Ý kiến của ô. Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Thứ Hai 10:17 12-09-2011

Ông Phạm Chí Cường-Hiệp hội thép Việt Nam

Kính thưa các đồng chí chủ tọa, kính thưa toàn thể hội nghị. Tôi được chỉ định phát biểu đầu tiên có lẽ bởi vì ngành thép của chúng tôi va chạm với môi trường nhiều vấn đề. Ngay bản thân đồng chí Huỳnh cũng đã tham gia với chúng tôi khi mà 200 container sắt thép phế liệu nhập vào cảng 1 năm không giải quyết được, gây ách tắc cả cảng Hải Phòng và Cảng Cát Lái. Và cũng cần 1 năm sau nữa, kể từ khi đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên Môi trường cộng với các Bộ, ngành liên quan phối hợp. Cuối cùng phải xin ý kiến Thủ tướng trước khi giải quyết. Cũng mất gần 2 năm. Nếu tính toán ra thì thiệt hại vô cùng lớn. Và chắc là đã bao nhiêu doanh nghiệp liên quan đến nó phải phá sản chỉ vì vụ kiện đó.

Sau khi đối chiếu Luật Môi trường và rất nhiều Nghị định tiếp theo cụ thể hóa Luật Môi trường đã được ban hành từ 2005, chúng tôi có một số ý kiến như thế này:

Thứ nhất, quan điểm về người biết luật với thực tế sản xuất của chúng tôi có một khoảng cách tôi cho rằng tại sao cứ có những điều rất khó giải quyết là bởi vì người biên soạn Luật đứng trên quan điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ cho cuộc sống trong lành và tất cả những gì gây ô nhiễm đều tác hại cả. Nếu quản lý không được thì cố gắng cấm. Nhưng nếu ở cộng đồng những nhà sản xuất như ngành thép thì chúng tôi coi những chất thu hồi lại trong sinh hoạt, trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh là nguyên liệu chứ không phải chất thải. Bởi vì không có ai thải sắt thép cả mà đều phải nấu lại để sử dụng tiếp tục. Cũng giống như giấy, nhựa. Vì chúng ta không thải được. Chẳng lẽ lại đánh đắm cả một đoàn tàu chở dầu hay sao? Đánh đắm ở đâu? Tất cả các ô tô chúng ta đã sử dụng trở thành phế thải thì phải nấu lại. Vì thế chúng ta phát triển kỹ thuật luyện kim là kỹ thuật luyện lò điện có nguyên liệu là sắt thép phế, hiện nay chiếm 30% sản lượng thép của thế giới. Nếu chúng ta có 1,3 tỷ thép sử dụng hàng năm thì có khoảng trên 400 triệu tấn nấu lại từ sắt thép phế thu hồi từ thiết bị cũ hết hạn sử dụng, trong đời sống nhân dân như đồ hộp...Hai quan điểm này nếu như không có sự dung hòa thì luôn luôn là mâu thuẫn. Thế cho nên ngay đến chữ "làm sạch" như TS. Phương trình bày quy định tại Điều 42, 43 của Luật là rất mơ hồ. Như vậy, tôi hiểu rằng anh muốn bắt những người sản xuất lúc nào cũng được. Bởi vì là đã thu hồi mà lại nói phải được gia công làm sạch thì các anh nghĩ như thế nào là sạch? Sạch ở trong phòng, trong nhà ở, sạch ở trong công nghiệp khác nhau xa lắm. Tôi nhớ là đồng chí Bộ trưởng Bộ TNMT vừa mới nghỉ đã từng hoạt động trong ngành luyện kim của chúng tôi, đã từng cãi nhau rất nhiều về việc này. Và cho đến khi làm Bộ trưởng thì tôi vẫn cãi vì tôi cho rằng quan điểm của ông ấy về cái "sạch" là không đúng với sản xuất của chúng tôi. Anh Phương nói rất đúng cái mâu thuẫn đó. Vừa phải gia công, vừa phải làm sạch nhưng anh lại cho rằng có những cái gì lẫn vào trong ấy mà khi vận tải, khi gia công anh vẫn chấp nhận. Thế có nghĩa là nó không sạch. Làm sao có thể sạch được khi mà anh thu hồi từ phế thải được vứt ra bãi rác. Cái sạch trong công nghiệp rất là khác, không giống với cuộc sống hàng ngày hay trong văn phòng. Những quy định đó ở rất nhiều nước cho rằng phải nhìn bằng mắt anh cảm thấy. Có 3 cái "kiêng" nhất: phóng xạ, chất nổ, hóa chất độc hại. Còn ngoài ra, đối với các găng tay cao su dính dầu mỡ…đối với luyện kim của chúng tôi, cho vào lò đốt thì không có gì ảnh hưởng đến môi trường cả. Lò luyện hồ quang 5000o, xử lý ở đó tất cả những cái gì không thuộc phạm vi phóng xạ, chất nổ, hóa chất độc hại thì hoàn toàn an tâm. Cho nên có những nước người ta cho phép trong nguyên liệu luyện kim có thể có 3% những chất không phải luyện kim. Trong quan điểm về làm sạch, quy định như thế này là không rõ ràng, không minh bạch. Chính vì thế cho nên các đồng chí ở cục cảnh sát môi trường bắt chúng tôi lúc nào cũng được. Chúng tôi lúc nào cũng có lỗi hết. Và thực tế chuyện đó đã xảy ra. Nhẹ là phạt hành chính và sau đó là rất nhiều rắc rối nữa. Đó là điều trăn trở.

Tôi cũng muốn đề nghị phải có quy định các chất được lẫn trong đó, không có cái gì phải bị cấm kỵ. Những cái khác thì phải có con mắt nhìn rộng rãi bởi vì không có nước nào không có chuyện phải xử lý những cái đã qua sử dụng. Các anh đã thấy những nơi chỉ chuyên xử lý tàu cũ, và đời sống đã cao lắm rồi thì chuyển sang những nước lạc hậu hơn. Không có công nghệ xử lý nào giỏi bằng Đài Loan xử lý các tàu tháo dỡ ra cả. Chúng tôi đã có nhiều đoàn qua đó để học cách tháo những con tàu lớn một cách rất khoa học, sau đó chỉ còn một số rất nhỏ không sử dụng được. Đấy là một điều chắc chắn, nếu chúng ta có thực thi bất kỳ điều khoản nào của Luật thì cũng phải hướng theo một cái chung của thế giới này. Tức là không có cái gì vứt đi, thải loại cả, bao giờ cũng phải tiết kiệm, sử dụng lại.

Thứ hai, tôi xin nói về cấm không được tháo dỡ tàu cũ. Gần như cấm hẳn và cả nghề tháo dỡ tàu suốt cảng Hải Phòng và các cảng ở miền Trung, miền Nam thì sau khi có Luật này ra đời là bị xóa sổ. Có những doanh nghiệp chạy được sang Cambodia. Quy định không cho nhập tàu cũ, chỉ được phép sau khi thải bỏ tất cả những gì nguy hại đến môi trường mới được cho về. Người viết quy định này không hiểu gì về việc tháo dỡ tàu cũ cả. Người ta bán một cái tàu cũ thì tính như thế này: tôi sẽ đưa tàu đó vận tải theo một tuyến hành trình, đến giai đoạn này là thanh lý thì đến điểm đỗ cuối cùng sẽ bán. Khi đến chỗ bán để tháo dỡ thì tàu đó vẫn chạy được. Vậy thì lấy cái gì để chở tàu về nếu như không cho mua tàu đã qua sử dụng?

Thứ ba, hiện nay chúng tôi đang tồn tại một vấn đề là các chất thải ra trong quá trình nấu luyện. Trong quy định của Luật thì không thật rõ. Chúng tôi nấu thép thì có xỉ và cao. Xỉ làm nguyên liệu cho xi măng, xỉ thép thì dùng làm san lấp mặt bằng và làm nguyên vật liệu xây dựng. Chúng ta xếp tất cả những thứ đó thành chất thải rắn và không được sử dụng. Nhưng trong luyện kim của chúng tôi thì những chất đó là sản phẩm phụ. Tất cả những nước khác như Nhật Bản chẳng hạn dùng để lấn biển, mở rộng nhà máy. Trong khi đó thì chúng tôi bị phạt rất nặng và không biết xử lý như thế nào. Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ KHCN lấy ý kiến của trường ĐH Bách Khoa rằng có thể dùng san lấp mặt bằng…Cảnh sát môi trường thì đến đo từng chỗ để mà phạt. Bây giờ trở thành vấn đề treo lơ lửng.

Quyết định như thế nào để đánh giá là vi phạm môi trường: rất nhiều cái mơ hồ: dính dầu mỡ cũng là bẩn. Trong công nghệ luyện kim của chúng tôi phải phun dầu vào để cường hóa nấu luyện. Chúng tôi có 1 container mà thấy chảy nhiều dầu do phơi nắng. Tôi không biết trên cơ sở nào mà một đoàn y tế, dùng xi-lanh tiêm dung môi vào để hút dung dịch đó ra để phân tích. Cuối cùng giữ lại container hơn 1 năm và thu hồi giấy phép nhập khẩu của công ty đó. Chúng tôi gửi công văn đến Bộ TNMT, Cục Hải quan nhưng vẫn không biết được xử lý như thế nào. Trong ngành của chúng tôi có 2 cách xử lý: tái xuất hoặc xử lý tại chỗ. Vậy thì ngoài lò điện ra thì còn cái gì có thể xử lý sắt thép phế được. Cái đó rất mơ hồ. Không thể cho vào xử lý vì đã bị phạt vi phạm rồi.

Xin cảm ơn!

Các văn bản liên quan