Góp ý Báo cáo Rà soát văn bản pháp luật- Luật Kế toán năm 2003 – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank)

Thứ Tư 10:05 28-09-2011

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Báo cáo Rà soát văn bản pháp luật- Luật Kế toán (Báo cáo Rà soát) năm 2003. Báo cáo Rà soát đưa ra 28 vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi cả trong văn bản Luật Kế toán và một số văn bản dưới luật liên quan dựa trên 4 tiêu chí: Tính minh bạch, tính thống nhất, tính hợp lý và tính khả thi. Ngoài một số vấn đề chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Quý cơ quan, tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề chúng tôi có quan điểm riêng, cụ thể như sau:

1. Về Phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 (Vấn đề 1 của Báo cáo rà soát)

Đồng tình với Báo cáo rà soát trong việc xem xét lại Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh do không đảm bảo tính minh bạch. Điều 1 đưa ra các khái niệm như “công tác kế toán”, “người làm kế toán” và “hoạt động nghề nghiệp kế toán” nhưng đến Điều 4 về Giải thích từ ngữ lại chỉ giải thích về khái niệm “hành nghề kế toán” dẫn đến những cách hiểu không thống nhất về các khái niệm. Tương tự như vậy, khái niệm “hoạt động nghề nghiệp kế toán” được quy định tách biệt với khái niệm “người làm kế toán” là không hợp lý. Người làm kế toán cũng phải đáp ứng các điều kiện nghề nghiệp kế toán. Do đó, đề nghị quy định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của Luật Kế toán là một yêu cầu hợp lý .

2. Về Giải thích từ ngữ tại Điều 4 (Vấn đề 3 của Báo cáo rà soát)

a) Phân biệt giữa Kế toán tài chính và Kế toán quản trị (Vấn đề 3 của Báo cáo rà soát): Báo cáo Rà soát đã hiểu sai bản chất của kế toán tài chính và kế toán quản trị khi kết luận công cụ của kế toán tài chính là các báo cáo tài chính, và yêu cầu bổ sung công cụ của kế toán quản trị là các báo cáo kế toán quản trị. Kế toán tài chính là kế toán phản ánh hiện trạng và sự biến động về vốn, tài sản của doanh nghiệp dưới dạng tổng quát hay nói cách khác là phản ánh các dòng vật chất, dòng tiền và vốn trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài. Sản phẩm của kế toán tài chính chính là các báo cáo tài chính. Kế toán quản trị đưa ra tất cả các thông tin kinh tế đã được đo lường xử lý và cung cấp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ chặt chẽ với số liệu thông tin. Các số liệu của kế toán tài chính và kế toán quản trị đều được xuất phát từ chứng từ gốc. Kế toán quản trị không có tính bắt buộc, các nhà quản lý được toàn quyền quyết định và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng quản lý của doanh nghiệp. Nhưng kế toán tài chính phải tôn trọng các nguyên tắc kế toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến là các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán hiện hành. Như vậy, hai khái niệm về kế toán tài chính và kế toán quản trị đã phản ánh được bản chất riêng, không cần phải sửa đổi.

b) Về Phân biệt giữa Người làm kế toán và người hành nghề kế toán (Vấn đề 5): Đồng ý rằng khái niệm “Hành nghề kế toán” được quy định tại khoản 11, Điều 4, Luật Kế toán chưa đảm bảo được tính hợp lý. Hành nghề kế toán có nội hàm rộng hơn nội hàm Luật Kế toán ấn định cho nó. Do vậy, quy định như hiện tại là chưa phù hợp. Ngoài ra, khái niệm này còn không bảo đảm tính minh bạch. Hành nghề kế toán chắc chắn là một trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán, nhưng cách quy định hiện tại gây hiểu lầm rằng đây là một hoạt động riêng biệt (hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán). Vì vậy, đề nghị định nghĩa khái niệm “hoạt động nghề nghiệp kế toán” bao gồm hoạt động nghề nghiệp của người làm kế toán và người hành nghề dịch vụ kế toán. Điều 4 hiện hành cũng phải bổ sung các khái niệm “người làm nghề kế toán”, “người hành nghề dịch vụ kế toán”; bỏ định nghĩa về “hành nghề kế toán”.

3. Về Yêu cầu kế toán, Nguyên tắc kế toán tại Điều 6, Điều 7 (Vấn đề 6, 7 của Báo cáo rà soát)

Không đồng ý với quan điểm và khuyến nghị của Báo cáo Rà soát về hai vấn đề này. Không thể đưa một văn bản dưới luật (Chuẩn mực kế toán) làm quy chuẩn để khẳng định quy định này không đảm bảo tính minh bạch. Về nguyên tắc, Luật kế toán phải là văn bản quy định mang tính nguyên tắc để các văn bản dưới luật triển khai, quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi. Vì Luật kế toán ban hành năm 2003, trước những thay đổi của nền kinh tế như hiện nay, những yêu cầu kế toán, nguyên tắc kế toán được quy định tại Luật kế toán đã không còn đảm bảo được tính khả thi. Đây là nguyên nhân cần phải sửa đổi những yêu cầu kế toán, nguyên tắc kế toán này.

4. Về Kỳ kế toán của doanh nghiệp đặc thù tại Điều 13 (Vấn đề 8 của Báo cáo rà soát)

Đồng ý rằng quy định tại tiết a, khoản 1, Điều 13 Luật Kế toán không đảm bảo được tính minh bạch khi đưa ra khái niệm “đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động” mà không định nghĩa hoặc quy định cụ thể. Do đó, khuyến nghị cần có một quy định cụ thể hoặc giải thích rõ ràng hơn về đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định hiện hành về kỳ kế toán là phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và cũng không có nhiều bất cập cần chỉnh sửa. Về lý do Báo cáo rà soát đưa ra là không phù hợp với thông lệ quốc tế chưa đủ sức thuyết phục. Bởi vì không phải cứ có sự không phù hợp với thông lệ quốc tế thì chúng ta phải sửa luật quốc nội; thiết nghĩ chỉ khi sự không phù hợp giữa luật quốc nội với thông lệ quốc tế làm ảnh hưởng xấu, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng cũng như hội nhập của đất nước nói chung thì chúng ta mới đặt vấn đề sửa luật quốc nội cho phù hợp.

5. Về Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 14 (Vấn đề 9 của Báo cáo rà soát)

Không đồng ý với quan điểm của Báo cáo Rà soát với lý do:

a) Hành vi “Lập các hệ thống sổ kế toán khác nhau nhằm mục đích vụ lợi” không cần thiết phải quy định cụ thể vì khoản 1, Điều 26 Luật Kế toán đã quy định rõ “mỗi đơn vị kế toán chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm”. Hơn nữa, với cách quy định như đề xuất của Báo cáo rà soát thì hành vi lập các hệ thống sổ kế toán khác nhau phải nhằm mục đích vụ lợi mới coi là vi phạm? Nếu không nhằm mục đích vụ lợi có được coi là hợp pháp hay không?

b) Hành vi “Người làm kế toán, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán lợi dụng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí công tác gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sử dụng lao động làm kế toán hoặc sử dụng dịch vụ kế toán” cũng không cần thiết phải quy định cụ thể vì hành vi này tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy tố hình sự.

6. Về Hệ thống tài khoản kế toán tại Điều 23 (Vấn đề 11 của Báo cáo rà soát)

Không đồng ý với quan điểm của Báo cáo Rà soát bởi quy định của Luật kế toán tại Điều 23, 24 đã đảm bảo tính minh bạch. Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn hệ thống tài khoản kế toán ở đơn vị, như vậy đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán, quản lý và sử dụng cho kế toán tài chính hoặc kế toán quản trị.

7. Về Lựa chọn, áp dụng hệ thống Sổ kế toán tại Điều 26 (Vấn đề 12 của Báo cáo rà soát)

Không đồng ý với phân tích cũng như khuyến nghị của Báo cáo Rà soát về hệ thống sổ kế toán. Như đã phân tích tại mục 2, kế toán tài chính và kế toán quản trị đều cùng sử dụng một số liệu thông tin xuất phát từ chứng từ gốc của đơn vị kế toán, chẳng qua mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng các sản phẩm của kế toán tài chính và kế toán quản trị khác nhau mà thôi. Do đó, hiện tại quy định như khoản 1 Điều 26 Luật Kế toán hoàn toàn hợp lý.

8. Về Sửa chữa sổ kế toán khi ghi sổ kế toán bằng máy vi tính tại Điều 28 (Vấn đề 13 của Báo cáo rà soát)

Khoản 4, Điều 28 này chỉ có nội dung quy định tại tiết a là không cần thiết vì trước khi báo cáo tài chính năm được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đơn vị kế toán có đầy đủ thẩm quyền và điều kiện sửa chữa báo cáo tài chính miễn sao vẫn tuân thủ các nguyên tắc kế toán và chuẩn mực kế toán.

Tuy nhiên, trường hợp phát hiện sai sót sau khi đã nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vẫn cần quy định như hiện hành để đảm bảo tính khách quan, tính công khai của thông tin, số liệu theo các quy định tại Điều 6 về ”Yêu cầu kế toán”, và Điều 7 về ”Nguyên tắc kế toán”, Luật Kế toán.

Về việc quy định phần mềm kế toán không được phép chỉnh sửa trực tiếp như Báo cáo Rà soát khuyến nghị là không cần thiết, thậm chí bất khả thi.

9. Về kiểm tra kế toán tại Mục 4 Chương II (Vấn đề 16 của Báo cáo Rà soát)

Dự thảo báo cáo có nêu quan điểm rằng: không rõ cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán là cơ quan nào nhưng nội dung này đã được cụ thể hóa tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 129/2004/NĐ-CP ngày 31-5-2004 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh. Do đó, khuyến nghị tại Báo cáo rà soát về vấn đề này cũng trở nên không hợp lý.

10. Về Chứng chỉ hành nghề kế toán tại Điều 57 (Vấn đề 22 của Báo cáo Rà soát)

Với quy định tại Điều 57 về ”Chứng chỉ hành nghề kế toán” thì chỉ những người cung cấp dịch vụ kế toán mới buộc phải có chứng chỉ hành nghề kế toán này. Với khái niệm quy định tại khoản 11, Điều 4, Luật Kế toán, điều này đảm bảo được tính minh bạch, thống nhất.

Không đồng ý với quan điểm của Báo cáo Rà soát về việc đổi tên ”Chứng chỉ hành nghề kế toán” thành ”Thẻ hành nghề dịch vụ kế toán” bởi không có một quy định cụ thể nào về khái niệm này. Hiện nay, toàn bộ hệ thống văn bản liên quan chỉ đề cập tới ”Chứng chỉ hành nghề kế toán”, việc đổi tên chứng chỉ này chỉ làm phức tạp, rắc rối thêm.

11. Bổ sung thêm một số vấn đề mà Báo cáo rà soát chưa đề cập đến

a) Khoản 1 Điều 11 có quy định trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh là ngoại tệ phải ghi theo ”tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh,...”. Quy định này không bảo đảm tính minh bạch và khả thi. Bởi vì không thể có một cách hiểu chính xác thế nào là tỷ giá hối đoái thực tế cũng như NHNN không hề có các công bố chính thức cho các doanh nghiệp về tỷ giá hối đoái từng thời kỳ.

b) Khoản 1 Điều 20 về ”ký chứng từ kế toán” có quy định chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký; đồng thời khoản 2 có quy định ”chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký”. Quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch, bởi vì có thể hiểu theo hai cách như sau:

- Các vị trí (ví dụ người lập, người kiểm soát và người phê duyệt đối với chứng từ kế toán ngân hàng) phải tự mình ký hoặc ủy quyền cho người khác ký thay nhưng người được ủy quyền ký không được đồng thời là những người còn lại phải ký trên chứng từ kế toán;

- Vị trí người phê duyệt có thể ủy quyền cho người kiểm soát ký vào cả vị trí của mình; hoặc người lập có thể được ủy quyền để ký vào hai vị trí còn lại là vị trí của người kiểm soát và người phê duyệt.

Bên cạnh đó, tại điều này cũng chỉ quy định chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng bút mực, vậy thì bản sao của chữ ký bằng bút mực có được chấp nhận hay không? Do có sự không rõ ràng, minh bạch nên đề nghị sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề ký chứng từ kế toán.

Vậy, kính đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, xem xét.

TRƯỞNG PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

ĐINH THỊ KIM ANH

Các văn bản liên quan