Một số ý kiến của ô. Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường

Thứ Hai 10:17 12-09-2011

Luật BVMT 2005 là một bước tiến dài trong thực tế đã làm cho công tác bảo vệ môi trường tốt hơn rất nhiều. Về lý thuyết, bao giờ lý luận cũng đi sau thực tiễn. Để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong Luật cần có thời gian và việc sửa đổi cũng là khách quan. Chúng tôi thấy rằng, có nhiều điều trong Luật rất mơ hồ. Làm sao sớm sửa đổi để Luật càng cụ thể cho chúng tôi càng dễ làm. Nhất là vừa rồi Bộ TNMT tham mưu Chính phủ cùng các bộ ngành ra được Nghị định 117 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đấy là tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý. Vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, riêng đối với Luật BVMT nếu sửa đổi thì đề nghị các anh nên có một dự án làm công phu hơn vì đây là vấn đề rất lớn, chi phối nhiều hoạt động xã hội, đời sống con người. Chính phủ cần có dự án về sửa đổi Luật này, cần có sự nghiên cứu, khảo sát thực tiễn rất kỹ, có những nhóm công tác. Và cũng cần tham khảo Luật của các nước người ta đi trước mình.

Tham gia cụ thể hơn chúng tôi xin gửi bằng văn bản đến các anh, có rất nhiều vấn đề cần phải sửa đổi. Ví dụ, báo cáo ĐTM: chúng tôi đi kiểm tra giám sát thấy rất khó bởi vì Luật cho phép thuê tư vấn. Nhưng mà có báo cáo ĐTM nào không được thông qua đâu. Trong khi đó có những công ty tư vấn chỉ có vài người thôi, thậm chí chỉ có giám đốc, kế toán thì không có. Trong các quy định tiếp theo nằm ở Nghị định hướng dẫn có nhiều cái chưa chặt chẽ, chưa cụ thể. Ví dụ: chúng tôi vào công ty Vedan yêu cầu cung cấp báo cáo ĐTM thì được đưa một bản photo rất chung chung. Không có một căn cứ nào cho thấy việc thải loại bao nhiêu lít, bao nhiêu khí trong một ngày. Và khi được yêu cầu cho xem bản chính thì họ bảo rằng Luật không bắt buộc phải trình bản chính, bản chính có 1 bản để trên Sở TNMT rồi. Và có tìm thì cũng chẳng thấy. Những cái này thì phải đưa vào Luật. Bản photo thì người ta có thể dễ dàng thay đổi nội dung. Có gì để đảm bảo? Như thế là Luật của chúng ta chưa chặt.

Cảnh sát môi trường hoạt động đến nay đã được 5 năm, chúng tôi triển khai bắt giữ và kiểm tra. Mỗi năm gần 6000 vụ thế nhưng chỉ khởi tố được vài vụ về động vật hoang dã, phá rừng thôi. Sở dĩ không khởi tố được là do luật quy định mơ hồ quá. Ví dụ Điều 92 quy định "khu vực bị ô nhiễm" trong trường hợp xả nước thải thì khi điều tra chỉ có ở miệng xả mới có mức độ ô nhiễm vượt quá 5 lần, còn ở sông thì đâu có vượt. Vậy thì xác định khu vực để khởi tố làm sao được. Cần phải nghiên cứu để tính lại.

Với những người đi kiểm tra giám sát, tôi mong cụ thể hóa Luật hơn nữa, chặt chẽ hơn để trong quá trình triển khai thực hiện mới xử lý được.

Xin phép được tham gia cùng với các anh như vậy. Xin cảm ơn!

Các văn bản liên quan