Ý kiến của Ông Nguyễn Đình Cống tại Hội thảo Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật xây dựng

Thứ Hai 11:38 03-10-2011

     Thứ nhất, góp ý về bản dự thảo báo cáo rà soát.

     Mục 1 về khuyến nghị luật chưa rõ ràng, cần có những luật cụ thể để hướng dẫn đặc biệt là những vốn ngoài nhà nước. Tôi không tán thành lắm với khuyến nghị này vì tôi cảm thấy không cần. Bởi vì trong vốn của tư nhân thì quan trọng nhất là hợp đồng, ngoài hợp đồng ra thì đã có luật dân sự để điều chỉnh. Vì vậy làm thì cũng tốt chứ không phải cấp bách lắm.

     Mục 4 về thuật ngữ. Yêu cầu vấn đề này cấp thiết lắm thì cũng không phải. Bởi vì trước khi làm một việc thì phải có định nghĩa, thuật ngữ cho rõ ràng và có cái đối chiếu cũng là được.

     Thứ hai, góp ý về Nghị định 12.

     Về phân cấp, liên quan đến rất nhiều luật chứ không chỉ có luật xây dựng. Luật pháp của chúng ta dựa vào một cái trôi nổi mà không đúng. Tôi cho rằng quy định lấy đồng tiền Việt Nam làm chuẩn nó không hay. Tại vì đồng tiền Việt Nam trôi nổi không biết khác nhau như thế nào?  Tôi đề nghị không dùng đồng Việt Nam để quy định.

     Điều 5 Nghị định nói đến báo cáo đầu tư và dự án đầu tư liên quan đến tiền khả thi và khả thi. Thông thường anh làm tiền khả thi rồi thì vẫn làm báo cáo khả thi. Nhưng tôi đọc mãi không thấy nếu đối với những anh đã làm báo cáo đầu tư rồi thì có làm tiếp dự án đầu tư nữa hay không thì không thấy rõ ràng trong chuyện đó.

     Chương IV về điều kiện năng lực. Tôi cho rằng quy định chi tiết quá, quá chặt chẽ. Ví dụ quy định phải có giấy hành nghề kỹ sư, kiến trúc sư, hay điều kiện về năng lực loại 1 loại 2. Mà tôi theo dõi để đạt được loại 1, loại 2 đó thì phải qua rất nhiều bước. Ví dụ một người vừa mới tốt nghiệp ra trường được một thời gian để đạt được hạng 1 thì phải làm được 5 công trình cấp 4 mới được phép làm lên công trình cấp 3, phải làm vài công trình cấp 3 mới được phép làm đến công trình cấp 2, có làm được công trình cấp 2 thì mới được đăng ký xin cấp chứng nhận loại 2, sau khi làm một loạt công trình loại 2 sau mấy chục năm mới được loại 1. Kiểu quy định này quá cụ thể, chặt chẽ. Tôi thấy cũng có một chỗ mở là vùng sâu vùng xa thì có những điều kiện châm trước nhưng lại không có chỗ mở cho những người có năng lực đột xuất, dù có tài giỏi đến bao nhiêu cũng phải trèo qua từng ấy bước. Tôi cho rằng như thế quá chi tiết mà hãy để việc này cho các doanh nghiệp, đơn vị làm.

     Về đánh giá công trình người ta chỉ hướng dẫn ở Điều 7, Điều 18… phần gọi là hiệu quả công trình tuy thỉnh thoảng có nói đến nhưng rất thấp. Người ta chỉ chú ý đến kết quả, mục tiêu làm gì, tiền vốn bao nhiêu… chứ còn đánh giá hiệu quả cũng như thẩm định kết cấu thì người ta chỉ đánh giá là có an toàn hay không chứ không đánh giá sự hợp lý của phương án kiến trúc hoặc phương án kết cấu đặc biệt là những hợp lý về việc áp dụng những cái gây ra lãng phí lớn hay không? Những vấn đề này cần chú ý hơn nữa.

Các văn bản liên quan