Quyền mở tài khoản và mua ngoại tệ (Điều 38 khoản 3) bỏ từ hỗ trợ trong câu “Chính phủ đảm bảo hỗ trợ cân đối ngoại tệ…”

20. Quyền của nhà đầu tư (Điều 42 khoản 3) Cần nêu rõ cam kết của Chính phủ hỗ trợ quyền lợi của các nhà đầu tư như thế nào.

21. Thuê công ty quản lý: (Điều 46) Cần bổ sung thêm với trường hợp thuê cá nhân quản lý và cần quy định trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư ngay cả khi nhà quản lý bị sai sót lỗi lầm.

22. Kho bảo thuế (Điều 52 khoản 3) quy định quá cứng nhắc vì có thể sử dụng  tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đỡ thiệt hại cho nhà đầu tư.

23. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư (Điều 53) nên đưa xuống thành điều 56 để hợp lý logic hơn

24. Thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư (Mục I chương VI) không nên để Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thực hiện đăng ký, chấp thuận, cấp giấy phép đầu tư. Thứ nhất là Ban này quá mỏng về lực lượng và kinh nghiệm, thứ hai là khi các khu này được lấp đầy bởi các nhà đầu tư thì việc đăng ký, chấp thuận, cấp phép cũng chấm dứt. Nên đưa công việc này về Sở kế hoạch Đầu tư thì hợp lý hơn.

25. Hoạt động đầu tư đặc thù theo quy định trong pháp luật khác (Điều 53 khoản 2) nên tách ra thành một điều mới quy định thẩm quyềen cấp Giắy chứng nhận đầu tư của các Bộ, Ngành kinh tế kỹ thuật.

26. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư (Điều 59) cần quy định thêm đối với Bộ, Ngành kinh tế kỹ thuật đối với đầu tư có điều kiện và bỏ Ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ kỹ thuật cao và khu kinh tế mà thay vào đó là Sở kế hoạch đầu tư

27. Thủ tục đăng ký đầu tư (Điều 60 và 61) không nên phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Cần ghi thêm nội dung:Kiến nghị về ưu đãi đầu tư (nếu có) như Luật đầu tư. Riêng báo cáo tài chính 2 năm gần nhất cần ghi thême đã được kiểm toán tại cơ quan kiểm toán độc lập có uy tín.

28. Thủ tục đăng ký đầu tư với lĩnh vực đầu tư có điều kiện: Cần bổ sung thêm điều này để thông nhất với các Bộ, Ngành kinh tế kỹ thuật có thẩm quyền cấp phép như các điều kiện về vốn, về nghề nghiệp, về kỹ thuật… 
 
29. Thủ tục đăng ký (Điều 62)

Hồ sơ thẩm tra
: Cần bổ sung về lý lịch, nghề nghiệp kinh nghiệm (cả về chuyên môn và quản lý) của chủ dự án, người quyết định lớn tới thành công của dự án.

Nội dung thẩm tra
: Cần bổ sung tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, năng lực tổ chức quản lý của chủ dự án, nhất là dự án đầu tư nước ngoài. Thực tế các dự án đổ bể hay mang tính chất lừa đảo vừa diễn ra tại Việt Nam là bài học đắt giá khi chúng ta không thẩm tra kỹ vấn đề này.

Ngoài ra còn phải thẩm tra về quy trình công nghệ, chất lượng sản phẩm (phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế) năng lực sản xuất, kênh phân phối sản phẩm đảm bảo tính khả thi của dự án.

30. Điều kiện và việc thẩm tra của dự án có điều kiện (Điều 63):

Cần bổ sung thẩm tra dự án đã đáp ứng đủ điều kiện quy định theo Luật chuyên ngành, vốn pháp đinh, chứng chỉ nghề nghiệp, ký quỹ… Riêng vấn đề mua bảo hiểm cho khách hàng khi dự án mới bắt đầu xin cấp phép chưa hoạt động kinh doanh thì làm sai đã có khách hàng để mua bảo hiểm. Chúng tôi cho rằng tổ soạn thảo nhầm lẫn với loại bảo hiểm khác đó là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (đối với bác sĩ, luật sư, kiểm toán…) bảo hiểm trách nhiệm đối với sản phẩm (nhất là sản phẩm có liên quan đến lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ  phẩm…)

31. Quy trình thẩm tra (Điều 66, 67, 68) đều vượt quá 45 ngày theo quy định của Luật (30 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày-Điều 47 khoản 2) đó là chưa kể thời gian chuyển hồ sơ qua đường bưu điện từ Bộ Kế hoạch Đầu tư đến các Bộ, Ngành, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh và ngược lại.

Những ngày quy định trong NĐ phải là ngày làm việc, vì chúng ta có những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, nghỉ bù liên tục có thể kéo dài tới 9, 10  ngày, trong khi đó Luật quy định số ngày chứ không phải là ngày làm việc.

Việc có ý kiến khác nhau phải tổ chức họp tư vấn với đại diện có thẩm quyền của các cơ quan liên quan chưa quy định thời hạn cụ thể phải làm, trong khi đó đường căng về thời gian để chấp hành đúng luật là cần thiết.

Đề nghị tổ soạn thảo nghiên cứu kỹ để sửa đổi vấn đề trên.

32. Quy trình thẩm tra dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý (Điều 69) Không nên giao quyền cho Ban quản lý làm vấn đề này mà thay vào đó là Sở kế hoạch Đầu tư của tỉnh.

33. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư (chương VIII mục 3 Không nên giao quyền cho Bản quản lý tiếp nhận thủ tục điều chỉnh (Điều 72 khoản 3 và 4) mà nên thay vào đó là Sở kế hoạch Đầu tư.

34. Chức năng quản lý nhà nước về đầu tư của Ban quản lý (Điều 91) Bỏ điều này vì năng lực của Ban quản lý rất hạn chế mà giao ngay cho Sở kế hoạch Đầu tư.
 
Cuối cùng chúng tôi đề nghị đưa Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia thẩm định tư cách của chủ dự án đầu tư nước ngoài về pháp nhân, vốn, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, năng lực kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu

Các văn bản liên quan