Tài chính – Ngân hàng

Thứ Ba 21:26 20-06-2006

Trước tình hình giá cả tăng nhanh, NHNN sẽ có những nỗ lực và quyết tâm kìm chế lạm phát trong năm nay, bắt đầu bằng việc tăng lãi suất cơ bản lên 0,45 điểm phần trăm vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên tình hình lạm phát trong quý 1 diễn biến thuận lợi (tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước), đã khiến NHNN giữ lãi suất ổn định và sẽ tiếp tục không thay đổi trong tháng 4.

Trong khi áp lực tăng lãi suất không cao thì áp lực mở cửa thị trường đang tăng lên cùng với việc chuẩn bị gia nhập WTO. Trong tháng 3, Chính phủ phê duyệt Nghị định 22, cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động tự do dưới mọi hình thức kể cả dưới dạng 100% vốn nước ngoài.

Theo luật mới, các ngân hàng trong và ngoài nước sẽ bắt đầu cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Tất cả các hạn chế về hoạt động của ngân hàng nước ngoài như huy động tín dụng VND, điểm giao dịch, và việc không cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được dỡ bỏ. Để được cấp giấy phép mở chi nhánh tại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài phải có ít nhất 20 tỷ USD tổng tài sản vào năm trước năm xin cấp giấy phép. Trường hợp thành lập ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, số tài sản tương ứng phải là 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài còn phải tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cũng như lộ trình các cam kết gia nhập WTO. Hiện nay, các quy định trong Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) vẫn là cam kết cao nhất liên quan tới lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng Mỹ chỉ được phép lập ngân hàng 100% vốn Mỹ từ năm 2010. Nếu các cam kết mới về WTO không cao hơn yêu cầu này, thì về nguyên tắc phải tới năm 2010, các ngân hàng nước ngoài mới được cấp phép lập ngân hàng 100% vốn FDI.

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng chọn việc thành lập ngân hàng con để thâm nhập thị trường. Nhiều ngân hàng nước ngoài sẽ tìm cách trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng trong nước nhằm khai thác lợi thế kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, quan hệ khách hàng và hệ thống phân phối đã có sẵn trong khi một ngân hàng mới phải tạo dựng mọi thứ từ đầu với chi phí không nhỏ. Ngược lại các ngân hàng trong nước cũng muốn hợp tác với các ngân hàng quốc tế lớn nhằm tăng khả năng quản lý, công nghệ và tiềm lực vốn.

Xu thế kết hợp ngân hàng trong và ngoài nước đang diễn ra mạnh mẽ. Tính tới tháng 3 năm 2006 đã có 4 ngân hàng trong nước bán 10% cổ phần cho các ngân hàng nổi tiếng nước ngoài. Gần đây nhất là VP Bank bán cổ phần cho OCBC của Singapore với 4,5 lần mệnh giá. Ngoài ra Ngân hàng Quân đội, NH Đông Á và Eximbank đều tuyên bố sẽ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán cổ phần giữa các ngân hàng sẽ được quản lý chặt hơn bởi các điều kiện mà Ngân hàng nhà nước đưa ra trong dự thảo Quy chế các tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam (sẽ có hiệu lực trong quý 3). Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc 500 ngân hàng hàng đầu thế giới được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng từ mức "ổn định" trở lên mới được xem xét mua cổ phần của ngân hàng trong nước. Ngoài ra, các tổ chức này phải có cam kết hỗ trợ các ngân hàng trong nước về tài chính, kỹ thuật và quản lý. Đồng thời các ngân hàng trong nước phải có vốn điều lệ là 500 tỷ VND, tình hình tài chính lành mạnh, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm tra và kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả.

Mặc dù lượng cổ phần tại các ngân hàng trong nước mà các đối tác nước ngoài nắm giữ vẫn bị hạn chế ở mức 30%, Chính phủ đang cân nhắc nâng lượng sở hữu của mỗi ngân hàng nước ngoài lên 20% so với mức 10% hiện nay. Động thái này nhằm nâng cao sự hiệu quả trong hợp tác giữa ngân hàng trong nước và các cổ đông chiến lược. Tất cả 4 ngân hàng quốc tế hiện đang nắm 10% cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam đều bày tỏ mong muốn nâng mức sở hữu của mình khi được Chính phủ cho phép.

Việc mở cửa lĩnh vực ngân hàng đang đi đôi với nỗ lực cải cách 5 ngân hàng nhà nước, hiện đang chiếm lĩnh 70% thị phần tín dụng. Theo kế hoạch của Chính phủ, trừ Ngân hàng Nông nghiệp các ngân hàng sẽ lần lượt được cổ phần hoá từ nay đến năm 2009. Hiện tại ba ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, Ngân hàng phát triển nhà ở đồng bằng sông Cửu Long, đều đang chuẩn bị cho cổ phần hoá gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán dự tính trong năm 2007 (Vietcombank và BIDV có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Singapore).

Ngoài ra, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng quốc doanh, NHNN đã xin ý kiến Thủ tướng về việc yêu cầu các ngân hàng này phải công khai báo cáo tài chính và dự định sẽ ban hành quy định về vấn đề này trong quý 2. Việc công khai báo cáo tài chính đã áp dụng đối với khối ngân hàng cổ phần từ năm 2004 và việc đưa ra yêu cầu tương tự đối với khối quốc doanh là một nỗ lực đẩy mạnh tiến độ cải cách và cơ cấu hệ thống ngân hàng, xoá bỏ sự các phân biệt đối xử giữa các thành phần.

Tuy nhiên, quyết định công khai tài chính sẽ không gây xáo trộn nhiều trong hoạt động của các ngân hàng quốc doanh vì tình hình kinh doanh đang rất khả quan. Tăng trưởng tín dụng của khối này luôn ở mức 20%. Tỷ lệ an toàn vốn dao động trong khoảng 4 - 6% (tỷ lệ của Vietcombank lên tới 8%). Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức khá thấp, khoảng 7,7% theo số liệu của NHNN.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng tỷ lệ nợ xấu có nguy cơ gia tăng do rủi ro trong thị trường bất động sản. Ước tính dư nợ cho vay mua sắm nhà ở và kinh doanh bất động sản đang ở mức 50.000 tỷ VND, chiếm 10% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế (mua sắm nhà ở chiếm 50%). Trong đó 80% dư nợ có thời hạn cho vay từ 1-5 năm, 20% còn lại có thời hạn trên 5 năm. Tuy nợ xấu trong cho vay bất động sản hiện tại ở mức thấp, chiếm khoảng 2%, tỷ lệ này có nguy cơ gia tăng nếu thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng khi các khoản vay đến thời kỳ trả nợ. Theo một chuyên gia Viện khoa học Tài chính, tại TP HCM, tỷ lệ nợ xấu cho vay BĐS của các ngân hàng năm 2003 là 0,32%, năm 2004 là 0,67% và đến 2005 đã tăng vọt lên 1,25%.

Trong một nỗ lực cải thiện tình hình thị trường nhà đất, Nghị định 17, sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2003, được ban hành vào cuối tháng 1 đã tháo một số "nút" quan trọng. Theo đó, các nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án và quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng. Các dự án ngoài khu vực thành phố, thị xã, cũng được phép phân lô bán nền cho hộ gia đình và cá nhân.

Việc nới lỏng các quy định trong quản lý dự án phát triển bất động sản có vai trò tích cực trong việc nâng cao tính thanh khoản của thị trường này, giải toả nhiều ách tắc giúp các nhà đầu tư huy động vốn từ đó khôi phục các hoạt động đầu tư và phát triển nhà ở.

Ngoài ra Nghị định 17 cũng sẽ đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua việc cho người dân được ghi nợ tiền sử dụng đất khi làm giấy tờ nhà đất, tạo điều kiện cần cho hoạt động giao dịch.

Tuy việc thực hiện Luật Đất đai còn nhiều bất cập nhưng Nghị định 17 được đánh giá là một bước quan trọng làm thị trường ấm dần lên. Từ tháng 2, giá nhà đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên hoạt động đầu cơ những năm qua đã đẩy mức giá thị trường bất động sản ở Việt Nam lên mức quá cao so với thu nhập của người dân: giá nhà chung cư ở mức 500 - 1.000 USD/mét vuông so với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 600 USD một năm. Do đó, thị trường chỉ thực sự được khai thông khi giá thành tiến gần đến mức thực tế trong trung và dài hạn.

Trong khi thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp đang trầm lắng, thì thị trường căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại đang diễn ra vô cùng sôi động với sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài.

VinaCapital mới thành lập quỹ Vinaland đầu tư vào lĩnh vực BĐS với 200 triệu USD vốn (nhiều gấp 4 lần so với kế hoạch do thu hút được sự quan tâm, đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài). Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị quốc tế (IDJ) sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến đầu tư quy mô lớn tại SingaporeMalaysia để giới thiệu các dự án bất động sản đầy tiềm năng của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các lĩnh vực khác trong thị trường tài chính cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Các quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam đều tăng vốn hoặc mở thêm quỹ mới để đầu tư vào các lĩnh vực mới. VinaCapital có ý định trong năm tới sẽ mở quỹ Technology Fund nhằm đầu tư vào các dự án công nghệ cao, trong khi Dragon Capital vừa nhận quản lý quỹ thứ 3, Dragon Fund với số vốn 35 triệu USD (hai quỹ kia gồm VEIL (190 triệu USD) và Vietnam Growth Fund (90 triệu USD). Mekong Capital, hiện đang quản lý quỹ Mekong Enterprise Fund (28 triệu USD) trong tháng 5 sẽ ra mắt một quỹ mới với số vốn 40 triệu USD...

Ngoài ra, nhiều quỹ khác cũng đang rục rịch tham gia thị trường, trong đó có cả sự trở lại của những quỹ đã rời Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ trước với hi vọng tìm kiếm cơ hội mới. Điều này chứng tỏ niềm tin vào triển vọng Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn, hứa hẹn nhiều bước phát triển ấn tượng trong những năm tới.

Các văn bản liên quan