Ý kiến của ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám Đốc – Công ty cổ phần tư vấn thương mại Độc lập về một số vướng mắc của Luật Doanh nghiệp

Thứ Tư 23:21 24-08-2011

 

HỘI THẢO HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT THƯƠNG MẠI

Do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 24/8/2011

 

THAM LUẬN: LUẬT DOANH NGHIỆP 2005

 

Họ tên: Nguyễn Đức Nghĩa

Tổng Giám Đốc – Công ty cổ phần tư vấn thương mại Độc lập

ĐT:  0913 782 722- Emai: ceo@ifly.com.vn

 

Vấn đề thứ nhất: Kinh doanh có điều kiện

 

  1. Điều kiện về chứng chỉ hành nghề

 

Điều 9.3 Nghị định 102, hoặc điều chỉnh như sau:

 

“Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động sau khi đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề”.  

 

a) Giám đốc của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh đó phải có chứng chỉ hành nghề.

 

b) Giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề.

c) Ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề

 

Ví dụ: đối với dịch vụ làm thủ tục về thuế, khoản 4 điều 20 Luật quản lý thuế qui định, điều kiện hành nghề của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:

 

a) Có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

 

b) Có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.

 

Trong khi đó, theo khỏan 3.3 điều 3 phần 2 thông tư số 28/2008/TT- BTC ngày 03/04/2008 v/v Hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế thì:

 

“ Hàng năm, trước ngày 30 tháng 11, đại lý thuế có trách nhiệm tổng hợp danh sách nhân viên đăng ký làm việc tại đại lý thuế năm sau gửi Tổng cục Thuế kèm theo hồ sơ đăng ký nhân viên đại lý thuế.”

 

Như vậy, trường hợp năm đó đại lý thuế không có đủ 2 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ giải quyết ra sao. Trong khi các hợp đồng về đại lý thuế bao gồm tư vấn thuế và kê khai quyết tóan thường là kéo dài nhiều năm sẽ được giải quyết ra sao? Nếu đột ngột cắt hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

 

Điều này xảy ra tương tự ở các ngành có qui định về chứng chỉ hành nghề khác.

 

Kiến nghị:

 

Cần qui định rõ, điều kiện về chứng chỉ hành nghề chỉ áp dụng khi doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp mà thôi. Hoặc chỉ qui định 1 chứng chỉ hành nghề cho người đại diện pháp luật của tổ chức tương tự văn phòng luật sư.

 

  1. Ngành kinh doanh bất động sản- văn phòng ảo

 

-        Qui định về điều kiện vốn pháp định đối với dịch vụ kinh doanh bất động sản là 6 tỷ đồng ( điều 3 nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007).

 

-        Qui định điều kiện về chứng chỉ hành nghề bao gồm: dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ định giá BĐS và dịch vụ sàn giao dịch BĐS.

 

Trên thực tế, xuất hiện một ngành kinh doanh mới là kinh doanh văn phòng trọn gói (còn gọi là văn phòng ảo).

 

Chưa có qui định cụ thể về ngành kinh doanh này. Điều kiện về diện tích, nhân sự, chứng chỉ, vốn.. như thế nào? Cơ quan thuế có chấp nhận một cách rộng rãi cho các công ty đăng ký văn phòng ở văn phòng ảo hay không?

 

Đây là vấn đề cần thiết vì có nhiều công ty muốn kinh doanh ngành nghề này trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay nhưng chưa thực hiện được do lúng túng về mặt luật pháp.

 

Kiến nghị:

 

Cần có qui định rõ ràng chi ngành nghề kinh doanh văn phòng trọn gói.

 

 

Vấn đề thứ hai: Thực hiện quyền qui định trong luật DN

 

Điều 129.3 Luật Doanh nghiệp quy định: “Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền xem hoặc sao chép báo cáo tài chính hằng năm của công ty cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền”.

 

Trên thực tế việc thực hiện quyền này như thế nào?

 

Thứ nhất: cơ quan đăng ký kinh doanh có đầy đủ báo cáo tài chính hằng năm để cung cấp hay không? Chắc chắn là KHÔNG. Bởi vì với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy thì việc có đủ số lượng báo cáo là chuyện khó khăn.

 

Thứ hai: cơ quan đăng ký kinh doanh có đầy đủ nhân lực để đảm bảo cho mọi nhu cầu xem  họac sao chép báo cáo tài chính hằng năm hay không? Chắc chắn là KHÔNG. Bởi vì với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy thì việc có đủ nhân lực phục vụ là chuyện khó khăn.

 

Tuy nhiên, điều này có thể giải quyết bằng việc phục vụ qua mạng thông tin điện tử. Chỉ người có quyền truy cập mới xem được thông tin này.

 

Thứ ba: Có phải mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền xem hoặc sao chép báo cáo tài chính hằng năm hay không? Chắc chắn là KHÔNG. Bởi vì điều đó là không cần thiết và gia tăng khối lượng công việc của cơ quan đăng ký kinh doanh không cần thiết.

 

Nên qui định đối tượng là: cổ đông công ty, cơ quan quản lý nhà nước, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến công ty cổ phần đó mà thôi.

 

Thứ tư: chế tài để thực hiện quyền đó như thế nào? Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh không phục vụ thì chế tài làm sao? Nếu công ty cổ phần không cung cấp báo cáo thì chế tài làm sao? Cần có qui định cụ thể.

 

Kiến nghị:

 

Nên qui định là : : “Mọi tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan và các cơ quan quản lý nhà nước đều có quyền xem hoặc sao chép báo cáo tài chính hằng năm của công ty cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền, theo qui định về công bố báo cáo trên mạng thông tin điện tử ”.

 

 

Vấn đề thứ ba: Qui định về giao dịch bằng ngọai tệ

 

1. Giao dịch bằng ngọai tệ:

-        Theo điều 22 Pháp lệnh ngoại hối ngày 13-12-2005 và điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ, “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”, trừ một số giao dịch, đối tượng được pháp luật cho phép.

 

-        Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC qui định khác. Hợp đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ nếu có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ. Hợp đồng vẫn được công nhận hợp pháp nếu đảm bảo được điều kiện các bên thanh toán bằng đồng Việt Nam.

 

Trên thực tế, việc ký kết hợp đồng đảm bảo giá trị bằng ngọai tệ được thực hiện nhiều ở các doanh nghệp có vốn đầu tư nước ngòai và các giao dịch có giá trị lớn. Cụ thể như việc chuyển nhựong BĐS, thuê căn hộ, văn phòng...

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: thói quen giao dịch, niềm tin vào sự giữ giá trị của đồng nội tệ, khả năng tự do chuyển đổi tiền tệ... Tuy nhiên, qui định của Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP phù hợp với thực tế giao dịch hiện nay. Đối với các nhà đầu tư nước ngòai, do vốn đầu tư từ gốc ngọai tệ nên hầu hết muốn thông qua giao dịch ngọai tệ để đảm bảo khả năng bảo tòan vốn của mình.

 

Kiến nghị:

 

Qui định như nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, chỉ cấm thanh tóan hợp đồng bằng ngọai tệ.

 

2.     Báo cáo tài chính bằng tiền VND

 

Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31 tháng12 năm 2009 v/v Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Doanh nghiệp, qui định:

 

 “Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.

 

Các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động ở Việt Nam sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với việc lập Báo cáo tài chính theo đơn vị tiền tệ trong kế toán (ngoại tệ) còn phải quy đổi báo cáo tài chính sang Việt Nam Đồng khi nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Nguyên tắc quy đổi báo cáo tài chính lập bằng đơn vị tiền tệ kế toán là ngoại tệ sang Việt Nam Đồng: Tất cả các khoản mục trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp (cả số liệu báo cáo và số liệu so sánh) đều được quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày kết thúc kỳ kế toán.

 

Qui định trên đây dẫn đến một số hệ quả sau:

 

-        Thứ nhất: theo qui định của pháp lệnh ngọai hối v/v “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối”, trừ một số giao dịch, đối tượng được pháp luật cho phép. Như vậy, số đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thực tế không nhiều.

 

-        Thứ hai: các doanh nghiệp có vốn ĐTNN như đã nói ở phần trên kinh doanh trong ngành BĐS, khách sạn... sẽ rất bất tiện trong việc tập hợp báo cáo với công ty mẹ ở nước ngòai. Mặt khác, các nhà đầu tư sẽ khó bảo tòan vốn đầu tư trong điều kiện lạm phát cao và giá trị tiền VND không ổn định như hiện nay. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách thu hút đầu tư nước ngòai của Chính phủ.

 

-        Thứ ba, nguyên tắc quy đổi báo cáo tài chính theo cùng 1 loại tỷ giá năm nay như trên sẽ dẫn đến tình trạng số dư đầu năm không phù hợp với số dư cuối năm trước. Bởi vì số dư cuối năm trước được qui đổi theo tỷ giá cùng năm đó. Điều nay, dẫn đến số liệu không liên tục và khó để so sánh.

 

 

Kiến nghị:

 

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư NN được tự do chọn lọai tiền tệ hạch tóan. Tuy nhiên, báo cáo gứi cơ quan quản lý nhà nước phải phải quy đổi báo cáo tài chính sang Việt Nam Đồng.

 

 

Vấn đề thứ tư: Việc ghi nhận vốn góp trong doanh nghiệp

 

Điều 39 Luật DN qui định: Thành viên phải góp đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết. Trường hợp chưa góp đủ thì số vốn chưa được góp được xem là nợ đối với công ty. Điều 80 Luật DN qui định thời hạn góap vốn đ/v cổ đông phổ thông là 90 ngày kể từ ngày cấp GCNĐKDN.

Thực tế, rất nhiều cổ đông sáng lập và thành viên công ty TNHH không góp đủ vốn. Doanh nghiệp hạch tóan ghi NỢ cho cổ đông và ghi đủ nghĩa vụ góp vốn.

 

Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu doanh nghiệp hoạt động bình thường.

 

Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra thì mọi chuệyn trở nên rất phức tạp. Ví dụ xác định giá trị tài sản thừa kế là phần vốn góp trong doanh nghiệp.

 

Theo sổ sách của doanh nghiệp, cá nhân góp đủ vốn, có nghĩa là người thừa kế được hưởng tòan bộ giá trị vốn góp. Theo qui định thuế TNCN, người thừa kế phải nộp 10% giá trị vốn góp, không trừ phần nghĩa vụ NỢ với công ty. Hệ quả là tiền thuế phải nộp có thể sẽ rất cao trong khi vốn thực góp không có nhiều.

 

Việc ghi NỢ vốn góp dẫn đến tình trạng bán cổ phần khi chưa góp vốn, thành lập công ty nhưng thiếu khả năng tài chính thực sự, với mục đích bán công ty để hưởng lợi. Điều này gây xáo động thị trường mua bán cổ phần và chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp.

 

Kiến nghị:

 

Vốn chủ sở hữu chỉ ghi nhận trên số vốn thực góp của các thành viên. Thời hạn góp vốn theo qui định của điều lệ công ty. Thời hạn góp vốn tối đa là 3 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp.  Trường hợp quá thời hạn góp vốn mà các thành viên vẫn chưa góp đủ vốn, doanh nghiệp sẽ đăng ký giảm vốn cho phù hợp vốn thực góp của các thành viên. Không chấp nhận ghi NỢ vốn góp của các thành viên.

 

 

 

 

 

Vấn đề thứ năm:Chuyển lợi nhuận ra nước ngòai của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đâu tư dự án BĐS:

 

Thông tư số 186/2010/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 201: Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Như vậy:

 

Trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN có lỗ lũy kế nhưng đã hòan thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, đồng thời không có lỗ năm trước chuyển sang thì có được phép chia lợi nhuận hay không.

 

Bởi vì, nếu NĐTNN trong lĩnh vực BĐS không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia thì lượng vốn tồn đọng không sử dụng ở công ty liên doanh rất nhiều trong khi các bên góp vốn lại thiếu vốn kinh doanh. Đây là điều bất hợp lý và không công bằng cho nhà đầu tư NN, vì nhà đầu tư trong nước thì được phép chuyển lợi nhuận ngay cả khi lỗ lũy kế.

 

Kiến nghị:

 

Đối với nhà ĐTNN trong lĩnh vực BĐS, cho phép chia và chuyển lợi nhuận theo yêu cầu, khi đã hòan thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, đồng thời không có lỗ năm trước chuyển sang.

 

 

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan