Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu góp ý DT11

Thứ Ba 10:22 20-06-2006
Qua quá trình lấy ý kiến các Doanh nghiệp góp ý Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Hiệp hội đã tổng kết các ý kiến góp ý như sau:

I - Các văn bản luật của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua kể cả luật đầu tư nhiều quy định còn mang các nguyên tắc lớn và nói cụ thể hơn là rất chung chung. Sau luật là các nghị định và hướng dẫn của các Bộ nghành.Tuy nhiên, Nghị định cũng dừng lại ở những quy định mang tính chất khái quát chưa quy định cụ thể.Vì vậy, cái mà các doanh nghiệp mong đợi lại là những văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành hoặc liên bộ , liên ngành.Thực tế, các thông tư hướng dẫn lại là quan trọng nhất chứ không phải là luật, nghị định của chính phủ.Thông thường, các văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành lại mang tính cục bộ của bộ nghành, tuy rằng về những nét lớn thì không trái với luật và nghị định nhưng các hướng dẫn cụ thể thường xa vời với nghị định ban đầu.Vì vậy, trên thực tiễn cách nói của luật rất chặt chẽ, thông thoáng, nhưng khi áp dụng thực tế lại rất khó khăn và phiền hà.

1- Để khắc phục tình trạng nói trên, Hiệp hội cho rằng từ nay về sau trong quá trình xây dựng Luật, Nghị định luật phải công phu hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn. Khi ban hành một dự án luật cần có dự thảo các Nghị định và hướng dẫn kèm theo. Khi các dự luật có hiệu lực thi hành thì các Nghị định và hướng dẫn cũng đồng thời ban hành để khắc phục tình trạng có sự khác biệt trong việc hướng dẫn và xung đột pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

2 -
Trong dự thảo nghị định này, chúng tôi cho rằng:
   -  Tuy rằng Nghị định không thể quy định hết sức chi tiết, tuy vậy cũng không nên quy định quá chung chung và bỏ ngỏ rất nhiều vấn đề dễ nảy sinh tính tuỳ tiện của nó trong khi hướng dẫn thực hiện.

   Ví dụ: Như điều 42 quy định ( Tiết D điểm 1 điều 42 một số trường hợp cần thiết…) Thế nào là cần thiết ?
   - Điều 36 quyền sử dụng lao động ( Điểm 4 lại giao cho Tổng Công đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn, đây là vấn đề tổ chức hoàn thiện ). Trên thực tế, Bộ luật lao động Việt Nam đã quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động.

II - Về danh mục các địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, khó khăn

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí như dự thảo.

*
Danh mục cấm đầu tư

- Cần làm rõ vấn đề gây phương hại đến lợi ích công cộng, quốc phòng an ninh.
Vấn đề quốc phòng an ninh là hết sức quan trọng, tuy vậy cũng cần phải làm rõ hơn. Bởi vì, ở Việt Nam các công trình quốc phòng xen kẽ khắp các tỉnh và thành  phố trên cả nước, đất đai thuộc quốc phòng quản lý cũng không phải là nhỏ. Vì vậy, phải tận dụng hết sức tối đa đất đai , tài nguyên của đất nước vào việc phát triển nền kinh tế để khắc phục khả năng có thể xảy ra từ các địa phương làm hạn chế khả năng phát triển kinh tế. Những vấn đề có liên quan đến quốc phòng an ninh, cũng như lợi  ích công cộng và phương hại đến thuần phong mỹ tục là chung chung và rất rộng, do đó danh mục cấm đầu tư là hết sức quan trọng cần phải rõ hơn để không đi đến tình trạng cấm tràn lan.

- Danh mục đầu tư có điều kiện chúng tôi cho là quá nhiều và cần phải cân nhắc kỹ hơn.           

- Dịch vụ Điện thoại cố định (Điểm 19), dịch vụ biểu diễn nghệ thuật (Điểm 15), Điểm 32 chưa rõ ràng và rất dễ gây nên tình trạng tuỳ tiện của người xử lý trực tiếp.

- Các dự án thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh chúng tôi hoàn toàn nhất trí.

- Về các Bộ trung ương, ngoài thẩm quyền của các Bộ theo chức năng nhiệm vụ của các bộ  cần phải đề cao hơn nữa chức năng quản lý chuyên ngành . Từ đó xác định lại trách nhiệm của Bộ kế hoạch  đầu tư để tránh tình trạng cái gì cũng có mặt của Bộ kế hoạch đầu tư nhưng trách nhiệm giữa các Bộ không rõ ràng và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.

- Điều 36: Việc cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài theo quy định pháp luật về lao động ghi rõ là luật pháp Việt Nam.

- Điểm 2 Điều 60: Ghi như vậy trên thức tế là hết sức tuỳ tiện, thời hạn 15 ngày nhưng là bản đăng ký đầu tư hợp lệ. Cần phải quy định rõ hồ sơ phải nộp, có ký nhận nếu không hợp lệ phải thông báo ngay bằng văn bản cho nhà đầu tư.

- Điều 66 và 67: Tuy phân định quyền thẩm định giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch đầu tư, thực tế chỉ là hình thức nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng nên chăng:

Phương án I
: Bộ Kế hoạch đầu tư chịu trách nhiệm thẩm tra toàn bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương án II: Chính phủ giao Bộ chuyên ngành có liên quan đến dự án nhiều nhất thẩm tra trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
                                                      
T/M BAN CHẤP HÀNH HIỆP  HỘI
CHỦ TỊCH 
    
 
Lê Thế Bảo
 

Các văn bản liên quan