Trích ý kiến của ĐBQH Lê Quốc Trung – Tỉnh Bình Thuận

Thứ Ba 09:09 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin được tham gia một số ý kiến vào dự thảo luật này.

Trước hết tôi cũng xin bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến các đại biểu trước đã phát biểu, tức dự thảo chúng ta đang xem xét lúc này đã tiến một bước khá xa và chất lượng của dự thảo này đã được nhân nên rất nhiều, vừa ngắn gọn hơn lại vừa đầy đủ, tôi cho rằng là được.

Về một số vấn đề chung tôi xin được tham gia mấy ý kiến sau:

Một là tôi rất tán thành với dự thảo liên quan đến đối tượng áp dụng, tôi cho rằng phương án 1 đã đưa vào dự thảo này là phương án tôi cho rằng là phương án tối ưu. Có thể nếu cần điều chỉnh một chút gì đó như một số đại biểu đã phát biểu thì phương án này vẫn là phương án thích hợp nhất, cho nên tôi đồng tình với phương án này.

Vấn đề thứ hai liên quan đến cái chung, một vấn đề tôi đề nghị trong luật này cần phải có một điểm liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với hội. Tôi rằng một là hội, các tổ chức hội không phải là tổ chức Nhà nước, cho nên Nhà nước cần phải tỏ thái độ một cách rõ ràng, cụ thể hơn về sự ủng hộ của Nhà nước, tạo điều kiện để các hội này hoạt động như thế nào. Mặc dù trong dự thảo chỗ nọ, chỗ kia chúng ta cũng có nói đến, nhưng tôi cho nó không rõ ràng, nó tản mạn. Cho nên đề nghị ngay trong Chương I cần phải khẳng định chính sách của Nhà nước đối với các hội như thế nào và trong nội dung này tôi xin đề nghị mấy ý như sau:

Một, cần phải nói rõ Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải chỉ có tạo điều kiện không, để cho các hội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và Điều lệ hội đã được công nhận. Và có chính sách để các hội trong phạm vi, lĩnh vực hoạt động của mình tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và các dịch vụ công. Sở dĩ tôi muốn nêu ý này bởi vì hiện nay có rất nhiều nội dung mà chúng ta cũng đã trao đổi và đã thấy, có rất nhiều nội dung và công việc hiện nay đáng lẽ Nhà nước có thể giao cho các hội làm được, Nhà nước hiện nay đang phải ôm lấy làm. Nhà nước nên mạnh dạn đưa những công việc ấy cho các hội làm, cho nên cần khẳng định rõ ngay từ trên đầu này.

Ý thứ hai liên quan luôn với ý trên đầu mà chúng ta đã đưa vào trong Điều 8 của dự thảo. Điều 8 của dự thảo nói đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về Hội, trong Khoản 3 tôi cho rằng đoạn nói về trách nhiệm; các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm để hội tham gia thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu v.v... đấy không phải là trách nhiệm quản lý Nhà nước các cơ quan này, đấy chính là các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho các hội được thực hiện những việc này. Cho nên cái đó nên đưa vào một điểm trong điều về chính sách Nhà nước đối với hội thì nó phù hợp hơn.

Ý thứ ba, tôi có một ý kiến có thể hơi khác với nhiều đồng chí là cần ghi rõ Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho những hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội của Nhà nước. Mặc dù trong bản giải trình tiếp thu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nói rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đã thực hiện theo Luật ngân sách. Nhưng tôi xin thưa với các vị đại biểu Quốc hội rằng Luật ngân sách về các nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương thì ghi: Hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Trung ương theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là chúng ta phải có một pháp luật nào nữa quy định về cái này, thì điều ghi trong Luật ngân sách mới có thể thực hiện được, mới thành hiện thực được. Tôi cho rằng không có một luật nào tốt hơn nữa, văn bản luật nào tốt hơn, phù hợp hơn, mà ngay bản thân trong Luật về hội này phải quy định điều này. Phải nói rõ đây là hỗ trợ tài chính cho những hội thực hiện những nhiệm vụ chính trị, xã hội của Nhà nước. Chúng ta đừng bao giờ quan niệm rằng bây giờ các hội đó đang ngửa tay xin Nhà nước đồng tiền đó để hoạt động. Chúng ta phải xác định rằng có rất nhiều nhiệm vụ mà Nhà nước không trực tiếp thực hiện, phải thông qua các hội này, các hội này nó hoạt động được cũng là mang lại lợi ích cho Nhà nước, vì thế cho nên chúng ta phải quan tâm đến sự hỗ trợ tài chính cho người ta họat động. Những họat động ấy hoàn toàn vì lợi ích của Nhà nước, chứ không phải là vì lợi ích riêng của nhóm người tham gia hội đó. Nên tôi đề nghị quan niệm điều này một cách rõ ràng, chứ đây không phải là sự bao cấp của Nhà nước, mà Nhà nước tạo điều kiện để cho hội đó nó hoạt động, có những việc mà Nhà nước không nên đứng ra trực tiếp làm. Tôi nghĩ như vậy.

Để cụ thể hóa hơn có thể ghi rõ thêm cũng ở trong điểm đó: "Việc hỗ trợ các tổ chức ở Trung ương do Chính phủ đề nghị và Quốc hội quyết định". Còn Dự thảo lần trước chúng ta đưa ra là Chính phủ quy định thì nó không đúng.

Tiếp nữa cũng ở trong ý này là: "Việc hỗ trợ các tổ chức hội ở địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo hướng dẫn của Chính phủ". Tôi cho như thế sẽ chặt chẽ và nó đúng thẩm quyền của các nơi, vì ngay trong chi ngân sách địa phương cũng là Hội đồng nhân dân quyết định chứ không phải Quốc hội quyết định. Do đó cho nên ghi rõ những điều đó. Đấy là vấn đề thứ hai tôi xin được phát biểu.

Vấn đề thứ ba, xung quanh nguyên tắc thứ tư mà trong Điều 4 các vị đã phát biểu nhiều, tôi hoàn toàn đồng tình ý kiến anh Thuận lúc nãy phát biểu. Chúng ta phải phân biệt rất rõ cái không vì mục đích lợi nhuận này với hoạt động có thu của các hội để phục vụ cho họat động của hội. Không vì mục đích lợi nhuận này có nghĩa là anh không phải thành lập hội ấy ra để cho anh sẽ trở thành một tổng công ty hay một doanh nghiệp, để anh kiếm tiến về anh chia cho hội viên của anh. Hai cái đó nó khác nhau, cho nên tôi không nhắc lại chuyện này nữa, lúc nãy anh Thuận nói và tôi rất tán thành, chúng ta phải phân biệt rõ điều này.

Còn từ ngữ dùng như thế nào cho nó hợp lý có lẽ Ban soạn thảo nên cân nhắc, còn hiện nay cho đến giờ tôi nghĩ rằng cái từ chúng ta dùng trong dự thảo vẫn đang là từ hợp lý hơn cả, còn kiếm ra một từ khác chắc cũng không phải dễ.

Về một số cụ thể khác tôi xin có ý kiến như sau:

Ở trong Điều 1 về hội, tôi đề nghị cần phải thống nhất trong cách từ ngữ chúng ta dùng bao gồm những người cũng không đúng, bao gồm những cá nhân thì chúng ta vẫn thường dùng như thế hoặc tổ chức, như lúc nãy đồng chí Lợi có nói tôi tán thành ý đó là phải nói rõ cá nhân và tổ chức chứ không nên dùng bao gồm những người.

Điều 2 tôi đề nghị Khoản 3 cần giữ nhưng giữ chỉ một khía cạnh thôi, tức là việc lập hội phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Bởi vì Điều 2 ta đang nói về lập hội thì cần phải khẳng định ngay từ đầu là việc lập hội phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, còn tổ chức và hoạt động của nó đã có quy định ở Điều 5 thì không cần phải nói điều đó.

Ý kiến lúc nãy tôi đề nghị Khoản 3 chuyển một phần sang một điều mới tôi đã đề nghị lúc nãy.

Trong Điều 11 các hồ sơ đăng ký thành lập hội cần phải có một số những yếu tố, trong đó có dự thảo điều lệ, nhưng ở đây trong Hội nghị lần trước tôi cũng có nói là có một số hội hiện nay bản thân nó cũng đã có tổ chức từ trên xuống dưới. Vậy chúng ta có tiếp tục duy trì nó nữa hay không? còn các tổ chức dưới nó tuân thủ theo Điều lệ của hội Trung ương. Nếu tổ chức ở địa phương thành lập cũng lại phải đưa dự thảo điều lệ nữa thì không hợp lý. Cho nên tôi đề nghị dự thảo điều lệ hoặc điều lệ Trung ương mà hội đó thừa nhận. Đấy là một số ý kiến tôi xin phát biểu thêm.

Các văn bản liên quan