HỘI HAY TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ?

Thứ Hai 14:40 24-07-2006

 

          Ngay từ khi ban hành các văn bản về hội đầu tiên của nước ta, khái niệm “Hội” đã được đề cập. Sắc lệnh số 52/SL ngày 22 tháng 4 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Điều 1 có nêu: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi tức”. Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi là Nghị định số 88) giải thích “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Từ hai văn bản trên cho thấy cách hiểu từ trước đến nay của các nhà lập pháp Việt Nam về hội đó là: tổ chức tự nguyện của công dân; có chung mục đích; hoạt động thường xuyên (tính chất vĩnh cửu); không vì mục tiêu lợi nhuận.

          Tham khảo một số tài liệu khác định nghĩa về hội, chúng tôi thấy:

- Từ điển Tiếng Việt giải thích hội là “tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động [1] .

- Sách “Vai trò của các hội trong đổi mới và phát triển đất nước [2] nêu cách hiểu về hội “là những tổ chức tự nguyện của quần chúng. Những tổ chức đó tập hợp đông đảo người cùng ngành nghề, hoặc cùng sở thích…Họ cùng góp kiến thức, sức lực và hành động một cách thường xuyên để đạt một mục đích nào đó, do những người tự nguyện sáng lập đề ra, mục đích đó không trái với lợi ích dân tộc và Tổ quốc, không vụ lợi và trong khuân khổ pháp luật”.

- Bộ luật về Hiệp hội ngày 1/7/1901 của Pháp quy định hội, Hiệp hội là “khế ước giữa hai người hoặc nhiều người cùng góp kiến thức, hành động thường xuyên để đạt một mục đích nào đó, khác với sự chia lời [3] .

Bên cạnh khái niệm về hội còn có khái niệm “Tổ chức phi Chính phủ” được dịch từ tên tiếng Anh là Non-Govemmental Organization (NGO). Vậy giữa “Hội” và “tổ chức phi Chính phủ” giống và khác nhau như thế nào?

Hiện nay, văn bản quản lý Nhà nước về tổ chức phi Chính phủ của chúng ta phải kể đến là Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ banh hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đã được phép hoạt động thương mại, đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam dưới các hình thức như: văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế, tài chính, bảo hiểm, tư vấn pháp luật, chi nhánh công ty, chi nhánh ngân hàng thương mại… được thành lập Hiệp hội doanh nghiệp hoặc Câu lạc bộ doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (gọi là Hiệp hội) theo quy định của pháp luật…Tuy vậy, toàn bộ Nghị định này cũng không có điều khoản nào đề cập đến khái niệm “tổ chức phi Chính phủ”.

Tham khảo Đại từ điển Tiếng Việt [4] thì “phi Chính phủ” có nghĩa là “không phải hoặc không thuộc Chính phủ, Nhà nước”. Từ điển Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) [5]   định nghĩa “tổ chức phi Chính phủ là một tổ chức không thuộc về bất cứ Chính phủ nào. Mặc dù về mặt kỹ thuật, định nghĩa này cũng có thể bao hàm các tổ chức vì lợi nhuận, thuật ngữ này thường giới hạn để chỉ các tổ chức xã hội và văn hoá mà mục tiêu chính không phải là lợi nhuận”.

Tiếp đến, sách “Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh” của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có đưa ra khái niệm về tổ chức chức phi Chính phủ là “các tổ chức tình nguyện tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức tự nguyện phát triển. Hiểu theo cách thông thường, các NGO có bốn đặc trưng là: tổ chức tình nguyện, độc lập, phi lợi nhuận, mục đích nâng cao điều kiện sống của những người bị thiệt thòi hoặc vì những vấn đề chung rộng lớn của cộng đồng... [6]

Từ các cách hiểu trên có thể tổ chức phi Chính phủ và hội giống nhau ở chỗ: đều độc lập với nhà nước (do các cá nhân, tổ chức tự nguyện thành lập, không phải là một bộ phận của bộ máy nhà nước); thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm hướng tới các mục tiêu nhân đạo hoặc lợi ích của cộng đồng.

Tuy nhiên, có thể hiểu nội hàm khái niệm “tổ chức phi Chính phủ” hẹp hơn nội hàm khái niệm “Hội”. Khái niệm tổ chức phi Chính phủ thường được hiểu là các tổ chức hoạt động thiên về lợi ích công cộng như hội chữ thập đỏ, tổ chức Cứu trợ trẻ em, Oxfam…. [7] và ít khi được dùng để chỉ các tổ chức chính trị. Trong khi đó, “Hội ” có thể bao gồm các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

 Hiện tại, có ý kiến cho rằng chúng ta không nên dùng thuật ngữ “Hội” mà dùng thuật ngữ tổ chức “phi Chính phủ” để chỉ các hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng do nội hàm của hai khái niệm này không hẳn là đồng nhất với nhau như đã phân tích ở trên nên không thể sử dụng lẫn lộn hai khái niệm này.


[1] Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, năm 1998, trang 443

[2] Thang Văn Phúc (chủ biên), Vai trò của các hội trong đổi mới và phát triển đất nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002, trang 12

[3] Dẫn theo Thang Văn Phúc (chủ biên), dẫn trên

[4] Từ điển Tiếng Việt, dẫn trên, note 3

[5] Tổ chức phi Chính phủ, Từ điển Bách khoa toàn thư mở http://vi.wikipedia.org/wiki/ , truy cập ngày 1/6/2006

[6] Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB Chính trị Quốc gia, trang 621, T.S. Ngô Đức Mạnh dịch và hiệu đính.

[7] Ngân hàng phát triển Châu Á, dẫn trên

Các văn bản liên quan