Trích ý kiến của ĐBQH Mai Anh – Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Ba 08:27 05-09-2006

Kính thưa Hội nghị,
Chúng tôi xin bày tỏ là hết sức tán thành với bản tiếp, thu giải trình do đồng chí Thuận vừa đọc và cũng thấy phiên bản lần này trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có sự tiếp thu và thay đổi rất lớn so với những bản trước đây trình ra phiên họp lần thứ 9, nếu chúng ta so với Nghị định 88 về tổ chức và thành lập Hội thì phiên bản lần này tôi thấy hay. Tuy nhiên, tôi xin đóng góp một số ý kiến về quan điểm của tôi và đóng góp trực tiếp vào một số điều, xin kiến nghị sửa một số điều như sau:
Thứ nhất, về tên luật, tôi tán thành lấy tên là Luật Hội.
Thứ hai, về Điều 1, thực ra thông lệ ở các luật chúng ta có phần giải thích từ ngữ, ngay phần giải thích về luật để ngay Điều 1 chắc ý của Ban soạn thảo muốn nhấn mạnh và có điều chỉnh ở đây. Tuy nhiên ý kiến của tôi là nếu chúng ta để như Điều 1 thì nên bổ sung thêm một số hình thức nữa, ví dụ như hiệp hội, ví dụ như Tổng hội, còn nếu không ý kiến của tôi là chúng ta có một điều về giải thích từ ngữ tất cả các loại hội là tốt nhất. Ở trong này chúng ta mới có định nghĩa về hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân, hội và liên hiệp hội, nhưng còn tổng hội và hiệp hội tính chất hoạt động nó có khác thì chúng tôi đề nghị như vậy.
Về Điều 3 có nhiều thảo luận nhất liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Luật này đặc biệt gộp 2 vấn đề này vào trong một điều thì tôi rất tán thành với ý kiến của Ban soạn thảo, tức là luật này quy định chung về lập hội, tổ chức và hoạt động của các hội nói chung, trong đó có cả hội có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân.
Tuy rằng có giải trình là 3 phương án, nhưng trong giải trình này có đưa ra chỉ có 1 phương án thôi, tôi hết sức tán thành phương án 1. Quan điểm của tôi là dù phương án nào thì cũng hết sức tránh không liệt kê một số tổ chức không áp dụng luật này, không liệt kê tên của các tổ chức.
Ý kiến của tôi là trong quá trình chúng ta thảo luận về luật này nhiều người cũng bàn đến đoàn thanh niên, phụ nữ, một số đoàn thể chính trị có nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này không. Vì đây cũng là tổ chức hội thì ý kiến riêng của tôi thế này: Chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng về tiêu chí hội, cho nên tôi nghĩ các đoàn thể chính trị có một số tiêu chí hoạt động giống hội, ngoài ra lại có một số tiêu chí hoạt động khác không giống hội mà lại có hệ thống pháp luật khác điều chỉnh rồi. Cho nên khẳng định viết có thể viết chung, nhưng không điều chỉnh trong luật này mà điều đó đã thể hiện trong Điều 5 về áp dụng Luật hội này rồi. Nên tôi hết sức tán thành với phương án 1, dù sau này có sửa gì thì cũng không nên có phương án nào liệt kê các tổ chức đó ra. Nhưng riêng về phương án 1 tôi xin có ý kiến sửa lại một chút như sau: Nếu chúng ta thể hiện như Khoản 1, ở phương án 1 là luật này quy định tổ chức về hội và quản lý Nhà nước hội có tư cách pháp nhân. Vậy ta lại loại mất quan điểm của chúng ta là hội này quy định, điều chỉnh cả những hội không có tư cách pháp nhân rồi, tuy rằng ta có Khoản 2 là hội không có tư cách pháp nhân thì Chính phủ quy định tôi xin kiến nghị sửa một chút như thế này cho nó rõ ràng hơn:
Khoản 1 sửa lại luật này quy định thành lập, Khoản 1 trong dự thảo thiếu thành lập là rất quan trọng, quy định về thành lập tổ chức hoạt động và quản lý Nhà nước của hội hay về hội.
Khoản 2, hội không có tư cách pháp nhân phải đăng ký thành lập theo quy định luật này. Còn Khoản 3 cũng sửa lại một chút, là hội không có tư cách pháp nhân phải thông báo sự hiện diện (cùng từ gì thì sau này Ban soạn thảo chúng ta tính sau), của hội mình do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đưa vào danh bạ hội thông tin cần thông báo do Chính phủ quy định. Tôi xin sửa lại một chút như vậy, còn Khoản 3 giữ nguyên.
Chúng tôi xin có ý kiến Điều 6, điều kiện trở thành hội thì cũng có rất nhiều ý kiến có bàn về vấn đề này. Tôi nghĩ Ban soạn thảo ở đây là điều kiện để lập hội, lúc ban đầu điều kiện trở thành hội là thời điểm lập hội chứ không phải là sau khi lập hội, khi lập hội thì Khoản 3 và Khoản 1 chúng tôi hết sức tán thành, Khoản 2 tôi cũng tán thành, Khoản 3 ở đoạn đầu là có phương án cơ cấu tổ chức thì cũng được, có điều lệ là đúng rồi, có trụ sở thì xin đề nghị sửa lại như trong Điều 14 hồ sơ thành lập hội có dự kiến trụ sở chính. Điều 11 có tài sản độc lập thì khi mới thành lập làm sao có tài sản độc lập được, tôi nghĩ nên cân nhắc có nên bỏ chỗ này hay không.
Khoản 4 cũng có nhiều thảo luận hiện nay là có số người đăng ký tham gia tối thiểu theo quy định của Chính phủ thì chúng tôi nghĩ là thế này, khi một hội chưa thành lập, đang vận động thành lập thì ít người đăng ký, nếu ép một số người cụ thể đăng ký thì trong thực tế thi hành Nghị định 58 tôi thấy nhiều hội lập ra xin chữ ký thì cũng không khó khăn lắm, đi xin chữ ký thì rất hình thức, nên quan điểm của tôi là nên cân nhắc lại điều này, có một số ý kiến là nên cho một con số cụ thể thì tôi cũng tán thành, nhưng tôi cũng có một giải pháp khác là các hội như ngày xưa là có giấy phép thành lập, bây giờ là giấy chứng nhận đăng ký thành lập thì thường phải tổ chức đại hội thành lập đấy, những người được mời đến là những người khẳng định sẽ tham gia hội và coi đấy là những hội viên sáng lập sau này không phải là kết nạp nữa, nên quy định là số người tối thiểu tham gia đại hội thành lập. Tôi nghĩ đấy là ý kiến của tôi về giải pháp cho vấn đề này.
Một ý kiến nữa cũng liên quan đến Điều 6, đây là điều kiện của chúng ta để trở thành hội lúc thành lập, nên chăng chúng ta đừng để ở đây mà đưa Điều 6 xuống sau Điều 14, hồ sơ thành lập, coi đây là điều kiện để được xét cấp giấy chứng nhận thành lập hội. Tại vì trong Điều 14 chúng ta chỉ quy định thời gian 40 ngày nhưng không quy định điều kiện gì thành lập hội để cấp giấy phép cả, thành ra cũng có thể dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan cấp giấy chứng nhận này. Có thể làm kỹ hơn nữa điều này và đưa vào trong Chương II là điều kiện để được xét cấp giấy chứng nhận thành lập hội.
Về Điều 7 quản lý Nhà nước, có ý kiến của anh Thuyết rồi, chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta liệt kê về hoạt động hợp tác quốc tế thì chúng ta lại phải liệt kê hoạt động khác cho nên nên bỏ.
Điều 8 trách nhiệm quản lý về hội, chúng tôi xin sửa lại Khoản 2. Thể hiện trong này là Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước một số vấn đề thôi, nhưng theo thông lệ của các luật thì khi quản lý Nhà nước trong một lĩnh vực nào đó thường là có một nơi làm chủ trì. Chúng tôi xin sửa Khoản 2 như sau: Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động của hội. Còn các Bộ ngành khác tất nhiên cũng phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực của mình.
Khoản 3, Điều 8, lần này thể hiện tôi nghĩ cũng tương đối rồi, nhưng phần sau, phần thanh tra, kiểm tra, giải quyết cho vào cũng không sai, nhưng bỏ đi thì cũng không thiếu. Vì đương nhiên hội, mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong xã hội được điều chỉnh bởi luật pháp của tất cả hệ thống luật pháp của chúng ta và của các Bộ, phần này đương nhiên phải làm, nhưng chúng ta để ở đây thì có tính chất nặng ra. Tôi nghĩ bỏ đi nó cũng không thiếu thì tôi kiến nghị khúc từ thanh tra trở đi là nên bỏ đi.
Điều 23 về biểu quyết, tôi thấy ở đây không có một hàm lượng quy định pháp luật gì ở đây cả thì nên bỏ đi. Bởi vì không có quy định gì ở đây, Điều 23 về biểu quyết nên bỏ đi.
Về nghĩa vụ của hội, chúng tôi xin có ý kiến ở Khoản 3. Khoản 3, Điều 25 nghĩa vụ của hội nói về phải nộp thuế, lệ phí. Tôi nghĩ viết thế này cũng đúng nhưng lại chi tiết quá, chúng tôi cũng xin kiến nghị sửa lại là thực hiện Khoản 3 điều này là thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính, chế độ kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật, tức là nó bao hết mọi chuyện.
Một ý nữa, về Điều 34 hướng dẫn thi hành. Luật này chúng tôi nghĩ rằng sau khi chúng ta sửa như thế này đã khá rõ ràng rồi. Các luật khác nhiều vị đại biểu cũng có ý kiến là nên bỏ điều Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật này, chúng tôi xin sửa đổi lại là Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành những điều gì nó cụ thể trong này, chúng ta liệt kê các điều ra. Đấy là những ý kiến chi tiết, còn một ít thời gian chúng tôi xin nêu ra một số ý kiến về nguyên tắc để chúng ta thảo luận như sau: Luật sau này đi vào cuộc sống thì nó phải phản ánh thực tiễn cuộc sống và chúng ta thử tưởng tượng hệ thống hội sau này trong nước chúng ta nó vận hành như thế nào. Báo cáo các đồng chí, hệ thống hội của chúng ta hiện nay, tôi xin nói trong khối khoa học kỹ thuật có Liên hiệp hội, Liên hiệp hội trong lịch sử là đầu mối của các Hội khoa học kỹ thuật. Nhưng Liên hiệp hội qua quá trình phát triển đến ngày hôm nay Liên hiệp hội không còn là cơ quan như xưa là thụ lý hồ sơ để thành lập hội nữa, mà là Bộ Nội vụ. Liên hiệp hội ngày hôm nay không phải là cấp trên cũng không chỉ đạo các hội thành viên, mà các hội thành viên tự nguyện tham gia, nhưng Liên hiệp hội ở các cấp lại là công chức Nhà nước, tức là được cấp một số biên chế tùy từng địa phương, vậy mô hình đấy tới đây có còn nữa hay không, nó còn nữa hay không thì nó phải thể hiện vào đây. Hiện nay Hội về khoa học kỹ thuật của chúng ta có Hội Trung ương và Hội địa phương. Hội Trung ương là hoạt động cả nước, Hội địa phương hoạt động trong địa phương, nhưng không có một khái niệm nào lại chỉ hoạt động trong tỉnh của mình, thế nào cũng hoạt động ra bên ngoài, mà Hội Trung ương lại không phải là cấp trên của hội địa phương, vậy mô hình đó có còn nữa hay không? Chúng ta phải tưởng tượng mô hình hệ thống hội, ít ra tôi nói Hội khoa học kỹ thuật đã cho nó dễ nói, tới đây nó như thế nào thì nó phải phản ánh vào trong luật. Tôi nghĩ vấn đề này là vấn đề cần thảo luận là mô hình tổ chức của hệ thống hội tới đây ra sao.

Các văn bản liên quan