Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hải – Tỉnh Phú Thọ

Thứ Ba 08:46 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí, qua nghiên cứu Luật về hội chúng tôi thấy luật này phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rất rộng, rất khó. Tôi thấy việc tiếp thu của Ban soạn thảo và thẩm tra của Ủy ban pháp luật đầy đủ, chi tiết, đã làm rõ được nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại kỳ họp thứ 9 còn nhiều ý kiến tham gia.

Thứ nhất, về tên gọi của luật, tôi nhất trí như dự thảo đó là Luật về hội.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng còn nhiều ý kiến khác nhau và Ban soạn thảo cũng như Ủy ban pháp luật đã đưa ra 3 phương án. Tôi thấy phương án 1 có tính hợp lý và đáp ứng yêu cầu hơn cả, do đó tôi nhất trí với phương án 1, đó là quy định về tổ chức, hoạt động của hội và quản lý Nhà nước về hội có tư cách pháp nhân. Hai là hội không có tư cách pháp nhân thì hoạt động theo quy định của Chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp của Nhà nước thành lập và hoạt động tại Việt Nam thì cũng theo quy định của Chính phủ quy định tại Điều 3.

Cũng như ý kiến phát biểu của đại biểu Hường trước tôi thì tôi thấy trong luật này có một việc còn nhiều băn khoăn, có ý kiến 6 tổ chức trị xã hội nên như thế nào. Ví dụ có ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh có Mặt trận Tổ quốc hoặc có ý kiến đề nghị bỏ các tổ chức chính trị xã hội này ra. Tôi thấy trong luật chúng ta cũng không nêu tên cụ thể phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhưng trong luật cũng thể hiện được tính đặc thù của các tổ chức này được quy định ở Điều 5 đó là áp dụng pháp luật. Khoản 2 là các trường hợp đặc thù liên quan đến tổ chức hoạt động của hội và việc quản lý Nhà nước của hội thì quy định tại luật khác mà có quy định khác với quy định của luật này thì được thực hiện theo quy định của luật đó.

Cũng tại Điều 33 về hiệu lực thi hành, Khoản 3 có nói hội được thành lập hợp pháp trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục hoạt động và không phải làm các thủ tục thành lập lại. Đó là 2 khoản quy định chúng tôi thấy nó có những đặc thù của các đoàn thể. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có những băn khoăn, vì trong Điều 8 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về hội, trong này có 4 khoản, nếu là những hội như các tổ chức được Chính phủ thống nhất quản lý hay Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ để quy định một số nội dung quản lý, hay giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì nó phù hợp. Nhưng tôi thấy 6 tổ chức đoàn thể này nó mang tính lịch sử và hiện nay vẫn đang thực hiện. Tôi biết Chính phủ đã có những quy chế phối hợp giữa Chính phủ với Hội nông dân cùng với thanh tra Nhà nước và Bộ Tư pháp để giải quyết những đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Hay Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp với các đoàn thể, hoặc nếu Ủy ban nhân dân các tỉnh muốn thành lập một ban chỉ đạo gì thì không thể ra quyết định cụ thể là đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của hội này trực tiếp trong quyết định, mà trong quyết định đó phải mời lãnh đạo của các đoàn thể này tham gia. Điều 8 thể hiện như vậy tôi cũng có những băn khoăn, tôi chưa nghĩ ra cái gì có thể nó rõ hơn, nhưng tôi muốn Điều 8 này Ban soạn thảo nghiên cứu xem có những cái gì có thể rõ thêm được nữa, vì hiện nay mình đang thực hiện như thế và thực tế đang diễn ra ở địa phương như thế thì có cái gì để tạo điều kiện, để nó thông suốt và nó xuyên suốt trong hoạt động của các tổ chức hội. Tôi thấy có một điều băn khoăn như vậy.

Đi vào một số điều cụ thể tôi xin có ý kiến như sau.

Thứ nhất, tôi đề nghị luật này nên có điều giải thích về từ ngữ để rõ một số khái niệm về tổ chức hội.

Thứ hai, tôi cũng đề nghị khái niệm về hội ở Điều 1, Khoản 2, Khoản 3, tôi đề nghị đưa sang điều về giải thích từ ngữ.

Điều 9, về các hành vi nghiêm cấm có ý kiến chúng ta quy định nó mang tính chất chung mà không cụ thể hoặc có ý kiến đề nghị bỏ Khoản 3, Khoản 4. Theo tôi, chúng ta nên quy định các hành vi nghiêm cấm cụ thể, bởi vì nhiều luật trước cũng đã có quy định hành vi cấm cụ thể như Luật Giáo dục, Luật Hải quan, Luật Thanh niên và một số luật đã quy định rất cụ thể. Chúng tôi đề nghị luật này cũng nên quy định cụ thể, trong 4 khoản Điều 9, chúng ta thấy còn cái gì nó có thể vi phạm mà thuộc về cấm thì chúng ta nên quy định thêm vào cụ thể.

Về Điều 24, tôi nghĩ đây có thể do về kỹ thuật nhầm lẫn gì đấy, Điều 24, Khoản 2; Điều 24: Quyền hạn của hội; Khoản 2: Quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và hội viên phù hợp với tôn chỉ, có thể bỏ hai từ "hội viên" bên cạnh, tôi đoán chắc là nhầm, đó là Khoản 2, Điều 24.

Về Điều 30; Chương VI: tài sản, tài chính của hội; Điều 30: Thu, chi của hội. Tôi có suy nghĩ đề nghị nên dùng từ tài chính của Hội. Điều 30: Tài chính của hội. Một là có nguồn thu của hội; Hai là các khoản chi của hội, nó mang tính thống nhất hơn và nó đảm bảo trong các hội cũng như các cơ quan tổ chức đều có thống nhất về tài chính, công khai, minh bạch thì trong này cũng đã thể hiện rồi. Cho nên, để thể hiện và nó cũng mang tính thống nhất của các cơ quan thì tôi đề nghị Điều 30 nên ghi là tài chính của hội. Tôi xin tham gia một số ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan