Chưa quy định về đầu tư ra nước ngoài

Thứ Ba 11:19 20-06-2006
Sau khi nghiên cứu “Luật Đầu tư chung” “Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư”; Hiệp hội ô tô xe máy xe đạp Việt Nam xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
 
1- Bản dự thảo đã đáp ứng yêu cầu của một Nghị định hướng dẫn thi hành một Luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.
 
2- Riêng nội dung về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được đề cập trong Luật đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm thì trong Dự thảo Nghị định không đề cập đến.
 
3- Những quy định mà Dự thảo nghị định đề cập thêm ngoài Luật đã đề cập đến thì không có. 
  
Những vấn đề góp ý:

          1- Đối với những Văn bản pháp quy như Nghị định này không nên rườm rà, dài dòng. Chẳng hạn tại Điều 2– Giải thích từ ngữ: Trong Luật đã có những định nghĩa về Tài sản đầu tư thì Nghị định không nên nêu nũa. Các định nghĩa về loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì ai cũng đã biết chẳng cần thiết nêu lại trong Nghị định nữa.
 
          2- Việc áp dụng Pháp luật và điều ước Quốc tế, theo chúng tôi chỉ nêu theo Nghị định và theo các điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký cam kết. Như vậy trong trường hợp có ưu đãi thì sẽ được áp dụng theo một trong hai văn bản  đã đề cập đến để doanh nghiệp  áp dụng và thực hiện.
 
          3- Về việc sáp nhập đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 11: Một khi đã là bình đẳng như doanh nghiệp Việt Nam thì không cần thiết phải quy định các điều kiện hạn chế việc sát nhập của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vì khi đã mua bán cổ phiếu thì đều áp dụng theo các quy định cụ thể của Nhà nước đối với từng Công ty trước khi đưa ra sàn giao dịch công khai tại thị trường chứng khoán.
 
          4- Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài cũng bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam(Điều 12):
Theo chúng tôi không cần thiết phải  có những quy định riêng mà chỉ hạn chế các lĩnh vực hoạt động  mà thôi. Tất nhiên Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài phải có ít nhất 1 thành viên là nhà đầu tư nước ngoài là một trong các sáng lập viên. Đồng thời phải là thành phần các sáng lập viên thì mới có các văn bản pháp lý trong tờ trình để xin giấy chứng nhận đầu tư ngay từ ban đầu xin phép đầu tư.
Đối với Điều 13: Tại Nghị định này cần xác định rõ ràng quyền hạn được kinh doanh hay không của Chi nhánh Văn phòng đại diện vì điều này có khác với các quy định trước đây của hoạt động Văn phòng đại diện.
 
          5- Về ưu đãi đầu tư:
Không nên lấy tiêu chí xuất khẩu và phân biệt giữa khu chế xuất và các khu công nghiệp; Bởi vì khi xét yếu tố kinh tế thị trường thì không nên ràng buộc yếu tố xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chúng tôi cũng nhất trí danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Tại điểm 10 về đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) chiếm 25% doanh thu. Theo chúng tôi không nên đưa ra cụ thể con số 25% vì có thể đối vối doanh nghiệp Việt Nam năng lực kinh tế có hạn không đạt được con số 25% mà có thể chỉ đạt 5%, 10%. Do vậy văn bản Luật không nên chốt chặt con số 25%.
 
            6- Về ưu đãi giữa Khu công nghiệp và ngoài Khu công nghiệp:
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phàn kinh tế hoạt động bình đẳng. Nhà nước đã có chính sách đất đai chung, vì vậy không nên có chế độ ưu đãi giữa khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp như trong dự thảo miễn sao các dự án đảm bảo yêu cầu môi trường.
 
          7- Về việc thuê quản lý công ty (Điều 46):
Theo chúng tôi việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh  của doanh nghiệp thuộc toàn quyền của doanh nghiệp. Thuê tổ chức cá nhân quản lý hay không thuê tuỳ thuộc vào năng lực tài chính và mong muốn của doanh nghiệp. Nghị định không cần thiết phải đặt ra. Khi một tổ chức quản lý thực hiện thì họ đã làm nhiệm vụ kinh doanh thì họ đương nhiên thực hiện các nghĩa vụ xã hội theo pháp luật.
 
          8- Về việc thanh lý dự án đầu tư (Điều 49): 
           Khi thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư đã có giấy chứng nhận đầu tư và cũng chính là giấy thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau quá trình hoạt động đầu tư hay SXKD mà chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 45 thì đương nhiên phải thanh lý dự án theo Luật giải thể doanh nghiệp. Nếu có nêu ra hay không nêu ra thì cũng đều phải tiến hành và khi các công việc thanh toán không rõ ràng minh bạch, gây kiện cáo do thiếu dứt điểm thì bắt buộc phải đưa ra cơ quan pháp luật xem xét xử lý.
 
          9- Về nội dung thanh tra hoạt động đầu tư:
Theo chúng tôi Nghị định dần dần nên hạn chế việc thanh tra gây phiền hà cho doanh nghiệp. Việc thanh tra sẽ được tiến hành khi có những vụ việc xẩy ra có đơn kiện lên các Cơ quan Nhà nước thì các tổ chức Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra doanh nghiệp nhưng yêu cầu các tổ chức thanh tra các cấp phải có năng lực chuyên môn và phải thực hiện công khai minh bạch rõ ràng và chính xác.
 
            10- Về thủ tục đầu tư; Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư (Chương VI; Các Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55, Điều 56):
Việc phân cấp cho các tổ chức cấp giấy chứng nhận đầu tư như trong dự thảo Nghị định này là tương đối phù hợp. Tuy nhiên đối với dự án thuộc cấp Tỉnh, Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư chúng tôi xin có ý kiến như sau: Hiện nay, sau một số vụ việc tham nhũng, chúng ta đang xem xét lại vai trò các “Ban quản lý dự án”. Với một Ban quản lý dự án khu công nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực chuyên môn hạn chế thì không nên để cho các Ban quản lý khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư mà nên chỉ tập trung một mối là các Sở kế hoạch và đầu tư cấp mà thôi. Thực tế các Ban quản lý Khu công nghiệp Tỉnh, Thành phố cũng do các Tỉnh Thành phố ra quyết định về tổ chức mà thôi.

          Thẩm định đầu tư là một bước cần thiết để hạn chế thất thoát và rủi ro trong đầu tư là cần thiết nhưng cần phải nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức thẩm định đầu tư. Các quy định cụ thể về quy mô mức vốn của các dự án xin thảm định như trong Bản dự thảo Nghị định này là tương đối hợp lý.
                                                *
          Các phần còn lại được đề cập trong “Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đầu tư”, chúng tôi hoàn toàn nhất trí.

Các văn bản liên quan