VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2022/TT-BCT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 219/BTNMT-VP của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Sự cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật
Dự thảo thuyết minh sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật này là nhằm thực thi Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi bổ sung Kigali. Theo đó, Việt Nam có nghĩa vụ cắt giảm 80% lượng tiêu thụ môi chất lạnh thuộc nhóm HFC vào năm 2045.
Để thực hiện nghĩa vụ cắt giảm lượng chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, từ năm 2005, Việt Nam đã có chính sách hạn ngạch nhập khẩu các chất được kiểm soát được thể hiện tại Thông tư liên tịch 14/2005/TTLT-BTM-BTNMT và Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT. Các văn bản này đều đưa ra lộ trình giảm dần hạn ngạch nhập khẩu theo đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, chỉ bằng chính sách hạn ngạch nhập khẩu, Việt Nam đã đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Theo Nghị định thư Montreal, lượng tiêu thụ các chất được kiểm soát của mỗi quốc gia được tính bằng lượng sản xuất cộng với lượng nhập khẩu và trừ đi lượng xuất khẩu. Như vậy, chỉ cần kiểm soát lượng sản xuất và nhập khẩu là đủ để thực hiện Nghị định thư này. Nghị định thư này không phân biệt lượng tiêu thụ thành lượng được thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý hay lượng không được thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý. Việc Việt Nam đặt ra quy định về thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, bên cạnh các quy định về hạn ngạch đã đang và sẽ được thực thi, là vượt quá yêu cầu của Nghị định thư.
Có thể cơ quan soạn thảo lấy lý do rằng các chất được kiểm soát nếu thoát ra ngoài khí quyển sẽ gây tác động đến toàn cầu, còn nếu được thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý đúng cách thì sẽ không có tác động tiêu cực. Tuy nhiên, cần xác định rõ rằng việc thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý chỉ là một trong rất nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ chất được kiểm soát. Nếu tổng lượng tiêu thụ đã được Nhà nước khống chế bằng hạn ngạch thì bản thân các doanh nghiệp và người dân sẽ phải tự cân đối và tìm cách tiết kiệm, tránh thất thoát khí HFC để có đủ lượng phục vụ cho nhu cầu. Khi đó, Nhà nước không cần đặt ra nghĩa vụ pháp lý mới thì người dân và doanh nghiệp cũng sẽ tự biết cách để điều chỉnh cho phù hợp. Ngược lại, nếu hạn ngạch vẫn còn rộng rãi thì dù có quy định về trình độ chuyên môn hay máy móc, trang thiết bị thì người dân và doanh nghiệp cũng không có động lực để tránh thất thoát khí HFC.
Trên thực tế, hạn ngạch nhập khẩu các chất được kiểm soát của Việt Nam ngày càng giảm. Nếu như giai đoạn 2015-2019 được nhập khẩu 3600 tấn thì giai đoạn 2020-2022 chỉ còn nhập khẩu 2600 tấn. Dự kiến giai đoạn 2025-2029 hạn ngạch là 1300 tấn và từ 2030 trở đi sẽ chỉ còn một lượng rất nhỏ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc giảm hạn ngạch từ mức 3600 tấn năm 2019 xuống 2600 tấn năm 2020 đã khiến giá các loại khí được kiểm soát trên thị trường tăng gấp đôi. Với mức chi phí cao như vậy thì bản thân các doanh nghiệp hiện nay đã tìm cách hạn chế sự rò rỉ và thu gom, tái chế, tái sử dụng chất được kiểm soát. Theo lộ trình này, nếu tiếp tục cắt giảm hạn ngạch khí được kiểm soát giảm xuống 1300 tấn vào năm 2025 thì chắc chắn giá các chất này sẽ tiếp tục tăng, có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba lần hiện nay. Với mức giá cao như vậy thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm mọi cách để chống thất thoát khí HFC mà không cần bất kỳ một biện pháp quản lý nào khác của Nhà nước.
Như vậy, trong bối cảnh vẫn áp dụng chính sách hạn ngạch, việc lấy lý do cần phải thực thi Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi bổ sung Kigali để thuyết minh cho sự cần thiết ban hành Quy chuẩn này là chưa thoả đáng.
Việc đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật này sẽ gây chi phí xã hội không cần thiết. Các yêu cầu về trang thiết bị như máy thu hồi, bình chứa, cân định lượng, bơm chân không, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất, đồng hồ đo điện và yêu cầu trình độ trung cấp hoặc có chứng chỉ đào tạo của kỹ thuật viên sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện lạnh. Theo tính toán của một số doanh nghiệp điện lạnh, nếu phải thực hiện các nghĩa vụ này thì chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ phải tăng khoảng 15-20% so với hiện nay. Thêm vào đó, do việc thiếu vắng các kỹ thuật viên có đủ chứng chỉ có thể làm tăng chi phí và thời gian chờ đợi của khách hàng vào thời gian cao điểm trong năm (đầu mùa hè), đặc biệt là ở các khu vực xa trung tâm, vốn có ít nhà cung cấp ngành điện lạnh.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.