Bình luận của Ông Vũ Ngọc Bảo – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam

Thứ Hai 10:22 12-09-2011

Thưa các đồng chí chủ trì hội nghị, thưa các anh các chị. Ngành giấy có một thời thường bị coi là gây ô nhiễm nhưng thực chất cũng như mọi ngành công nghiệp khác, hay như bản thân chúng ta, nếu không giữ vệ sinh thì chúng ta cũng sẽ gây ô nhiễm. Về hội thảo này, trước hết tôi thắc mắc mãi chúng ta đang nói về môi trường nào, môi trường gì, như thế nào? Bởi lẽ, trong các quy chuẩn hiện nay, như quy chuẩn về nước thải của ngành giấy thì các thông số đánh giá vượt quá xa so với tiêu chuẩn châu Âu, Trung Quốc, kể cả của Nhật. Thí dụ, chỉ số COD của mình, cột A là 50 mg/l, còn của các nước là 200, 250. Thế cho nên Luật cũng nên quy định rõ môi trường của chúng ta là môi trường thiên nhiên, môi trường chúng ta sống…ở tầm mức như thế nào của thế giới. Chúng ta có cần phải sạch quá đến mức như thế không?

Thứ hai, tôi xin bổ sung, nếu ta quy định phải nhập các thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn môi trường thì rất khó. Đối với xe ô tô chúng ta có thể nói tới khí thải nhưng với máy móc của công nghiệp thì chịu, bắt bẻ kiểu gì cũng được. Có chăng chúng ta nên quy định tính bền vững. Công nghệ này anh chỉ được tiêu dùng ngần này nước, ngần này điện. Cái đó cũng là bảo vệ môi trường vì sử dụng ít tài nguyên hơn tức là ít chất thải hơn. Chỗ đó cần phải bỏ chứ không phải là thay bằng cái này, cái khác.

Điểm nữa trong Điều 43 yêu cầu nơi nhập khẩu phế liệu phải có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm. Tôi thấy đây cũng là một cái thừa bởi vì chúng ta chỉ quản cái người ta thải ra như không khí, nước thải ra khỏi hàng rào và chất thải rắn mang đi khỏi doanh nghiệp. Còn bên trong thì không cần phải quy định, vừa thừa vừa không có nghĩa.

Tiếp nữa, trong Luật không thấy nói cho phép chúng ta thải ra biển. Tôi còn nhớ vụ Vedan, công ty này có thuê một chiếc tàu thủy để chở các rỉ đường ra biển đổ nhưng mình không cho nên tàu vẫn ở bến sông và Vedan thải luôn ra sông. Trong dự án của nhà máy giấy, bột giấy Bình Định thì người ta đồng ý cho thải ra biển. Đó là một trường hợp thôi, còn trong các văn bản không thấy quy định. Phần lớn các nhà máy giấy, bột giấy trên thế giới đặt ở dọc ven biển. Vì vậy, vừa rồi ngành giấy Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề bởi sóng thần, động đất. Có thể biển Đông hẹp quá nên chúng ta không thể đổ ở biển Đông được, thì chúng ta đổ ra Thái Bình Dương, miễn rằng các doanh nghiệp thấy rằng có hiệu quả về kinh tế.

Điểm nữa, Luật có quy định chỗ là phế liệu, chỗ là chất thải. Chúng tôi suy nghĩ không có phế liệu, chỉ có chất thải thôi. Chất thải của người này là nguyên liệu của người khác, nên chúng ta dùng một từ là chất thải thôi. Từ phế liệu thì không có thực, trong thực tế không có.

Luật cũng nên xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của những cơ quan tiêu tiền thuế của dân. Tôi suy nghĩ như thế này, hiện tại trong ngành giấy của chúng tôi, các doanh nghiệp đều phải thải theo tiêu chuẩn thải ở cột A 50mg/l COD và thường điểm tiếp nhận thải của chúng tôi lại hơn nước chúng tôi thải ra. Điều đó cực kỳ vô lý. Chúng ta lãng phí tiền của. Chúng tôi kiến nghị Luật cho phép môi trường tiếp nhận như thế nào, chúng tôi thải ra đúng như thế. Những cơ quan đó tiêu tiền thuế của dân thì phải đảm bảo điểm tiếp nhận thải có chất lượng. Chất lượng A, chúng tôi đổ ra A, chất lượng B, chúng tôi đổ ra B. Một mặt bắt chúng tôi làm sạch, sau đó đổ ra chỗ bẩn. Nếu làm như thế thì không chỉ môi trường thiên nhiên sạch mà môi trường kinh doanh cũng sẽ sạch.

Có địa phương có bản đồ thải, nhưng có địa phương nhất định không chịu công bố bản đồ thải. Chúng tôi cần biết nhà nước hoặc địa phương chỉ ra chỗ nào phải đổ đạt tiêu chuẩn A, chỗ kia được B, C để chúng tôi chọn. Chứ nếu không, sau khi xây nhà máy xong bắt buộc chỉ được thải ở cột A thôi. Mà từ cột B chuyển sang cột A tốn kém rất nhiều để xử lý hiếm khí, xử lý cấp 3, bằng than hoạt tính, ozon…

Tôi xin phép có một vài vấn đề như vậy. Xin hết.

Các văn bản liên quan