VCCI góp ý đối với hồ sơ xây dựng Khung chính sách Thương mại Việt Nam giai đoạn từ 2016 trở đi

Thứ Sáu 17:41 02-12-2016

Kính gửi: Vụ Pháp chế,
Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 10565/BCT-PC của
Bộ Công Thương ngày 04/11/2016 về việc đề nghị góp ý các tài liệu trong Hồ sơ
xây dựng Khung chính sách thương mại Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 trở đi,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về cơ bản các tài liệu trong Hồ sơ
xây dựng Khung chính sách thương mại Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 là đầy đủ,
công phu, thể hiện sự nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng của Ban soạn thảo đối với
các chính sách về thương mại.

Các tài liệu đã nêu bật được các
chính sách dự kiến được ban hành trong Luật sửa đổi Luật Thương mại sắp tới cũng
như giải trình khá cụ thể, thuyết phục về các lý do sửa đổi, thay thế, bổ sung
các chế định trong Luật Thương mại.

VCCI cho rằng, các chính sách được đề
xuất trong Hồ sơ về các vấn đề sau:

·
Xem
xét Luật Thương mại trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan qua đó xác định
chỉ giữ lại các quy định có tính đặc thù của hoạt động thương mại và thương nhân
trong Luật Thương mại;

·
Sửa
đổi một số quy định trong Luật Thương mại không còn phù hợp với thực tiễn, cản
trở quyền tự do kinh doanh của thương nhân

là cần thiết và hợp lý, phù hợp với xu thế chung trong
các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tính thống nhất của hệ
thống pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực
trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số điểm liên quan đến
các chính sách được đề xuất trong khung chính sách thương mại giai đoạn từ năm
2016, để hoàn thiện Hồ sơ như sau:

1.      Tính thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại

Một trong những chính sách quan trọng
trong đề xuất sửa đổi khung chính sách thương mại trong giai đoạn tới là: loại
bỏ các quy định có tính chồng lấn giữa Luật Thương mại và các văn bản pháp luật
khác và chỉ giữ lại các quy định có tính đặc thù của hoạt động thương mại. Đây
là chính sách đúng đắn, hợp lý, tuy nhiên lại chưa được thể hiện một cách triệt
để trong Đề cương xây dựng Luật cũng như các giải trình của tài liệu có liên
quan, cụ thể:


Về việc giữ lại một số quy định liên
quan đến đấu giá, đấu thầu, quảng cáo:

Chính sách được đề xuất hướng đến bỏ
các quy định về đấu giá, đấu thầu, quảng cáo chồng lấn với các quy định tại các
luật chuyên ngành, và giữ lại các quy định mang tính đặc thù. Việc loại bỏ các
quy định đã được quy định tại các luật chuyên ngành về đấu giá, đấu thầu, quảng
cáo là hợp lý. Tuy nhiên, Luật Thương mại vẫn tiếp tục quy định về đấu giá, đấu
thầu và quảng cáo dường như chưa hợp lý.

Bởi, hiện tại đã có các Luật chuyên
ngành quy định cụ thể, toàn diện về đấu thầu[1], đấu
giá[2]
quảng cáo[3],
và quy định tại các Luật này sẽ được áp dụng trực tiếp. Do đó, Luật Thương mại quy định về đấu thầu, đấu giá và
quảng cáo sẽ xảy ra hiện tượng: hoặc không thống nhất/chồng lấn với các luật
chuyên ngành hoặc mang tính tuyên bố chính sách, không được áp dụng trực tiếp,
do vậy quy định cũng trở nên ít ý nghĩa.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ
thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc đề xuất bỏ hoàn toàn các quy định liên
quan đến đấu thầu, đấu giá, quảng cáo trong Luật Thương mại.


Về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh,
kinh doanh có điều kiện

Theo quy định tại Luật Thương mại
2005 sẽ có Danh mục về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và
kinh doanh có điều kiện.

Hiện nay, Luật Đầu tư 2014 có quy định
về Danh mục về ngành, nghề cấm kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện.

Như vậy, sẽ có 2 loại Danh mục liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,
thương nhân, đó là Danh mục liên quan đến hàng hóa, dịch vụ và Danh mục liên
quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Và giữa các loại danh mục này đang có sự
chồng lấn, bởi vì:

·
Nếu
hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh thì sẽ không có các ngành, nghề kinh doanh
liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đó. Như vậy danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh
doanh và danh mục ngành, nghề dịch vụ cấm kinh doanh là chồng lấn với nhau;

·
Nếu
hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì trong nhiều trường hợp, điều kiện
được áp dụng đối với chủ thể kinh doanh. Trong khi đó ngành, nghề kinh doanh có
điều kiện thì điều kiện luôn được áp dụng đối với chủ thể kinh doanh ngành, nghề
kinh doanh đó. Như vậy, giữa hai loại danh mục này cũng có sự chồng lấn

·

một số loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng điều kiện đối với loại hàng hóa, dịch vụ
chứ không phải áp dụng đối với chủ thể, ví dụ: máy móc, thiết bị đã qua sử dụng
nhập khẩu, điều kiện được áp dụng đối với hàng hóa, còn không áp dụng điều kiện
đối với thương nhân nhập khẩu. Nếu xác định được các loại hàng hóa này thì sẽ
phân biệt được hai loại danh mục trên.

Liên quan đến quy định về hàng hóa, dịch
vụ trên, chính sách đang đề xuất là bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ hạn chế
kinh doanh và giữ lại các quy định liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh,
kinh doanh có điều kiện.

Điều này dường như chưa hợp lý và sẽ
xảy ra xung đột pháp luật giữa Luật Thương mại và Luật Đầu tư khi quy định liên
quan đến hoạt động kinh doanh có điều kiện của doanh nghiệp, với những phân
tích về tính chất của hai loại Danh mục trên.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề
nghị Ban soạn thảo
đề xuất chính sách theo hướng:

·
Bỏ
quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh – các quy định này sẽ được
quy định tại Luật Đầu tư

·
Bỏ
quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, trong đó quy định
về các điều kiện của chủ thể kinh doanh chứ không phải quy định về điều kiện đối
với hàng hóa, dịch vụ – các quy định này sẽ áp dụng quy định tại Luật Đầu tư

·
Ban
hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ có điều kiện – các điều kiện này áp dụng đối với
hàng hóa, dịch vụ chứ không phải là chủ thể kinh doanh.

2.      Về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh

Theo Đề cương Dự thảo Luật thì Điều
25 Luật Thương mại 2005 về hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh
doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng:


Bỏ
khái niệm “hàng hóa hạn chế kinh doanh” – đề xuất này là hợp lý


Quy
định các loại hàng hóa cấm kinh doanh gồm:

·
(1)
Hàng hóa là đối tượng của ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu

·
(2)
Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý ngoại
thương

·
(3)
Hàng hóa không thuộc danh mục được phép kinh doanh, lưu hành sử dụng

·
(4)
Hàng hóa mà việc kinh doanh vi phạm điều cấm tại các Luật chuyên ngành (vi phạm
về đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, an toàn trật tự, sức khỏe cộng đồng, chất
lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa …)

Các quy định dự kiến về hàng hóa cấm kinh doanh ở trên
có một số điểm chưa rõ ràng, ví dụ:

·
Không
rõ loại hàng hóa thứ (3) với các hàng hóa tại nhóm (1), (4) khác nhau như thế
nào? – vì đều là không được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng

·
Không
rõ tiêu chí nào để xác định các loại hàng hóa không được phép kinh doanh, lưu
hành?

·
Loại
hàng hóa (4) có một vài điểm chồng lấn với loại hàng hóa thứ (1), đó là các loại
hàng hóa là đối tượng của các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật
Đầu tư cũng có tính chất  là “việc kinh
doanh loại hàng hóa này có thể vi phạm về đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục,
an toàn trật tự, sức khỏe cộng đồng”.

Hơn nữa, sử dụng
tiêu chí “vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa …” để
xác định loại hàng hóa cấm kinh doanh
là chưa chính xác, bởi vì bản thân các loại hàng hóa đó không bị cấm kinh doanh
mà chỉ cấm hành vi kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Do đó, dường
như đang có sự nhầm lẫn trong việc xác định đối tượng bị cấm trong trường hợp
này.

Tóm lại, đề xuất chính sách đang xác định nhiều loại
hàng hóa bị cấm kinh doanh, tuy nhiên việc phân loai để xác định các loại hàng
hóa bị cấm kinh doanh còn thiếu rõ ràng khiến cho việc hình dung về loại hàng
hóa cấm kinh doanh gặp khó khăn.

Mặt khác, hiện tại đang có các quy định có liên quan đến
các loại hàng hóa bị cấm kinh doanh, cấm nhập khẩu, xuất khẩu tại các văn bản
pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh trùng lặp và đảm bảo tính thống nhất, đề
nghị Luật Thương mại không quy định về hàng hóa cấm kinh doanh.

Góp ý tương tự đối với quy định về “dịch vụ cấm kinh
doanh”.

3.      Về dịch vụ phân phối

Chính sách có đề xuất sửa đổi, bổ
sung một số quy định liên quan đến dịch vụ phân phối. Trong đó có đề xuất về nội
dung về hoạt động bán lẻ “điều kiện kinh doanh hoặc biện pháp kiểm soát trong một
số hình thức gồm bán hàng trực tiếp để đảm bảo quản lý nhà nước đối với việc kiểm
soát các hàng hóa cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng”.

Đề xuất trên có thể được hiểu là một
số hoạt động bán lẻ hàng hóa sẽ được kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Tuy
nhiên, nội dung chính sách này lại chưa được giải trình rõ về mối liên hệ về điều
kiện kinh doanh cho hoạt động bán lẻ của một số loại hàng hóa quy định tại Luật
Thương mại (sửa đổi) với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại
Luật Đầu tư 2014 (sắp tới là Luật sửa đổi Danh mục Luật Đầu tư 2016) như thế
nào.

Theo tinh thần của Luật Đầu tư thì chỉ
có những ngành, nghề kinh doanh được xác định trong Phụ lục 4 (Phụ lục 4 sửa đổi)
mới được quyền quy định về điều kiện kinh doanh. Như vậy thì hoạt động bán lẻ một
số loại hàng hóa dự kiến quy định tại Luật Thương mại có nằm trong Danh mục quy
định tại Phụ lục 4 không? Hay là một hoạt động kinh doanh mới không thuộc danh
mục?

Để đảm bảo tính minh bạch trong chính
sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ thêm về điều kiện kinh doanh của
nội dung hoạt động bán lẻ tại điểm 9 Đề cương Dự thảo Luật.

4.      Về khuyến mãi

Chính sách đề xuất bổ sung thêm các
hình thức khuyến mãi. Như vậy, so với quy định tại Luật Thương mại 2005, phương
thức quản lý đối với hoạt động khuyến mãi không
thay đổi
, tức là Luật quy định các hình thức khuyến mãi được phép thực hiện,
ngoài các hình thức được liệt kê thì thương nhân muốn khuyến mãi theo hình thức
khác thì phải được “cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận”.

Phương thức quản lý theo hướng liệt
kê các hình thức khuyến mãi được phép thực hiện có thể dẫn tới hiện tượng:


Không
thể bao quát hết các hình thức được thực hiện trên thực tế (việc bổ sung thêm một
số hình thức khuyến mãi theo đề xuất của chính sách cũng thể hiện bất cập của
hình thức quy định này), dẫn đến cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp


Phát
sinh gánh nặng về thủ tục hành chính khi doanh nghiệp phải xin phép cơ quan nhà
nước có thẩm quyền nếu có hình thức khuyến mại mới.

Để vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà
nước vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị điều chỉnh
chính sách về khuyến mãi theo hướng: bỏ quy định các hình thức khuyến mãi (tức
bỏ quy định tại Điều 92 Luật Thương mại), chỉ quy định về các hành vi bị cấm
trong khuyến mại.

5.      Về hoạt động thương mại điện tử

Các đề xuất chính sách liên quan đến
thương mại điện tử còn quá chung chung, chỉ nêu các đầu mục mà không nêu rõ nội
dung dự kiến sẽ là gì, chẳng hạn như:


Các
điều kiện của từng phương thức tiến hành hoạt động thương mại điện tử là gì


Các
hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử dự kiến là các hành vi nào?


Những
chủ thể nào có quyền thiết lập các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Để có thể nhận diện được tính hợp lý
của các chính sách dự kiến về thương mại điện tử, đề nghị Ban soạn thảo
quy định cụ thể hơn các chính sách về hoạt động thương mại điện tử, ít nhất là
các điểm trên.

Trên đây
là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các tài liệu trong Hồ sơ xây dựng
Khung chính sách thương mại Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 trở đi. Rất
mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Luật Đấu thầu 2013

[2]
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được trình Quốc hội và dự kiến sẽ được ban
hành trong năm 2017

[3]
Luật Quảng cáo 2012