Gian nan vì cách thương lượng của cơ quan bồi thường!

Thứ Ba 14:32 12-06-2007


           Vụ bồi thường oan sai cho công dân Lương Ngọc Phi ở tỉnh Thái Bình: 
  
         * Đòi bồi thường hơn 24 tỉ đồng, thương lượng thành chỉ được hơn 163 triệu.
         * TAND tỉnh Thái Bình từ chối thương lượng bồi thường về tài sản.
 
          Trong mấy năm gần đây, đã có nhiều bài bài báo xung quanh vụ án oan sai mà TAND tỉnh Thái Bình đã xử oan cũng như việc giải quyết bồi thường theo NQ 388 cho công dân Lương Ngọc Phi (Nguyên giám đốc Công ty Hoà Bình - tỉnh Thái Bình). Tiến trình vụ việc oan sai của ông Phi có thể được tóm tắt như sau:

          - Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, cáo buộc ông Lương Ngọc Phi 17 năm tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tội Trốn thuế.

          - Ngày 25-26/5/2000, TAND Tối cao đã xử phúc thẩm tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, huỷ án sơ thẩm về tội trốn thuế để điều tra lạ
i.
          - Ngày 12/12/2003, VKSND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi về tội Trốn thuế.

          Với phán quyết trong bản án phúc thẩm của TAND Tối cao và Quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Thái Bình thì ông Phi là người đã bị TAND tỉnh Thái Bình xử lý hình sự oan và thuộc diện được bồi thường theo NQ 388. Đi đòi quyền lợi cho mình, từ giữa năm 2004, ông Lương Ngọc Phi đã nộp đơn yêu cầu bồi thường nhưng bị từ chối. Không bằng lòng, ông Phi liên tục kêu cứu và được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương vào cuộc để tìm cách giải quyết. Cuối cùng, cho đến tháng 5/2006, sau nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương, các cơ quan có trách nhiệm đã xác định rõ rằng TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan phải bồi thường thiệt hại cho ông Lương Ngọc Phi theo NQ 388.

           Như vậy, sau hơn 4 năm vất vả để được giải oan, ông Phi lại mất thêm 2 năm cho một hành trình tìm đầu mối có trách nhiệm bồi thường. Những tưởng hành trình gian khó kết thúc ở đó, việc còn lại chỉ là thương lượng bồi thường theo những quy định đã rõ ràng. Nhưng với trả lời mới đây của TAND tỉnh Thái Bình thì việc đòi bồi thường oan sai của ông Phi vẫn còn chìm trong giai đoạn gian khó nhất.

          Có thể nói, hành trình đi tìm công lý đã vô cùng gian khổ nhưng sau khi được giải oan, việc ông Phi đi đòi các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Bình bồi thường theo Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH11 (NQ 388) cũng gian nan không kém. Trong đơn yêu cầu gửi TAND tỉnh Thái Bình bồi thường theo NQ 388, ông Phi liệt kê 5 khoản lớn với tổng giá trị bằng tiền lên đến hơn 24 tỷ đồng. Kể từ khi nhận đơn trở lại (tháng 6/2006), việc tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Phi được TAND tỉnh Thái Bình thực hiện khá nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình thương lượng bồi thường cho ông Phi khiến người ta phải đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm và thái độ của cơ quan có nghĩa vụ giải quyết.

          Quá trình thương lượng giữa ông Phi và TAND tỉnh Thái Bình kéo dài trong nhiều tháng, qua 6 buổi làm việc. Hai bên đã thương lượng thành với 4 mục nhỏ mà theo đó TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi là số ngày bị giam oan (1066 ngày), số ngày bị tại ngoại (2030 ngày), số tiền thăm nom trong thời gian giam giữ và tiền thuê luật sư. Tổng số tiền của 4 mục này là hơn 163 triệu đồng.

          Tại Thông báo về việc thương lượng không thành số 581/2007/TA ngày 8/5/2007, TAND tỉnh Thái Bình chỉ công nhận hai khoản thương lượng không thành là tiền lương bị mất và tiền bồi dưỡng sức khoẻ trong thời gian bị giam giữ.  Một điều khó có thể tưởng tượng được là TAND tỉnh Thái Bình đã từ chối việc thương lượng về các khoản còn lại mà ông Phi yêu cầu. Lý do được đưa ra là UBTP (Uỷ ban thẩm phán TAND tỉnh Thái Bình - PV) cho chủ trương giải quyết "không thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan TAND tỉnh Thái Bình". Hơn nữa, TAND tỉnh Thái Bình còn cho rằng "phần tài sản mà ông Phi đòi bồi thường phải trải qua một quá trình điều tra phức tạp, trong khi đó NQ 388 không quy định cho việc điều tra… do vậy việc thương lượng trở lên khó khăn không thực hiện được".

          Thật lạ! NQ 388 quy định rõ rằng thiệt hại mà người bị oan được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng. Trong trường hợp này, TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Phi thì đương nhiên phải tiến hành thương lượng từng nội dung yêu cầu bồi thường về vật chất theo quy định. TAND tỉnh Thái Bình không thể chỉ trả lời đơn giản là "không thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan TAND tỉnh Thái Bình" mà không nêu căn cứ pháp lý nào. Cách từ chối này thực chất đã đẩy người bị oan đến chỗ không thể tìm ra đầu mối để thương lượng cho các yêu cầu bồi thường về vật chất, tài sản bị thiệt hại. Mặt khác, TAND tỉnh Thái Bình lại càng không thể đổ lỗi vì "NQ 388 không quy định cho việc điều tra… do vậy việc thương lượng trở lên khó khăn không thực hiện được". Tóm lại, lý do mà TAND tỉnh Thái Bình đưa ra là không thuyết phục và chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình trong giải quyết bồi thường cho người bị oan.

          Một vấn đề nữa được đặt ra là, theo quy định của NQ 388 thì trong trường hợp thương lượng không thành như thế này, ông Phi có quyền yêu cầu TAND Thành phố Thái Bình giải quyết. Nếu không đồng ý với phán quyết sơ thẩm của TAND Thành phố Thái Bình, ông Phi và TAND tỉnh Thái Bình đều có quyền kháng cáo để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Nhưng ngặt một lỗi, chính TAND tỉnh Thái Bình lại là cơ quan có thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Phải chăng chỉ đạo và trả lời trên đây của TAND tỉnh Thái Bình là một "phán quyết" rằng: Toàn bộ thiệt hại về tài sản mà ông Phi phải gánh chịu sẽ vĩnh viễn không bao giờ được giải quyết?

Nguyễn Tuấn Khanh

Các văn bản liên quan