Tham luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại hội thảo góp ý hoàn thiện báo cáo rà soát bộ Luật Hàng hải năm 2005

Thứ Ba 13:47 23-08-2011

BÁO CÁO THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO HOÀN THIỆN BÁO CÁO RÀ SOÁT BỘ LUẬT HÀNG HẢI NĂM 2005 CỦA VCCI  “VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN VIỆT NAM THEO BỘ LUẬT HÀNG HẢI”

 

1. Vai trò quản lý nhà nước trong công tác đăng kiểm tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Một con tàu, cho dù mang cờ quốc tịch của bất cứ quốc gia nào, khi muốn đi ra biển nhất thiết đều phải được cấp các giấy chứng nhận để xác nhận có trạng thái kỹ thuật và tình trạng quản lý đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn kỹ thuật, quản lý an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của quốc gia và quốc tế. Điều này được quy định rõ trong các công ước quốc tế liên quan của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); phù hợp với đó, Điều 26 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 (sau đây gọi là “Bộ luật Hàng hải”) quy định:

“Điều 26. Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển

1. Tàu biển phải có giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển Việt Nam…”

Ai là người cấp các giấy chứng nhận nêu trên cho tàu? Câu trả lời chúng ta nhận được là “Đăng kiểm”; và vấn đề này cũng đã được quy định tại Điều 23 của Bộ luật Hàng hải:

“Điều 23. Đăng kiểm tàu biển Việt Nam

1. Tàu biển Việt Nam phải được tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền kiểm tra, phân cấp, cấp các giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên….”

Điều 1 của Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt NamTại Việt Nam” quy định cụ thể: “Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông … sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải …”. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam. Điều này cũng đã được khẳng định rõ ràng trong Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam”: “Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng "Tổ chức Đăng kiểm Việt Nam", có trách nhiệm tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo Quy định này.” (Khoản 1, Điều 9).

Trong những năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển mang cờ quốc tịch quốc gia; là người gác cửa, canh giữ chủ quyền quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật của đội tàu biển Việt Nam, phù hợp với quy định của Bộ luật Hàng hải, các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia liên quan và các công ước quốc tế của IMO.

2. Việc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam

Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí biển, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao “…thực hiện việc uỷ quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển…” (khoản 2, Điều 9 của “Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam” được ban hành theo Quyết định số 51/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải). Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Việt Nam và quốc tế; đồng thời, được nêu rõ trong Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: “Xem xét uỷ quyền cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu biển, … theo yêu cầu của chủ phương tiện, ..” (Điểm k, khoản 6 Điều 2).

Thực tế, nhiều quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới không ủy quyền công tác đăng kiểm tàu biển cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài, trong đó có Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, … Tổ chức đăng kiểm của các nước này đều trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, và người đứng đầu tổ chức do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm. Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt nam uỷ quyền cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam là mở hơn và mang tính hội nhập quốc tế cao hơn các nước nêu trên.

Việc ủy quyền của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài được thực hiện hoàn toàn phù hợp với quy định của IMO theo Nghị quyết A.739(18), cụ thể là chỉ ủy quyền cho các tổ chức đăng kiểm có thỏa thuận hợp tác với Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi các tổ chức này được đánh giá đáp ứng thỏa mãn Nghị quyết A.789(19). Việc ủy quyền cho từng tàu hoàn toàn không trái với quy định của IMO cũng như thông lệ quốc tế. Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang được các nước Belize, Tuvalu, Campuchia, Mông Cổ, Comoros, Panama, … ủy quyền thực hiện công tác đăng kiểm cho tàu mang cờ quốc tịch của các quốc gia này, và việc ủy quyền cũng được thực hiện cho từng tàu, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của các nước này ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ “về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải”, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải ký ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BGTVT ngày 19 tháng 04 năm 2011 sửa đổi, bổ sung Quyết định 51/2005/QĐ-BGTVT nhằm đơn giản hóa tất cả các thủ tục liên quan đến đăng kiểm tàu biển, bao gồm cả thủ tục cấp văn bản uỷ quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển Việt Nam, mang tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chủ tàu.

3. Việc cấp giấy chứng nhận khả năng đi biển cho tàu biển Việt Nam

Giấy chứng nhận khả năng đi biển được cấp cho tàu biển Việt Nam theo quy định của Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 ban hành “Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam”, Quyết định số 54/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 ban hành “Danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển và tàu công cụ Việt Nam” của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 21: 2010/BGTVT “Quy phạm Phân cấp và Đóng tàu biển”.

 Thực chất giấy chứng nhận khả năng đi biển là giấy chứng nhận tổng hợp của tất cả các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà Đăng kiểm cấp cho tàu biển. Giấy chứng nhận này phản ánh tính chất an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu, trong đó chỉ rõ vùng hoạt động, loại hàng tàu được phép vận chuyển, các khống chế về tuyến hành trình, điều kiện thời tiết, … nhằm đảm bảo khả năng hoạt động an toàn của tàu. Thông thường các giấy chứng nhận đăng kiểm khác không nêu rõ vùng hoạt động và các điều kiện hạn chế hoạt động của tàu.

Thời hạn của giấy chứng nhận khả năng đi biển được cấp tới ngày ấn định kiểm tra kế tiếp của tàu. Nếu tàu kiểm tra hàng năm đúng hạn và không có khiếm khuyết về mặt kỹ thuật, thì thông thường hạn hiệu lực của giấy chứng nhận khả năng đi biển là 15 tháng; còn trong trường hợp tàu có những khiếm khuyết và tồn tại lớn sau kiểm tra, mà không thể khắc phục được ngay lập tức, hoặc không thể có điều kiện khắc phục và sửa chữa triệt để tại nơi tàu kiểm tra, thì giấy chứng nhận khả năng đi biển được cấp đến thời hạn mà Đăng kiểm yêu cầu tàu phải giải quyết triệt để các khiếm khuyết.

Giấy chứng nhận khả năng đi biển rất tiện lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cảng biển của cảng vụ Việt Nam: Cảng vụ chỉ cần kiểm soát giấy chứng nhận khả năng đi biển là đã biết được ngay cơ bản tàu có được phép hoạt động và hoạt động đúng vùng quy định hay không, các giấy chứng nhận khác của tàu có đầy đủ và  còn hiệu lực hay không.

Giấy chứng nhận khả năng đi biển đặc biệt phù hợp với trình độ quản lý kỹ thuật đội tàu còn nhiều hạn chế của các chủ tàu Việt Nam hiện nay, rất nhiều chủ tàu Việt Nam hiện không hề biết tàu của mình cần có bao nhiêu loại giấy chứng nhận Đăng kiểm (theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan, một tàu biển, tùy thuộc vào công dụng hoặc vùng hoạt động, có thể có từ 5 - 12 giấy chứng nhận đăng kiểm khác nhau), thời hạn kiểm tra tàu ra sao, khi nào buộc phải kiểm tra tàu, ...; trong trường hợp như vậy thời hạn của giấy chứng nhận khả năng đi biển nhắc nhở họ về thời hạn kiểm tra, xem xét lại các khuyến nghị về tình trạng tàu mà Đăng kiểm đưa ra để có kế hoạch và chủ động thực hiện.

Giấy chứng nhận khả năng đi biển giúp Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý chặt chẽ được trạng thái kỹ thuật tàu, thời hạn kiểm tra của tàu. Những khiếm khuyết của tàu có ảnh hưởng đến an toàn tàu và bảo vệ môi trường được đưa ra với thời hạn yêu cầu khắc phục nhất định, khống chế bằng thời hạn của giấy chứng nhận khả năng đi biển; điều này vừa giúp cho chủ tàu  thuận tiện trong việc sửa chữa khắc phục khiếm khuyết, đảm bảo kế hoạch khai thác tàu, vừa giúp cho Đăng kiểm có thể kiểm soát được yêu cầu khắc phục khiếm khuyết của tàu để duy trì trạng thái kỹ thuật.

Giấy chứng nhận khả năng đi biển còn giúp một số cơ quan chức năng khác quản lý trong các thủ tục của mình liên quan đến tàu biển như: Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, Cục Tần số vô tuyến điện trong việc cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho tàu biển, Tổ chức Bảo hiểm trong  việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm tàu biển, Tổ chức Tài chính trong việc cung cấp vốn cho dự án đóng/ mua tàu biển, ….

Giấy chứng nhận khả năng đi biển được cấp đồng thời, ngay lập tức cùng với việc cấp mới hoặc xác nhận hàng năm các giấy chứng nhận khác của tàu biển, nên không gây phiền phức hoặc tốn kém thêm nào cho chủ tàu trong việc kiểm tra và chứng nhận tàu.

Bên cạnh đòi hỏi thực tiễn của công tác quản lý tàu như đã trình bày ở trên, việc cấp giấy chứng nhận khả năng đi biển cho tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt nam được thực hiện dựa trên những kinh nghiệm của các nước và các tổ chức đăng kiểm quốc tế khác. Hiện nay các nước như Na Uy, Hà Lan, Liên bang Nga, Bỉ, Indonesia, Belize, Tuvalu, Campuchia, …, đều quy định tàu biển phải có giấy chứng nhận khả năng đi biển, và một số nước ủy quyền việc cấp giấy chứng nhận này cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài, trong đó có Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bộ luật Hàng hải của Liên bang Nga, và Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển của Đăng kiểm Liên bang Nga quy định tàu mang cờ quốc tịch nước này phải được Đăng kiểm Liên bang Nga cấp giấy chứng nhận khả năng đi biển.

Từ những nội dung trình bày ở trên, có thể khẳng định việc cấp giấy chứng nhận khả năng đi biển cho tàu biển là rất cần thiết cho công tác quản lý kỹ thuật, quản lý hành chính và quản lý khai thác tàu của các các cơ quan liên quan. Nó không hề gây phiền phức và tốn kém cho chủ tàu, mà ngược lại, còn là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý kỹ thuật tàu, có thể dùng để đưa ra các giải pháp mềm dẻo, linh hoạt cho chủ tàu trong công tác sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết của tàu trong quá trình khai thác; phù hợp với trình độ, năng lực quản lý kỹ thuật và hành chính của các cơ quan chức năng Việt Nam hiện nay.

4. Trách nhiệm của tổ chức đăng kiểm đối với các giấy tờ kỹ thuật cấp không phù hợp với thực trạng của tàu

Như đã trình bày ở trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam là một cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, các hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước, kể cả trách nhiệm bồi thường nhà nước theo quy định của Hiến pháp và các bộ luật, luật liên quan. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 4455 /2002/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2002 về “Quy định trách nhiệm và xử lý khi vi phạm về quản lý, kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông vận tải”, quy định cụ thể việc xử lý các vi phạm trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải.

Các văn bản liên quan