Kiến nghị hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật Gia Phạm

Thứ Sáu 14:47 23-09-2011

Trước tiên, Luật Gia Phạm xin gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lời chào trân trọng.

Liên quan đến việc đóng góp các ý kiến tham luận cho hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật sở hữu trí tuệ, Luật Gia Phạm xin gửi tới ban pháp chế một số kiến nghị như sau:

  1. Về việc bảo hộ Slogan

Thực trạng:

Hiện nay, trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có các quy định riêng về bảo hộ Slogan. Các Slogan hiện nay thường được bảo hộ như một nhãn hiệu. Thực tế cho thấy, số lượng câu Slogan được bảo hộ rất ít và thường bị từ chối do mang tính mô tả tính chất, công dụng, phương pháp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo điều 74.2.c của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Quan điểm của chúng tôi:

Slogan là khẩu kiệu kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, đặc điểm của slogan thường là những dòng chữ cô đọng, ngắn gọn gắn với đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hoặc những giá trị do hàng hóa, dịch vụ mang lại. Slogan mà không tạo ra sự liên tưởng cho người tiêu dùng về hàng hóa/dịch vụ được cung cấp thì sẽ không thể được gọi là khẩu hiệu kinh doanh.

Do vậy, việc bảo hộ Slogan theo các điều kiện về bảo hộ nhãn hiệu sẽ gây thiệt thòi cho Doanh nghiệp vì Slogan thường xuyên bị từ chối bảo hộ do mang tính mô tả. Việc đánh giá Slogan đó mang tính mô tả hay không lại phụ thuộc quá nhiều vào quan điểm chủ quan của xét nghiệm viên hoặc người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ..

 

Kiến nghị:

Luật SHTT cần bổ sung  phần riêng về bảo hộ Slogan và nên bảo hộ Slogan theo 1 cơ chế riêng.

  1. Từ chối bảo hộ nhãn hiệu mang tính mô tả

Thực trạng:

Điều 74, khoản 2, điểm c Luật SHTT quy định về dấu hiệu không có khả năng phân biệt như sau:

74.2. c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

 

Quan điểm của chúng tôi:

Thực tế, việc đánh giá thế nào là nhãn hiệu mang tính mô tả còn chưa có tiêu chí rõ ràng và phụ thuộc quá nhiều vào quan điểm cảm tính của xét nghiệm viên.

VD : Nhãn hiệu DAG bị từ chối do mang tính mô tả. Trong Thông báo kết quả thẩm định nội dung không nêu rõ nhãn hiệu mang tính mô tả như thế nào.

DAG là tên viết tắt tên thương mại của người nộp đơn. Qua tra cứu, chúng tôi được biết “Dag” có nghĩa là “ối giời ơi”, là một từ tiếng lóng không phổ biến, được dùng trong nhiều tình huống giao tiếp tiếng Anh, chỉ sự tức giận, ngạc nhiên, vui mừng. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký đã từ chối toàn bộ vì mang tính mô tả ???

Trong khi đó, các nhãn hiệu như: “Smartcook”, “SmartDoor” thì lại được bảo hộ.

            Việc chứng minh nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dung trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không rõ ràng:

            Trên thực tế, để cho nhãn hiệu của mình được bảo hộ, các Doanh nghiệp thường có xu hướng chứng minh nhãn hiệu đã đạt được quá trình phân biệt trước thời điểm nộp đơn nhưng họ hoàn toàn không được hướng dẫn phải căn cứ trên tiêu chí nào để nhãn hiệu được coi là có quá trình phân biệt, có quá trình phân biệt đến mức độ nào thì sẽ được bảo hộ. Doanh nghiệp thường căn cứ dựa trên các tiêu chí về đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ để chứng minh nhãn hiệu của mình đã đạt được sự phân biệt. Thông thường, các chứng minh này thường bị bác bỏ và doanh nghiệp cũng không được giải thích gì về việc này.

Kiến nghị:

            Cần có Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn điều khảon này. Cụ thể:

-          Quy định rõ mô tả đến mức nào thì sẽ bị từ chối.

-          Quy định về các tiêu chí để chứng minh nhãn hiệu đã đạt được sự phân biệt.

-          Quy định về việc như thế nào thfi nhãn hiệu được coi là đã có sự phân biệt.

 

  1. Thời hạn thẩm định đơn và thời hạn giải quyết khiếu nại

Thực trạng:

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chỉ quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, phản đối đơn, tuy nhiên lại không hề quy định về thời gian để Cơ quan giải quyết khiếu nại thụ lý, thông báo, xem xét và có kết luận cuối cùng về việc giải quyết khiếu nại.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng không có sự viện dẫn rõ về thời hạn gảii quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố cáo.

Quan điểm của chúng tôi:

Điều này đã dẫn đến việc vi phạm trầm trọng về thời hạn trong lĩnh vực khiếu nại về sở hữu trí tuệ. Có những vụ việc khiếu nại của khách hàng mà chúng tôi đã theo đuổi đến gần 5 năm nhưng vẫn chưa có kết quả giải quyết khiếu nại được ban hành.

Kiến nghị:

-          Quy định rõ về thời hạn giải quyết Khiếu nại hoặc Viện dẫn rõ ràng theo Luật Khiếu nại, tốc cáo;

-          Có quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc vi phạm thời hạn này.

-           

  1. Quyền đặt tên cho tác phẩm

Thực trạng:

Khoản 1, Điều 19 Luật SHTT  Quy định một trong các quyền nhân thân của tác giả là đặt tên cho tác phẩm.  

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

Tuy nhiên, hiện nay các hồ sơ đăng ký Quyền tác giả thường xuyên bị chuyên viên Phòng Đăng ký – Cục Bản quyền tác giả Văn học Nghệ thuật yêu cầu sửa tên mà không đưa ra được lý do chính đáng, đôi khi rất vô lý như: “Đặt tên thế này chú cục trưởng không thích”.

 

Quan điểm của chúng tôi:

Việc đặt tên cho tác phẩm là quyền nhân thân của tác giả, do vậy, không chri các cơ quan quản lý mà cả xã hội phải tôn trọng. Tuy nhiên, để tránh việc đặt tên vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức dân tộc hoặc gây ra sự nhầm lẫn với tác phẩm của người khác, có thể đề ra các điều kiện nhất định cho việc đặt tên cho tác phẩm. Trong trường hợp tác giả đáp ứng các điều kiện này, Cục Bản quyền tác giả cần tôn trọng tác giả.

 

Kiến nghị:

Bổ sung các điều khoản về đặt tên tác phẩm.

Các văn bản liên quan