VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an năm 2022
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Kính gửi: Ủy ban Pháp luật Quốc hội
Trả lời Công văn số 1069/UBPL15 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến như sau:
- Về các quy định liên quan đến lĩnh vực lao động
Dự thảo hiện có một số quy định liên quan đến lĩnh vực lao động, có nguy cơ chồng lấn và khác biệt với pháp luật lao động hiện hành. Điều này có nguy cơ tạo ra khó khăn trong áp dụng trên thực tế, chẳng hạn như:
- Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động
Khoản 3 Điều 71 Dự thảo quy định ”việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động” là nội dung người lao động tham gia ý kiến trước khi tổ chức có sử dụng lao động quyết định. Quy định này được hiểu, tổ chức có sử dụng lao động bắt buộc phải lấy ý kiến người lao động về nội dung trên trước khi quyết định.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 93 Bộ luật lao động 2019 quy định ”Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.”. Theo quy định này thì tổ chức có sử dụng lao động chỉ phải lấy ý kiến người lao động (thông qua tổ chức đại diện người lao động) trong trường hợp có tổ chức đại diện người lao động, còn những nơi không có tổ chức đại diện người lao động thì việc lấy ý kiến người lao động trước khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động là không bắt buộc.
Như vậy, giữa Dự thảo và pháp luật về lao động đang quy định khác nhau về việc tham gia ý kiến của người lao động đối với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, đề nghị điều chỉnh lại quy định tại khoản 3 Điều 71 Dự thảo để đảm bảo thống nhất với quy định tại pháp luật về lao động.
- Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
Dự thảo và pháp luật về lao động đều quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Mặc dù khoản 2 Điều 73 Dự thảo có dẫn chiếu tới pháp luật về lao động, nhưng khoản 1 Điều 73 Dự thảo quy định về việc tổ chức, tần suất, mục đích của đối thoại tương tự như quy định tại pháp luật lao động. Điều này là không cần thiết vì đã có quy định tại pháp luật về lao động, do đó đề nghị bỏ khoản 1 Điều 73 Dự thảo, các vấn đề liên quan đến tổ chức đối thoại tại nơi làm việc cần dẫn chiếu tới quy định tại pháp luật về lao động.
- Về các tác động đến việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp
Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp được hiểu nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, được tham gia có ý kiến, giám sát, kiểm tra những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động như: người lao động tham gia ý kiến; người lao động bàn và quyết định một số nội dung; người lao động kiểm tra, giám sát quy định tại Chương IV Dự thảo sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp nếu các hoạt động này bị lạm dụng và/hoặc thực hiện một cách không hợp lý, không phù hợp.
Điều này có thể tạo ra chi phí thực hiện, rủi ro trong quá trình thực hiện khi thành lập doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây có thể là một lực cản khiến nhiều hộ kinh doanh, những mô hình kinh doanh không chính thức không đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp, ngại thành lập doanh nghiệp chính thức. Về dài hạn điều này không tốt cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đề nghị bổ sung vào luật nguyên tắc, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp không được làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
- Về Ban Thanh tra nhân dân
Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động nhằm đảm bảo cơ chế thực hiện hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở cơ sở. Tuy nhiên, việc có cần thiết phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động hay không, cần được xem xét ở các yếu tố sau:
- Theo quy định của pháp luật hiện hành, Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn có chức năng và quyền hạn gần như bao phủ hầu hết các quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân quy định tại khoản 2 Điều 80 Dự thảo và còn mở rộng nhiều quyền hạn có tính đại diện và bảo vệ quyền lợi cao hơn cả Ban Thanh tra nhân dân. Người lao động có thể thông qua Công đoàn để thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở. Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp liệu có chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với Công đoàn hay không?!
Mặt khác, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 82 Dự thảo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sẽ ”thực hiện các nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân”. Như vậy, tổ chức công đoàn có thể đảm nhiệm được vai trò, chức năng của Ban Thanh tra nhân dân. Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động là không cần thiết.
- Tác động của Ban Thanh tra nhân dân tới hoạt động của doanh nghiệp:
Dự thảo quy định ”Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước” (khoản 1 Điều 80); Ban Thanh tra nhân dân có quyền ”yêu cầu người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của tổ chức có sử dụng lao động cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc kiểm tra, giám sát” (điểm b khoản 2 Điều 80); tổ chức có sử dụng lao động có trách nhiệm ”cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân” (điểm b khoản 1 Điều 82).
”Kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” là phạm vi quá rộng, Ban Thanh tra nhân dân có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu, thông tin không liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những thông tin này có thể liên quan đến bí mật kinh doanh hoặc những nội dung không cần phải công khai cho người lao động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu Ban Thanh tra nhân dân lạm dụng quyền hạn và Dự thảo cũng không có quy định nào về việc kiểm soát vấn đề này.
Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ quy định về Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.