Góp hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp – LS Hoàng Văn Sơn, Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC

Thứ Tư 23:35 24-08-2011

HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT THƯƠNG MẠI

(Tại hội thảo diễn ra ngày 24/8/2011 do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ)

 

      

      Để hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này, nhằm phản ánh đầy đủ vấn đề còn vướng mắc, gây cản trở cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp, nhằm đưa ra những kiến nghị hợp lý, đầy đủ và toàn diện, chúng tôi xin đóng góp một số kiến nghị của mình, mà trong quá trình hành nghề đã gặp phải khi giúp đỡ khách hàng của mình.

 

-       Về ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 7 LDN; Điều 7.1 và 7.3 Nghị định số 43/CP/NĐ –CP 2010. Thực tế khi đăng kí kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải áp mã ngành, nghề kinh doanh vào sau khi liệt kê ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp mong muốn theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ngành nghề kinh tế của Việt Nam rộng hơn rất nhiều so với danh mục thống kê ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp mong muốn (Báo cáo rà soát). Đăng kí ngành nghề kinh doanh là một trong những trường hợp trả lại hồ sơ nhiều nhất, nhiều trường hợp doanh nghiệp chỉ đăng kí và áp mã ngành gần với ngành mà mình đăng kí hoặc buộc phải hủy bỏ nếu không muốn hồ sơ của mình phải làm lại nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi đề nghị không nên buộc doanh nghiệp phải liệt kê ngành nghề theo Quyết số 10/2007/QĐ-TTg, mà cho phép doanh nghiệp đăng kí ngành nghề kinh doanh theo mục đích của mình, miễn là pháp luật không cấm. Thực tiễn đã chứng minh, pháp luật thường không theo kịp đời sống thực tế, nếu buộc doanh nghiệp phải chờ đợi hoặc viễn dẫn vì pháp luật không quy định nên không cho phép là làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là làm chậm quá trình phát triển của đất nước.

              

-       Về tên của doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp : “Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài”.

 

      Khi đăng kí thành lập doanh nghiệp, đây cũng là trường hợp doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ nhiều nhất, nếu doanh nghiệp có đăng kí tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp thường yêu cầu phải có từ điển chứng minh. Tuy nhiên, nếu tiếng nước ngoài là tiếng Anh hoặc một số thứ tiếng phổ biến trên thế giới thì khi sử dụng từ điển cơ quan đăng kí kinh doanh còn có thể hiểu được, trường hợp tiếng nước ngoài không phổ biến nếu có từ điển để chứng minh thì chưa chắc cán bộ cơ quan đăng kí kinh doanh đã hiểu được, nếu yêu cầu phải tìm người phiên dịch thì mất rất nhiều thời gian và tốn kém.

 

      Việc quy định sử dụng tiếng nước ngoài mà không quy định sử dụng ngôn ngữ  của dân tộc thiểu số là trái với Điều 5 Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội. Mặt khác, sử dụng từ “tiếng” nước ngoài là chưa đầy đủ mà sử dụng từ “ngôn ngữ” nước ngoài.

 

      Vì vậy, trong trường hợp này chúng tôi đề nghị bổ sung thêm đoạn này vào khoản 1 Điều 13 như sau : “Tên doanh nghiệp viết bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng ngôn ngữ Việt sang ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ nước ngoài.

 

      Và bổ sung “Doanh nghiệp tự dịch và tự chịu trách nhiệm về việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài của mình”.

 

       Tương tự khoản 3 của Điều 13 về tên viết tắt của doanh nghiệp : “Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng ngôn ngữ Việt hoặc tên viết bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ nước ngoài”. Doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm về tên viết tắt của mình.

 

-       Về con dấu của doanh nghiệp : khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp quy định “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, là tài sản của doanh nghiệp nhưng khi làm mất con dấu là tài sản của mình hoặc giấy chứng nhận mẫu dấu doanh nghiệp bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 150/CP ngày 12/12/2005. Mặt khác, trên dấu của doanh nghiệp thể hiện địa phương cấp quận, huyện, do đó khi thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp từ quận, huyện này sang quận huyện khác doanh nghiệp cũng phải thay đổi con dấu làm tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Chúng tôi đồng ý với bản báo cáo của tổ công tác là về con dấu do doanh nghiệp quyết định, nó là thương hiệu của doanh nghiệp, vì vậy phải để doanh nghiệp tự sáng tạo bằng trí tuệ của mình để làm nổi bật thương hiệu. Thực tiễn đã chứng minh việc lừa đảo hay có hành vi gian dối không vì là con dấu mà đối tượng lừa đảo thường tạo vỏ bọc cho mình bằng nhà lầu, xe hơi. Khi bỏ quy định về quản lí con dấu buộc người dân phải tìm hiểu kĩ hơn về đối tác mà mình muốn giao dịch, do đó sự hiểu biết pháp luật của người dân cũng được nâng cao. Cũng giống như tình hình kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp phải tìm mọi cách để giảm chi phí.

 

-       Về thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư :“Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng kí đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh”. Theo quy định này không phân biệt nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bao nhiêu cổ phần khi lần đầu vào đâu tư tại Việt Nam đều phải làm thủ tục đăng kí đầu tư theo quy định tại Điều 50 Luật Đầu tư. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp lại quy định : “Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luận này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. (khoản 2 quy định một số trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam , trong đó không có người nước ngoài). Vậy khi thực hiện áp dụng theo luật nào ?

 

      Năm 2008 chúng tôi đăng kí thành lập doanh nghiệp là công ty cổ phần cho khách hàng, trong đó có 05 cổ đông góp vốn bằng cổ phần bằng nhau, 04 cổ đông là người Việt Nam và một cổ đông là người nước ngoài có quốc tịch Nhật Bản. Khi làm thủ tục đăng kí kinh doanh, Phòng đăng kí kinh doanh đã mời chúng tôi lên họp và đưa ra Công văn số 8274/BKH-PC ngày 12/11/2008 và Công văn số 8717/BKH-ĐTNN ngày 28/11/2008 của Bộ kế hoạch và Đầu tư trả lời Sở kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM : “Quy định nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư tại Việt Nam phải có dự án đầu tư tại khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam gắn với thành lập tổ chức kinh tế” (CV 8274/BKH-PC). “Trường hợp nếu nhà đầu tư nước ngoài lần đầu vào Việt Nam, yêu cầu phải có dự án đầu tư và thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” (CV 8717/BKH-ĐTNN).

 

      Phòng đăng kí kinh doanh đã áp dụng theo hai công văn này, sau đó chúng tôi đã đề nghị khách hàng là loại nhà đầu tư nước ngoài ra để đăng kí thành lập doanh nghiệp trước sau đó bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng họ không đồng ý vì hoạt động của họ chủ yếu phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài vì họ là kĩ sư trong công nghệ sinh học và nuôi trồng thủy sản, thấy quá rắc rối nên họ đã hủy bỏ.

 

     Trường hợp của chúng tôi cho thấy, chỉ một cổ đông góp bằng 1/5 vốn điều lệ nhưng đã quyết định việc hình thành của doanh nghiệp. Điều này đã trái với quy định về quyền thành lập doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa quy định này theo hướng : “Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu vào Việt Nam đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế mới phải chiếm tỉ lệ bao nhiêu % vốn góp thì mới làm thủ tục đăng kí đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Hoặc bắt buộc đăng kí thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp nhà đầu tư đầu tư 100% vốn nước ngoài”.

 

-       Về tăng vốn Điều lệ của doanh nghiệp đối với công ty cổ phần : Ngày 13/11/2010 chúng tôi làm thủ tục đăng kí tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp là khách hàng của chúng tôi, một công ty cổ phần tăng thêm phần vốn góp của cổ đông hiện hữu. Phòng đăng kí kinh doanh đã đưa ra thông báo là Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ chưa có hướng dẫn thi hành nên từ chối tất cả các trường hợp kể cả việc tăng vốn điều lệ cho các cổ đông hiện hữu. Sau đó, chúng tôi khiếu nại và Sở kế hoạch và Đầu tư đã hỏi ý kiến của Bộ kế hoạch và Đầu tư đồng thời cũng hỏi ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán (việc này chỉ nghe cán bộ của Sở trao đổi lại) và có hai ý kiến khác nhau Bộ kế hoạch và Đầu tư trả lời bằng Công văn số 608/BKHĐT-PC ngày 28/01/2011 “Nghị định 01/2010/NĐ-CP hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ quy định tại khoản 6 Điều 87 Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, khoản 2 Điều 87 Luật Doanh nghiệp quy định việc phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả các cổ đông theo tỉ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty”. Trong khi đó Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán (nghe cán bộ Sở trao đổi lại) lại trả lời áp dụng Nghị định 01/2010/NĐ-CP. Cách hiểu khác nhau này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi đang là mùa kinh doanh của doanh nghiệp và cần vay vốn ngân hàng. Cuối cùng Phòng đăng kí kinh doanh Sở kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện theo Công văn 608/BKHĐT-PC và thông báo cho tất cả các doanh nghiệp là công ty cổ phần khi tăng vốn điều lệ cho các cổ đông hiện hữu đều cho phép.

 

      Vấn đề là Nghị định 01/2010/NĐ-CP ban hành từ ngày 04/01/2010 nhưng đến giữa năm 2011 vẫn chưa được áp dụng vì chưa có văn bản hướng dẫn. Việc chậm trễ này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

 

- Về vấn đề khiếu nại được quy định tại Điều 318 Luật Thương mại : Điều 318 chỉ quy định về thời hạn khiếu nại. Đề nghị bổ sung thêm về hình thức khiếu nại.  “Hình thức khiếu nại có thể thông qua bằng trao đổi trực tiếp, điện thoại, Fax, thư điện tử, bằng văn bản gửi qua cơ quan chuyển thư, gửi văn bản trực tiếp”

 

      Trên đây là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi nhằm hoàn thiện báo cáo, mong được sự tiếp thu của Ban tổ chức!

 

 

 

Các văn bản liên quan