VCCI góp ý DTTT hướng dẫn NĐ 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Thứ Sáu 16:42 25-11-2016

Kính gửi: Vụ Khoa học
–  Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 11722/BGTVT-KHCN
của Bộ Giao thông vận tải ngày 06/10/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông
tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2016/NĐ-C ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của
doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo
là cụ thể, rõ ràng, thống nhất với Nghị định 63[1],
có thể áp dụng được ngay trên thực tế khi văn bản phát sinh hiệu lực. Tuy
nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định
sau:

Các tài liệu gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra,
đánh giá lần đầu của đơn vị đăng kiểm quy định.

Điều 12 Dự thảo quy định, đơn vị đăng
kiểm phải cung cấp các tài liệu:


Hồ
sơ, giấy tờ chứng minh tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm thỏa mãn quy định tại
khoản 2 Điều 4 của Nghị định 63 (khoản 4)


Các
văn bản về nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng (kèm theo các bản vẽ
tổng thể, bản vẽ bố trí thiết bị, dây chuyền kiểm định) và phòng cháy chữa cháy
theo quy định của pháp luật hiện hành (khoản 5)

Khoản 1 Điều 21 Nghị định 63 quy định
hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới
bao gồm: Văn bản đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm
định xe cơ giới; Danh sách trích ngang các chức danh làm việc tại đơn vị đăng
kiểm kèm theo hợp đồng lao động theo quy định hoặc quyết định tiếp nhận đối với
đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; quyết định bổ nhiệm đối với phụ
trách dây chuyền kiểm định và người đứng đầu đơn vị đăng kiểm; Danh mục thiết bị
kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, thiết bị thông tin, lưu trữ, truyền số liệu theo quy
định. Các giấy tờ này tương ứng với các tài liệu quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều
12 Dự thảo.

Như vậy, các loại tài liệu quy định tại
khoản 4, 5 Điều 12 Dự thảo là chưa phù hợp/vượt quá  quy định tại Điều 21 Dự thảo.

Hơn nữa, xét về tính minh bạch, không
rõ hồ sơ, giấy tờ nào chứng minh “tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc
có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng,
sửa chữa xe cơ giới. Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là
công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng,
sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ
kiểm định xe cơ giới”[2]?
Việc quy định chung chung về loại tài liệu chứng minh điều kiện này khiến cho
các đối tượng áp dụng không có sự thống nhất trong thực tế áp dụng và đơn vị kiểm
định gặp khó khăn khi xuất trình các loại giấy tờ chứng minh.

Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch,
đề nghị Ban soạn thảo:


Bỏ
2 loại tài liệu trên ra khỏi Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động kiểm định xe cơ giới quy định tại Điều 12 Dự thảo, tức là bỏ khoản 4, 5 Điều
12;


Thiết
kế 1 điều khoản riêng hướng dẫn chi tiết các loại tài liệu chứng minh đơn vị
đăng kiểm không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 63 và các tài liệu
này sẽ được xuất trình khi cơ quan nhà nước kiểm tra việc chấp hành pháp luật của
đơn vị đăng kiểm, chứ không phải là tài liệu trình khi đề nghị cấp phép.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 63/2016/NĐ-C ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện
kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Nghị định số 63/2016/NĐ-C ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện
kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

[2]
Quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 63