Một số vướng mắc của các quy định liên quan đến Bộ luật Hàng hải – Nguyễn Thu Hường, Công ty CP Vận tải Biển Bắc

Thứ Ba 13:50 23-08-2011

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC CỦA CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN

BỘ LUẬT HÀNG HẢI

Nguyễn Thu Hường - Công ty CP Vận tải Biển Bắc

 

Điều 43 BLHH quy định về bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển:

Tại khoản 1 quy định: “Để thực hiện việc bắt giữ tàu biển, người yêu cầu bắt giữ phải bảo đảm tài chính theo hình thức và giá trị do Toà án quy định tương đương với thiệt hại có thể phát sinh do việc yêu cầu bắt giữ tàu biển”.

Đối chiếu quy định này thực tế áp dụng tại Việt Nam hầu như chưa có trường hợp nào bị bắt giữ do thực tế giá trị tàu thường lớn (vài triệu USD) nên không thể có khoản đặt cọc nào được thực hiện dù phía yêu cầu bắt giữ đã xuất trình đủ các tài liệu chứng minh quyền lợi của mình bị xâm hại. Ngoài ra theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển bao gồm chi phí thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án, chi phí giám sát tàu biển trong thời gian bị bắt giữ và chi phí truy đuổi tàu biển (nếu có). Chủ tàu hoặc người yêu cầu có trách nhiệm thanh toán chi phí này trừ một số các trường hợp quy định ngân sách nhà nước phải chi trả.

Hiện nay, để thực hiện việc giao quyết định bắt giữ và thả tàu biển theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 7 và Điều 12 Nghị định 57/2010/NĐ-CP, Cảng vụ hàng hải phải cho ca nô chở cán bộ ra tàu. Đối với các tàu neo tại khu neo Nhà Bè thì chi phí cho hai lần ca nô đi, về hết khoảng 5 triệu đồng (tiền xăng dầu, khấu hao tài sản). Với các tàu ở khu neo Thiềng Liềng, khu công nghiệp Hiệp Phước hết khoảng 10 triệu đồng.

Với các tàu bị bắt giữ khi đã bốc xếp xong hàng hóa, nhằm làm giảm chí phí thường chủ tàu, người khai thác, người thuê tàu đề nghị cảng vụ cho phép di chuyển các khu neo đậu chờ giải quyết. Mặt khác, về phía cảng cũng muốn điều động tàu đang bị bắt giữ ra khu neo để có cầu bến trống khai thác. Tuy nhiên, Biên phòng cửa khẩu cảng Sài Gòn cho rằng theo quy định hiện nay Biên phòng chỉ bố trí cán bộ giám sát trong trong trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, còn các trường hợp khác phải trả chi phí giám sát, chi phí thuê ca nô chở cán bộ ra tàu thì Biên phòng mới bố trí người.

Để thực hiện bắt giữ và thả tàu biển của cảng vụ và cơ quan quản lý nhà nước tại cảng được tốt hơn cần có quy định chi tiết để thu các khoản phí trên và cần có quy định mọi chi phí cho Tòa án, Cảng vụ, Biên phòng, Thi hành án, hoặc các cơ quan khác cần được thanh toán đầy đủ trước khi ra quyết định thả tàu biển bị bắt giữ.

Khoản 2 Điều 11 quy định trường hợp chủ tàu, người khai thác tàu không còn khả năng cung cấp tài chính duy trì hoạt động của tàu, Cảng vụ thực hiện việc bắt giữ tàu biển có trách nhiệm cung cấp tài chính bảo đảm duy trì hoạt động cần thiết của tàu. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, không phải Cảng vụ nào cũng có nguồn thu để có thể cung cấp tài chính duy trì hoạt động cần thiết của tàu.

Các văn bản liên quan