Một số ý kiến đóng góp đối với Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ – Bà Hoàng Thị Thanh Hoa – Cục bản quyền tác giả

Thứ Năm 14:31 22-09-2011

Bản góp ý
BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ RÀ SOÁT
LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ”
(bảndự thảo 8.9.2011)
 
I. Về cơ bản đánh giá cao bản BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ RÀ SOÁT LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ. Báo cáo đã chỉ ra các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động kinh doanh.  Báo cáo cũng tham khảo, phân tích các quy định pháp luật liên quan của một số nước phát triển, kiến nghị định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hữu quan góp phần tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hoàn thiện.
 
II. Bản góp ý này tập trung chủ yếu vào phần V. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ.
         Qua phân tích thực tế áp dụng, báo cáo chỉ ra các điều luật quy định về quyền nhân thân của tác giả có điểm bất hợp lý. Liên quan đến quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm, Điều 6 bis Công ước Berne quy định: “Độc lập với quyền kinh tế của tác giả và cả sau khi quyền này đã được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.” (Article 6bis
(1) Independently of the author's economic rights, and even after the transfer of the said rights, the author shall have the right to claim authorship of the work and to object to any distortion, mutilation or other modification of, or other derogatory action in relation to, the said work, which would be prejudicial to his honor orreputation.)
Song pháp luật các nước thuộc hệ thống thông luật và hệ thống dân luật có quan điểm khác nhau. Hệ thống dân luật có xu hướng thừa nhận và bảo hộ quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm và cho rằng quyền này không thể chuyển giao, trong khi một số nước thuộc hệ thống thông luật chỉ bảo hộ hạn chế với một số điều kiện và một số loại hình tác phẩm.
 Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành đối tượng phổ biến trong các giao dịch thương mại và cũng bị chi phối bởi các quy luật điều tiết của thị trường. Để các giao dịch này phát huy tối đa giá trị của các thành quả  sáng tạo, đảm bảo cho các bên tham gia giao dich- trong đó có tác giả thu được lợi ích kinh tế lớn nhất, thì cần phát huy cao độ sự tự do thỏa thuận của các bên.
Vì vậy, về vấn đề xác định chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật nhiều nước hiện nay bên cạnh các trường hợp mặc nhiên theo quy định của pháp luật thường có các quy định loại trừ: “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Đây là quy định mở nhằm tăng tính ổn định và tính khả thi cho pháp luật. Quy định này không chỉ thể hiện sự tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các chủ thể, mà còn là cơ sở để áp dụng pháp luật vào các tình huống có thể phát sinh trong thực tế nhưng chưa được quy định  cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Xem xét các quy định pháp luật về tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ, hoặc tác phẩm được thuê sáng tạo của một số nước, có thể thấy các quy định mở được áp dụng rộng rãi trong việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả, cho phép các bên được thoả thuận ai là tác giả, ai là chủ sở hữu quyền, kể cả các quyền nhân thân đối với tác phẩm  Ví dụ:
 
·                     LUẬT BẢN QUYỀN HOA KỲ
Như báo cáo phân tích quy định về “tác phẩm được thuê sáng tạo” (“work made for hire”) của Luật Bản quyền Hoa Kỳ, Điều 201 quy định người/công ty đầu tư làm ra “tác phẩm được thuê sáng tạo” sẽ được ghi nhận là tác giả của tác phẩm đó, thay vì từng cá nhân tác giả. Tuy nhiên, để được coi là một  “tác phẩm được thuê sáng tạo” , điều kiện tiên quyết là: “các bên phải thỏa thuận rõ bằng văn bản rằng tác phẩm đó được coi là tác phẩm được thuê sáng tạo „.
(Section 101 of the copyright law defines a “work made for hire” as:
(1) a work prepared by an employee within the scope of his or her employment; or
(2) a work specially ordered or commissioned for use as a contribution to a collective work, as a part of a motion picture or other audiovisual work, as a translation, as a supplementary work, as a compilation, as an instructional text, as a test, as answer material for a test, or as an atlas, if the parties expressly agree in a written instrument signed by them that the work shall be considered a work made for hire)
 Thêm vào đó, chính tại điều 201 cũng quy định: “Nếu tác phẩm là tác phẩm được thuê sáng tạo, trừ khi có một thỏa thuận ngược lại bằng văn bản có chữ ký của cả hai bên, người thuê hoặc người mà tác phẩm được tạo ra cho họ là chủ sở hữu ban đầu của quyền tác giả ” 
( Section 201
...
If a work is a work made for hire, the employer or other person for whom the work was prepared is the initial owner of the copyright unless there has been a written agreement to the contrary signed by both parties.)
 
·                     LUẬT QUYỀN TÁC GIẢ ĐÀI LOAN
Tham khảo quy định Luật Quyền tác giả Đài Loan sẽ thấy rõ hơn về vấn đề này.
“Điều 11
Đối với tác phẩm được người lao động hoàn thành trong phạm vi công việc của mình, thì người lao động được coi là tác giả. Nhưng nếu hợp đồng thỏa thuận người sử dụng lao động là tác giả, thì theo quy định của hợp đồng.
Trường hợp người lao động là tác giả, thì người sử dụng lao động được hưởng các quyền tài sản đối với tác phẩm, nhưng nếu hợp đồng thỏa thuận người lao động được hưởng các quyền tài sản, thì tuân theo quy định của hợp đồng. „
(第十一條  
  受雇人於職務上完成之著作以該受雇人為著作人。但契約約定以雇用人為著作人者從其約定。
    依前項規定以受雇人為著作人者其著作財產權歸雇用人享有。但契約約定其著作財產權歸受雇人享有者,從其約定。
    前二項所稱受雇人,包括公務員。)
Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được thuê sáng tạo cũng có những quy định tương tự:
“Điều 12
Đối với tác phẩm được thuê sáng tạo , trừ trường hợp quy định tại điều 11, thì người được thuê sáng tạo là tác giả.  Nhưng nếu hợp đồng thỏa thuận người thuê là tác giả, thì theo quy định của hợp đồng.
Trường hợp người được thuê sáng tạo là tác giả, thì người thuê được hưởng các quyền tài sản đối với tác phẩm, nhưng nếu hợp đồng thỏa thuận người được thuê sáng tạo được hưởng các quyền tài sản, thì tuân theo quy định của hợp đồng. „
(第十二條  
     出資聘請他人完成之著作除前條情形外以該受聘人為著作人。但契約約定以出資人為著作人者從其約定。
    依前項規定以受聘人為著作人者其著作財產權依契約約定歸受聘人或出資人享有。未約定著作財產權之歸屬者,其著作財產權歸受聘人享有。
    依前項規定著作財產權歸受聘人享有者,出資人得利用該著作。)
Như vậy, pháp luật rất tôn trọng sự tự do thỏa thuận, thỏa thuận hợp đồng của các bên được coi là tối thượng.
 
·                     LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
 Luật Sở hữu trí tuệ  Việt Nam năm 2005 sửa đổi năm 2009 cũng áp dụng quy định mở, cụ thể: “Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả
1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
“Thỏa thuận khác” ở đây có thể xảy ra theo hai chiều hướng:
(1)                “Tổ chức giao nhiệm vụ, Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng” thỏa thuận để sở hữu ít hơn “các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19”
(2)                 “Tổ chức giao nhiệm vụ, Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng” thỏa thuận để sở hữu nhiều hơn “các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19”- Điều này thực tế không thể xảy ra, vì điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ  quy định: “2. Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.”, thậm chí việc chuyển quyền sử dụng cung không được phép.  “Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này. » (khoản 2 điều 47)
Như vậy, mặc dù điều 39 cho phép các bên: Tổ chức giao nhiệm vụ, Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng và tác giả có thể  “thỏa thuận„ ai là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm nhưng hạn chế phạm vi các quyền có thể thỏa thuận quá hẹp. Quy định tại các điều 45 và điều 47 đã hạn chế quy định mở tại điều 39. Điều này hạn chế phần nào quyền tự do thỏa thuận hợp đồng của các bên, nên chăng có sự điều chỉnh để pháp luật tạo sự linh động cho các bên tham gia giao dịch./.
 
Người góp ý
 Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hoa
 
 
 
 

Các văn bản liên quan