VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an năm 2022
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng
Kính gửi: Bộ Quốc phòng
Trả lời Công văn số 3219/BQP-VP ngày 22/9/2022 của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Các chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa
Mục tiêu của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 là: (i) cắt giảm, đơn giản hoá tối thiểu 20% số quy định và (ii) giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, Hồ sơ Dự thảo chưa cung cấp các tính toán, thống kê về số lượng quy định và lượng hóa chi phí tuân thủ sẽ giảm được khi sửa đổi như đề xuất tại Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải trình, số liệu tính toán cụ thể về số lượng quy định và chi phí cắt giảm được, đảm bảo như mục tiêu tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020.
Hiện nay, Dự thảo chủ yếu chỉ đang đề xuất các biện pháp đơn giản hóa gồm: (i) giảm thời gian thực hiện; (ii) giảm số lượng hồ sơ; (iii) bổ sung thêm cách thức nộp trực tuyến. Trong trường hợp phương án cắt giảm chưa đạt mục tiêu, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các biện pháp cắt giảm khác như (i) giảm bớt thành phần hồ sơ; (ii) bãi bỏ thủ tục hành chính.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung một số phương án sau:
- Lĩnh vực mật mã dân sự
- Quy định về cấp lại Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự
Điều 32.4 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định thời hạn của Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là 10 năm. Sau thời gian đó, doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục xin cấp Giấy phép. Quy định như vậy làm gia tăng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp đã được cấp phép do phải thực hiện nhiều lần trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, quy định này là không cần thiết. Các điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp là nhân sự, cơ sở vật chất, phương án bảo mật… đã được đáp ứng trong lần cấp phép đầu tiên, và được yêu cầu đáp ứng trong suốt quá trình kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu các chế tài nếu không duy trì được các điều kiện này, gồm có tạm đình chỉ hoạt động, thậm chí thu hồi giấy phép nếu không khắc phục trong 6 tháng (Điều 33 Luật An toàn thông tin mạng). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đề xuất bỏ quy định tại Điều 32.4 Luật An toàn thông tin mạng.
- Các tài liệu không cần thiết
Một số giấy tờ, tài liệu trong các thủ tục hành chính lĩnh vực mật mã dân sự không cần thiết, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đề xuất loại bỏ, chẳng hạn:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 32.2.b; Điều 33.1.b Luật An toàn thông tin mạng): cơ quan cấp phép có thể tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Giấy tờ này cũng đang được chính cơ quan soạn thảo đề xuất cắt giảm với thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý biên giới[1];
- Báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp trong 2 năm gần nhất (Điều 33.3.c Luật An toàn thông tin mạng): Lý do là vì hàng năm các doanh nghiệp đều có trách nhiệm gửi báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp (Điều 35.3). Hơn nữa, điều kiện để gia hạn là doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, và cơ quan cấp phép đã có sẵn các thông tin này.
- Lĩnh vực quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ
Chương 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP[2] quy định về thủ tục hành chính với đề nghị cấp phép bay với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân sẽ phải thực hiện thủ tục xin phép bay trước mỗi lần tổ chức hoạt động bay. Quy định như vậy sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt sẽ hạn chế khả năng phát triển của dịch vụ drone thương mại. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi các quy định về quản lý drone thông quan đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục liên quan, chẳng hạn chuyển từ cấp phép sang thông báo bay với một số khu vực tổ chức bay được coi là an toàn và có giá trị khai thác thương mại cao; hoặc chuyển từ cấp phép từng lần bay sang đăng ký phương tiện drone.[3]
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Dự thảo, trang 9
[2] Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ
[3] Tham khảo kinh nghiệm quản lý của Trung Quốc tại https://drone-laws.com/drone-laws-in-china/#Agencies_Responsible_for_regulating_drones_in_the_Peoples_Republic_of_China