Vẫn còn bó về thủ tục hành chính – Góp ý DT 11

Thứ Ba 11:04 20-06-2006
Đóng góp ý kiến cho Nghị định của Chính phủ qui định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư
 
Nguyễn Ngọc Tuấn,
Tổng Thư ký Hiệp hội các DNVVN Thành phố Hà Nội
 
            Nhìn chung, Dự thảo Nghị định đã qui định được tương đối chi tiết và cụ thể các nội dung cần hướng dẫn trong Luật Đầu tư, và đã thể hiện được tính mở, tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, còn một vài chỗ vẫn chưa đạt được tính ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Một số điểm còn chung chung, chưa cụ thể, và vẫn còn bó về mặt thủ tục hành chính như một số góp ý cụ thể dưới đây:

1.      Về phạm vi điều chỉnh:
Khoản 2 và 3 của điều 1 nên bỏ đi cho gọn hoặc thay đổi cách viết vì rất dễ hiểu nhầm đây là hai nội dung nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, mặc dù toàn bộ Nghị định không hề đề cập gì đến hai nội dung này.

2.      Định nghĩa “Tài sản đầu tư”: Định nghĩa và liệt kê đầy đủ như dự thảo là cần thiết và chặt chẽ.

3.      Việc áp dụng Luật và điều ước quốc tế: Phải tùy từng trường hợp cụ thể Điều ước quốc tế và Luật này qui định thế nào để áp dụng cho phù hợp, với mục đích làm thuận lợi và khuyến khích đầu tư, không nên qui định cứng nhắc chung chung là phải theo Điều ước quốc tế hoặc phải theo Luật
Khoản 4, Điều 3: có đề cập trường hợp nếu Luật VN không có quy định thì có thể theo Luật/ tập quán nước ngoài, miễn không trái các nguyên tắc cơ bản của Pháp luật VN, ở đây cần thiết phải nêu rõ: các nguyên tắc cơ bản nào? như thế nào?

4.      Điều 5: các hình thức đầu tư: bỏ điều này đi cho gọn vì nội dung nhắc lại những điều đương nhiên và việc này là không cần thiết

5.      Khoản 2 Điều 7: đề cập đến việc DN 100% vốn nước ngoài đã thành lập tại VN được hợp tác với nhau hoặc với nhà đầu tư nước ngoài khác để thành lập DN mới. Thế còn DN Việt Nam thì sao?

6.      Khoản 3 Điều 7: khỏan này không cần thiết vì là đương nhiên, nên bỏ cho gọn

7.      Điều 8: qui định về việc thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Vậy lại lặp lại câu hỏi: thế còn liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước thì sao? chẳng lẽ không cần qui định?

8.      Khoản 3 của Điều 8: cũng giống như trường hợp trên: Thừa, bỏ đi cho gọn

9.      Điều 9, khoản 1 và 2: nên quy định rõ hơn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải tuân theo qui định pháp luật nào?

10. Điều 10, khoản 1: Không cần vì việc này do các bên tự thỏa thuận
khoản 2: Nội dung này đã được qui định tại điều 13, nên hợp làm một để gọn và tránh chồng chéo và xem liệu có trùng với các qui định về việc đăng ký thành lập chi nhánh, VPDD khác không?

11. Khoản 2 Điều 11: Cần xem xét cụ thể Điều ước quốc tế qui định về việc này như thế nào để quyết định, nếu không sẽ vi phạm vào quyền tự do kinh doanh của doanh nhân đã được pháp luật qui định.

12.  Mục b, khoản 3, Điều 11: Làm sao nhà đầu tư biết được thị phần của họ có quá 30% hay không? hoặc liệu họ có khai thật thị phần của họ không? ai kiểm tra việc này? và liệu nhà đầu tư có phải đợi đến cuối năm để có kết quả điều tra mới được cấp chứng nhận đầu tư hay không?... nói tóm lại qui định điều này là không khả thi và nên thay bằng một câu là: Không được vi phạm Luật cạnh tranh, sẽ vừa chặt chẽ vừa đầy đủ vì Luật cạnh tranh đã qui định cụ thể các vấn đề này.

13. Điều 12: trùng lắp với điều 8, nên hợp nhất lại làm một

14. Điều 14, khoản 1: bỏ chữ “từ” cho đỡ tối nghĩa

15. Điều 15, khoản 1: bỏ đi cho đỡ rườm rà

16. Điều 16, khoản 1: cũng như trên, nên bỏ

17. Điều 18, khoản 1: thừa vì là đương nhiên; khoản 2 và 3 nên viết gọn lại, khoản 4 nên chỉ rõ các ưu đãi nào mà VN cam kết loại bỏ

18.  Nên nhóm các điều 19, 20, 21 thành các ưu đãi về thuế, và cần chỉ rõ ưu đãi bao nhiêu cho mỗi hình thức. tóm lại các ưu đãi về thuế nên qui định cụ thể và đơn giản để nhà đầu tư dễ tiếp cận các ưu đãi đồng thời tránh các tiêu cực xảy ra do “xin-cho”

19. Điều 22: Thủ tục ưu đãi đầu tư: Còn lằng nhằng, khó hiểu, khó thực hiện, ví dụ: “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là cơ quan nào? và tại sao nhà đầu tư phải có yêu cầu thì mới xác nhận ưu đãi? tại sao không xác nhận luôn ưu đãi khi nhà đầu tư thuộc diện được hưởng? Đây là biểu hiện không minh bạch và còn muốn duy trì cơ chế “xin-cho”

Khoản 2 của điều này có từ “đáp ứng” rất tối nghĩa, cần thay bằng từ “thuộc diện”… tương tự như vậy đối với khoản 3 và khoản 4 của điều này
Khoản 4 Điều này cũng nên nói rõ qui định pháp luật có liên quan là qui định nào, nói chung nên thống nhất một qui định chung và đơn giản để nhận các ưu đãi, tránh mỗi cơ quan qui định một khác, và DN không biết đằng nào mà lần, và có khi lợi ích của ưu đãi không bõ chi phí bỏ ra để nhận được ưu đãi.

20. Điều 28, khoản 1, mục a: qui định như thế này quá chung chung, cần đưa ra tiêu chí rõ ràng hơn.

21.  Điều 37, 38: Qui định các quyền này liệu có trùng lắp với các quyền tự do kinh doanh đã được qui định trong các văn bản pháp luật khác không?

22. Điều 42, khoản 3: Cần tìm hiểu cụ thể điều ước là gì để qui định ngay từ đầu để khỏi trái với điều ước

23.  Mục b, khoản 2 của điều 47 và 48: Cần xem cụ thể các điều ước qui định tỷ lệ chuyển nhượng vốn là bao nhiêu và ghi rõ ngay để nhà đầu tư dễ thực hiện

24.  Khoản 5, Điều 49 cần xem lại từ “khoản nợ” thứ nhất xem đã đúng chưa?

25.  Khoản 3, Điều 51: xem lại cụm từ: “yêu cầu sản xuất” xem đã chính xác chưa? còn yêu cầu tiêu dùng thì sao? Nên thay cụm từ này bằng cụm từ “tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”

26.  Điều 53 là một qui định chung, nên đổi thành Điều 52, Điều 52 cũ thành Điều 53

27.  Khoản 2, Điều 58: tương tự như đã nói trên, tại sao không mặc nhiên xác nhận ưu đãi cho các đối tượng thuộc diện và đủ điều kiện được hưởng mà phải đợi nhà đầu tư “có nhu cầu” mới xác nhận?

28.  Khoản 2, Điều 60: Thời hạn cấp chứng nhận đầu tư 15 ngày cần qui định chung cho tất cả các nhà đầu tư, tại sao chỉ dành cho nhà đầu tư “có yêu cầu”?

29.  Khoản 2, Điều 63: Cần qui định cụ thể các lĩnh vực nhà đầu tư phải ký quỹ và mua bảo hiểm, tránh để dấu “…” để tránh sự suy diễn chủ quan của người thực hiện

30. Khoản 3, Điều 67: qui định như thế này chưa được chặt chẽ lắm vì nếu cơ quan hỏi ý kiến chỉ làm chiếu lệ và các cơ quan được hỏi ý kiến không trả lời thì chẳng có điều gì buộc họ phải thực hiện có trách nhiệm công việc này cả.

31. Điều 70: Điều này không cần thiết vì đã có các điều từ 71 đến 74 qui định rồi, nên cắt bỏ để tránh dài dòng và trùng lắp.

32.  Phần Phụ lục A, mục I, điểm 1: Cần chỉ rõ nuôi trồng nông, lâm sản là những nông lâm sản gì để tránh diễn giải theo chủ quan của người  cấp ưu đãi và trùng lắp với các loại nông, lâm sản khác ở mục II, điểm 2, 39

33.  Phụ lục B1, điểm 4: cũng cần làm rõ tiêu chí cụ thể của các vùng kinh tế đặc biệt cần khuyến khích phát triển để tránh suy diễn theo chủ quan

34.  Phụ lục C: Tất cả các điểm từ 1 đến 4 cần được giải thích và làm rõ để tránh việc quyết định và xử lý theo cảm tính của các cơ quan cấp phép đầu tư các cấp. Đây là những kẽ hở để tạo ra tiêu cực./.
 
Hà Nội 8/6/2006

Các văn bản liên quan