Ý kiến của Ông Nguyễn Phước Hiệp Đại diện Công ty Invest Consult

Thứ Ba 09:22 20-09-2011

Chúng ta xem xét tảng đá lớn nhất cản trở sự phát triển doanh nghiệp: tư duy xây dựng luật, đối tượng phục vụ của Luật Doanh nghiệp là phục vụ doanh nghiệp, người dân chứ không phải là phục vụ Chính phủ, Bộ ngành. Hiện nay, hầu hết các luật đều do bộ ngành soạn thảo trình chính phủ, chính phủ trình quốc hội, vì quy trình như vậy nên luật chúng ta làm ra là để phục vụ Chính phủ, các Bộ ngành.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh: Ở các nước không có ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng kinh doanh.

Thời hạn góp vốn: Luật Doanh nghiệp có quy định đối với công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, trong Luật không nói, nghị định 102 có quy định là 36 tháng. Như vậy phải thống nhất là 90 ngày.

Người đại diện theo pháp luật phải ở VN … tôi thống nhất với Báo cáo. Khi một doanh nghiệp nước ngoài xin thành lập doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định, phó giám đốc ký, đề nghị nhà đầu tư bổ sung địa chỉ người đại diện theo pháp luật tại Việt Nam. Các chuyên viên của sở đọc cũng không hiểu Luật Doanh nghiệp quy định đấy được áp dụng đối với doanh nghiệp đã thành lập, còn doanh nghiệp đang thành lập thì bắt bổ sung địa chỉ. Không hiểu tại sao lại có cái đó. Chuyên viên sở giải thích, không có thì không bao giờ có giấy phép. Thế là họ ghi địa chỉ tại khách sạn. Do vậy, không nên quy định có yêu cầu địa chỉ.

Đồng tiền ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Năm 1987, nhờ chính sách mở cửa, Việt Nam đã kêu gọi các nhà đầu tư. Ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, một loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập hoạt động theo luật này. Năm 1991 có Luật Công ty. Hồi đó, chúng ta cấp Giấy phép đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đầu tư, đồng tiền đầu tư được ghi là Đô la Mỹ. Đến năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư là đồng tiền Việt, quy đổi hết ra tiền đồng (tương đương bao nhiêu đô). Thuế hướng dẫn, nếu cách đây 10 năm, 1 triệu đô được quy ra tiền đồng là 10 tỷ. Bây giờ, nếu chuyển nhượng 1 triệu đô thành 20 tỷ, bị đánh thuế thu nhập do chuyển nhượng là 25% trên phần chuyển nhượng đấy, thực ra thì vẫn là 1 triệu đô. Các văn bản quá mâu thuẫn nhau.

Thống nhất ý kiến, việc thành lập doanh nghiệp phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Không có lý gì lại ghi Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư. Đây là tư duy của nhà làm luật năm 2005 vẫn sử dụng khái niệm của luật đầu tư nước ngoài, ban hành năm 1987, sửa đổi năm 1991, 2000 Luật đầu tư nước ngoài là luật tổng hợp bao gồm luật đầu tư, doanh nghiệp, thuế, tất cả các đầu tư nước ngoài đều được điều chỉnh trong đó. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp lúc đó chưa có, mãi đến năm 2003 mới được ban hành, Luật Công ty năm 1991.

Định giá tài sản góp vốn: Luật cũ quy định, việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị góp vốn do các bên tự thỏa thuận, rồi giờ chúng ta quy định phải thẩm định giá nên phát sinh tình trạng: một ông trong nước được cấp quyền sử dụng đất. Ông trong nước và ông nước ngoài thỏa thuận giá là 1 triệu đô, thế nhưng lại phải có quy định là phải có thẩm định giá, thẩm định khác giá của các bên thỏa thuận. Cuối cùng phải đi theo quyết định của thẩm định giá. Như vậy là vô lý. Trừ trường hợp đất đấy là đất của nhà nước thì nhà nước có quyền thuê thẩm định giá, còn của tư nhân thì không có lý do gì mà phải can thiệp vào chuyện đó, phát sinh nhiều chuyện phức tạp.

Chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng dự án: Luật DN quy định tôi góp vốn thì có quyền chuyển nhượng vốn. Luật Đầu tư hay Luật doanh nghiệp gì đó, việc chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất thì phải tuân thủ Luật Đất đai. Hiện nay, có trường hợp, 2 doanh nghiệp, doanh nghiệp A góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp B góp vốn bằng tiền. Hai anh góp vốn đẻ ra doanh nghiệp C. Ông A và B chuyển nhượng cho ông E. Theo Luật Doanh nghiệp thì đây là chuyển nhượng vốn. Nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc không hiểu nên mới hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính … đây là chuyển nhượng dự án đầu tư hay chuyển nhượng vốn? Lý luận: trước đây ông A, B góp vốn tạo ra ông C. Nay ông A, B chuyển cho ông D, E là thay đổi nhà đầu tư có nghĩa là chuyển nhượng dự án. Các Bộ cũng trả lời lung tung. Bộ Xây dựng cho rằng đó là chuyển nhượng vốn bởi vì quyền sử dụng đất góp vào thành tài sản của doanh nghiệp, vốn người ta chuyển cho người khác không lý do nào mà không phải là chuyển nhượng vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại trả lời lấp lửng. Bộ khác cũng trả lời lấp lửng.

Các văn bản liên quan