VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (bản tiếp thu chỉnh lý)
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 4181/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Nội dung giải trình tại Tờ trình và quy định tại Dự thảo không thống nhất với nhau
Mục IV.2 Tờ trình giải trình về các nội dung cơ bản của Dự thảo, cụ thể:
- “Dự thảo Nghị định đã chỉnh sửa các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề… bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung” đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó”.
Nội dung này đưa đến cách hiểu sẽ bỏ hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật … làm sai lệch nội dung”, thay thế là biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận … chứng chỉ đó”.
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật … làm sai lệch nội dung” tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và chỉ bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận … chứng chỉ đó”. Đồng thời Dự thảo cũng không có quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, như giải trình tại Tờ trình.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ khoản 3 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, như giải trình tại Tờ trình.
- Nội dung: “Đối với một số hành vi “tẩy xoá, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” mà giấy tờ, văn bản đó không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại bản chính giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp, trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu…” thay cho biện pháp khắc phục hậu quả “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP”.
Nội dung này được hiểu, Dự thảo sẽ bỏ biện pháp khắc phục hậu quả: “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” và thay thế vào đó là biện pháp “Buộc nộp lại bản chính … trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu.” Đối với hành vi “tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp”.
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung “kiến nghị cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này” đối với hành vi vi phạm liên quan đến tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bãi bỏ điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
- Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 (khoản 4 Điều 1)
Khoản 4.a Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 5a “phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”.
Quy định này có nguy cơ chồng lấn với quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”. Hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 đã bao trùm hành vi của quy định bổ sung 5a.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định bổ sung khoản 5a, đồng thời bỏ quy định “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 5a Điều này”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.