Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Thanh Phú – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Ba 08:50 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi cho rằng đối với Luật hội này có một vị trí rất quan trọng và trên cơ sở quan trọng như vậy thì có những vấn đề tranh cãi nhiều, còn có những ý kiến khác nhau thì tôi cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xử lý một điểm rất quan trọng là phạm vi điều chỉnh. Tôi cho rằng đưa ra phương án thứ nhất là trong phạm vi điều chỉnh, tôi cho phương án này rất thông minh và nó hài hòa, cho nên luật này có thể dễ dàng được thông qua và chấp nhận được.

Tuy vậy, tôi cho rằng đối với hội bây giờ trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như yêu cầu phát triển của đất nước cần có những quy định phát huy hơn nữa vai trò của hội để tham gia những công việc của xã hội, kể cả những vấn đề liên quan đến dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ mà không cần phải Nhà nước, thì giao cho các hội tham gia vấn đề đó. Do vậy tôi tham gia thêm một số vấn đề như sau:

Một, đối với khái niệm về hội, trong khái niệm về hội ở đây đưa ra hội là tổ chức tự nguyện, tôi cho rằng xác định hội là tổ chức tự nguyện không đúng lắm, chỉ có những thành viên trong hội này là tự nguyện tham gia thành lập và hoạt động.

Ý thứ hai trong này chưa xác định rõ địa vị pháp lý của hội. Cần xem xét xác định địa vị pháp lý. Thông thường đối với một số nước thì địa vị pháp lý của tổ chức hội này là tổ chức phi Chính phủ. Cho nên tôi đề nghị trong luật này nên xác định địa vị pháp lý của tổ chức hội là tổ chức phi Chính phủ và viết lại đối với khái niệm hội theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 như sau: Hội là tổ chức phi Chính phủ bao gồm những người có cùng nhu cầu, mục đích, tự nguyện thành lập và hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận. Theo tôi để "không nhằm mục đích lợi nhuận ở đây cũng được", bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng để góp phần cái a, cái b. Tôi đấy đây là vấn đề cần xem xét lại.

Ý thứ hai, một số đồng chí cho rằng không nên đưa hội có tư cách pháp nhân vào trong này. Theo tôi thấy cần thiết đưa hội không có tư cách pháp nhân vào, tôi đồng ý đưa vào phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng là giao cho Chính phủ quy định. Như vậy đã bao hàm đối với cả hội không hoạt động thường xuyên cũng được điều chỉnh trong luật này, nếu đưa vào coi như hội này được điều chỉnh trong luật này. Nhưng nội dung về vấn đề tổ chức và hoạt động cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định , tôi cho đó là vấn đề hợp lý.

Thứ hai, luật này tôi cho rằng quan trọng nữa là liên quan đến nguyên tắc hoạt động của hội như thế nào? Tôi thấy như sau:

Nguyên tắc thứ nhất nhất trí, nguyên tắc thứ hai cũng nhất trí, nguyên tắc thứ ba đã gọi là tự chủ về tài chính thì đối với hội cần phải tự chịu trách nhiệm về tài chính. Do vậy Khoản 3 tôi đề nghị "tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính", tự chủ nó đi liền với tự chịu trách nhiệm. Đấy là Khoản 3 tôi đề nghị như vậy.

Còn liên quan đến hoạt động ở Khoản 4 vì mục đích lợi nhuận thì chúng tôi cũng thấy phân vân liên quan tới vấn đề này. Bởi vì về hội nhất là một số các hội ngành hàng, vấn đề này thực sự hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận của các thành viên của mình. Hoạt động thực sự của một số hội vì mục tiêu lợi nhuận của các thành viên. Cho nên theo tôi không nên ghi là "không vì mục đích lợi nhuận", ở Khoản 4 ghi "quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên" hoạt động đó vì quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Có thể liên quan đến quyền lợi xã hội, nhưng cũng có thể liên quan đến vấn đề quyền lợi kinh tế, thực sự có vấn đề như vậy. Đấy là nguyên tắc chúng tôi đề nghị có xem xét như vậy.

Liên quan đến quản lý Nhà nước, tôi thấy nhất trí với phương án ở đây đặt ra là Chính phủ thống nhất quản lý và đối với các Bộ thì không giao, tuy các Bộ có liên quan đến quản lý Nhà nước đối với các hội, vấn đề này nhất trí. Như vậy về mặt quản lý Nhà nước chỉ có Bộ Nội vụ, và liên quan đến Ủy ban nhân dân các tỉnh. Nhưng nếu thiết kế như Điều 8, trong khái quát nếu đọc điều này người ta cảm thấy Ủy ban nhân dân mới là anh quản lý Nhà nước đối với các hội thì nó không rõ.

Nên tôi đề nghị, đối với Điều 8, cụ thể hóa Khoản 2, về vấn đề Bộ Nội vụ. Ở đây không ghi Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm một số nữa, mà cụ thể hóa mấy vấn đề thế này của Bộ Nội vụ luôn, mà vấn đề này trong luật đã quy định rồi. Một là Bộ Nội vụ thực hiện việc đăng ký thành lập, hợp nhất, sát nhập, giải thể cái A, B, đấy là coi như Bộ Nội vụ thì ghi thẳng vào đây. Tức là cái này quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 16 đưa về đây, chứ không để ở Điều 16 nữa. Coi như quy toàn bộ vấn đề quản lý Nhà nước là Bộ Nội vụ làm cái gì thì đưa vào đây, chứ không đưa vào Điều 16 nữa. Khoản 1, Điều 16 quy về đây luôn.

Tương tự như vậy, đối với Ủy ban nhân dân tại Khoản 4, cũng cụ thể hóa Khoản 2, Điều 16 và Điều 28 đưa vào đây luôn, để không phải đưa hai điều này ở phần dưới nữa, nó rõ về quản lý Nhà nước luôn. Tức là đọc ở đây người ta biết Bộ Nội vụ sẽ chịu trách nhiệm từ vấn đề đăng ký, sáp nhập, giải thể, phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động toàn quốc và đối với liên các tỉnh. Còn đối với các Ủy ban nhân dân thì xem xét đăng ký tất cả các thứ, kể cả đối với những hội hoạt động ở tại địa phương, thì nó rõ hơn và không cần quy định ở dưới nữa. Tôi đề nghị nên thiết kế lại vấn đề quản lý Nhà nước, còn nội dung quản lý Nhà nước ở trên thì tôi đồng tình và cũng không cần thiết phải đưa các Bộ khác về vấn đề quản lý Nhà nước đối với hội.

Vấn đề quan trọng thứ ba, tôi cho rằng đối với các hội cần khuyến khích các hội kinh doanh dịch vụ để trên cơ sở đó tự trang trải, tức là có thu nhập của hội ấy để tự trang trải, để từng bước làm thế nào, hội có ngân sách từng bước đảm bảo lấy kinh phí để hoạt động. Chúng tôi đề nghị quyền của hội bổ sung và sửa Khoản 4 cho rõ vấn đề liên quan đến Khoản 4 và Khoản 3. Tức là quy định như thế nào cho rõ ra, hội là có quyền được tổ chức kinh doanh, dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, truyền nghề, nhưng làm các dịch vụ này phải trên cơ sở có tư cách pháp nhân, mà tư cách pháp nhân có được theo quy định của các luật có liên quan. Tôi đề nghị quyền của hội là nên nhấn mạnh quyền hoạt động kinh doanh, dịch vụ để làm thế nào lấy thu bù chi của hội. Mặc dù không vì mục đích lợi nhuận, nhưng người ta có kinh phí tạo ra nguồn kinh phí chủ động trong chi tiêu. Nhiều hội tôi thấy người ta chủ động làm cái này thì nhiều hội rất giàu, rất là khá, toàn bộ các Hội của Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, phần lớn các hội là người ta đủ chi, chứ người ta không phải xin ngân sách a, b nữa, vì người ta có kèm theo những doanh nghiệp dịch vụ về mặt khoa học kỹ thuật hoặc là cái a, cái b thì tốt hơn, nên khuyến khích làm cái này.

Thứ hai, nên bổ sung trong vấn đề hội được hợp tác với các hội của các nước nên cho các hội có các quyền này. Nếu như theo quy định ở đây thì các hội không có quyền hợp tác, vấn đề hợp tác quốc tế bây giờ tôi cho là rất quan trọng, nhiều việc giữa Chính phủ với Chính phủ không xử lý được mà phải thông qua hội này mới xử lý được, cho nên tôi đề nghị có sự hợp tác này.

Lúc nãy tôi có đề nghị xác định rõ địa vị của nó là phi Chính phủ, tới đây chúng ta tham gia trong Tổ chức Thương mại thế giới, người ta cấm trợ cấp của Chính phủ vào, nhưng nếu là tổ chức phi Chính phủ mà hỗ trợ cho nông nghiệp cái a, cái b thì cái đó lại được phép, tức là người ta không cấm tổ chức phi Chính phủ, chỉ cấm Chính phủ thôi, cho nên cần phân biệt rõ cái này ra.

Tương tự như vậy, đối với mối liên hệ giữa các hội với nhau cũng cần được phát triển.

Các văn bản liên quan