Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.

Chủ Nhật 09:04 25-03-2007

Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội

Thưa Quốc hội.
Xin phép Quốc hội cho bắt đầu chương trình làm việc chiều nay.

Thưa Quốc hội, nội dung Quốc hội thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và các báo cáo của các cơ quan Quốc hội đến hết buổi sáng nay thì không còn có ý kiến đăng ký phát biểu. Theo ý kiến của Quốc hội chúng ta đã rút được một ngày, tinh thần còn buổi chiều nay và sáng mai. Quốc hội đã cho phép chúng ta đôn chương trình lên và theo chương trình đã được đôn lên thì chiều nay và sáng mai Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận góp ý kiến về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bây giờ chúng tôi xin mời ông Vũ Đức Khiển - Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được sự phân công của Thường vụ Quốc hội trình với Quốc hội Báo cáo tiếp thu giải trình nêu trên.

Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật
Đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
(Có văn bản)

Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội
Thưa Quốc hội.
Báo cáo với Quốc hội, Báo cáo giải trình cũng viết khá dài và trình đầy đủ với Quốc hội, tựu trung lại báo cáo với Quốc hội những vấn đề đặt ra thì rất nhiều. Nhưng quả thực xung quanh tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ý kiến đề xuất sửa đổi các nội dung rất nhiều. Nhưng báo cáo với Quốc hội mặc dù qua rất nhiều lần thảo luận tranh luận thì ý kiến vẫn còn rất khác nhau.

Thời gian còn lại nó quá ít, vì vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình với Quốc hội tại kỳ họp này xin Quốc hội cho phép trình, để Quốc hội thông qua những vấn đề mà đã nhất trí cao. Cụ thể là 6 điều, 4 điều liên quan đến việc thành lập mới 4 Uỷ ban là Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban tư pháp, Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban tài chính ngân sách. Còn hai điều, một điều nói về số lượng, tên các Uỷ ban và một điều nói về phối hợp của các Uỷ ban và Hội đồng đối với Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban tư pháp.
Xin báo cáo với Quốc hội về Tờ trình báo cáo tiếp thu giải trình như vậy. Bây giờ xin Quốc hội cho ý kiến.

Chúng tôi xin mời đại biểu Trần Tiến Cảnh đoàn Hà Nam phát biểu.

Trần Tiến Cảnh - Tỉnh Hà Nam
Kính thưa Chủ toạ kỳ họp.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.
Tôi xin phát biểu một số vấn đề về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như sau. Tôi xin phát biểu 5 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi sửa đổi.
Vấn đề thứ hai, về tổ chức.
Vấn đề thứ ba, vấn đề về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Vấn đề thứ tư, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Vấn đề thứ năm, vị trí, vai trò của thường trực Hội đồng dân tộc, thường trực các uỷ ban của Quốc hội.

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi của luật, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là cần thiết, luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện. Vì thực sự trong quá trình hoạt động đã xuất hiện thêm nhiều công việc mới. Riêng về tổ chức, không chỉ tách một số uỷ ban mà cần thành lập một số uỷ ban nữa để phù hợp với nhiệm vụ trong những năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế có thực hiện được hay không thì phải có điều kiện, có thời gian chuẩn bị, có sự tổng kết để đảm bảo sửa đổi, bổ sung cho chuẩn xác. Do vậy, tôi tán thành với phương án của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này, chỉ tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết mà hoạt động thực tế đòi hỏi. Các nội dung khác sẽ được sửa đổi, bổ sung sau cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật về Tổ chức bộ máy Nhà nước.

Vấn đề thứ hai là vấn đề tổ chức, tôi nhất trí với việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập 4 Uỷ ban trên cơ sở tách hai Uỷ ban là Uỷ ban pháp luật và Uỷ ban kinh tế và ngân sách. Cùng với việc thành lập 4 Uỷ ban mới, tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên nghiên cứu thành lập Uỷ ban dân nguyện của Quốc hội, trên cơ sở kiện toàn tổ chức Ban dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì hiện nay công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri rất bức xúc và cần thiết.

Nếu cho rằng không nên thành lập Uỷ ban dân nguyện, vì sẽ bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này với cơ quan khác của Quốc hội. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội đều đã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo tôi chưa thật sự thoả đáng. Lý do là ở các cơ quan Nhà nước đều có trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực mình phụ trách. Nhưng chúng ta cần là phải có một cơ quan đầu não để tập trung đầu mối tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, thu thập ý kiến nguyện vọng của nhân dân, tránh tình trạng đơn thư chuyển qua chuyển lại nhiều lần, trong khi người dân thì chờ đợi và vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết còn rất chậm.

Vấn đề thứ ba, về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn Điều 12. Đây là vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chưa được thực hiện, trong Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc chưa được thực hiện là do cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho thiết thực hơn, dễ thực hiện hơn, đồng thời cần có nhận thức thống nhất và phải làm tốt công tác tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng Hiến pháp và luật đã quy định thì chúng ta nghiên cứu để tổ chức thực hiện, không để luật chỉ dừng lại ở chỗ ghi lại quy định của Hiến pháp. Nếu thực hiện tốt quy định này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Biết là chúng ta không phải không muốn thực hiện, nhưng với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội Điều 12 hiện hành thì việc thực hiện được rất khó. Do vậy, tôi đề nghị phải sửa Luật theo hướng việc bỏ phiếu tín nhiệm là phải thường xuyên và bình thường của Quốc hội, không phải chỉ khi có vấn đề mới bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng tôi đề nghị sửa lại Điều 12 là Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để khi thực hiện Luật có tính khả thi.

Vấn đề thứ tư, về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là hết sức cần thiết để đáp ứng khối lượng công việc như hiện nay cũng như tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phụ thuộc vào nhiệm vụ trong từng giai đoạn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như các điều kiện để bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Vì vậy quy định như trong Điều 45 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% trong tổng số đại biểu Quốc hội là phù hợp, không làm hạn chế việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, nên không cần sửa đổi bổ sung Điều 45.

Vấn đề thứ 5, về vị trí vai trò của thường trực Hội đồng dân tộc, thường trực ủy ban của Quốc hội. Thực tế hiện nay chưa cơ cấu các thành viên ở Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đều là các đại biểu chuyên trách thì việc tồn tại bộ phận thường trực để tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng, của Ủy ban là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu luật hóa vai trò của bộ phận thường trực hội đồng sẽ sinh ra cơ quan trong cơ quan, như Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ thì chúng tôi thấy hoàn toàn đúng và sẽ làm yếu đi nguyên tắc làm việc tập thể của Hội đồng của Ủy ban. Vì vậy tôi đồng ý với phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa nên luật hóa vị trí, vai trò của thường trực Hội đồng dân tộc, thường trực các Ủy ban của Quốc hội mà để tiếp tục thực hiện theo quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội
Xin cảm ơn đại biểu.
Xin kính mời các vị đại biểu đăng ký phát biểu.
Xin mời đại biểu Nguyễn Đình Lộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đình Lộc - Thành phố Hồ Chí Minh
Kính thưa Đoàn Chủ tịch.
Kính thưa tất cả các đồng chí đại biểu.

Phải nói rằng việc hôm nay thảo luận như thế này mà chỉ có một đại biểu đăng ký, chứng tỏ tình hình không bình thường của việc thông qua luật này. Đây là lần thứ ba mà Quốc hội chúng ta xem xét luật này, điều mà tôi thú thật cảm thấy nó không bình thường ở chỗ rất nhiều ý kiến tham gia nhưng trước sau vẫn kiên trì việc sửa đổi bằng cách tách và lập hai Uỷ ban mới. Còn những vấn đề khác lấy lý do vì ý kiến thế này, ý kiến thế kia còn chưa thống nhất, rồi chúng ta không xem xét. Nhưng xin thưa bản thân hai việc tách này cũng không phải là thống nhất, bản thân việc này cũng chưa thống nhất. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu làm như thế này thì có thoả mãn không? Tuy nhiên ở đời chúng ta cũng nói với nhau rằng "quá tam ba bận". Đến lần thứ ba rồi mà còn khó dễ với nhau thì nó không tiện, cho nên về cơ bản tôi ủng hộ, thôi thì cứ thông qua.

Tuy nhiên như tôi đã phát biểu một vài lần trước đây rằng để thành lập Uỷ ban tư pháp cần phải xác định chức năng của nó cho rõ và nội dung của những vấn đề ở đây thì là chưa rõ. Với những quy định của chúng ta về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp có liên quan đến hoạt động tư pháp, mà hoạt động tư pháp được quán triệt bởi nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án.
Hai là như chúng tôi đã phát biểu vài lần ở những kỳ họp trước là có những việc xem xét lại những bản án đã có hiệu lực, trong lúc đó Điều 136 của Hiến pháp nói rằng "các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng và những đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành". Việc chúng ta xem xét lại những bản án đã có hiệu lực pháp luật, những bản án đã qua giám đốc thẩm, đã qua án định của Hội đồng thẩm phán đã có hiệu lực pháp luật thì có thuộc diện chúng ta giám sát ở đây hay không? Điều đó chúng tôi thấy chưa được phát biểu. Nhân đây chúng tôi cũng xin thể hiện điều băn khoăn, một băn khoăn thực sự, không đơn thuần về mặt pháp lý, cả về chính trị, về đối ngoại nữa. Xin thưa, những nguyên tắc đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật qua giám đốc thẩm phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, đó là một chế định phổ biến của thế giới hiện nay, nó gắn bó một cách mật thiết, một nguyên tắc độc lập xét xử. Tuy nhiên, ở đây chúng ta nói một cách lơ lửng, cũng không rõ như thế nào, rồi đây, tôi xin thưa những hoạt động kinh tế, giải quyết những tranh chấp về kinh tế hiện nay, thương mại hiện nay không đơn thuần là những vấn đề nội bộ Việt Nam chúng ta với nhau, mà có yếu tố nước ngoài hết sức quan trọng, vì hoạt động kinh tế nước ngoài ở Việt Nam chúng ta bây giờ trở thành một bộ phận, một thành phần kinh tế không thể thiếu được của nền kinh tế quốc dân. Ở đây, đòi hỏi sự áp dụng một cách phổ biến những nguyên tắc chung của thế giới, trong lúc đó chúng ta đưa ra một nguyên tắc nó lơ lửng thế này, rồi đây vận dụng sẽ như thế nào. Nếu như có một bản án nào có hiệu lực pháp luật liên quan đến một doanh nhân nước ngoài, người ta yêu cầu thiết tha chúng ta phải bằng hình thức nào không tôn trọng Điều 136, thì thế nào. Còn trong trường hợp có hiệu lực pháp luật, lại có lợi cho họ, yêu cầu phải được tôn trọng nguyên tắc chung phổ biến của thế giới rằng bản án có hiệu lực thì phải thi hành, họ rất phản đối việc chúng ta lại đưa ra theo trình tự giám đốc thẩm là trình tự giám sát của Quốc hội, cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước là điều không có ở các nước. Chính chúng ta trong trường hợp đó tự đặt mình vào khó khăn, điều chúng tôi đã nói vài lần trước đây cũng thú thật là việc này đã được đề cập ngay từ thời đồng chí Phùng Văn Tửu, chúng tôi đã phát biểu với đồng chí Phùng Văn Tửu một vài lần, nhưng chưa được tính đến. Cụ thể là tại sao các cơ quan giám sát chúng ta phải chờ bản án có hiệu lực, qua tất cả các cấp xét xử rồi mới đi vào giám sát. Người dân khi đã bị xét xử oan người ta khiếu nại từ khâu sơ thẩm, từ khâu phúc thẩm, Giám đốc thẩm, nhưng chúng ta dửng dưng với nó hoặc bỏ qua nó, để khi bản án có hiệu lực thì lúc đó chúng ta mới đi vào và nói chúng tôi phát hiện ra một vấn đề rất lớn, rằng các anh làm sai pháp luật. Những chỗ này mà chúng ta không giải quyết với nhau một cách rõ ràng thì rồi đây chính chúng ta tự đặt mình vào khó khăn mà ở tầm quốc gia. Vì người ta cũng khiếu nại lên Quốc hội, lên những cơ quan cao nhất của chúng ta. Cho nên, chúng tôi xin lưu ý xem đây không phải là vấn đề thuần túy pháp lý và không đơn thuần là vấn đề nội bộ Việt Nam chúng ta, mà ta phải tính đến yếu tố nước ngoài, yếu tố chính trị ở đây. Chúng ta không nên tự đặt mình vào hoàn cảnh gây khó cho mình để rồi trách móc chỗ này, chỗ kia và cuối cùng sự thật cũng làm sáng tỏ và chân lý thuộc về chúng ta. Đấy là điều chúng tôi băn khoăn nhất, cho nên chúng tôi yêu cầu phải làm sáng tỏ nội dung, chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban tư pháp, phải làm rõ ràng, phải rạch ròi những bản án nào có hiệu lực pháp luật, nhất là những bản án đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán, chúng ta phải răm rắp làm theo. Đó là nguyên tắc phổ biến của thế giới, không chỉ ở thời kỳ hiện đại này, mà từ thời La Mã mấy nghìn năm rồi. Cho nên chúng tôi thiết tha, rất mong muốn Quốc hội cân nhắc kỹ chỗ này. Thật ra còn một số vấn đề nữa xin phát biểu, nhưng có lẽ điều gút lớn nhất hiện nay chính là ở đây.

Chúng tôi xin nhắc lại ý rất quan trọng là Điều 136 của Hiến pháp là một nguyên tắc hiến định mà những đạo luật bao giờ cũng phải ở dưới Hiến pháp, không được vượt lên trên Hiến pháp, hoặc đặt Hiến pháp ra bên ngoài. Đó là điều thiết tha chúng tôi xin đề nghị xem xét. Tôi xin hết.

Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội
Cảm ơn đại biểu. Xin mời các đại biểu khác.
Thưa các vị đại biểu, về ý kiến của đại biểu Trần Tiến Cảnh và đại biểu Nguyễn Đình Lộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức việc nghiên cứu để có báo cáo tiếp thu giải trình trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chúng tôi xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm dự án luật này, tuy nó có 6 điều nhưng quả thực nó cũng rất khó, nhất là chức năng, nhiệm vụ các Uỷ ban. Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội có thể góp ý trực tiếp vào nội dung từng điều nên như thế nào và gửi lại Thường vụ Quốc hội chúng tôi. Tuy rằng có 2 ý kiến phát biểu ở Hội trường nhưng chúng tôi tin rằng nếu các vị đại biểu Quốc hội thật quan tâm thì sẽ có được nhiều ý kiến nữa các vị sửa trực tiếp vào dự thảo cho Thường vụ Quốc hội chúng tôi.

Riêng ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Lộc chúng tôi báo cáo thêm một ý như sau. Báo cáo đại biểu Quốc hội, ý này cũng có thể nói là ý tranh luận nhiều năm nay, nhưng theo thực tiễn hoạt động thế nào là giám sát tư pháp thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban pháp luật đều thực hiện theo các quy định của Hiến pháp và các luật hiện hành, tuyệt đối chúng ta không vượt ra ngoài các quy định của luật. Chỉ có điều rất đơn giản tức là có ý kiến đặt vấn đề giám sát tư pháp không được đụng đến bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhất là bản án đã qua giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Nhưng ý kiến thứ hai đặt vấn đề là nếu giám sát tư pháp theo quy định của Hiến pháp và của Luật Tổ chức viện kiểm sát, tổ chức tòa án nhân dân và tổ chức Quốc hội là giám sát hoạt động của Toà án nhân dân tối cao Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Chính phủ về hoạt động tư pháp, mà giám sát về hoạt động lại không được xem xét một số trường hợp cụ thể để qua đó mà tổng quát hóa lên đánh giá hoạt động của các cơ quan này thì rất khó. Chứ còn tuyệt đối việc giám sát không bao giờ được phán quyết thay tòa án hoặc các cơ quan tư pháp. Báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội là ý mà Thường vụ Quốc hội chúng tôi nhiều khóa nay kiên quyết duy trì ý đó. Nhưng ý kiến thứ hai thì đặt vấn đề là không được đụng đến bản án, nhất là bản án đã được Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao và giám đốc. Còn quá trình giải quyết án thì không ai hạn chế các ủy ban, kể cả việc bắt người, nếu có đơn khiếu nại thì các ủy ban, Ủy ban Pháp luật và Thường vụ Quốc hội vẫn có quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét xử lý theo thẩm quyền và báo cáo với Thường vụ hoặc Ủy ban.

Còn một ý này chúng tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội nhân còn thời gian là đối với bản án của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thì có được đụng đến không? Và nếu đụng đến quả thực nó có sai thì xử lý như thế nào? Báo cáo với Quốc hội hiện nay vấn đề này là vấn đề có thể nói ý kiến còn rất khác nhau, thực tiễn đòi hỏi dù rằng Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao đã xử rồi và đã hết thời hiệu rồi nhưng nhân dân khiếu nại quá gay gắt. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội cũng bám rất quyết liệt, địa phương kể cả cấp uỷ bám rất quyết liệt và có thể nói những vấn đề này là vấn đề Thường vụ chúng tôi cũng giao cho một số trường hợp điển hình tổ chức về giám sát để đánh giá xem hư thực thế nào, chứ tuyệt đối không có bàn lại bản án này là vì Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng trước tình hình đó để đánh giá thực chất hoạt động của cơ quan tư pháp mình thì mình tổ chức giám sát để xem hư thực nó như thế nào. Và trong một số trường hợp báo cáo với Quốc hội là chúng ta đã có giải pháp khác để đền bù cho những người đúng là bị oan, nhưng bản án đến lúc này không thể xem xét được. Thậm chí có những trường hợp bản án không giám đốc, nhưng thi hành án sai thì Thường vụ quyết định phải sửa cái sai của thi hành án, để đảm bảo quyền lợi của công dân. Báo cáo Quốc hội vấn đề này cũng hơi chuyên sâu và nhất là các nhà luật ý kiến còn rất khác nhau. Xin phép Quốc hội thế này, Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định cho Uỷ ban Pháp luật trước đây và Uỷ ban Tư pháp tới cũng sẽ quy định theo hướng là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hiến pháp và các quy định của pháp luật về tố tụng, cũng như pháp luật về tổ chức. Nhân đại biểu Nguyễn Đình Lộc nêu vấn đề này ra, vấn đề này rất hay thì chúng tôi cũng xin thưa với Quốc hội vấn đề này để Quốc hội nắm thêm. Chúng tôi cũng rất muốn các vị đại biểu Quốc hội có góp trực tiếp vào dự thảo cho chúng tôi để Thường vụ Quốc hội chúng tôi có hoàn thiện thêm để báo cáo với Quốc hội. Xin mời đại biểu Nguyễn Đình Lộc.

Nguyễn Đình Lộc - Thành phố Hồ Chí Minh
Tôi xin phép đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, xin tranh luận với đồng chí một chút.
Xin thưa rằng, trong thực tế chúng ta đã có một vài trường hợp, một vụ án là giám đốc thẩm rồi mà chúng ta xem xét rồi thấy nó sai và chúng ta đưa ra trình tự tái thẩm, nhưng xin thưa tái thẩm là một trường hợp rất đặc biệt trong tố tụng và chỉ được đặt ra trong trường hợp phát sinh những tình tiết mới, bản thân các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm chưa hề biết mới có thể tái thẩm được. Ta vừa rồi chính là vì trên thực tế trở lại những bản án sơ thẩm, những tình tiết đó được xem xét tại cấp sơ thẩm, bây giờ người ta phúc thẩm bác sơ thẩm, giám đốc thẩm tuân theo phúc thẩm vì thế dẫn đến sai lầm, như thế không phải là tình tiết mới, đó không thể là tái thẩm được. Vì vậy, lâu nay chúng ta làm một việc khiên cưỡng, bản thân chúng ta làm trái pháp luật. Xin thưa là vấn đề một bản án đã qua Hội đồng xét xử, chúng ta lại đòi làm lại thì ở đây không đơn thuần chỉ là bản án đó đúng hay sai mà chúng ta đặt lên độ tín nhiệm của cơ quan cao nhất mà Hiến pháp đã quy định rằng Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nó cao nhất vì nó được bảo đảm độ tin cậy nhất, nó phải được khẳng định trong lòng tin của người dân rằng đây là công lý của chế độ, đây là chân lý, nếu chúng ta bất kỳ một cái gì của Hội đồng thẩm phán cũng đưa xem xét lại thì như thế chúng ta làm vô hiệu hoá một thiết chế đã từng trải hàng nghìn năm nay, điều đó giá của nó hết sức lớn và nhiều khi chúng ta không tính đến. Cho nên, trong trường hợp đó tính những lợi ích tối cao của Đảng, của Nhà nước ở chỗ nào, của nhân dân ở đây là cái gì? Là độ tin của chế độ, là công lý của chế độ, mà biểu hiện là ở những quyết định của Toà án nhân dân tối cao. Nếu cơ quan đó không làm đúng thì chúng ta phải tìm cách loại đi, những người xứng đáng chứ không thể mỗi lần xét xử rồi đặt uy tín của Toà án nhân dân tối cao với một thiết chế nói chung của xã hội, trở thành một cái gì có thể xem xét lại. Đó là vấn đề không chỉ là uy tín của đồng chí Hiện, đồng chí Dương và đồng chí Phạm Hưng mà chính là của Quốc hội, của chế độ chúng ta, phải tính lợi ích trong trường hợp này, lợi ích nào cao hơn để đảm bảo độ tin cậy, độ tín nhiệm hay chúng ta đưa xem xét một cách dễ dãi.

Chúng tôi đã nói nhiều lần, mà trước đây có đồng chí Trần Đức Lương, chúng tôi cũng đã: "Công việc Nhà nước của Đảng phải đến mức độ nào đó là phải dừng, chứ không phải xét đi xét lại mãi được" Không phải tất cả bao giờ cũng đúng, nhưng có trường hợp chúng ta phải chấp nhận vì tối cao ở đây là độ tin cậy của cơ quan đó. Chúng tôi đã nói nhiều lần nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng là ý kiến của chúng tôi chỉ có thể nghe thôi, cho nên không tính đến. Chúng tôi xin nhắc lại, đây là độ tin cậy đối với cấp cao nhất trong xét xử, Hiến pháp đã khẳng định đó là một thiết chế hiến định rằng Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đừng động đến những quyết định của nó. Trong con mắt người dân, lòng tin của người dân hướng về nó, còn nó chưa đủ tin cậy chúng ta phải làm cho nó đủ tin cậy, để những người thực sự xứng đáng vào đấy, không phải đặt ra một người không xứng đáng rồi lại loại làm mất uy tín. Không phải mất uy tín của cá nhân mà mất uy tín của bản thân thiết chế đó là hết sức nguy hiểm. Tôi xin hết.

Nguyễn Văn An - Thành phố Đà Nẵng
Kính thưa Quốc hội!
Tôi xin phát biểu thêm với đại biểu Nguyễn Đình Lộc. Tôi thấy ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Lộc nêu cực kỳ quan trọng. Quốc hội ta cũng có thể có sai lầm, không phải Quốc hội là không có sai lầm. Toà án vẫn có thể có sai lầm và Chính phủ vẫn có thể có sai lầm. Đặt trường hợp như thế thì ta làm như thế nào? Cho nên tư tưởng tinh thần đại biểu Nguyễn Đình Lộc phát biểu là ở đây ta đã phân công, thống nhất nhưng là phân công, không ai làm thay ai được. Quốc hội không thể phán xét thay Toà án, Quốc hội cũng không thể điều hành thay Thủ tướng, thay Chính phủ. Cho nên người ta mới nói 3 cơ quan này cao nhất, thống nhất nhưng phân công, không phải thống nhất rồi ai đó lại trùm lên ai. Quốc hội cũng không trùm lên Toà án, Quốc hội không trùm lên Chính phủ mà mỗi cơ quan thì chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thì do Hiến pháp và pháp luật quy định. Cho nên, cụ thể thì tôi không nói thêm, nhưng tôi đề nghị với tinh thần đó thì chúng ta phải tôn trọng chức năng của các cơ quan đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, không thể lấy cơ quan này làm thay cơ quan kia. Nếu yếu thì ta phải làm cho cơ quan đó mạnh lên, nếu người đó làm không được ta thay người khác, chứ không phải tay nghề của người ta làm thay, nếu khi tay nghề của người ta làm thay thì sẽ rối tung hết. Tôi xin hết.

Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội
Có đại biểu nào phát biểu không? Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến các đại biểu để trong chỉnh lý dự thảo Luật cho chặt chẽ, tinh thần của Thường vụ cũng là như vậy.

Bây giờ báo cáo với Quốc hội về thời gian như vậy chúng ta đã rút được một số thời gian, cho nên Đoàn Chủ tịch chúng tôi xin đề nghị Quốc hội cho phép được thực hiện chương trình là chiều hôm nay và ngày mai (thứ bảy và chủ nhật) đề nghị Quốc hội nghỉ nghiên cứu tài liệu và sáng thứ hai xin đề nghị đầu giờ buổi sáng Quốc hội thảo luận ở Hội trường về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002 - 2007 của Chủ tịch nước và tiếp sau đó buổi chiều chúng ta đôn chương trình lên. Quốc hội cho phép như thế ạ.

Các văn bản liên quan