Trích ý kiến của ĐBQH Trần Hồng Việt – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Ba 08:49 05-09-2006

Kính thưa đồng chí Chủ trì Hội nghị.

Kính thưa các đồng chí.

Trong dự thảo kỳ này tôi thấy rằng chỉnh sửa rất cụ thể, muốn đóng góp cũng phải suy nghĩ hết sức đắn đo, cũng khó mà đóng góp, ở đây có một vài điều cụ thể tôi xin tham gia.

Trên cơ bản, tôi cũng nhất trí với nhiều đồng chí đã phát biểu, sáng nay đồng chí Phó Chủ tịch cũng có ý kiến về phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng, tôi thấy phương án 1 là phương án thích hợp nhất, vì phương án 1 tuy không nêu cụ thể tính đặc thù của các đoàn thể chính trị, nhưng thực chất nó đã hàm chứa ở Khoản 2 Điều 5 và Khoản 3 Điều 33 rồi. Nếu chúng ta chọn phương án 2 và phương án 3 thì vẫn không trái với phương án 1, nhưng cách thể hiện cụ thể đặt ra như ở phương án 2 và 3, tức là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, bên ngoài luật này thì người ta sẽ nghĩ đây là siêu hội như hồi sáng đại biểu Nguyễn Đình Lộc có nói. Nếu chọn phương án 2 và 3 thì tôi e rằng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính chất của các tổ chức đoàn thể này, tức là tính quần chúng rộng rãi như trong điều lệ của các đoàn thể đó luôn luôn khẳng định tính quần chúng rộng rãi, tính tự nguyện, tính dân chủ bình đẳng trong điều lệ của tổ chức mình. Xem lại các điều lệ, tính chất của từng tổ chức chính trị đều thể hiện tính quần chúng rộng rãi, nếu tách bạch ra thì sẽ ảnh hưởng tới tính chất đó.

Vì vậy, phương án 1 phù hợp nhất, vẫn bảo đảm vai trò sứ mệnh chính trị của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, dù không nói tên cụ thể nhưng vẫn đảm bảo sứ mệnh lịch sử, sứ mệnh chính trị của nó. Có nhiều đại biểu băn khoăn chỗ này, tôi nghĩ không băn khoăn vì nó thể hiện trong đề án của luật ở Khoản 2, Điều 5 và Khoản 3, Điều 33. Tôi cho rằng chọn phương án 1 là một cách khéo léo về lĩnh vực chính trị và xã hội, khó có thể ai bắt bẻ về bình đẳng độc lập giữa các tổ chức hội. Cho nên phương án 1 tôi cho có tính ưu việt nhất.

Điều 8 trách nhiệm quản lý Nhà nước về hội, ở Khoản 3 có quy định "Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm để hội tham gia thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, cung cấp dịch vụ công", tới chỗ đó được, nhưng khoản từ chỗ: "Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình" Tôi băn khoăn chỗ này vì hội không phải doanh nghiệp hay là cơ sở kinh tế mà các cơ quan quản lý các ngành được quyền xử lý. Hội hoạt động theo điều lệ, được Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận thành lập và công nhân điều lệ, thì chỉ có Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có quyền xử lý khi hội đó vi phạm. Còn các ngành nếu phát hiện có việc vi phạm chỉ đề xuất thôi, Bộ Nội vụ mới có quyền xử lý vì Bộ là nơi ra quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Nếu hoạt động nào của hội mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành điều tra, khởi tố theo luật định hiện hành.

Các hội viên hành nghề chuyên môn của mình nếu có sai phạm chuyên môn thì những ngành quản lý Nhà nước có quyền xử lý những hội viên vi phạm nghề quy định mà những ngành Nhà nước quy định. Không phải ngành nào cũng xử lý sai phạm của hội được hết, mà chỉ có Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh nơi cấp giấy phép thì mới có quyền xử lý hội vì hội hoạt động theo điều lệ và cơ quan đó đã công nhận. Chúng ta phải làm rõ sai phạm của tổ chức hội và những sai phạm hành nghề của hội viên là hai lĩnh vực khác nhau để chúng ta ứng xử. Thực tế từ trước tới nay tôi chưa thấy một Bộ ngành nào xử lý đối với các tổ chức hội, các tổ chức đoàn thể mà theo hệ thống dọc.

Điều 4 nguyên tắc tổ chức hoạt động của hội, có 5 nguyên tắc, trong này tôi băn khoăn nguyên tắc thứ tư, không vì mục đích lợi nhuận. Nếu đọc lướt qua thì thấy cũng đúng, nhưng đi vào thực tế thì nó cũng gặp không ít trở ngại. Có nên giữ lại Khoản 4, "không vì mục đích lợi nhuận: hay thay vào bằng cái gì khác hoặc bỏ khoản đó. Bởi vì tôi thấy trong quá trình hoạt động của hội nói chung, rõ ràng không vì mục đích lợi nhuận, nhưng có một số lĩnh vực hoạt động cũng nhằm vào mục đích lợi nhuận, bây giờ như các đoàn thể có những doanh nghiệp, đã nói tới các doanh nghiệp của các đoàn thể thì người ta hoạt động phải vì lợi nhuận.

Bây giờ công đoàn cũng có các doanh nghiệp, Hội phụ nữ cũng có các doanh nghiệp, đoàn thanh niên cũng có các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp này người ta cũng hoạt động để tạo ra lợi nhuận mà lợi nhuận sau khi làm nghĩa vụ thuế khoá xong, người ta cũng trích một phần lợi nhuận được phép đưa về cho Ban chấp hành hội đó, để có những hoạt động khác hoặc cải thiện đời sống cho anh em trong Ban chấp hành. Nếu hoàn toàn không vì lợi nhuận thì cũng hơi khó, hoặc tổ chức hội đó người ta có một hoạt động nào đó để mang cái lợi, gây quỹ cho hội. Cho nên, để Khoản 4 này tôi thấy cần cân nhắc lại xem, để như vậy là đúng rồi, nhưng trong quá trình hoạt động có cái gì vướng hay không.

Về tự chủ tài chính, tôi thấy cái này là hoàn toàn phù hợp. Tôi xin có một số ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan