Chỉ có 2 cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư

Thứ Ba 11:30 20-06-2006
Sau khi nghiên cứu bản “Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành luật đầu tư” do Ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam gửi, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đóng góp một số vấn đề sau: 

A. Phần góp ý Nghị định
 
Luật đầu tư theo Hiệp hội chúng tôi phải giải quyết được các vấn đề sau:

1.                       Thực hiện đầu tư nguồn lực khai thác tiền năng đất nước để làm giầu cho đất nước, cho Nhà đầu tư, tạo việc làm cho người lao động.

2.                       Người đầu tư bỏ vốn đầu tư phải chịu rủi ro nên có tâm trạng lo lắng khi bỏ tiền vào công trình. Nếu không mạnh dạn khuyến khích thu hút vốn đầu tư thì tiền trong xã hội sẽ chuyển thành vàng, gửi tiết kiệm, đổi ngoại tệ với tâm lý cho chắc ăn và không sinh  lợi cho  đất nước được nhiều.

3.                       Luật phải tạo điều kiện để Nhà đầu tư an tâm, không bị những thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến mục đích đầu tư của họ bị thiệt hại. Đồng thời phải có những hướng dẫn đầu tư vào lĩnh vực nào (có quy hoạch đúng tầm nhìn của quốc gia), những khuyến khích và ưu đãi đầu tư thoả đáng để tận dụng tiềm năng cho việc làm giầu đất nước, nâng dần cuộc sống xã hội, của các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa tiến kịp miền suôi.

4.                       Vì luật đầu tư chỉ bàn đến đầu tư bằng vốn của các tổ chức kinh tế, của tư nhân của người nước ngoài nên rủi ro cho Nhà nước là không nhiều. Vì vậy phải thấy rằng trách nhiệm Chính phủ, các cơ quan giúp việc Chính phủ phải nỗ lực hoàn thành phần trách nhiệm của mình là tạo điều kiện để khơi nguồn tiềm năng cho đầu tư do đó phải thực hiện được các nhiệm vụ chính sau:

4.1.         Lập quy hoạch cho các ngành cần khuyến khích đầu tư như quy hoạch phát triển Công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010-2020, quy hoạch ngành Công nghiệp đóng tầu, Công nghiệp sản xuất ôtô, Công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ, v…v. Quy hoạch phải được Chính phủ giao cho Bộ KHĐT làm đầu mối tổng hợp để sau này quy định trách nhiệm rõ ràng.

          Hướng dẫn các Sở KHĐT là chân rết của Bộ KHĐT cũng phải chịu trách nhiệm về quy hoạch trong tỉnh.

4.2.         Cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tập trung vào việc xem xét hướng dẫn, khuyến cáo các nhà đầu tư biết được quy hoạch của Chính phủ, của tỉnh và giúp họ có định hướng được rõ nét và yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kèm theo các quy định có liên quan: đất đai (trong đó khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng), lao động, vào các điều kiện mà Nhà nước cung ứng như: thông tin liên lạc, quản lý chung, điện, nước, chất thải và bảo vệ môi trường để không khỏi bỡ ngỡ chạy nhiều cửa, trình duyệt nhiều cấp.

4.3.         Nghị định thiếu phần quy định trách nhiệm về việc xây dựng quy hoạch – Phải giao trách nhiệm đầu mối lập và thông báo quy hoạch cho  Bộ KHĐT – Sở KHĐT để ngăn ngừa tình trạng đầu tư tràn lan gây tổn thất tiền của như các dự án: mía đường, xe máy, lắp ráp ôtô như trong thời gian vừa qua.

4.4.         Để kiểm tra thực hiện luật đầu tư phải có tổ chức riêng về kiểm tra chuyên ngành theo luật đầu tư đã quy định, định kỳ kiểm tra và không gây phiền hà cho Nhà đầu tư, phải ghi rõ những nội dung cần kiểm tra, quy định rõ thời gian kiểm tra.
         
          Từ các nhận định trên đề nghị chỉnh sửa những điều khoản của bản hướng dẫn này như sau:
 
          Chương I, Điều 4: Ngôn ngữ sử dụng: cần làm rõ tiếng nước ngoài thông dụng là tiếng nào:  Anh, Pháp, Đức, Trung, Nga ?.

          Chương III, Điều 26: Những chương trình này cụ thể như thế nào?, Vì đã có những chương trình tự động hoá nhưng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi được xét cấp vốn thì Bộ Tài chính không cấp vốn. Cần làm rõ hơn nội dụng của các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ được hỗ trợ ? Nguồn kinh phí ? đối tượng thụ hưởng ?.

          Điều 27: Hỗ trợ đào tạo cần có những quy định cụ thể, không nên nêu  chung chung không rõ các chương trình này có từ bao giờ ?, Kênh nào cung cấp tài chính. Hàng năm được cấp nào thông báo nguồn kinh phí hỗ trợ? Các đối tượng nào được thụ hưởng ?.

          Điều 28: Hỗ trợ khuyến khích cho đầu tư phát triển và hỗ trợ dịch vụ đầu tư. Nguồn vốn vay từ quỹ nào ? lãi suất bao nhiêu ?, thời gian cho vay ?.

- Hỗ trợ đầu tư: được hưởng ưu đãi gì cụ thể về vốn, về lãi xuất cho vay hay các ưu đãi về thuế thu nhập, v…v. Cần nêu cụ thể để Nhà đầu tư biết.

          Điêù 29: Cần làm rõ các chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư nhà ở cho công nhân. Đây là vấn đề bức xúc, tình trạng không có nhà ở cho công nhân ở là phổ biến trong cả nước ?. Cần làm thành một đề mục riêng có các quy định ưu đãi đặc biệt về đất, giải phóng mặt bằng, vay vốn và trợ giá thuê nhà ở, v…v.

          Điều 32: Phải coi việc xử lý nước rác thải, chất thải chung của khu công nghiệp là vấn đề quan trọng được xác định ngay từ đầu, nên giao cho một đơn vị được thành lập theo quy chế riêng được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, lãi xuất ưu đãi, trợ giá, là đơn vị dịch vụ công cộng, bảo đảm bảo vệ môi trường.

          Điều 43: Có tổ chức bộ phận thanh tra đầu tư riêng hay khồng ?. Cần quy định rõ nội dung của thanh tra đằu tư ?.

          Chương VI, Điều 52, Mục h:  Dự án đào tạo cao đẳng có cần thiết phải do Thủ tướng Chính phủ cấp giấy chứng nhận hay không ?.

          Điều 53: Thẩm quyền chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư: chỉ có 2 cấp:

1- Chính phủ cấp giấy chứng nhận cho các dự án mà Bộ KHĐT làm đầu mối trình duyệt.

2- UBND các tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư do sở KHĐT trình duyệt

Lý do là:

1-Không thể Bộ KHĐT vừa tham mưu lại vừa làm việc thay Chính phủ để cấp giấy chứng nhận đầu tư.

2-Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cũng không thể cấp giấy chứng nhận đầu tư vì tổ chức này chưa rõ ràng. Bài học các PMU của Bộ giao thông làm cho chúng ta phải thận trọng trong việc giao quyền.
 
B. Phần góp ý về danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư
 
          Theo kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đó là:

          - Xác định cơ khí là một ngành cơ khí nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

          - Tập trung xây dựng ngành cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục tình trạng bao cấp trong đầu tư phát triển ngành cơ khí, các chính sách khuyến khích áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp với lộ trình AFTA và WTO.

          Tập trung phát triển ngành cơ khí một cách có hiệu quả bền vững trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực bên ngoài, trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành cơ khí một cách có tổ chức, bảo đảm sự phân công và hợp tác thích hợp, đồng thời tiếp tục đổi mới, sắp xếp, phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước về cơ khí đủ mạnh để giữ vai trò nòng cốt là lực lượng của ngành. 

         - Khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về tài nguyên, nguồn nhân lực để tập trung phát triển có chọn lọc một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm có lợi thế, có sức cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và xuất khẩu,… 

         - Mục tiêu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng tối thiểu 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% gía trị sản lượng.
         
          Muốn làm được điều này, phải có chính sách và biện pháp như sau:

          Phát huy nội lực, thu hút sử dụng hiệu quả đầu tư bên ngoài. Thực hiện bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện và có thời hạn đối với những sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước, đặc biệt Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về lãi xuất và thời hạn vay vốn lưu động cho các Nhà sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình chế tạo thiết bị toàn bộ, chu kỳ sản xuất các dự án này cần vốn lớn, thời gian sản xuất dài, đặc biệt coi trọng việc chế tạo sản phẩm của 08 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định  08 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm như sau:

1.     Thiết bị đồng bộ của tất cả các ngành.
2.     Máy động lực
3.     Cơ khí phục vụ nông lâm, ngư nghiệp  công nghiệp chế biến
4.     Máy công cụ
5.     Máy và cơ khí xây dựng
6.     Đóng tầu thuỷ
7.     Cơ khí ôtô-Cơ khí giao thông vận tải
8.     Thiết bị kỹ thuật điện-điện tử
 
            Để tránh việc Nghị định này trái với quyết định của Chính phủ đề nghị chuyển các danh mục của lĩnh vực khuyến khích đầu tư  sang lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư   08 danh mục cơ khí trọng điểm kể trên, tức là chuyển các danh mục  số:  7;  8;  9;  10;  11;  15;  16;  27;  41 của danh mục lĩnh vực khuyến kích đầu tư sang lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư ở phụ lục A
 
       Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào bản “Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư” của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam sau khi đã tham khảo các ý kiến đóng góp của các thành viên Hiệp hội. Chúng tôi đề nghị Ban pháp chế - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tập hợp và gửi Ban soạn thảo Nghị định trên nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh Nghị định.
 
       Trân trọng cảm ơn.
 
                                                                   T/M. Hội đồng Hiệp hội
                                                                                Chủ tịch 
  
  
  
                                                                           Nguyễn Văn Thụ 
 

Các văn bản liên quan