QUYẾT ĐỊNH CHÍNH SÁCH VÀ LÀM CHÍNH SÁCH TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Thứ Bảy 07:56 19-05-2007

                                                       HAI ĐỀ NGHỊ VỚI QUỐC HỘI



         Cuộc bầu cử tự do, dân chủ ngày mồng sáu tháng giêng năm 1946 đã thành công rực rỡ và Quốc hội đầu tiên của người dân Việt Nam đã có 60 năm hoạt động, trưởng thành. Nhưng đến nay, vẫn còn những câu hỏi về sức mạnh thần kỳ nào đã làm nên một cuộc Tổng tuyển cử vang dội và chúng ta có một Quốc hội- thiết chế lần đầu xuất hiện trong lịch sử nước ta.
Một cái nhìn văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao chỉ trong hơn mười ngày, Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo có thể hoàn tất được công cuộc giải phóng đất nước, giành lấy chính quyền từ tay Nhật – Pháp, gần như không mất một viên đạn. Rồi chính quyền ấy lại đứng vững suốt 30 năm kháng chiến, trong khi quân thù xâm lược cùng bọn tay sai bán nước sử dụng mọi mưu ma chước quỷ từ bạo lực quân sự đến mua chuộc kinh tế. Đó là vì nền văn hóa Việt Nam vốn đã có và giữ gìn được nhiều đặc điểm có tính chất dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Các đặc điểm đó có được nhờ vào việc, Việt Nam không trải qua chế độ nô lệ và chế độ nông nô như ở châu Âu, cho nên, văn hoá Việt Nam có nhiều điểm phù hợp với đường lối của Mặt trận Việt Minh.

Những đặc điểm ấy là chế độ dùng ruộng công để trợ cấp cho những người nghèo khổ, chế độ họp làng, việc bầu những chức sắc trong làng, việc thờ thành hoàng, thờ tổ tiên chung cho cả làng bên cạnh việc theo Phật, Lão, Chúa Trời (chỉ là tín ngưỡng dân gian tùy theo sở thích), những bữa tiệc chung cho cả dân làng là nam giới từ 18 tuổi trở lên, việc tôn trọng phẩm giá, đạo đức biểu hiện qua đánh giá của dư luận trong làng. Một ngàn năm Bắc thuộc và một ngàn năm quân chủ không xóa bỏ được những đặc điểm văn hoá này, tuy đã gây nên những xáo trộn quan trọng: chế độ trọng nam khinh nữ, chỉ có nam giới mới được tham dự công việc của làng, chế độ trọng tuổi tác hơn chức vụ, việc tôn trọng một lối sống văn hóa thiên về văn chương, việc coi thường kỹ thuật sản xuất, việc coi khinh thương nghiệp… Làng đã hình thành cơ chế tự quản một nửa, việc thi hành pháp luật thuộc về nhà nước, còn làng được điều hành theo lễ giáo, tập tục.


Phương Tây cũng chỉ hiểu được tầm quan trọng của pháp luật đối với sự tồn tại của một quốc gia từ thế kỷ XVIII. Tác phẩm nêu lên luận điểm này là “Tinh thần pháp luật” (L’esprit des lois) của Montesquieu, xuất bản năm 1748 và chỉ cần đến cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, thì lòng tin vào pháp luật đã thành một đức tin mới lan rộng khắp phương Tây, thay thế đức tin Thiên chúa giáo của châu Âu thời Trung Cổ.


Ở Việt
Nam ngay sau khi giành được độc lập, Bác Hồ đã chủ trương thành lập Chính phủ lâm thời, rồi thực hiện Tổng tuyển cử tự do và dân chủ trong toàn quốc để bầu ra Quốc hội. Rồi chính Quốc hội phê chuẩn thông qua Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp 1946. Những điều này chứng tỏ rằng, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh quyết tâm xây dựng một nhà nước Việt Nam theo con đường phương Tây, hiện đại, không phải theo con đường phương Đông. Theo quan điểm mới này, khái niệm nhân dân không phải là một khái niệm mơ hồ, mang tính chất văn chương, mà có biểu hiện cụ thể, vật chất. Nhân dân đó là Quốc hội. Đây là con đường mà Bác Hồ gọi là “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhưng hai cuộc kháng chiến đã khiến cho công việc của Quốc hội bị cản trở. Rồi sau khi thống nhất đất nước năm 1975, những lộn xộn về kinh tế và chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng gây khó khăn cho công việc xây dựng nhà nước “thần linh pháp quyền”  mới. Chỉ đến khi Việt Nam hội nhập với cả thế giới, con đường xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại mới thực rõ ràng.


Người Pháp có câu: “Nul n’est cense d’ignorer la loi” (Không ai được phép xem mình là không biết pháp luật). Đây là kinh nghiệm của một dân tộc đã trải qua trên hai trăm năm sống với lòng tin vào pháp luật. Còn người Việt
Nam như tôi, giờ đây sự hiểu biết về pháp luật thực tình không có bao nhiêu. Sách báo nói nhiều đến hiện tượng tham ô lãng phí như một thứ “quốc nạn”. Nếu đứng về mặt văn hóa mà xét, sở dĩ hiện tượng “quốc nạn” này trở nên phổ biến là do nguyên nhân chủ yếu từ tình trạng nhân dân không biết trong từng việc cụ thể, Đảng lãnh đạo ở điểm nào, chính phủ quản lý ở điểm nào, nhân dân làm chủ ở điểm nào. Cái thiếu phổ biến của cả nước là thiếu một sự hiểu biết rõ ràng, dứt khoát về pháp luật. Đây chính là điểm Quốc hội nên chú ý để giúp nhân dân trong nhiệm vụ của mình vì “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.


 
Vậy tôi có hai đề nghị:


Thứ nhất, xuất bản một công trình do chính Quốc hội biên soạn, thông qua để nêu rõ mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan mà nhân dân phải tiếp xúc, từ ngân hàng, tòa án, các nhà máy, các công ty, các cơ quan về kinh tế, giáo dục chính trị, vân vân, trong đó nói rõ phần nào thuộc Đảng lãnh đạo, phần nào thuộc Chính phủ quản lý, phần nào thuộc nhân dân làm chủ. Có như thế, nhân dân mới hiểu rõ nhiệm vụ, quyền lợi và công việc của mình, tránh được những va vấp và không phạm những lỗi lầm đáng tiếc, không làm những điều trái pháp luật mà mình không tự biết, không để cho kẻ xấu lợi dụng. Chuyện này thực không dễ dàng, nhất là trong tình hình hiện nay, khi văn bản pháp luật quá nhiều mà hiểu biết của nhân dân về pháp luật quá ít. Hiện nay, các cơ quan và tư nhân nước ngoài tham dự vào kinh tế Việt
Nam ngày càng nhiều, và số người Việt Nam làm việc cho các cơ quan ấy ngày càng đông. Vậy phải quy định những cách làm nào phù hợp với tinh thần pháp luật để có thể giảm bớt tình trạng quan liêu, lãng phí, trục lợi để tăng phúc lợi cho quần chúng nhân dân lao động.


Vấn đề này càng quan trọng đối với đồng bào thiểu số bởi vì, thực tế anh em thiểu số rất xa lạ với luật pháp. Khu vực đồng bào thiểu số sinh sống đã từng là cái nôi của cách mạng và chúng ta phải có cách đền ơn đáp nghĩa đối với công lao của bà con. Cách làm đối với đồng bào là tránh bệnh hình thức, chạy theo thành tích mà phải lo sao làm những việc cụ thể, đạt được những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu cụ thể là ở cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, học hành, chống lại được bệnh tật và sự phá hoại môi trường. Từng công việc một đòi hỏi những kinh nghiệm cụ thể, nhiều khi là cá biệt đối với một nơi cụ thể. Không một thánh kinh nào có thể thay thế được kinh nghiệm; trong đó kinh nghiệm thất bại chính là bài học tốt nhất để đi đến thành công. Ta có cái thói quen chỉ chú ý đến mặt thành tích và thói quen này chính là nguyên nhân lý giải tại sao nhân dân Việt
Nam anh hùng như vậy, thông minh, tài giỏi như vậy, mà lại nghèo khổ.


Trong việc đổi mới một xã hội để từ nghèo khổ sang giàu có, tất yếu phải có những sai sót. Muốn hay thuốc thì phải chịu đứt tay. Tôi hy vọng những lần đứt tay sẽ góp phần làm nước Việt
Nam giàu có, phồn vinh không kém những thành tích về quân sự, chính trị mà cả thế giới đều biết.


Đề nghị thứ hai là việc dạy về công dân, về Hiến pháp ở các lớp cuối mỗi cấp học. Con người Việt
Nam cần phải hiểu hết con đường gian khổ mà nhân dân, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã trải qua để đạt đến ngày hôm nay. Các em phải hiểu những thắng lợi sở dĩ có được là phải trải qua bao nhiêu khó khăn, trong đó có cả những thất bại tạm thời do sai sót, chủ quan của mình. Đây là môn học để làm người Việt Nam đích thực. Cách dạy này sẽ giúp các em đỡ choáng mắt trước cái vẻ bên ngoài phồn vinh vật chất ở các nước mà thấy được trách nhiệm và giá trị của mình. Con người Việt Nam ngày nay phải hiểu Việt Nam cho đúng để hiểu cả thế giới và để tiếp thu được cái hay, cái mạnh của cả thế giới. Đồng thời, tránh được những sai sót cũng rất to lớn của văn hóa thế giới khi nó đang rơi vào chủ nghĩa cá nhân tầm thường, ích kỷ.


Tôi hiểu những yêu cầu trên là cao. Nhưng trong tình hình hiện nay, tôi thấy đây là cách làm, cách quan niệm của người công dân Việt Nam đối với một Tổ quốc đã giành được sự tín nhiệm vô bờ bến của nhân loại bị áp bức, một dân tộc đang từ nghèo khổ vươn tới phồn vinh và đang có uy tín vô song trong số các dân tộc đã từng bị coi khinh bởi những dân tộc tự coi mình là văn minh, tiến bộ.

 

GS. Phan Ngọc



                   (Nguồn:  http://www.nclp.org.vn/?act=chitiet&idcat=21&idnews=1221)

Các văn bản liên quan