Đóng góp ý kiến cho Báo cáo Rà soát Luật Sở hữu Trí tuệ – Bà Thiều Hải Yến – Patent & Trademark Attorneys in Vietnam

Thứ Hai 23:56 26-09-2011

Với tư cách là Người đại diện sở hữu công nghiệp, và xuất phát từ thực tiễn công việc, tôi xin có 2 ý kiến nhỏ dưới đây:

 

1. Liên quan đến việc loại trừ bảo hộ sáng chế cho đối tượng “sử dụng”

 

Thật ra, vấn đề này đã được nói đến nhiều lần, Cục SHTT đã từng tổ chức cả hội thảo riêng về khía cạnh này sau khi Luật SHTT 2005 ra đời. Tuy nhiên, vấn đề dường như chưa được giải quyết triệt để.  Cụ thể, đối tượng bảo hộ sáng chế theo khoản 12 Điều 4 Luật SHTT là “giải pháp kỹ thuật ở dạng sản phẩm hoặc quy trình”. Hơn nữa, trong Thông tư 01/2007 của Bộ KH-CN, điểm 25.3(b) làm rõ khái niệm “giải pháp kỹ thuật có thể là một trong các dạng“ sản phẩm hoặc quy trình được liệt kê chi tiết. Tuy nhiên, cách quy định này cho thấy rằng khái niệm “giải pháp kỹ thuật” chưa được làm rõ một cách toàn diện và dứt khoát.

 

Trong các hội thảo với Cục SHTT, có ý kiến đã được nêu ra một cách không chính thức (tức là không nhân danh cơ quan nhà nước), rằng việc loại trừ bảo hộ sáng chế cho đối tượng “sử dụng”, mà đặc biệt là các sáng chế “sử dụng trong lĩnh vực y/dược”, thật ra là một chính sách/chủ trương nhằm giảm bớt gánh nặng của người dân Việt nam trong việc được tiếp cận với các nguồn thuốc chữa bệnh mà các công ty dược phẩm nước ngoài  (là chủ của các sáng chế đó) bán hoặc sẽ bán ở Việt nam với giá cao. Tuy nhiên, chủ trương chính sách đó dù sao cũng nên được thể hiện bằng điều luật cụ thể, tránh để lại ấn tượng về sự không rõ ràng minh bạch trong hệ thống luật pháp của Việt nam.

 

Trên thực tế, sau khi Luật SHTT ra đời, Cục SHTT đã dùng khoản 12 Điều 4 Luật SHTT và điểm 25.3(b) của Thông tư 01/2007 nêu trên làm căn cứ cho việc từ chối bảo hộ sáng chế cho đối tượng “sử dụng”, đặc biệt là sử dụng trong y học, ở dạng “sử dụng chất để bào chế dược phẩm dùng để điều trị bệnh cho người và/hoặc động vật”.

 

Đối chiếu với các điều luật quốc tế mà Việt nam tham gia và có nghĩa vụ tuân thủ, thì về nguyên tắc việc loại trừ bảo hộ sáng chế đối với đối tượng “sử dụng” là không vi phạm về câu chữ nguyên tắc cơ bản về bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước TRIPS. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại cách các tổ chức quốc tế, và các quốc gia khác, xem xét dạng đối tượng này. Về khía cạnh này, có thể xem xét đối chiếu Hiệp ước Sáng chế Châu Âu. Mặc dù Hiệp ước Sáng chế châu Âu (European Patent Convention - EPC) không có điều khoản trực tiếp định nghĩa khái niệm “sáng chế” mà chỉ nói đến “lĩnh vực công nghệ”, Quy chế Hướng dẫn Xét nghiệm Sáng chế Châu Âu (Guide for Examination) có làm rõ khái niệm này là xác định “tính kỹ thuật” (technical character) của đối tượng yêu cầu bảo hộ. Điều đó cần được hiểu là tương đương với tinh thần của quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật SHTT, khi các nhà làm luật VN đề cập đến khái niệm “giải pháp kỹ thuật”. 

 

Luật SHTT Việt nam sau khi đưa ra khái niệm “giải pháp kỹ thuật”, thì đã có một bước sâu hơn các luật quốc gia khác ở chỗ giới hạn khái niệm này ở “sản phẩm hoặc quy trình”, và dùng đúng câu chữ này để từ chối bảo hộ đối tượng “sử dụng”. Vậy liệu “sử dụng” có đúng là một đối tượng không phải là “sản phẩm” hoặc “quy trình” ? Điều này có thể tham khảo một số thực tiễn dưới đây:

  1. Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT) mà Việt nam là quốc gia thành viên: Khi xem xét về tính thống nhất của đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế: Tại Phụ lục 5.21 Chương 5 (A5.21, trang 50) của Quy chế Hướng dẫn Xét nghiệm PCT, có đề cập đến đối tượng sử dụng, trong đó có nêu rõ việc coi đối tượng sử dụng là sản phẩm hay quy trình khi luật quốc gia không loại trừ bảo hộ đối tượng sử dụng.
  2. TRIPS: Điều 27.1 của TRIPS cũng có đề cập đến việc bảo hộ “cho mọi sáng chế, dù là sản phẩm hay quy trình, trong mọi lĩnh vực kỹ thuật, miễn là sáng chế có tính mới, sáng tạp và có khả năng áp dụng công nghiệp”. Điều khoản này cho thấy rằng TRIPS cũng dùng câu chữ “sản phẩm” và “quy trình”, nhưng không với chủ đích giới hạn khái niệm “sáng chế”. Cụ thể, rất nhiều quốc gia và cơ quan sáng chế khu vực, bao gồm cả Cơ quan Sáng chế Châu Âu, là thành viên của WTO và do đó tuân thủ TRIPS, chấp nhận bảo hộ sáng chế cho đối tượng “sử dụng” mà không vi phạm TRIPS.
  3. Án lệ ở Đức: Đức là thành viên của Liên minh Châu Âu, tuân thủ Hiệp ước Sáng chế Châu Âu (nêu trên), TRIPS và PCT (như Việt nam). Từ năm 1983, Tòa án tối cao Đức đã có phán quyết “Hydropyridin” ngày 20/9/2983 (GRUR 1983729) cho rằng đối tượng “sử dụng chất để bào chế dược phẩm dùng để điều trị bệnh cho người và/hoặc động vật” (sử dụng lần thứ hai trong y tế) là dạng đối tượng “sản phẩm”.
  4. Khi xem xét án lệ luật (vi phạm sáng chế) ở Mỹ, nói đến “tính kế thừa” (inherency) thì lại coi việc “sử dụng đối tượng [sản phẩm] đã biết theo chức năng mới” về bản chất là dạng đối tượng “quy trình” (Loctite Corp. v. Ultraseal Ltd.  781 F.2d. 861, 875, 228 USPQ 90, 99 (Fed. Cir. 1985).

Tất cả các thực tiễn nêu trên cho thấy rằng việc coi đối tượng “sử dung” không phải là “sản phẩm” hoặc “quy trình” không phải là vấn đề câu chữ cứng nhắc. Nếu theo đúng chủ trương loại trừ bảo hộ đối tượng “sử dụng”, thì nên đưa đối tượng này vào danh mục các đối tượng loại trừ bảo hộ (Điều 59 Luật SHTT).

 

Hơn thế nữa, cần lưu ý rằng Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế của Cục SHTT (ban hành theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010), tại điều 22.2 (quy định về việc thẩm định tính mới của sáng chế) có đưa ra các ví dụ về việc thẩm định tính mới của các điểm yêu cầu bảo hộ sản phẩm gồm các dấu hiệu về tính năng, các thông số, mục đích sử dụng hoặc quy trình sản xuất (điều 22.2.2.5). Cụ thể, tại trang 63 của Quy chế này có đoạn: “Một ngoại lệ cho nguyên tắc chung này là yêu cầu bảo hộ đề cập tới một chất hoặc chế phẩm đã biết được dùng trong phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán hay chữa bệnh. Mặc dù phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán hay chữa bệnh cho người và động vật thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế theo Điều 59 Luật SHTT, nhưng các thiết bị và hợp chất dùng cho việc chữa bệnh lại có khả năng được bảo hộ.” Liên quan đến điểm này, cần bổ sung một lưu ý nhỏ rằng dạng đối tượng được đề cập đến trên đây, trong chuyên ngành hẹp, gọi là dạng đối tượng “sử dụng lần đầu trong y học” (cf. Điều 54 Hiệp ước Sáng chế Châu Âu). Như vậy, quy chế này làm cho người đọc hiểu rằng dạng đối tượng sử dụng, mà cụ thể ở đây là đối tượng sử dụng trong y học, là dạng đối tượng được bảo hộ (vấn đề có được bảo hộ trên thực tế hay không phụ thuộc vào việc đối tượng đó có đáp ứng tiêu chí về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp). Kể cả việc coi Quy chế thẩm định này là văn bản không chính thức, và không có giá trị như luật, thì cũng cần thống nhất để việc bảo hộ sáng chế đối với dạng đối tượng “sử dụng” được hiểu và áp dụng thống nhất.

 

2. Liên quan đến quy định về hành vi vi phạm sáng chế không trực tiếp

 

Thực ra, vấn đề này đã được nhắc đến trong số các đóng góp trước đây. Việc trình bày vấn đề này ở đây chỉ mong đóng góp bổ sung cho Báo cáo Rà soát, và hoàn toàn không có chủ ý nêu ra vấn đề mới trong thực tiễn luật học. 

 

Cụ thể, trong số các hành vi vi phạm sáng chế được đề cập trong hệ thống văn bản pháp luật Việt nam không có hành vi vi phạm sáng chế không trực tiếp, đặc biệt là hành vi góp phần dẫn đến vi phạm sáng chế một cách trực tiếp. Điều này có thể là một thiếu sót cần được chỉnh sửa. Lấy ví dụ, bằng độc quyền sáng chế được cấp cho một sản phẩm dùng để xát gạo gồm các chi tiết (bộ phận) A, B và C. Bên thứ ba bất kỳ không bán ra thị trường sản phẩm nguyên chiếc, nhưng lại đưa ra thị trường từng chi tiết A, B và C một cách riêng lẻ. Và ở đâu đó trong các hướng dẫn sử dụng của A, B hoặc C, có kèm theo chỉ dẫn kết hợp A với B với C nhằm một mục đích xát gạo. Nếu chiểu theo luật pháp Việt nam hiện hành, rõ ràng người này không vi phạm bằng độc quyền sáng chế nêu trên, nhưng hành vi này chắc chắn sẽ làm thiệt hại to lớn đến việc sử dụng và thương mại hóa sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền. Hầu hết luật các quốc gia trên thế giới đều coi đây là hành vi vi phạm sáng chế. Do đó, việc bổ sung hành vi này cần được xem xét bổ sung vào hệ thống pháp luật Việt nam.

Rất mong các ý kiến đóng góp nêu trên được Ban Rà soát cân nhắc và xem xét. Nếu có ý kiến gì cần trao đổi thêm, rất mong các anh chị liên hệ lại.

 

Xin chân thành cảm ơn.

 

Thiều Hải Yến - Patent & Trademark Attorneys in Vietnam

898/5 Duong Lang, Dong Da, Hanoi, Vietnam

Tel.: (84)(4) 37756836

Fax.: (84)(4) 37755141

www.patentattorney.vn

 

Các văn bản liên quan