VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2022/TT-BCT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương

Thứ Hai 13:36 27-03-2023

Kính gửi: Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 561/BCT-TCCB của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Công Thương là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển theo chức năng, thẩm quyền loại hình kết cấu hạ tầng thương mại “trung tâm logistics” (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi đoạn 1 điểm a khoản 5 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BCT).

Theo quy định điểm b khoản 1 Điều 2 Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistic trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển trung tâm logistics cần có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP, dịch vụ logistics bao gồm nhiều dịch vụ (theo liệt kê của quy định), liên quan đến nhiều ngành, thuộc phạm vi quản lý của các ngành khác nhau. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách phát triển dịch vụ logistics cần có sự phối hợp của nhiều ngành.

Dự thảo vẫn chưa thể hiện được sự phối hợp của Sở Công Thương với các ngành khác trong việc thực hiện các chính sách quản lý tại địa phương trong lĩnh vực logistics. Điều này có thể tạo ra xung đột về mặt quản lý giữa các cơ quan quản lý.

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định sửa đổi tại Dự thảo liên quan đến dịch vụ logistics theo hướng có sự phối hợp giữa Sở Công Thương với các ngành khác khi thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung tâm dịch vụ logistics.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan