Bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế, TS Vũ Quang, ĐH Bách Khoa Hà Nội

Thứ Hai 10:20 12-09-2011

Luật BVMT 2005 xuất hiện với mâu thuẫn doanh nghiệp thì nói rằng không bảo vệ, thậm chí cản trở. Anh Lương Minh Thảo đại diện cho khối quản lý thì bảo rằng chúng tôi đã được đáp ứng. Như vậy Luật BVMT của chúng ta dường như nghiêng về phục vụ cho cơ quan quản lý nhiều hơn thì phải.

Chúng tôi là những người nghiên cứu và giảng dạy Luật Môi trường đứng giữa, hài hòa hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hy vọng là làm tròn được trách nhiệm này. Tôi có một vài góp ý và hiểu rõ đây là một hội thảo nhằm hoàn thiện một báo cáo được đặt ra với các tiêu chí để rà soát lại Luật BVMT. Chính vì vậy, trước hết tôi chia sẻ với ý kiến của TS. Nguyễn Văn Phương. Tôi có một số ý kiến tập trung chủ yếu vào báo cáo này:

Trước hết, tôi chưa thấy đề ra mục đích, mục tiêu dự thảo báo cáo. Theo tôi, về cơ bản mục tiêu vẫn là rà soát để làm gì? để thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hài hòa hóa mối quan hệ này. Chứ không thể nào có chuyện chăm chăm bảo vệ môi trường hoặc thì có phát triển kinh tế bằng mọi giá. Chắc là các quý vị đồng ý với tôi. Bởi vậy hoạt động rà soát tại sao và như thế nào?

Tôi nhận được các tiêu chí: minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi. Tôi thấy, cho đến hôm nay, đây là đạo luật thứ 2 về bảo vệ môi trường, từ đạo luật năm 1993. Đến nay, nó đúng là làm cơ sở lớn để các cơ quan quản lý trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nhưng trong việc rà soát của chúng ta thiếu 2 cái đầu tiên cần phải xác định là có đầy đủ hay không? Báo cáo chưa thấy nói đến tính đầy đủ. Tất nhiên là anh Phương và nhóm làm thế này là đã tập trung vào một số vấn đề. Chúng ta biết bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan đến nó là một lĩnh vực rất rộng, thậm chí đã có người cho rằng sinh thái hóa hệ thống pháp luật. Tức là trong mảng hoạt động đời sống xã hội nào cũng có, tương ứng với nó là văn bản nào cũng có điều chỉnh. Chúng tôi đã lập một thuật ngữ "sinh thái hóa" hệ thống là như vậy.

Làm thế nào để giải quyết câu chuyện chỗ nào cũng có thành ra là quá loãng. Lại có một văn bản luật chuyên ngành là Luật Bảo vệ môi trường như chúng ta đã biết. Vậy là theo ý kiến của tôi nên đánh giá tính đầy đủ.

Thứ hai, rồi mới đến tính khả thi, tính phù hợp, sau đó đặt thêm một tiêu chí nữa mà chúng ta không thể không làm được. Đó là tính dự báo. Luật không tiên đoán được thì doanh nghiệp chịu chết, đặc biệt là luật môi trường.

Thứ ba, văn bản rà soát, báo cáo mới tập trung vào những vấn đề cần thiết là nội dung của Luật BVMT 2005 với một loạt các chế định của nó. Mỗi một chế định là một khu vực rất lớn trong đời sống xã hội, bắt đầu từ quản lý nhà nước. Chúng ta đặt nặng cái này lắm. Tiếp theo là ĐTM, một trong những biện pháp để phòng ngừa tốt nhất. Mà bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ bằng phòng ngừa là tốt nhất, khắc phục chỉ là sau đó thôi. ĐTM được coi là để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa. Cái vòng thứ nhất là Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn, và vòng thứ 2 chúng cần rà soát về mặt văn bản đó là Luật chuyên ngành về BVMT. Luật BVMT chia thành 2 phần: những nguyên tắc chung và đi vào từng yếu tố của môi trường được bảo vệ. Ví dụ bảo vệ lòng đất có Luật Khoáng sản, pháp luật đất đai; bảo vệ đa dạng sinh học thì có Luật Rừng và Luật Đa dạng sinh học; các quy định về xuất nhập khẩu với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…Đó là dạng văn bản thứ ba, các văn bản có liên quan trực tiếp đến kinh tế nhưng được hiểu có ảnh hưởng đến môi trường lớn nhất. Hơn nửa triệu doanh nghiệp hiện nay làm nhiều và thải ra nhiều.

Bởi vậy, vòng thứ 3 là rà soát văn bản với 6 tiêu chí đó có phù hợp? nguyên nhân là tại sao?

Thứ tư, tôi có một góp ý cụ thể về nội dung cần bổ sung rất là nhiều. Tôi chia sẻ với anh Phương - một trong những chuyên gia về Luật Môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chất thải. Nói sâu về cái đó rất nhiều vấn đề.

Tôi có mấy nội dung thấy cần phải đi sâu là: ĐTM; quy chuẩn, tiêu chuẩn, chúng ta có Luật Quy chuẩn kỹ thuật 2006. Nhưng chúng tôi giảng dạy thì cũng chỉ nói đến vài phút thôi, chứ đừng nói đến bên ngoài. Đừng nói đến chuyện áp dụng và thi hành như thế nào; các luật chuyên ngành. ĐTM có thể bao trùm tất cả những nội dung mà anh Phương có đề ra.

* ĐTM tôi đi sâu vào 4 nội dung là: phân cấp thẩm định. Bây giờ, một dự án của Bộ Công an/Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Công an/Bộ Quốc phòng chúng ta biết ngay có sự bênh nhau và có sự lạm dụng ở trong đó rồi. Bởi vậy, luật quy định thừa. Không có một dự án nào của Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an mà lại bảo không được về mặt môi trường, nên bỏ cả. Phân cấp thứ hai về các tỉnh, mà chúng ta đã biết các tỉnh hiện nay đua nhau trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư. Bây giờ chỉ số thu hút đầu tư là chỉ số để phản ánh độ ổn định của nhiệm kỳ mà lại bảo chưa vào đã xét nét về mặt môi trường để đuổi dự án đi thì không có đâu. Quyền giao cho Chủ tịch tỉnh những dự án theo phân cấp thì theo tôi là không khả thi chút nào, nếu theo tiêu chí về khả thi của báo cáo rà soát.

Hội đồng thẩm định có thành phần để cho báo cáo ĐTM đó nó qua chứ không phải được thành lập để đánh giá. Nó là bệnh chung của các hội đồng. Bởi vậy, thành phần của hội đồng thẩm định rất vấn đề. Mà tôi đã từng hơn một lần đề nghị các luật sư có hiểu biết đại diện cho cộng đồng dân cư. Chứ còn cho phép cộng đồng dân cư vào đấy thì không được. Phải cho những người thực sự có tiếng nói, có hiểu biết để bảo vệ cộng đồng. Đại diện của doanh nghiệp thì phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Các nhà khoa học thì chủ yếu là các GS ở trường ĐHKHTN, bên Bách khoa về kỹ thuật, bên Khoa Luật, một số trường nữa chủ yếu về chính sách pháp luật. Riêng câu chuyện đó đã thấy vênh nhau rồi. Bởi vậy, thành phần này rất khó kiếm. Đi đâu cũng chỉ có từng ấy người. Đây là vấn đề nên xem xét.

Thứ nữa, về trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định báo cáo đấy là được hay không được. Chủ tịch tỉnh nhờ ý kiến tư vấn của hội đồng thẩm định, chỉ có ý nghĩa tư vấn. Hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm pháp lý của người quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm pháp lý về mặt môi trường vì anh là người ký thông qua báo cáo ĐTM. Một thủy điện trong miền Nam, đến lúc kiểm tra báo cáo ĐTM chỉ có tên trên cùng là đúng, còn lại nội dung bên trong toàn là thủy điện Sơn La. Hình thức đến mức như thế đấy mà hội đồng vẫn cho qua.

Ý kiến kết luận của hội đồng không nên chỉ mang tính tư vấn mà đi liền với nó là quyền lợi và nghĩa vụ thì mới có giá trị. Lập hội đồng có ban bệ đầy đủ nhưng chỉ phán cho vui thôi thì là thừa.

* Giám sát sau thẩm định: là đang bị bỏ ngỏ. Tôi đã hướng dẫn ít nhất 2 luận văn thạc sỹ về câu chuyện này. Giải quyết rất nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn.

* Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật: như chúng ta đã biết, trước đây, trong Luật BVMT 2005 ra đời quy định tiêu chuẩn môi trường chung, trong đó có việc bắt buộc áp dụng. Nhưng hiện nay theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì quy chuẩn do cơ quan nhà nước ban hành và có giá trị bắt buộc thi hành. Tiêu chuẩn thì do các tổ chức khác, được hiểu là ngoài nhà nước, ban hành và khuyến nghị áp dụng. Khi rà soát cần làm rõ cái này vì quy chuẩn, tiêu chuẩn rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Các hiệp hội có bảo vệ được quyền lợi của mình hay không là phải có cái này.

Chuyển đổi tiêu chuẩn môi trường sang quy chuẩn. Nhận thức như vậy nên chúng ta có một loạt các Thông tư, các quyết định.

* Các luật chuyên ngành (vòng tròn thứ 2) về bảo vệ môi trường ví dụ như Luật Khoáng sản, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật đa dạng sinh học, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật Biển sắp tới…

* Luật chuyên ngành liên quan đến kinh tế (vòng tròn thứ 3) như Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Điện lực…

Tóm lại, khi rà soát chúng ta nên hướng đến sơ đồ ấy và vẫn phải theo triết lý là muốn bảo vệ môi trường kiểu nào thì phải đạt mục tiêu không chỉ không cản trở mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xin cảm ơn!

Các văn bản liên quan