Đóng góp ý kiến rà soát Bộ Luật Dân sự 2005 – Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Sáu 07:47 16-09-2011

Bộ Luật Dân sự được ban hành năm 1995 trước khi có Luật Kinh doanh bảo hiểm (năm 2000), trong đó có mục giành riêng cho hợp đồng bảo hiểm. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên và duy nhất để giải quyết các vấn đề tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giai đoạn 1995-2000 khi chưa có Luật Kinh doanh bảo hiểm. Song, hiện nay không ít vụ việc tranh chấp được giải quyết theo hoà giải, qua trọng tài, qua toà án, các bên chỉ dẫn chiếu Bộ Luật Dân sự, không đề cập đến Luật Kinh doanh bảo hiểm – một luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước về bảo hiểm, trong đó có hợp đồng bảo hiểm. Quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự (năm 2005) vẫn cơ bản dựa vào nội dung chính đã quy định của 1995 về hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy có nhiều nội dung của Bộ Luật Dân sự đề cập đã được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo chúng tôi không nhất thiết phải đưa vào Bộ Luật Dân sự tạo ra sự quá vắn tắt, khó khăn trong việc vận dụng xử lý tranh chấp. Nếu giữ nguyên một số nội dung được đề cập như Mục II Hợp đồng bảo hiểm hiện nay, chúng tôi xin có một số ý kiến rà soát như sau:

            Nên đưa các nội dung Hợp đồng bảo hiểm, Các loại hợp đồng bảo hiểm và Hình thức hợp đồng bảo hiểm thành các điều 567, 568, 569 cho liền một mạch về hợp đồng bảo hiểm.

            Điều 568, Điều 569, Điều 580: nên dùng cụm từ “trách nhiệm dân sự” bằng từ “trách nhiệm”. Thực tế nói đến trách nhiệm là trách nhiệm phải thực hiện hay không thực hiện một hành vi nào đó theo quy định của pháp luật thể hiện trong cả Bộ Luật Dân sự và các luật khác. Nếu không thực hiện trách nhiệm này thì phải đền bù thiệt hại theo lỗi của mình gây nên. Trong thực tế, bảo hiểm có các loại bảo hiểm trách nhiệm sau: bảo hiểm trách nhiệm với bên thứ ba (trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng), bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm đâm va, bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm dầu, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm chung… Nếu chỉ giới hạn trong cụm từ “trách nhiệm dân sự” sẽ bị ảnh hưởng ở 2 yếu tố:

-           Chỉ giải quyết tranh chấp theo Bộ Luật Dân sự không tuân thủ theo điều chỉnh của các luật khác có liên quan.

-           Khi đưa ra một sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nào đó thì doanh nghiệp bảo hiểm đã có ý giới hạn phạm vi trách nhiệm của mình không bao gồm tất cả những trách nhiệm dân sự phát sinh khác được quy định trong Luật Dân sự và luật khác. Ví dụ bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cho 1 tổ chức khác hẳn bảo hiểm trách nhiệm dân sự của tổ chức đó hay bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe trong tai nạn đâm va khác hẳn với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe (bao gồm cả những lỗi do không điều khiển xe, không gây tai nạn giao thông gây ra).

            Điều 571 Sự kiện bảo hiểm nên định nghĩa lại là: Sự kiện bảo hiểm bao gồm thiên tai, tai nạn bất ngờ, ốm đau, bệnh tật, tử vong xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người tham gia bảo hiểm và các sự kiện được người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm thoả thuận trước như trả tiền khi đáo hạn hợp đồng, trả tiền khi đến độ tuổi nhất định, trả tiền khi xảy ra sự kiện được quy định: học đại học hoặc trường nghề, lấy vợ lấy chồng, sinh con đầu lòng… Các sự kiện trên được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

            Rõ ràng những sự kiện được trình bày ở phần sau có ý muốn chủ quan của người tham gia bảo hiểm nên cần được nêu rõ.

            Điều 572 Phí bảo hiểm: Cần được bổ sung nguyên tắc xây dựng phí bảo hiểm và áp mức phí bảo hiểm cho khách hàng để đảm bảo quyền và lợi ích người tham gia bảo hiểm (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và Điều 20 Nghị định 45/2007/NĐ-CP).

            Điều 573 khoản 2 cần bổ sung thêm trường hợp cố ý cung cấp thêm thông tin sai nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để đóng phí bảo hiểm mức thấp hơn hoặc có ý đồ trục lợi bảo hiểm (tổn thất đã xảy ra mới khai báo thông tin như chưa có tổn thất, kê khai bảo hiểm trên giá trị của tài sản…)

            Ngoài ra cần bổ sung một số trường hợp hay xảy ra tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm:

1.         Nguyên tắc xây dựng quy tắc điều khoản bảo hiểm (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và Điều 20 Nghị định 45/2007/NĐ-CP).

2.         Loại trừ bảo hiểm (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm).

3.         Khấu trừ, miễn thường (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm).

4.         Thế quyền : doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường được thế quyền pháp lý đòi người có lỗi gây thiệt hại bồi hoàn lại phần tiền đã giải quyết bồi thường và trường hợp thế quyền sở hữu tài sản.

5.         Tổn thất toàn bộ ước tính : Khi tổn thất toàn bộ thực tế chưa xảy ra, những tình hình tổn thất thiệt hại tiếp tục gia tăng dẫn đến tổn thất toàn bộ không thể tránh khỏi thì người được bảo hiểm có thể từ bỏ tài sản để nhận tiền bồi thường như tổn thất toàn bộ đã xảy ra, trao lại toàn bộ tài sản đang bị tổn thất cho doanh nghiệp bảo hiểm xử lý.

6.         Tổn thất chung : là tổn thất của một hoặc nhiều người tham gia bảo hiểm cố ý hy sinh để mang lại an toàn tài sản, tính mạng cho những người tham gia bảo hiểm có liên quan (thường trên hành trình tàu biển).

7.         Xử lý trục lợi bảo hiểm là cần thiết để răn đe và bảo vệ quyền và lợi ích người tham gia bảo hiểm. Bồi thường trục lợi làm phí bảo hiểm đóng tăng thêm.

8.         Nên có phần kết liên quan đến Luật Kinh doanh bảo hiểm.

9.         Nên đề cập đến việc ký hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại nước ngoài (cung cấp sản phẩm qua biên giới)./.

Các văn bản liên quan