Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế và Dự thảo thông tư cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Thứ Tư 15:31 13-06-2007
Ngày 08/06/2007, tại thành phố Đà Nẵng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng ( VCCI-ĐN) tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế và Dự thảo thông tư cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. 
 
Sau đây là tổng hợp ý kiến các đại biểu tham dự hội nghị :

I/ Tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị:

Các đại biểu tham dự đánh giá: các dự thảo thông tư ban hành đã cụ thể các luật, văn bản dưới luật của pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính thuế, góp phần đưa các chủ trương chính sách pháp luật vào đới sống và có tính đến thực tiễn hoạt động SXKD của doanh nghiệp…Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị nên bổ sung, sửa đổi một số điểm như sau:

1.1 Góp ý chung:
* Về mặt hình thức:
- Dự thảo thông tư có một số điểm cần hoàn thiện, ví dụ cụ thể một vài điểm ở trang 1 của các dự thảo thông tư này như: tiêu đề bộ “ Bộ Tài chính“,  “ Hà nội, ngày   tháng   năm“, “Hưóng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế” phải in đậm; các căn cứ không nên có gạch “-“ ở đầu dòng; Thông tư thì không nên trình bày theo bố cục: chương I, chương II… mà là đi thẳng vào hướng dẫn theo bố cục I,II…cho phù hợp với hướng dẫn của thông tư liên tịch 55/2005/TT của bộ Nội vụ và Văn Phòng chính phủ về việc hướng dẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.
-  Dự thảo Thông tư diễn giải dài, một số điểm khó hiểu, trình bày chưa rõ; 
- Dự thảo thông tư cần tuân thủ, bám sát các hướng dẫn của Nghị định 161/2005/NĐ-CP, ngày 27/12/2005 của Chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”: Những gì luật đã nêu, nghị định đã nêu thì thôi nêu lại ở thông tư. Cụ thể:  Dự thảo thông tư hướng dẫn cưởng chế thi hành  quyết định hành chính về thuế lập lại những nội dung mà Nghị định 37/2005/NĐCP, ngày 18/03/2005 về Quy định thủ tục áp dụng các biện  pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đã quy định khá rõ, thông tư chỉ nên nêu những gì mà nghi định này chưa nêu.
- Về vị trí các văn bản căn cứ: đưa căn cứ “ Nghị định 77/2003/NNĐ-CP…” lên trên “ Nghị định số    /2007/NĐ-CP…”.

* Về mặt nội dung:

- Nên xây dựng khung phạt theo hướng giảm nhẹ hơn mức phạt với hành vi vi phạm thủ tục thuế và chỉ phạt nặng với hành vi trốn thuế so với mức phạt được quy định ở dự thảo thông tư này, vì nước ta là nước có trình độ phát triển chưa cao, trình độ quản lý còn thấp và hầu hết các doanh nghiệp nước ta là các DNNVV nên việc vi phạm thủ tục thuế là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ doanh nghiệp nào.
 - Nên xem xét đưa “ cố ý”  và ” vô ý“ vào các chế tài của thông tư cho phù hợp và khung phạt được xây dựng theo hướng giảm nhẹ hơn đối với hành vi được coi là vi phạm do lỗi vô ý được quy định ở dự thảo thông tư này.
- Hình thức và mức phạt chỉ có luật và nghị định quy định, thông tư nên quy định “ …phạt từ…đến…”.
- Do thông tư quy định các chế tài đối với người nộp thuế thì quy định khá chi tiết ( nhất là về thời gian chấp hành, thời hiệu…) trong khi quy định chế tài đối với cán bộ của cơ quan quản lý thuế vi phạm thì chung chung nên tạo nên tâm lý không bình đẳng giữa người nộp thuế và cán bộ của cơ quan quản lý thuế trong thực thi các thông tư này.

1.2/ Góp ý cụ thể:  

1.2.1/ Góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế:
          -  Phần I, mục II, khoản 7: không nên xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với người dưới 16 tuổi. Vì ở tuổi này thì chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm pháp luật về thuế mà mình gây ra.
          -  Phần I, mục II, khoản 8, tiết d : Quy định ở tiết này là không cần thiết, nên bỏ. Vì thực tế hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong những tình thế cấp cấp thiết như các vi phạm khác.
          -  Phần I, mục III, khoản 2: đề nghị bổ sung “hiểu chưa đúng về chính sách pháp luật về thuế” vào tình tiết giảm nhẹ. Thực tế doanh nghiệp thường gặp các lỗi này, có nhiều trường hợp quy phạm pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng không phải lúc nào cũng dễ hiểu đối với doanh nghiệp, thậm chí ngay cả cơ quan quản lý…Do vậy, trường hợp doanh nghiệp mặc dù không cố tình nhưng do nhầm lẫn, hiểu không đúng dẫn đến vi phạm pháp luật thuế không phải là hiếm.
          -  Phần I, mục IV, khoản 1: Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế:  đối với hành vi phạm thủ tục về thuế, thời hiệu xử phạt là 02 năm, đối với hành vi trốn thuế là 5 năm. Theo doanh nghiệp như thế là quá dài và đề nghị rút ngắn xuống 1 năm và 2 năm với hai hành vi trên. Theo doanh nghiệp rút ngắn thời hạn này sẽ tăng cường trách nhiệm đối với cán bộ thuế, cơ quan thuế đối với công tác thu thuế. Nếu kéo thời hiệu dài này dễ dẫn đến trình trạng cán bộ thuế, cơ quan thuế sẽ không tích cực trong công tác nhằm đôn đốc, thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu…mà chỉ tập trung vào việc xử phạt.
          Bỏ vi phạm “hành vi chậm nộp tiền thuế“ ở 1b vì chỉ cần chậm nộp tiền thuế 90 ngày thì đã bị coi là trốn thuế rồi, sao còn đến 5 năm được.
-  Phần I, mục IV, khoản 3 ( trang 5): có quy định về thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành vi phạm pháp luật về thuế “…cá nhân, tổ chức kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không có hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong cùng lĩnh vực trước đây đã bị xử phạt thì được coi như chưa bị xử  phạt vi phạm pháp luật về hành vi đó”.Cụm từ “ cùng lĩnh vực”  rất trừu tượng, chung chung dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau nên trong thực thi sẽ không tránh khỏi sự không thống nhất cách hiểu giữa cơ quan quản lý thuế với người nộp thuế là. nên không thuận lợi cho thực thi. Nên quy định lại  “…cá nhân, tổ chức kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt màkhông tái vi phạm hành vi vi phạmtrước đây trước đây đã bị xử phạt thì được coi như chưa bị xử  phạt vi phạm pháp luật về hành vi đó”  thì rõ ràng hơn và có cơ sở tham chiếu hơn ( các hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được nêu khá chi tiết ở phần 1, mục 1, khoản 3 của dự thảo thông tư này).
-  Phần I, mục V, khoản 1, tiết 1.2 ( trang 6): có quy định về việc tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Nên cân nhắc và áp dụng hình phạt này vì đây là phạt vi phạm hành chính. Cần làm rõ vai trò của phương tiện đó trong hành vi vi phạm pháp luật về thuế, phương tiện người vi phạm có sử dụng chủ yếu cho hành vi vi phạm pháp luật về thuế hay không? hay phương tiện đó chỉ dùng nhiều mục đích, việc sử dụng phương tiện đó trong vi phạm pháp luật về thuế chỉ là thứ yếu, tịch thu phương tiện có phải là biện pháp hữu hiệu để nhằm ngăn ngừa tái phạm hay không?…Nếu không quy định rõ thì dễ xảy ra trình trạng người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện, tang vật một cách tuỳ tiện, cảm tính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
- Phần II, khoản 1, tiết 1.5.3 ( trang 9) về vi phạm chế độ hoá đơn chứng từ đối với hàng hoá vận chuyển trên đường bị xử phạt: nên tăng thời gian người nộp thuế phải cung cấp hoá đơn chứng từ: ở  a/ từ 12 h- 24 h; ở tiết b/ 24h-36h; ở tiết c/sau 36 h, nhằm tạo cho việc luân chuyển hàng hoá, vì thực tế do nhiều lý do người bán đã giao hàng nhưng chưa kịp giao hoá đơn cho người mua không phải là hiếm. và cũng tạo điều kiện cho người mua khắc phục lỗi không cố ý này ( thực tế gởi công văn, chứng từ từ các tỉnh, thành này đến các tỉnh, thành kia bằng đường bưu điện và chọn hình thức nhanh nhất thì cũng mất 24h, do vậy việc quy định thời gian 12h là quá ngắn.
 Để thuận lợi hơn, cơ quan quản lý thuế nên chấp nhận cho người vi phạm xuất trình trước bằng Fax của hoá đơn, chứng từ trước và xuất trình bản chính sau.
-  Phần  II, tiết 2.1, b: quá khó hiểu, phải chăng đây là hành vi không bị xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế.
-  Phần II, khoản 2, tiết 2.4:quy định thời gian thông báo của cơ quan thuế với người nộp thuế về việc chậm  nộp tiền thuế, tiền phạt chạm nộp trong thời hạn 30 ngày là quá dài, nên rút ngắn còn 15 ngày, qua đây giúp tăng cường công tác giám sát, đôn đốc của cơ quan thuế, góp phần giảm thiểu số tiền phạt mà doanh nghiệp phải đóng.
- Phần II, khoản 3, tiết 3.3: thông tư cần làm rõ hơn ở tiết này nếu không rất dễ hiểu sai trong thực thi: 
     + Không phạt chậm nộp tiền thuế với đối với hanh vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp ( vì lỗi vi phạm này đã bị phạt 10% và không cố tình  )
     + Chỉ xử phạt chậm nộp tiền thuế đối với lỗi này khi người vi phạm châm nộp tiền thuế thiếu, tiền phạt sau thời hạn ghi trên quyết định xử phạt.
Để rõ hơn nên quy định lại tiết 3.3 quy định lại như sau: “ Cơ quan thuế xác định số tiền thuế thiếu, số tiền phạt; số ngày, số tiền phạt chậm nộp thuế thiếu, tiền phạt nếu đối tượng vi phạm chậm nộp sau thời hạn ghi trên quyết định xử phạt và ra quyết định xử phạt”
- Phần II, khoản 4, tiết 4.1 ( i,h) ( trang 12):
     Ở tiểu tiết h, i nên gộp và viết lại “ Không ghi chép trong sổ sách kế toán và không xuất hoá đơn các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp hoặc ghi giá trị trên hoá đơn trên hàng hoá bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán của hàng hoá, dịch vụ đã bán ra” . 
     Nếu để nguyên như tiểu tiết h, i thì e rằng mức phát là quá nặng. Vì nếu hành vi có xuất hoá đơn đúng giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra mà không ghi chép các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp và ngược lại, về mặt bản chất không phải là hành vi trốn thuế mà chỉ là vô ý, vì nếu đã cố tình trốn thuế thì người nộp thuế phải vừa không xuất hoá đơn vừa không ghi chép các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp. Nếu chỉ thực hiện 1 trong hai việc này thì việc phát hiện số tiền thuế phải nộp không phải là vấn đề quá khó đối với cơ quan thuế và người nộp thuế  ý thức được việc này. 
    Qua đây, cũng nên bổ sung hành vi có xuất hoá đơn đúng giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra mà không ghi chép các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp và ngược lại bổ sung vào khoản 3 ( Xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn) và có cùng mức phạt với các hành vi khác được nêu tại khoản 3 của dự thảo thông tư này.
- Đối với các trường hợp sử dụng hoá đơn chứng từ ở khoản 4 ( tiết c, k,i,c) thì nên thêm cụm từ “cố ý“ có tính nhấn mạnh, góp phần tạo tâm lý khách quan hơn ở cán bộ , cơ quan quản lý thuế trong xử lý các vi phạm này. Trong thực tế việc phân biệt hoá đơn, chứng từ hợp pháp, bất hợp pháp không phải là dễ. 
- Phần III, mục II, tiết 5: Không rõ hành vi vi phạm pháp luật về thuế của công chức thuế khi bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế có liên quan gì đến vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
    
1.2.1/ Góp ý Dự thảo thông tư cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:
- Về tên gọi của Dự thảo thông tư “ Hướng dẫn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế “ nên đổi lại là Thông tư “ Hướng dẫn cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế “ thì sẽ chặc chẽ, đầy đủ nghĩa.
- Thay từ “ cụ thể” trong phần mở đầu bằng “ việc cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thuế”.
- Chương I, mục I, tiết 2 ( Phạm vi, đối tượng áp dụng):  Sau cụm từ “ Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quyết định xử phạt hành chính thuế”  nên  bổ sung thêm cum từ “nếu không tư nguyện chấp hành ”  thì sẽ đầy đủ và chặc chẽ hơn, vì về nguyên tắc bất cứ tổ chức cá nhân nào chỉ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt khi họ không tự nguyện chấp hành.
- Chương I, mục I, tiết 3: đề nghị bỏ vì không cần thiết.
- Chương I, mục IV ( Thẩm quyền quyết định cưỡng chế ) : Thông tư nên nêu quy định chi tiết, cụ thể hơn và làm rõ hơn so với nghị định ở dòng “ thủ trưởng các cưo quan thuế các cấp”.
- Chương I, mục IV ( xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế ): Thông tư không nên lập lại phần này của Nghị định 37/2005/NĐCP, ngày 18/03/2005 về “ Quy định thủ tục áp dụng các biện  pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính” vì nghi định này quy định khá rõ rồi.
- Trong cụm từ “Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cần căn cứ vào hợp đồng mua bán...” Không nên dùng từ “cần” mà phải thay bằng từ “phải"  cho đúng với tính chất của quy phạm pháp luật, đã là quy phạm pháp luật là phải bắt buộc chấp hành, chứ không thể dùng từ cần” có tính chất chọn lựa, thực hiện hay không thực hiện.
- Chương II, mục A“Cưỡng chế bằng biện pháp trích“:
+ Thay toàn bộ từ “trích “ bằng cụm từ “khấu trừ” cho thống nhất với các quy phạm pháp luật khác, và thống nhất với dự thảo thông tư này ( trong thông tư có lúc dùng từ “ trích” có lúc dùng “ khấu trừ” không thống nhất ). 
+ Thống nhất cách dùng cụm từ “ Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác” trong toàn bộ thông tư để thông tư rõ ràng, lô gích…hơn. Trong thông tư lập đi lập lại nhiều lần cụm từ đề cập đến các chủ thể này nhưng trật tự không thống nhất, đồng nhất về từ. 
- Chương II, mục A, điểm II: “Xác minh thông tin tài khoản đối tượng bị cưỡng chế “ không liên quan gì đến nội dung bên dưới đề nghị đổi tiêu đề này. 
- Chương II, mục A, điểm II, tiết 3: bỏ “ các cá nhân tổ chức bị cưỡng chế”  vì đã quy định ở tiết 2, điểm II này rồi.
- Chương II, mục A, điểm IV, tiết 2 “ Tiến hành phong toả ngaycác tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế...”: Có nhất thiết phải phong toả “ các “ đồng nghĩa “ tất cả” các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế hay không. Trong thực tế thì một doanh nghiệp có thể có nhiều tài khoản và chỉ cần phong toả 1 hoặc vài tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thì số dư trên tài khoản cững đủ đảm bảo thi hành quyết định cưỡng chế rồi. Nên quy định rõ hơn, cụ thể hơn và chỉ nên quy định phong toả tài khoản mà số dư TK đủ để đảm bảo thi hành quyết định cưỡng chế, còn các tài khoản còn lại thì vẫn cho hoạt động bình thường nhằm tạo thuận lợi hoạt động cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc phong toả ngay là chưa phù hợp với Nghị định 37/2005/NĐCP, ngày 18/03/2005 về Quy định thủ tục áp dụng các biện  pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính ( Nghị định này quy định thời hạn 5 ngày ).
          - Mục B, điểm I, tiết 1: Quy định “...hợp đồng có thời hạn 3 tháng trở lên ...”  là chưa phù hợp với Nghị định 37/2005/NĐCP, ngày 18/03/2005 về Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính (Nghị định này quy định hợp đồng có thời hạn từ 6 tháng trở lên ).  Đề nghị sửa lại là 6 tháng.
          - Mục C, điểm II, tiết 1.4: có dùng cụm từ  “ đảm bảo thi hành án” là không phù hợp và hình sự hoá, vì đây là cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.
          - Mục D, điểm III, tiết 4.1: Đưa đối tượng là chủ tịch HĐQT là đối tượng bị cưỡng chế từ bên thứ 3 là không phù hợp với Luật doanh nghiệp, Luật phá sản. Chủ tịch HĐQT trong công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với phần vốn mà mình góp, đại diện, đã mua cổ phần thôi. Đề nghị sửa lại “ thì vẫn kê biên tài sản để đảm bảo thu đủ tiền nợ thuế, tiền phạt”
           - Mục D, điểm III, tiết 4.2: Nên làm rõ hơn và xem lại tính phù hợp của quy phạm này với các luật doanh nghiệp, luật phá sản…
          - Tại mục C : sao không có V mà chỉ có I,II,II,IV,VI...
          - Tại mục D, điểm I, tiết 1: Thay từ “ đã “ bằng “ không thể”. Ví dụ: không thể khấu trừ vì tài khảon hết số dư hoặc không thể kê biên tài sản vì không còn tài sản.

Các văn bản liên quan